Tóm tắt & Review tiểu thuyết Làm đĩ – Vũ Trọng Phụng

0
9153
Làm đĩ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Làm đĩ – Vũ Trọng Phụng

1. Giới thiệu tác giả

Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 – 13/10/1939 (Hà Nội), sinh ra ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Ông còn có bút danh khác là Thiên Hư.

Vũ Trọng Phụng là nhà báo, nhà văn hiện thực xuất sắc sáng tác trong giai đoạn đầu thế kỉ XX. Phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng hướng đến sự thực tế, tính thời sự, nhằm vào những vấn đề về xã hội, nhân sinh đương thời. Văn của ông hóm hỉnh và đầy trào phúng, những sáng tác của “ông vua phóng sự đất Bắc” luôn có sự “mỉa mai” một cách sâu cay, phơi bày những điều xấu xí của hiện thực mà xã hội luôn muốn che đậy chúng.

Một số tác phẩm tiêu biểu: Số đỏ, Làm đĩ, Giông tố, Kỹ nghệ lấy Tây…

2. Giới thiệu tác phẩm

Làm đĩ đã từng bị coi là “văn chương dâm uế”. Ra đời vào thời điểm cuối mùa của tư sản hóa, ai cũng hô hào “Âu hóa” nhưng lại giữ khư khư những định kiến, nghi kỵ, luôn cố gắng dối trá và che đậy những vấn đề về quan hệ nam nữ, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng như đứa con ghẻ bị ghét bỏ của văn chương, là thứ cho người ta dè bỉu và phán xét về cái gọi là “sự dâm”.

Ngòi bút của Vũ Trọng Phụng chưa bao giờ rời xa thực tế, và Làm đĩ lại càng là một tác phẩm “thật”. “Thật” vì cả câu chuyện giống như một bài phóng sự về cuộc đời của Huyền, rằng cô làm thế nào mà từ “con nhà lương thiện, con một ông phán, cháu một đốc tờ…” đến một cô gái làng chơi sành sỏi. Làm đĩ là một tấn bi kịch cùng quẫn và đau khổ, không phải chỉ của một mình Huyền, mà còn là của con người.

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Làm đĩ

Làm đĩ là câu chuyện cuộc đời của Huyền qua bốn giai đoạn: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc. Cuốn tiểu thuyết như một bài phóng sự trên trang giấy, mở đầu bằng cảnh hai người bạn “tôi” và “Quý” lâu ngày không gặp, quyết định rủ nhau đi xem cái gọi là “trình độ mãi dâm” của chốn thành thị nó ra làm sao, “tiên tiến” đến mức nào. Và họ gặp Huyền, một gái làng chơi, cũng là một người bạn cũ.

Từ đây, câu chuyện đời Huyền mở ra từ những ngày còn đi học, công dung ngôn hạnh, được những người bạn học si tình yêu mến gọi là “Nàng Thơ”. Huyền sinh ra trong một gia đình khá giả với người cha làm việc cho Tây, sống một đời sống “Âu hóa” nửa mùa và câu trả lời cho những thắc mắc của Huyền về những vấn đề giới tính bị lấp liếm bởi câu nói “Bao giờ lấy chồng con sẽ rõ…”. Cô bé Huyền ngây thơ bị giam giữ trong vòng ngu muội hóa ra lại càng tò mò hơn khi mà đám trẻ xung quanh cô luôn miệng bàn tán về chuyện quan hệ, rằng người lớn làm thế nào để ra được em bé? Rồi Huyền biết đến cái chuyện thủ dâm. Những điều mơ hồ ấy cuốn Huyền vào ải đày đọa của nhục dục.

Phong trào tiến bộ nổi lên, những đức hạnh, nề nếp mà Huyền cố giữ gìn chừng như đã bị cuốn đi hết. Huyền bắt đầu hư hỏng, từ những món đồ hở hang phơi bày xác thịt, đến chuyện chơi bời trai gái. Đời đưa đẩy cô tiểu thư tân thời đến với Lưu – người anh họ xa đang cùng đèn sách với anh của Huyền.

Huyền và Lưu cùng nhau “va vào ái tình” trong cái đêm định mệnh khi cả hai cùng không ngủ được vì “sự thị uy của ái tình” đến từ bố Huyền và cô vợ bé. Hai người cố giấu diếm những chuyện tình tứ đôi bên, cùng bàn đến chuyện chạy trốn. Nhưng đời nào có như mơ, khi biết Huyền đã được định sẵn sẽ được gả Kim, Lưu tuyệt vọng đã tự tử chết, kết thúc mối tình vụng dại đầy bi thảm.

Kim là con nhà giàu, Huyền lấy chồng cũng được hưởng lộc nhà chồng, được cho ở riêng, vừa không phải làm dâu vừa có kẻ hầu người hạ, không cần màng đến chuyện con cái. Kim là một kẻ rất sùng “Âu hóa”, luôn hết mực nâng niu, chiều chuộng vợ theo kiểu Tây. Nhưng cũng vì tiền tài, địa vị của vị đại gia đào hoa tên Tân, Kim đã đem vợ mình ra làm mồi nhử, vô tình tiếp tay cho một cuộc ngoại tình. Huyền và Tân vụng trộm mà không có chút nghi ngờ nào từ Kim, anh ta còn khen Huyền là tân thời, là rộng đường giao tiếp. Cuối cùng đến một ngày, “cuộc truy đuổi ái tình” đã hồi kết, Kim phát hiện ra Huyền cắm sừng mình và ngoại tình với Tân, giáng Huyền xuống làm phận con sen, tôi tớ. Từ đây, Huyền bước vào chặng đường tăm tối nhất của đời mình, sống những ngày tháng khốn đốn, tủi nhục.

Rơi vào bí bách, Huyền tìm đến Tân để mong người tình cứu rỗi cuộc đời mình. Không may Tân lại là kẻ bội bạc, chỉ muốn sự tự do, ham hố cái thú vui nhân tình rồi lại thoái thác. Tân lấy cớ né tránh Huyền, rồi đưa cho Huyền hai chiếc nhẫn kim cương coi như “trả công”, để phòng thân lỡ có bị chồng bỏ.

Huyền cảm thấy bản thân bị sỉ nhục, bị coi như gái đĩ thượng lưu nên đã từ chối rồi bỏ về. Suốt những ngày tháng nhẫn nhục trong xó bếp, Huyền chịu đựng sự lạnh nhạt của chồng, luôn ôm hy vọng hão huyền rằng Kim sẽ tha thứ cho mình. Và rồi một ngày, Huyền quyết định bán nữ trang để đi tìm Tân, muốn bắt Tân phải chịu trách nhiệm, nhưng người chưa tìm thấy mà tiền đã gần cạn, Huyền đành bán mình cho làng chơi. Và thế là, một đời trụy lạc của Huyền bắt đầu từ đó.

Cuối tác phẩm, Huyền trao cho nhân vật “tôi” một cuốn vở ghi chép lại quãng đời tan nát của mình. Quyển vở như một cuốn tự truyện mà Huyền hy vọng câu chuyện trong đó sẽ được công bố với thiên hạ “cái mảnh đời tai hại ấy”. Hành động ấy có lẽ đang cứu vớt lại cuộc đời Huyền, một cuộc đời tàn tạ mà cũng không thể bỏ đi hoàn toàn được, nay lại trở thành tấm gương soi, là lời cảnh tỉnh cho đám đàn bà con gái khác trong cái xã hội mục ruỗi đương thời.

4. Đánh giá tiểu thuyết Làm đĩ

Một thiên tiểu thuyết phụng sự cái dâm?

Không, Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng không chỉ đơn thuần nói về cái dâm, mà còn nhiều hơn thế. Người ta buộc tội tác phẩm của ông là “văn chương dơ dáy”, là đồi bại và phản cảm, rằng ông đang mượn danh “hiện thực” để viết văn gợi dục. Nhưng ấy hẳn là do họ không hiểu những gì Vũ Trọng Phụng viết trong văn của ông là chỉ là những điều hiện hữu mỗi ngày, rất đỗi bình thường mà xã hội luôn muốn giấu nó đi vì sợ và định kiến.

Vũ Trọng Phụng hiểu về bản chất của cái dâm, rằng cái dâm không xấu, nó là một thứ cao thượng và thiêng liêng, tiếp nối nòi giống cho con người. Cái dâm là thuộc về sinh học chứ không thể bị kìm hãm vì luân lý. Vũ Trọng Phụng không ca ngợi cái dâm, vì cái dâm dẫn đến trụy lạc. Nhưng ông cũng không phê phán cái dâm, vì cái dâm là một lẽ tự nhiên của đời sống.

Làm đĩ của văn sĩ họ Vũ tiếp tục mỉa mai xã hội “Âu hóa” lệch lạc, làm những nề nếp và lề thói trở nên kệch cỡm, thô thiển bằng cái mác “văn minh”, “tiến bộ” nhưng cũng cùng lúc nói đến những cái “dở hơi dở hồn” của con người, đặc biệt là những bậc làm cha mẹ, cố gắng che giấu những kiến thức chính đáng về giới tính ở tuổi dậy thì trong khi chẳng biết ý tứ mà quan hệ ngay trước mắt con trẻ.

Cách đây gần một trăm năm, Vũ Trọng Phụng đã nghĩ đến giáo dục giới tính trong nhà trường và gia đình, nghĩ đến những ý niệm về tình yêu và tự chủ hạnh phúc trong hôn nhân. Chính những điều này mới là cấp tiến, là văn minh và tiến bộ thật sự. Ông viết ra Làm đĩ  vì tinh thần trách nhiệm, vì muốn nói lên tầm quan trọng của giáo dục giới tính, vì để cảnh báo những người đương thời trước nạn mại dâm và lối sống sa đọa và vì để cho người đời thấy được những sai lầm của xã hội “nửa nạc nửa mỡ” đang dần tước đi đạo đức và nhân quyền của chính con người.  Những điều mà đến tận ngày nay chúng ta mới nghĩ tới và bắt đầu hành động vì nó.

Có lẽ ngay từ đầu, Làm đĩ đã được định sẵn sẽ là một tác phẩm vượt thời đại. Cuốn tiểu thuyết chứa đựng những triết lý sâu sắc ẩn mình sau những hiện thực chua chát mà Vũ Trọng Phụng đã “phô” ra. Dù đã trải qua cả một thế kỷ, nhưng tính giáo dục và tính thời sự của Làm đĩ chưa bao giờ là cũ.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Làm đĩ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Làm đĩ – Vũ Trọng Phụng

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review phim Khúc biến tấu ánh trăng – Trương Bác Dục
Bài tiếp theoTóm tắt & Review phim Lời hồi đáp 1988 – Shin Won Ho

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây