Tóm tắt & Review sách Mẹ làm gì có ước mơ – Hạ Mer

0
1275
Mẹ làm gì có ước mơ

Tóm tắt & Review sách Mẹ làm gì có ước mơ – Hạ Mer

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách được chắp bút bởi tác giả Hạ Mer.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Mẹ làm gì có ước mơ” sẽ giúp bạn thêm trân quý từng khoảnh khắc bên cạnh những người mà mình yêu thương.

3. Tóm tắt nội dung sách Mẹ làm gì có ước mơ

Bố mẹ có sinh nhật đâu!

Ngày nhỏ, dù nhà có nghèo khó đến đâu nhưng mỗi lần sinh nhật nó, bố mẹ đều mua ít bánh kẹo mừng sinh nhật. Trẻ con mà, thấy có nhiều bánh kẹo và nhận được những lời yêu thương từ mọi người là vui lắm.

Bố mẹ nó đi làm quanh năm suốt tháng, tuyệt nhiên chẳng có lấy một ngày sinh nhật. Giấy tờ cũ cũng chỉ ghi mỗi năm sinh, nó thắc mắc lắm bèn hỏi bà nội. Bà nội

bảo ngày xưa chỉ nhớ là sinh vào đầu hè, ngày mà nắng oi ả chói chang, chứ nhà đông con lo chục miệng ăn, nhớ sao được sinh ngày mấy, tháng mấy. Thế là nó tự “vẽ” ra một ngày, chọn làm ngày “sinh nhật bố mẹ’’.

Chiều hôm ấy, nó bí mật mua một chiếc bánh kem và ít bánh kẹo, rồi ghi một tấm thiệp nhỏ xinh kèm một món quà. Hôm nọ thấy bố bảo ví bố rách rồi nên mua tặng bố một chiếc ví mới. Bố mẹ đi làm về vẫn như thường ngày, đi tưới rau, quét sân, cho gà ăn, nấu cơm, rồi đi ra đầu ngõ xóm ngồi chơi cho mát.

Chập choạng tối, chuẩn bị dọn cơm ăn, chiếc bánh kem trang trí đơn giản kèm dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật bố mẹ” được mang ra. Bố mẹ ngạc nhiên lắm, niềm vui và hạnh phúc chẳng thể giấu nổi trên gương mặt.

Mẹ thì lúc nào cũng có câu: “Chúng mày chỉ giỏi bày vẽ, mua nhiều thứ thế này làm gì cho tốn tiền”, nhưng trong lòng thì vui và xúc động lắm.

Bác Hoài đứng ở sân thấy thế cũng cười bảo: “Tôi về làm dâu bao năm nay, mới thấy bố mẹ mày lần đầu có sinh nhật. Sướng nhá, con cái lớn, trưởng thành biết nghĩ cho bố mẹ cả rồi.”

Sinh nhật chẳng dành riêng cho trẻ con đâu, vì người lớn như bố mẹ cũng có một trái tim cần được yêu thương. Thi thoảng nó vẫn hay hỏi mẹ rằng: “Mẹ có bao giờ hỏi mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì không?”. Mẹ bảo mẹ chẳng biết, chỉ biết đi làm từ sáng đến tối có tiền lo cho con cái đủ ăn đủ mặc, được đi học đầy đủ, bận quá chẳng có thời gian đâu mà tự hỏi mấy câu đó.

Vậy mà chớp mắt đã đi hết một nửa cuộc đời, lần đầu được ăn chiếc bánh kem ngon như thế, lần đầu được thổi nến, lần đầu có sinh nhật và cũng là lần đầu được đón nhận thành quả sau bao năm dưỡng dục những đứa con của mình. Món quà lớn nhất của bố mẹ chắc có lẽ là nhìn thấy con cái hạnh phúc trưởng thành, còn món quà to lớn nhất của chúng con là bố mẹ đã xuất hiện trong cuộc đời của mình.

Làm bố cô đơn lắm!

Trong ký ức của nó, bố không giống trụ cột gia đình, mẹ lúc nào cũng vất vả chạy ngược chạy xuôi. Trong ký ức của nó, bố lúc nào cũng say mèm, nồng nặc mùi rượu bia.

Nhưng sau này lớn hơn một chút, nó nhận ra hình như lúc nào nó cũng chỉ ghi nhớ những ký ức xấu nhất của bố, còn lúc bố đẹp, bố tốt nhất thì sao?

Chẳng phải là dáng vẻ vụ mùa, bố dậy sớm đi cấy, chân tay lấm lem đầy bùn đất. Chẳng phải là đôi vai gầy gánh lúa áo ướt đẫm mồ hôi. Những giấy tờ, con số lằng nhằng nó nhờ bố xin dấu hộ, để rồi khi nó đi làm xa không có bố nhờ vả, nó đã lóng ngóng biết chừng nào.

– Nãy nghe tin mày sắp về đến nhà, bố mày mừng lắm đấy, đi đi lại lại, xong còn quét sân sạch sẽ nấu cơm đàng hoàng, còn nhiều thời gian thì tranh thủ về thăm bố mẹ đi, ông bà ở nhà lủi thủi một mình buồn lắm đấy.

Nó hơi sững người, vì bố chẳng bao giờ nói chuyện hay bày tỏ cảm xúc yêu thương, cứ âm thầm làm những điều bình thường nhất. Nó luôn bảo rằng, con không hoàn hảo, con không muốn giống ai cả, bố mẹ đừng bắt con phải thế này thế kia. Nhưng cách nó đang đối xử với bố thì sao?

Bố cũng không hoàn hảo con à. Bố cũng muốn như những bố mẹ khác, muốn cho con một cuộc sống đủ đầy. Không phải bố không cố gắng, mà là sức bố có hạn. Bố mẹ mỗi ngày một già đi, sức khỏe có đôi phần không tốt, những thứ các con làm đến bây giờ bố mẹ chẳng hiểu nữa rồi.

Bố cũng cô đơn lắm con à. Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, khi không có ai thấu hiểu và lắng nghe. Bố không phải một người bố to lớn vĩ đại như trong sách vở, bố chỉ là một người bình thường thôi.

Chiếc ghế đỏ đầu hè bố ngồi, ánh mắt nhìn xa xăm. Những ngày tháng cứ thế vội vã đi qua, con cũng chẳng còn nhớ nổi tóc bố đã bạc từ bao giờ. Làm bố nhiều lúc cô đơn lắm, nhưng được làm bố của các con là một thiên chức tuyệt vời.

Sợ tết…

– Mẹ ơi, sao năm nào nhà bác Hiền cũng có đào với quất thế, còn nhà mình thì không?

– Đào với quất làm gì cho chật nhà, để mấy hôm lại héo vứt đi.

Sau này nó mới biết đó là một lời nói dối. Tết ai cũng thích trong nhà có cây này cây kia, nhưng tiền ấy mẹ để dành mua cho chúng nó một bộ quần áo mới mặc được cả năm. Người ta bảo nhau đừng mua hoa ngày ba mươi Tết, nhưng có những nhà đến ngày ba mươi Tết rồi cũng chẳng có tiền mà mua hoa. Mấy ngày cận Tết gần như nó không thấy bố mẹ lần nào. Mẹ đi làm giò chả trên tỉnh từ ba giờ sáng, giữa trời mưa lạnh rét mướt đến tận tối muộn mới về, lúc ấy mấy đứa nhỏ đã đi ngủ hết rồi, mẹ lọ mọ khổ cực mệt mỏi lắm nhưng cố vì Tết, vì con, vì bánh chưng nhân thịt.

Ở nhà chỉ có ba bà cháu chăm nhau. Bà lọ mọ dậy từ sáng sớm ngâm gạo, ngâm đậu, rồi chẻ lạt, rửa lá. Bà bảo Tết không có đào có quất thì phải có đôi ba đồng bánh mà thắp hương cho ông bà tổ tiên. Năm nào cũng vậy, ba bà cháu nó tự gói bánh. Chiếc bánh tuy không vuông vắn đẹp đẽ như nhà người ta, có đôi chút vụng về, nhưng bà cháu nhìn nhau rồi cười tự nhủ “méo mó có hơn không”. Gói xong lại đem đi gửi nhà bác cả nấu hộ.

Đến chiều ba mươi, mẹ mới đem về một túi hạt dưa đo đỏ, ít kẹo ngô và nước bí đao, thế là đủ, là nó biết Tết đã về đến bên hiên nhà. Mâm ngũ quả nó bày trông thật xinh, tờ tiền hương hoa cũng đủ cả, đồng bánh hôm qua gửi bác nấu nay đã chín rồi, đem lên cúng mời các cụ về ăn Tết. Tiếng pháo hoa, tiếng nhạc hòa vào làm một, trong lòng mấy đứa trẻ xốn xang. Ngày Tết đoàn viên sum họp, ai cũng sắm sửa quần áo mới, vui vẻ nhưng nó sợ Tết lắm. Vì mẹ lại phải lo toan đủ thứ tiền nong, rồi quần áo mới, rồi lại thức khuya dậy sớm nấu cỗ nấu bàn chẳng lúc nào được nghỉ ngơi. Những đứa trẻ háo hức để đến Tết được nhận lì xì, còn nó chỉ mong đôi vai mẹ bớt nặng hơn một chút.

“Mẹ ơi, Tết chắc không dành cho người nghèo mẹ nhỉ?”

“Chỉ cần là được sum vầy, nhìn con cái mình hạnh phúc, thì giàu hay nghèo cũng là Tết con ạ.”

Nó thương bố, nhưng từng hứa không lấy người như bố.

Trước khi mối quan hệ bố con của nó được cải thiện thì hơn hai chục năm qua nó và bố không bao giờ nói chuyện quá hai câu ngoài “bố về ăn cơm”, “hôm nay bố có đón em không?”.

Người ta thường nói con gái là bình rượu mơ của bố nhưng sự thật thì bố nó có rượu nếp, rượu Yên Phú, rượu Kim Sơn, rượu chuối hột và rượu chè cờ bạc.

NÓ TỪNG GHÉT BỐ.

Vì những đồng học phí của nó đều phải xin mẹ, vì những buổi họp phụ huynh bố đều vắng mặt, vì những ngày lễ tết sum vầy bố bận đi trực. Vì đến ngay cả việc nó vui mừng khoe với bố việc đỗ vào trường cấp ba công lập bố cũng gạt tay đi “con gái học gì lắm”.

– Ngày trước bố có thế không?

Nó tò mò hỏi mẹ. Vì trong ký ức của nó bố thật tệ, chẳng giống như trụ cột gia đình tí nào.

– Ngày xưa không như vậy, cưới nhau có con mới quá ra như vậy.

Câu trả lời của mẹ càng khiến nó tò mò, càng khiến nó thêm ngờ vực và muốn đi tìm câu trả lời. Mùa hè năm ấy, nó dọn đồ chuẩn bị bước sang một chặng đường mới, nó đã từng vui mừng vì sắp thoát ra được đống lộn xộn ký ức. Trong lúc sắp xếp đồ đạc, sách vở nó vô tình thấy “nhật ký của bố”. Thì ra người đàn ông ấy cũng mang trong mình thật nhiều những tâm sự mà không thể kể cho ai, ngay cả người bạn đời của mình. Bố cũng viết, viết về những sai lầm của mình trong quá khứ.

Sự yêu thương đùm bọc của bà nội thành “chiều quá sinh hư”, bố biết mình sai nhưng không có cơ hội để quay đầu sửa chữa. Bố cũng không biết phải làm gì khi có con đang tuổi quá trẻ, những áp lực và tính chất công việc không có thời gian dành cho gia đình và các con, và ngay cả bố cũng không có đủ kinh tế để gánh vác cả gia đình. Sự bất lực, nuối tiếc kèm thất vọng của bố khiến nó cay mắt. Nó cảm thông với bố hơn một chút. Ít ra nó cũng hiểu lý do tại sao bố hút nhiều thuốc, cư xử như vậy. Nó không trách bố nữa mà nó thương bố nhiều hơn.

NÓ THƯƠNG BỐ, cũng thương cả cuộc đời mình.

4. Đánh giá sách Mẹ làm gì có ước mơ

Cuốn sách khiến mình rất cảm động! Thế giới chạy nhanh, con người tất bật, chúng ta dần lãng quên đi những người thân thương nhất, quên gửi tới họ những lời yêu thương, thật đáng buồn nhỉ! Và cuốn sách này sẽ khiến bạn nhớ lại, thúc đẩy bạn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Gấp lại cuốn sách, hãy nhớ đừng chỉ mải chạy theo ước mơ của mình mà quên mất những người đã hy sinh cả cuộc đời để mình có cơ hội thực hiện ước mơ ấy. Có thể gọi điện về nhà thường xuyên hơn, hoặc nếu có thể, hãy trở về nhà nếu đã đi đủ lâu.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Mẹ làm gì có ước mơ

Tóm tắt & Review sách Mẹ làm gì có ước mơ – Hạ Mer

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Là đánh mất hay chưa từng có – Gari Nguyễn Thị Yến Phượng
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Học yêu mình sau muôn vẻ nỗi đau – Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây