Tóm tắt & Review sách Vẻ đẹp của sự cô đơn – Giác Minh Luật

0
659
Vẻ đẹp của sự cô đơn

Tóm tắt & Review sách Vẻ đẹp của sự cô đơn – Giác Minh Luật

1. Giới thiệu tác giả

Tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của sự cô đơn là sư Giác Minh Luật, chủ Nhiệm câu lạc bộ Nhân Sinh. Một số sách đã xuất bản của ông:

  • Chú Tiểu Pháp Đăng
  • Nếu Trở Thành Tu Sĩ
  • Khổ Răng Mà Khổ Rứa
  • Cho Nhẹ Lòng Nhau

2. Giới thiệu tác phẩm

Vẻ đẹp của sự cô đơn là tựa sách được thầy Giác Minh Luật viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân, nơi thầy chủ động đối diện với sự cô đơn và coi nó như một phần trong cuộc sống của mình. Không trốn chạy, không lẩn tránh, sư thầy Giác Minh Luật chấp nhận một cách rất tự nhiên những điều đến và đi trong đời mình, giúp các bạn đọc trẻ có thêm bài học về cách làm chủ cảm xúc, thấy rõ chính mình, để có thêm thời gian mang lại những giá trị cao quý khác.

3. Tóm tắt nội dung sách Vẻ đẹp của sự cô đơn

Cô đơn là bản chất

Đức Phật từng dạy: “Nếu chúng ta sống một mình, nhưng biết cách quán chiếu và tỉnh thức thì dù sống một mình hay với nhiều người, ta vẫn không bao giờ cảm thấy cô đơn. Bởi trong từng phút giây hiện tại, ta đã sống thật trọn vẹn, thật hạnh phúc.”

Đôi lúc con người ta phải biết hy sinh hạnh phúc này để có được một hạnh phúc khác. Người ta mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ, còn tôi mơ về những tấm thẻ và những chuyến đi. Thà làm con kiến tự do còn hơn làm chúa sơn lâm trong cũi. Tình yêu đích thực mang lại hạnh phúc cho ta và người ta yêu thương, nếu không đem lại hạnh phúc cho cả hai thì đó chưa phải là tình yêu thương đích thực.

Ở đời có nắng, có núi, có hơi sương và có cả những thứ hoang đường mà người đời gọi là yêu đương. Có những người yêu lâu rồi nhưng quên cưới, cũng có những người cưới lâu rồi nhưng quên yêu. Cô đơn đáng sợ thật đấy, nhưng không đáng sợ bằng việc cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ. Đừng vì cô đơn mà vội yêu sai người và cũng đừng vì yêu sai một người mà để cả đời cô đơn.

Thất bại với nhiều mối tình rồi chúng ta mới cảm thấy thấm thía. Đừng lợi dụng nhau lúc cảm thấy cô đơn, rồi ngoảnh mặt làm ngơ khi thấy mình đã ổn. Cố gắng để quên người mình yêu cũng giống như cố gắng nhớ một người chưa từng gặp. Hãy yêu khi bạn đã sẵn sàng, đừng yêu chỉ vì cảm thấy quá cô đơn.

Cô đơn không đáng sợ, khi bạn yêu một người nhưng vẫn cảm thấy cô đơn mới là điều đáng sợ. Độc thân không có nghĩa là ế, mà là sự lựa chọn sống một mình. Sống độc thân để trải nghiệm trọn vẹn quãng thời gian tươi đẹp nhất.

Mỗi loài hoa có một thời gian nở khác nhau. Biết bao loài hoa đua nở vào mùa xuân, nhưng riêng hoa cúc lại nở vào mùa thu. Con người cũng vậy. Nếu bạn bè ta đã có gia đình hạnh phúc thì đừng nóng lòng, họ nở vào mùa xuân còn mình nở vào mùa thu thì sao? Gặp đúng người, đúng duyên thì mọi chuyện sẽ thành. Không quan trọng sớm hay muộn, mà là với ai.

Khi chúng ta cảm thấy buồn và cô đơn vì đang sống đời độc thân, hãy nhắc mình nhớ rằng có rất nhiều người bị mắc kẹt trong những mối quan hệ tồi tệ và chỉ mơ được tự do như chúng ta của hiện tại. Sự cô đơn thôi thúc chúng ta trưởng thành, khi trưởng thành chúng ta mới hiểu, nhiều khi một mình cũng chính là bình yên.

Người trẻ cô đơn

Cô đơn là những ngày thức dậy trong lòng cảm thấy trống vắng vô cùng, là những ngày bị thế giới bỏ rơi, không ai bên cạnh, không ai hiểu mình, muốn chia sẻ tấm lòng nặng trĩu với ai đó, nhưng lại chẳng thể tìm được người nào chịu lắng nghe. Nếu bạn hay thức khuya, hay bỏ bữa, buồn vu vơ, ít đi chơi, ngại giao tiếp… thì đó là dấu hiệu của sự cô đơn. Có người nói cô đơn lâu ngày sẽ làm trái tim con người ta trở nên chai sạn. Nhưng thực ra cô đơn lâu ngày lại làm trái tim yếu mềm hơn, dễ đập loạn nhịp hơn khi có ai đó quan tâm bằng những cử chỉ ân cần, dịu dàng.

Trưởng thành là một việc rất đau khổ khi cứ phải hỏi bản thân xem lúc nào có đủ tiền để rời nhà, bắt đầu cuộc sống tự lập. Hồi nhỏ cứ nghĩ xa nhà sẽ được tự do, lớn lên mới biết mình còn phải tự lo. Nỗi cô đơn trong gia đình sẽ không biến mất chỉ vì bạn đã rời khỏi nhà. Cô đơn trong cộng đồng không có nghĩa là mình bị tách biệt, cô đơn trong tình yêu không có nghĩa là đổ vỡ. Đâu phải cứ cô đơn là trốn chạy. Chúng ta chỉ không biết cách vượt qua nó thôi. Phải nhìn lại quá khứ, tuổi thơ và những lần vấp ngã. Đừng vì một ngày u ám mà nghĩ rằng cuộc đời tồi tệ. Bất cứ ai ở bất kỳ lứa tuổi nào đều có thể cảm thấy cô đơn. Cô đơn hiện diện trong nhiều hoàn cảnh. Trong gia đình, không được hiểu, được thương không được giãi bày tâm sự, không được sống đúng với con người thật của mình cũng là cô đơn. Có người cô đơn trong học tập, công việc, mệt mỏi với áp lực, điểm số, luôn thấy mình thua thiệt hơn người khác, rồi chuyện mưu sinh, cơm áo gạo tiền. Cô đơn còn hiện hữu trong cả đời thực và thế giới ảo. Nên nếu không thay đổi được hoàn cảnh, không thể trốn chạy, chúng ta phải tập thích nghi với hiện tại bằng một tâm thái rộng mở hơn.

Thay đổi tâm thức là thay đổi cả cuộc đời. Hãy chuyển tâm thái buồn lo, sầu khổ, cô đơn thành một tâm thái hỷ lạc, bình an dù ở một mình.

Hoa nở theo mùa

Chúng ta luôn tự mặc định rằng phải ở với ai đó thì mới có được hạnh phúc, phải tìm được tri kỷ, tìm được người yêu thì mới thật sự hết cô đơn. Nên ta mãi đi tìm những chiếc bánh vỡ để thỏa mãn cho bức tường thành kiến do truyền thống, phong tục, hay chính gia đình, xã hội mà chúng ta đang sống đã tạo ra.

Đừng hy vọng quá nhiều, bởi cái “quá nhiều” ấy có thể khiến chúng ta tổn thương sâu đậm. Khi nào chúng ta thấy nỗi đau và niềm vui là một, tức là ta đã thấy được thực tại.

Đức Phật đã dạy chúng ta phải an trú trong giờ phút hiện tại, vì đó là giây phút tuyệt diệu nhất. Nếu không an trú được trong hiện tại, chúng ta cũng sẽ không bao giờ an trú được ở tương lai. Đừng mải miết tìm kiếm, mong cầu hạnh phúc ở ai khác, một mình là một mình thôi!

Chúng ta cần học cách quán chiếu mọi nhân duyên, mọi con người đi qua trong cuộc đời mình như lẽ thường. Tất cả chỉ là một trải nghiệm, vậy nên không cần thở than, hay hờn trách.

Khi lao ra bên ngoài mà không tìm được hạnh phúc nữa, chúng ta phải làm gì? Chúng ta sẽ phải trở về bên trong, lắng nghe và tự làm bạn với chính mình. Hãy thong thả để thưởng thức thanh xuân, đừng nôn nóng vội vàng để rồi sớm sầu, sớm khổ, sớm thương đau. Người sống ung dung tự tại, duyên tới đâu tính đến đó thì họ đã sống cuộc đời hiên ngang đầy tự do, vững chãi như núi xanh, thảnh thơi tựa mây trắng.

4. Đánh giá sách Vẻ đẹp của sự cô đơn

Cuốn sách là tập hợp những lời tâm sự về nhân sinh, luận về sự cô đơn trên cuộc đời của thầy Giác Minh Luật – người có giác ngộ sớm với Phật pháp và một lòng quy y cửa Phật. Những bức màn nhân duyên hợp tan, sự đơn độc trong “Vẻ đẹp của sự cô đơn” mở rộng suy nghĩ của bạn về những điều cần buông bỏ để cuộc sống nhẹ nhàng hơn.

Trưởng thành rồi hãy để tâm hồn rộng mở, học cách chấp nhận với “bốn thứ không nên cố chấp: một là sinh tử, hai là đúng sai, ba là thiện ác, cuối cùng là một mối quan hệ không thể tiếp tục được nữa. Cứ cố chấp thì người đau khổ nhất vẫn chỉ là mình thôi.” Như Đức Phật dạy: “Buông bỏ cũng có nghĩa là buông đi cái tôi bản ngã của chính mình, đừng cố gắng nữa, đừng tỏ ra mạnh mẽ cho người khác xem nữa, phải biết hạ mình xuống, thấy mình đang tổn thương, cần được chữa lành, cần được nghỉ ngơi.”

Mong sau khi gấp lại những trang sách của thầy Giác Minh Luật, bạn sẽ nhìn đời bằng một con mắt thiền bao dung, để một ngày dù nắng đẹp hay giông bão có thể biến sự cô đơn thành một viên ngọc mang theo bên mình, an yên tận hưởng cuộc đời.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Vẻ đẹp của sự cô đơn

Tóm tắt & Review sách Vẻ đẹp của sự cô đơn – Giác Minh Luật

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Những ngày cuối cùng của khủng long: Thiên Thạch, Sự Tuyệt Chủng Và Khởi Đầu Của Thế Giới Chúng Ta – Riley Black
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Khu vườn ngôn từ – Shinkai Makoto

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây