Tóm tắt & Review tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

0
719
Khu vườn mùa hạ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

1. Giới thiệu tác giả

Kazumi Yumoto sinh năm 1959 là một nhà biên kịch kiêm nhà văn người Nhật, bà tốt nghiệp trường Đại học Âm nhạc Tokyo và từng viết kịch bản cho các vở opera cũng như các chương trình trên truyền hình, radio.

Những tác phẩm của Kazumi Yumoto vừa nói lên bản chất của cảm xúc con người đồng thời cũng đem vào trong đó những yếu tố của nền văn hóa ở nông thôn Nhật Bản.

Xuyên suốt các tác phẩm của bà là sự đấu tranh không chỉ của riêng cả trẻ thơ mà còn cả người trưởng thành về sự sống và cái chết, chính điều đó đã trở thành sự tò mò thoáng qua khiến các nhân vật đều dấn thân để đi tìm câu trả lời cho thắc mắc đó.

2. Giới thiệu tác phẩm

Khu Vườn Mùa Hạ kể về hành trình tìm hiểu cuộc sống và dần trưởng thành của ba cậu học sinh lớp 6 (lớp cuối cấp của bậc tiểu học Nhật Bản). Câu chuyện nhẹ nhàng và dung dị về bài học sự có được và mất đi, của niềm vui đến từ những điều giản dị. Sách không dành riêng một ai, không riêng cho trẻ con mà cũng chẳng riêng cho người lớn; đây là câu chuyện dành cho mùa hạ và cả những ai yêu hương vị bình dị và rất đỗi giản đơn của mùa hạ nữa.

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ

Một tình bạn kỳ lạ

Nội dung cuốn sách “Khu rừng mùa hạ” rất đơn giản, giản dị tới mức bình dị. Nó chỉ là câu chuyện kể về ba cậu bé – những cậu bé luôn thắc mắc về những thứ xung quanh mình, luôn trăn trở suy nghĩ về những khái niệm trừu tượng không thể có những lời giải thích rõ ràng như: Cái chết là như thế nào, nó có đáng sợ như người ta thường nói hay không; Ma quỷ là những sinh vật ra sao? Và vào một dịp khéo léo và tình cờ, ba cậu bé gặp một cụ già khá khó tính với một mục đích vô cùng “đặc biệt” … muốn xem người già khi chết sẽ như thế nào! Nhưng rồi dần dần, khi ba cậu đã thân thiết với ông cụ ấy hơn, mục đích kỳ dị của các cậu cũng biến mất theo, thay vào đó các cậu nhận được những bài học rất đặc biệt về cuộc sống. Ba cậu bé giúp ông cụ sửa nhà, chăm sóc vườn hoa, giặt và phơi quần áo… Được ông cụ dạy cho gọt lê, học chữ Hán và học được nhiều điều lạ: ” Việc già đi, lưng còng xuống, mặt nhiều nếp nhăn cũng mang nhiều ý nghĩa”.

Kết thúc câu chuyện, khi mùa hạ qua đi, ông cụ cũng đã ra đi mãi mãi. Bọn trẻ lúc này đã hiểu được cái chết- điều mà chúng cố tìm hiểu từ khi bắt đầu. Quan trọng hơn, chúng hiểu được sự mất mát khi người thân ra đi và chúng đã thật sự trưởng thành- không còn sợ hãi thế giới bên kia nữa, vì ít ra, nơi đó có một người thân quen với chúng.

Bài học cuộc sống kỳ lạ và đầy ý nghĩa

Khu Vườn Mùa Hạ không chỉ mang ý nghĩa tường thuật, kể lại câu chuyện tuổi thơ thật kỳ lạ và khác biệt của các cậu bé, mà nó còn để lại ấn tượng sâu đậm với người đọc bởi những bài học trong giai đoạn phát triển trong cuộc đời mỗi con người, từ trẻ con trở thành thiếu niên (dậy thì) với những bất ổn trong tâm lý và ảnh hưởng tới sự hình thành nhân cách con người. Bởi vì nó được xen lẫn với những câu chuyện của người lớn, những người từng trải đời với những ký ức xót xa, đau đớn, dằn vặt: Đó là câu chuyện ông cụ phải nhẫn tâm giết một người phụ nữ đang mang thai trong thời chiến để giữ sự an toàn cho chính bản thân. Một câu chuyện tàn nhẫn và đau lòng đến kinh người – một lúc giết hai sinh mạng, phải “diệt cỏ tận gốc” sinh vật cùng giống loài với mình. Qua đó ta thấy rõ ràng sự khắc nghiệt, sự nhẫn tâm, sự bất đắc dĩ làm trái lương tâm chiến tranh mang đến cho bao người. Hay đó là câu chuyện ông cụ phải chia tay người vợ thân yêu của mình vì không thể chịu đựng được hơn nữa sự dằn vặt trước tội ác một lúc giết hai mạng người của chính mình. Những nhớ nhung, mất mát khi chia tay vợ khiến ông cụ suy sụp nhưng cũng phải cố gắng sống tiếp… cho đến khi gặp ba cậu bé, những cậu bé ngây thơ, tinh nghịch nhưng cũng không kém phần tốt bụng và biết cảm thông, suy nghĩ vì người khác. Ông cụ cũng từ đó đã được an ủi phần nào, cũng phần nào vơi đi nỗi lòng của mình khi có sự sẻ chia và làm bạn của ba thiên thần nhỏ.

Đôi khi thay đổi sẽ giúp cuộc sống tốt hơn

Khu Vườn Mùa Hạ được kể rất nhẹ nhàng và yên tĩnh. Nhưng bên dưới lớp ngôn từ giản dị ấy, ta nhận ra mỗi nhân vật đang dần thay đổi. Kiyama không còn nghĩ mình yếu đuối, dám đương đầu với người khác để bảo vệ bạn mình; cậu đã có thể ngăn cản mẹ uống rượu và tự tay gọt lê cho bà. Yamashita đã thôi tự ti về thân mình quá khổ và ước mơ trở thành chủ cửa hàng cá của mình. Wakabe đã có thể đối diện với sự thật, kể ra câu chuyện thật sự về cha mình; ông không phải lính cứu hỏa hay thám tử, ông ta chỉ là một người đã có gia đình và những đứa con khác mà thôi. Ông cụ cũng đã thay đổi, ông không còn xem tivi suốt ngày và chỉ ăn thức ăn nhanh nữa, ông cùng ba đứa trẻ dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua thực phẩm tươi.

Không biết từ lúc nào tất cả đã thay đổi. Có lẽ do giọng văn quá đỗi nhịp nhàng và chậm rãi, ta không thật sự nhận ra quá trình thay đổi của các nhân vật, chỉ biết, khi ngẫm lại, họ đã khác trước. Bọn trẻ đã trưởng thành và ông cụ cũng sống tốt hơn. Từ một trò chơi thám tử thất bại, họ đi vào cuộc đời của nhau, chấp nhận nhau và cùng nhau thay đổi.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Khu vườn mùa hạ

Không gai góc và ủy mị, những trang viết của Kazumi bừng lên nét trong trẻo hồn nhiên đẹp đẽ, từ xúc cảm đến tâm hồn mỗi nhân vật. Lối kể giản dị chân phương nhưng giàu tính biểu cảm của Kazumi khiến câu chuyện có sức lay động mạnh mẽ, bản thân mỗi chi tiết dường như là một gam màu tuyệt đẹp tạo nên bức tranh Khu Vườn Mùa Hạ lung linh mà bất cứ ai đã một lần đọc sẽ khó thể nào quên…

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Khu vườn mùa hạ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review truyện ngắn Mùa lạc – Nguyễn Khải
Bài tiếp theoTóm tắt & Review truyện ngắn AQ chính truyện – Lỗ Tấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây