Tóm tắt & Review Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán

0
11657
tuổi thơ dữ dội

Tóm tắt & Review Tuổi thơ dữ dội của tác giả Phùng Quán

1. Giới thiệu tác giả

Phùng Quán sinh năm 1932, quê tại xã Thủy Dương, Hương Thủy, tỉnh Thừa thiên Huế. Phùng Quán bắt đầu sự nghiệp văn thơ của mình trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, Phùng Quán tham gia Vệ quốc quân. Sau đó, ông hoạt động trong đoàn văn công Liên khu IV. Năm 1954, Phùng Quán làm việc tại cơ quan sinh hoạt Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm đầu tay của Phùng Quán là Vượt Côn Đảo, đã gây được sự chú ý và đưa Phùng Quán trở thành một trong những cây bút cách mạng nổi trội. Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội lần đầu được xuất bản. Ngoài hai tác phẩm nổi bật này, ông còn cho ra mắt nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại như thơ, bút ký, tiểu thuyết thơ…

Phùng Quán mất ngày 22 tháng 1 năm 1995 tại Hà Nội

Năm 2007, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” ra mắt lần đầu tiên vào năm 1988. Cho đến nay, sách đã được tái bản nhiều lần.

“Tuổi thơ dữ dội” là cuốn tiểu thuyết gồm 8 phần. Tác phẩm được khởi thảo bên Hồ Tây năm 1968 và được hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm – Huế vào năm 1986.

Tác phẩm thuộc dòng văn học cách mạng, lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Huế nói chung và đội thiếu niên Vệ quốc đoàn nói riêng. Nhân vật chính của tác phẩm bao gồm toàn bộ các chiến sĩ nhỏ tuổi thuộc đội Vệ quốc đoàn, trung đoàn 13 của Thừa thiên Huế.

Năm 1988, tiểu thuyết “Tuổi thơ dữ dội” nhận được giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam, sau đó đã được dựng thành phim.

3. Tóm tắt tác phẩm Tuổi thơ dữ dội

“Tuổi thơ dữ dội” kể về một trung đội Vệ quốc đoàn đóng tại mặt trận Thừa thiên Huế. Trung đội gồm 31 chiến sĩ nhỏ tuổi từ 10-15 tuổi. Truyện mở đầu bằng cảnh chen chúc của người dân Huế ở một bên cầu Bao Vinh, bên kia cầu là mặt trận. Họ chen nhau để tìm hiểu tin tức kháng chiến. Giữa lúc hỗn loạn, cậu bé Mừng lọt qua vòng vây của anh lính gác, chạy về bên kia cầu. Đã nhiều lần, cậu thấy bên phía mặt trận kia có một toán trẻ con, chúng được tập trận, đi hành quân… Và Mừng đã trà trộn vào đám trẻ ấy. Khi bị phát hiện lẻn vào, Mừng tha thiết xin đội trưởng cho mình được gia nhập đội. Em xung phong làm mẫu bộ môn nhảy từ thành cầu xuống sông để đội trưởng biết em có khả năng đánh giặc, em còn nói dối mình mất cha mẹ để được vào đội. Mừng có cha dượng và mẹ ruột. Mừng được gia nhập đội sau khi anh đội trưởng xin phép cấp trên, nâng tổng số đội thiếu niên Vệ quốc đoàn của Huế lên 31 em.

Trong trung đội gồm 31 chiến sĩ nhí này, mỗi em có một hoàn cảnh gia đình khác nhau, cách gia nhập đội chiến đấu cũng không em nào giống em nào. Chính vì vậy, câu chuyện về các em được Phùng Quán sắp xếp song song và xen kẽ nhau để tạo nên một bức tranh rực rỡ, nhiều gam màu nhất.

Lượm, gan góc và mưu trí. Lượm sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha Lượm là một cán bộ Việt Minh. Lượm thể hiện mình là một chiến sĩ cừ khôi với bản lĩnh vững vàng như một chiến sĩ trưởng thành ngay từ những ngày đầu tiên tham gia Vệ Quốc đoàn. Mọi người hay gọi Lượm sứt, là một chiến sĩ trưởng ban ám sát đồn Hộ Thành và rải truyền đơn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi được giao.

Nhưng rồi Lượm lại bị chính đồng đội của mình, Kim điệu phản bội và Lượm bị giặc bắt, tra tấn, kìm kẹp và đe dọa. Nhưng Lượm chưa bao giờ gục ngã. Nhưng Lượm đã không giữ được lòng mình, bật khóc và suy sụp khi chỉ huy trưởng bị bắt và nhà lao Thiên Phủ. Đó là một giây phút hiếm hoi yếu lòng của chú bé bởi vì em cũng vẫn chỉ là một đứa trẻ có sự ngây thơ.

Lòng yêu nước luôn luôn cháy rực trong con người bé bỏng đó, Lượm tìm cách vượt tù 3 lần bị bắt là cả 3 lần tìm cách bỏ trốn. Trong tuổi thơ dữ dội, Lượm là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho những đứa trẻ khác trong tù khi em luôn là một đại diện cho lòng yêu nước cháy bỏng và niềm tin hi vọng.

Cậu thiếu niên Vịnh – sưa là đội trưởng của tiểu đội 4. Vịnh gia nhập đội do chứng kiến bọn giặc hành hạ và giết hại nhiều người trong gia đình mình. Em xin theo một đội trinh sát sau vài lần được đội nhờ làm liên lạc. Đến khi Huế thành lập đội Vệ quốc đoàn, Vịnh được đưa về gia nhập đội. Em hi sinh ngay nhiệm vụ lớn đầu tiên của đội mình. Vịnh cùng ba em khác được cử vào một đội trinh sát cho trận đánh lớn sắp tới, em tình cờ lạc vào giữa lòng địch trong đêm trinh sát. Không hề nao núng, em tìm và đoán được phía sau ngôi nhà bị lạc vào là kho xăng đạn của giặc. Và Vịnh đã liều lĩnh leo lên cột cờ của khu nhà, đánh tín hiệu về đài quan sát. Giây phút ban chỉ huy nhận được tín hiệu yêu cầu bắn của Vịnh cũng là giây phút em phải hi sinh. Vịnh trở thành ngọn đuốc sống, thiêu cháy kho xăng đạn của giặc.

Quỳnh – sơn ca là cậu bé mang dáng dấp công tử, trắng trẻo, dịu dàng đến mức mỏng manh. Ấy vậy mà cậu bé lại là người đã dám từ bỏ gia đình giàu có nhưng lại là Việt gian của mình để vào chiến khu, đến chết cũng không tha thứ cho gia đình. Quỳnh là người chiến sĩ nhỏ đã cống hiến cho kháng chiến những bản nhạc hào hùng, làm trỗi dậy ý chí chiến đấu của toàn thể bộ đội lúc bấy giờ. Cái chết của Quỳnh là sự hi sinh mãnh liệt đến mức ám ảnh. Cậu bé đột tử sau khi gắng gượng hết sức tàn để hát bài ca cách mạng do chính em sáng tác, để nói cho những người thân muốn bắt em rời cách mạng rằng dẫu có chết, Quỳnh cũng sẽ chết tại chiến khu, với trái tim yêu cách mạng thuần khiết không gì lay chuyển nổi.

Bên cạnh đó, “Tuổi thơ dữ dội” còn kể cho chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện đẹp về người chiến sĩ, về những cậu bé sống hết mình cho cách mạng, những con người vì cách mạng mà dám từ bỏ nhà cửa, tài sản để cống hiến hết mình.

Và cuối cùng, là nhân vật chú bé Mừng. Mừng gia nhập đội trong một hoàn cảnh rất buồn cười. Cậu lẻn vào điểm danh với hi vọng không ai nhận ra mình. Đến khi mọi người phát hiện, cậu lại tha thiết xin đội trưởng cho nhập đội, cậu bé đã cởi phăng chiếc áo, chưa kịp nhận sự đồng ý của anh đội trưởng đã nhảy ùm xuống sông Hương để thực hiện khoa mục khó mà trong đội chưa em nào dám làm để nài nỉ anh cho em gia nhập đội. Vào đội rồi, Mừng tuy là đứa nhỏ con nhất đội nhưng việc gì em cũng dám làm, kể cả việc ôm bom cảm tử, em chỉ sợ quả bom to quá, em ôm không nổi.

Mừng yêu bạn, yêu chiến khu với trái tim ngây thơ vô cùng. Mừng là chú liên lạc kỳ tài. Nhỏ bé như vậy nhưng em đọc rành rõi bản đồ trận địa cứ như đã học từ trong bụng mẹ, đi trinh sát, dẫn đường chưa bao giờ Mừng đi sai. Ấy vậy mà, chỉ vì sự ngây thơ của mình. Mừng phải trả giá bằng cả mạng sống. Em bị đứa bạn đã từng cùng đội (nay đã trở thành gián điệp cho giặc) đánh lừa, Mừng bị cả chiến khu nghi ngờ em là Việt gian. Cậu bé ngây thơ đó, đến cả nghĩa của từ Việt gian, em cũng không hiểu hết. Em chỉ biết đó là một từ rất xấu xa, có hại với cách mạng mà thôi.

Mừng bị xa lánh, ghét bỏ và một mình chống chọi với cả chiến khu cho đến tận cuối câu chuyện. Nghiệt ngã thay, mẹ của em tìm đến chiến khu ngay thời điểm em bị xem là Việt gian. Chị trút hơi thở cuối cùng với nỗi day dứt và đau đớn đến vô tận. Và Mừng cũng thế, em ôm xác mẹ, kêu gào chỉ lặp đi lặp lại duy nhất một câu: “Con không phải Việt gian! Con là Vệ quốc đoàn!”.

Và Mừng cũng hi sinh. Trong thời khắc như mê dại đi vì nỗi đau mất mẹ, bị mẹ nghĩ là Việt gian, Mừng chợt bừng tỉnh. Em chạy đến đài quan sát đúng thời điểm cả đội quan sát trúng đạn, hi sinh dưới chân đài. Mừng được đội trưởng giao nhiệm vụ quan sát. Khoảnh khắc Mừng ra hiệu cho bom nổ, toàn bộ toán giặc chết, em cũng phải hi sinh. Câu nói cuối cùng mà Mừng nói với đại đội trưởng qua ống nghe, nó đã át hết tất thảy tiếng bom đạn: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí.”

Trận chiến kết thúc, Mừng được giải oan dù muộn màng. Em cùng mẹ được đưa lên chôn trên núi, nằm cạnh nhau. Ngọn núi ấy được chiến khu đặt tên: “Núi mẹ con em Mừng”.

4. Cảm nhận và đánh giá

Trước khi được đọc tác phẩm này, tôi đã từng nghĩ chiến tranh là những mảng màu đỏ rực máu, xám đậm khói súng và đen đặc bởi những hi sinh. Tôi cũng đã từng ngớ ngẩn khi cho rằng, lịch sử thật khô khan và lịch sử Việt Nam thì chán ngấy. Nhưng “Tuổi thơ dữ dội” đã thay đổi những suy nghĩ ngớ ngẩn ấy của tôi. “Tuổi thơ dữ dội” là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh, không ít bom đạn, thậm chí là tiếng đạn bom, khói súng cứ dày đặc trong từng trang viết. Thế nhưng, ở “Tuổi thơ dữ dội”, Phùng Quán không mang lại cho người đọc cảm giác sợ hãi chiến tranh. Mà là những xúc cảm đẹp đẽ của tình người, tình quân dân, tinh thần chiến đấu kiên cường của không chỉ bộ đội trưởng thành mà cả những chiến sĩ nhỏ tuổi.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, các em đã đi làm việc nước. Đọc những câu nói, câu lệnh của các cậu bé ấy: “Một kho xăng đạn lớn phía sau chỗ tôi đứng. Yêu cầu bắn” – bức điện ngắn gọn của Vịnh – sưa như một lời chỉ huy dũng mãnh, ám ảnh đến rùng mình. “Con có chết cũng không về mô” của Quỳnh cùng đôi mắt buồn bã lẫn căm giận cậu dành cho người thân của mình khiến tôi vừa thương, vừa ngưỡng mộ. Giây phút ấy, trước mắt tôi và trước mắt tất thảy các nhân vật trong truyện, Quỳnh không phải là một chiến sĩ nhí yếu ớt, xinh xắn, mà là một người chiến sĩ chỉ một lòng với cách mạng. Hay câu nói của Lượm: “Có chết tao cũng vượt ngục về lại chiến khu”, khẩu khí dám nhổ cả bãi nước bọt vào mặt những tên giặc đang tra tấn mình, tôi thật sự rùng mình và kính nể trước những chiến sĩ nhỏ tuổi nhưng tầm vóc không hề nhỏ ấy.

Và Mừng là nhân vật khiến tôi đặt nhiều tình cảm và cảm xúc vào nhất trong cuốn tiểu thuyết này. Mừng ngây thơ đến tội nghiệp, cậu bé mang cho tôi cái cảm giác muốn chở che như một cậu em nhỏ. Cái thời điểm Mừng bị cả chiến khu nghi là Việt gian, tôi đau đến quặn thắt lòng, tôi chỉ ước được vào trong câu chuyện, được ôm lấy bờ vai nhỏ xíu đang run lẩy bẩy vì sợ ấy, để bảo vệ em, để nói rằng, tất cả mọi người đều có thể bị cám dỗ, trở thành Việt gian, nhưng Mừng thì không bao giờ. Sự hi sinh của Mừng, vào cái giây phút trước khi chết, em vẫn đau đáu hai chữ Việt gian, lấy hết sức để cầu xin lòng tin: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí” Câu nói đó vừa thơ ngây, vừa đau lòng đến mức, bao nhiêu lần đọc cuốn sách này, tôi vẫn không kiềm được mà bật khóc nức nở. Khóc cho em và khóc cho cả một giai đoạn đất nước khó khăn ghê người.

“Tuổi thơ dữ dội” có giọng văn kể chân chất, đậm vùng miền với những câu nói rặt Huế. Nó mang đến cảm giác của một cuốn phim tài liệu đầy cảm xúc và rất đỗi chân thật. Cuốn tiểu thuyết dành cho tất cả chúng ta, tất cả lứa tuổi từ nhi đồng cho đến người lớn, dành cho mọi thời đại để biết, để nhớ về một thời oanh liệt đầy gian khó của đất nước. Tôi tin rằng, “Tuổi thơ dữ dội” sẽ là cuốn sách mang đến cho tất cả những người đọc nó những cảm xúc thật tuyệt vời và đáng nhớ.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

tuổi thơ dữ dội

Tóm tắt & Review Tuổi thơ dữ dội của tác giả Phùng Quán

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 24 Average: 4.3]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Tôi có thể nói thẳng với anh – Phạm Cao Tùng
Bài tiếp theoTóm tắt & Review Không tự khinh bỉ không tự phí hoài – Vãn Tình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây