Tóm tắt & Review truyện ngắn Mùa lạc – Nguyễn Khải

0
5010
Mùa lạc

Tóm tắt & Review truyện ngắn Mùa lạc – Nguyễn Khải

1. Giới thiệu tác giả

Nhà văn Nguyễn Khải sinh ngày 3-12-1930 tại Nam Định. Ông vào quân đội từ năm 1947, giai đoạn 1951-1955 ông làm phóng viên, thư ký tòa soạn báo Chiến Khu 3. Từ năm 1955, ông là phóng viên, biên tập viên, cán bộ sáng tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tác phẩm chính của ông gồm: Mùa lạc (tập truyện – 1961), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết – 1982), Thời gian của người (tiểu thuyết – 1982), Điều tra về một cái chết (tiểu thuyết – 1985), Thượng đế thì cười (2003)… và một số tác phẩm kịch.

Nhà văn Nguyễn Khải từng nhận rất nhiều huân chương và giải thưởng: Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì, giải thưởng của Hội Văn nghệ VN 1952-1953, giải thưởng tiểu thuyết – truyện ngắn của Hội Nhà văn VN 1983, 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), Giải thưởng văn học Asean năm 2000…

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi, miền Bắc đứng lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho miền Nam chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong không khí sôi nổi lao động và kiến thiết đất nước, nhiều thanh niên đã tình nguyện rời xa quê hương đi đến những vùng đất mới bước vào công cuộc khẩn hoang canh tác đầy vất vả nhưng vinh quang, biến những mảnh đất khô cằn, bị bom đạn tàn phá suốt mấy chục năm thành những khu nông trường màu mỡ góp phần dựng xây kinh tế nước nhà. Hòa chung với không khí xung phong ấy, năm 1960, Nguyễn Khải cho ra đời tập truyện ngắn “Mùa Lạc” trong đó truyện ngắn Mùa Lạc là một trong những tác phẩm thành công nhất bởi nó đề cập đến vấn đề khám phá cuộc sống, khẳng định ý nghĩa của cuộc sống mới trong việc làm thay đổi số phận con người. Trong đó nhân vật Đào là điển hình cho sự vận động hồi sinh đó.

3. Tóm tắt nội dung tác phẩm Mùa lạc

Xuân về, “Đào” nở, vạn vật hồi sinh.

Truyện ngắn Mùa Lạc xoay quanh cuộc đời nhân vật Đào, một người phụ nữ bị cuộc đời chối bỏ. Đào, một người phụ nữ ở cái tuổi cuối những mùa hăm, góa bụa, không còn gia đình, không còn xuân sắc, một mình tha hương, gồng gánh mưu sinh, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường. Nhưng rồi chim bay mỏi cánh, ngựa chạy chùn chân, Đào chọn nông trường Điện Biên làm điểm dừng để thôi lang bạt và quên đi cuộc đời đã qua. Bắt đầu bằng tâm thế táo bạo và liều lĩnh, ghen tị với mọi người, hờn giận cho thân mình… Thế nhưng nhịp sống căng tràn ở nông trường cùng những mối quan hệ đồng bào đồng chí, có cả duyên tơ hồng, đã dần dần thay đổi Đào, khiến chị tìm được quê hương thứ hai, khiến tim chị hân hoan như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn vì nắng hạn. Hạnh phúc đã mất đi, chị lại tìm được nơi mảnh đất mà chiến tranh đã từng xảy ra ác liệt.

Đào là con người đau khổ, cô không “hồng nhan” nhưng vẫn cứ “đa truân”. Cô xấu xí, mặc cảm, tự ti, chán nản với đời khi mới hai tám tuổi. Nhưng cô đã biết vượt qua những ranh giới hạn hẹp của cá nhân để vươn lên chiếm lĩnh cuộc sống. Như vậy, Nguyễn Khải đã phát hiện ra sự sống của con người không bao giờ vơi cạn, kể cả khi tưởng chừng như cá nhân đó buông trôi số phận cho “con tạo xoay vần”.

Sự hồi sinh cuộc sống sau chiến tranh không chỉ thể hiện qua nhân vật Đào, mà còn bộc lộ qua Huân với “những khát khao, những ước mơ đốt chát trái tim”. Huân, một người chiến sĩ từng tham gia chiến tranh trên chính chiến trường Điện Biên. Thân thể anh đã bươn qua những mũi gai thép đâm, những vệt nứa cứa, những chấm đen ở lỗ chân lông của bệnh sốt rét rừng, màu xanh của thiếu ăn và bệnh tật, cùng những vết thương lòng khi đồng đội hy sinh. Bây giờ đây cũng chính trên mảnh đất ấy, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ quốc, anh lao động hăng say và ngạc nhiên nhận ra tất cả hoang tàn đã được phủ xanh bởi màu xanh của lương thực, màu xanh của sự sống, cả thân hình anh cũng được thanh lọc bởi những dòng máu mới, xóa dần đi dấu vết chiến tranh.

Cách đặt tên của tác giả ít nhiều đều mang ý nghĩa biểu trưng. Đào là tên nhân vật chính, “Đào” cũng tượng trưng cho mùa xuân. Xuân về, “Đào” nở, vạn vật hồi sinh. Cái tên Huân cũng xem chừng ý vị, “Huân” nghĩa là công lao, nhân vật Huân trong tác phẩm là một người chiến sĩ bước ra từ chiến tranh. Có thể nói, bên cạnh miêu tả xuất sắc diễn biến  tâm lý nhân vật, thì việc lựa chọn từ ngữ, cũng như lựa chọn tên nhân vật của nhà văn Nguyễn Khải cũng hết sức tinh tế và được dụng tâm.

Phượng hoàng tái sinh.

Điện Biên, vùng đất từng bị tàn phá bởi chiến tranh, đầy rẫy dây thép gai, mìn, vỏ đạn đại bác, nhừ nát vì những hố bom, những giao thông hào, đây đó còn có những đoạn xương trắng… mà nay đã đổi thay với rực rỡ những sắc màu căng tràn nhựa sống. Sự thay đổi đó có thể bước đầu còn nhiều khó khăn, tưởng chừng như bất lực, nhưng kiên trì và đoàn kết đã tạo nên sức mạnh phi thường.

“Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…”

Sự lột xác theo chiều hướng đi lên của vùng đất Điện Biên, là một hình ảnh cụ thể hóa sự hồi sinh sau bao hệ lụy chiến tranh, là một điềm lành được hữu hình hóa cho tương lai Việt Nam khi Bắc – Nam chung về một mối, rằng dẫu có bao nhiêu vất vả hy sinh, bao nhiêu mất mát đau thương thì ngày đất nước thống nhất – người người sum vầy, nhà nhà đoàn tụ, và sẽ lại cùng nhau xây dựng đất của ta và nước của ta, một đất nước hoàn toàn độc lập tự do. Phượng hoàng rồi sẽ tái sinh từ đống tro tàn.

Tôn vinh xã hội chủ nghĩa.

Mùa lạc là mùa thu hoạch lạc trên nông trường Điện Biên, cũng là hình ảnh hăng say lao động của quân và dân nơi đây, là niềm hạnh phúc được tham gia xây dựng cuộc sống mới, là cơ hội cho những số phận khác nhau vượt qua ranh giới của bản thân để tìm đến cái đích của hạnh phúc.

Cuộc vận động vạn vật hồi sinh trong tác phẩm thể hiện sự tuyệt vời của xã hội chủ nghĩa đã mang đến cho con người quyền yêu, quyền mưu cầu hạnh phúc, những quyền cơ bản đã từng bị tước đoạt bởi chiến tranh và đô hộ, những quyền giản dị nhưng rất mực cần thiết với mỗi người.

“Mùa Lạc” của Nguyễn Khải là mùa vui, mùa hạnh phúc, mùa hồi sinh trong cuộc sống mới, trong sự biết ơn xã hội chủ nghĩa, Cách mạng, và Bác Hồ.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Mùa lạc

Truyện ngắn Mùa Lạc là một câu chuyện ngắn cấu từ đơn giản, viết về cuộc sống của nhiều số phận con người sau chiến tranh, dẫu chịu nhiều đau thương vất cả, thế nhưng trong trái tim họ vẫn tràn trề một sức sống tiềm tàng mãnh liệt và hồi sinh một cách mạnh mẽ sau những đổi thay của cuộc sống. Từ đó bộc lộ một cảm hứng mới trong văn học Việt Nam giai đoạn những năm sau kháng chiến chống Pháp ấy là sự hồi sinh của đất nước, con người, với một niềm tin tích cực rằng chỉ cần cố gắng, nỗ lực vượt lên trên số phận thì cả con người và cả đất nước chắc chắn sẽ được hưởng những hạnh phúc, những thành tựu mà chúng ta hằng mong ước.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Mùa lạc

Tóm tắt & Review truyện ngắn Mùa lạc – Nguyễn Khải

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Khi bạn đang say giấc, ai đó đã đạt được ước mơ – Kim Yoojin
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ – Kazumi Yumoto

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây