Tóm tắt & Review sách Đến Nhật Bản học về cuộc đời – Lê Nguyễn Nhật Linh

0
499
Đến Nhật Bản học về cuộc đời

Tóm tắt & Review Đến Nhật Bản học về cuộc đời của tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh

1. Giới thiệu tác giả

Lê Nguyễn Nhật Linh sinh năm 1992. Cô là nhà văn trẻ thế hệ 9x, trưởng thành từ mảnh đất Hà Tĩnh.

Năm 2005, Nhật Linh sang Nhật du học tại trường đại học Kinki, thành phố Osaka. Tại đây, Nhật Linh có những trải nghiệm và thử thách mới mẻ mà cô phải vượt qua. Từ đó, nước Nhật và con người Nhật cũng trở thành chất liệu văn học để cô sáng tác.

Tác phẩm văn học đầu tay của Lê Nguyễn Nhật Linh là tập truyện ngắn “Vị hôn”. Sau đó, cô tiếp tục cho xuất bản các tựa sách: “Đến Nhật Bản học về cuộc đời”, “Nín đi con”…

Lê Nguyễn Nhật Linh được đánh giá là nhà văn trẻ có giọng văn cá tính, có chiều sâu và tầm ảnh hưởng nhất định đến giới trẻ Việt Nam.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Đến Nhật Bản học về cuộc đời” là tựa sách được ra mắt vào năm 2016 của nhà văn Lê Nguyễn Nhật Linh. Cuốn sách sau khi ra mắt chỉ vỏn vẹn ba tuần đã trở thành tựa sách viết về nước Nhật bán chạy nhất tại Việt Nam.

“Đến Nhật Bản học về cuộc đời” là cuốn sách viết theo lối viết tản văn. Có nhiều nhận xét cho rằng, “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” như một cuốn nhật ký của cô gái nhỏ lần đầu đến với nước Nhật, với con người Nhật.

3. Tóm tắt nội dung Đến Nhật Bản học về cuộc đời

“Đến Nhật Bản học về cuộc đời” bao gồm 12 chương sách, tương ứng với 12 tháng trong năm. Chương đầu tiên ứng với tháng 3 – khi tác giả lần đầu đặt chân đến Nhật và kết thúc ứng với tháng 2.

Chương 1: Ngõ vắng. Tiếng trưa lặng. Bóng nắng tĩnh. Lạc giữa tháng Ba. Dưới tán hoa anh đào

Chương 1 kể về những ngày tháng đầu tiên tác giả đặt chân đến Nhật Bản. Giữa một đất nước hoàn toàn xa lạ, cô đối mặt với nhiều khó khăn như tìm đường, thuê nhà, làm quen với cuộc sống mới. Cô làm quen được những người bạn đầu tiên và giữa thời gian bận rộn làm quen với cuộc sống mới, tác giả vẫn cho thấy một nước Nhật tuyệt đẹp cảnh sắc và nồng ấm tình người.

Chương 2: Tháng Tư thấy xuân đã giăng đầy mùa trong nắng. Những chùm hoa tử đằng lơ lửng buông

Tháng Tư đến với vẻ đẹp mê đắm lòng người. Tác giả dần làm quen với việc học, trường lớp và những thói quen của người Nhật. Cô kể về nỗi nhớ quê, thèm nghe giọng nói Việt trên đất khách. Đâu đó, ta thấy nỗi cô đơn chơi vơi nhưng vẫn lạc quan, yêu đời, yêu đất nước cô đang sống.

Chương 3: Hoàng hôn ánh hồng. Những buổi chiều thăm thẳm. Của một vùng trời tháng Năm.

Chương sách kể về những ngày khám phá, làm những việc mới mẻ của tác giả khi mà trường học tạm nghỉ. Nhật Bản qua chương sách này đa cảnh sắc hơn, với vùng cố đô Nara đẹp cổ kính, đền Fushimi Inari rực đỏ giữa đại ngàn, hay một Kyoto níu chân người…

Chương 4: Tháng Sáu mưa. Rơi. Chạm đất. Hợp thành vũng nước. Tan loãng trên cánh cẩm tú cầu. Tím biếc. Và ngát xanh.

Chương sách về tháng Sáu nhuốm chút màu buồn bởi mưa và bởi những khó khăn mà tác giả đang gặp phải. Song song đó là những điều suy ngẫm, triết lý của bản thân tác giả về người Nhật, và về cuộc sống. Cô kể về những điều mình nhận thấy khi sống tại Nhật và cách mà cô vượt qua khó khăn của bản thân mình.

Chương 5: Ve kêu. Phố rộn ràng những đêm pháo hoa. Gió rạo rực mùa lễ hội. Nắng tháng Bảy sánh như mật ong rừng, vàng một màu ngọt đặc.

Tiếp tục là những chiêm nghiệm của Nhật Linh về nước Nhật và người Nhật. Cô nhận ra người Nhật lịch sự như một điều hiển nhiên, kể cả với trẻ nhỏ. Tháng Bảy mang đến sự thư thái với tiếng ve ngày hè. Tác giả luôn tự tìm sự đổi mới trong những ngày được sống ở Nhật. Cô tận hưởng một ngày mỗi khác nhau như ngày đọc sách, ngày pha trà, làm mới mình, học thêm ngoại ngữ…

Chương 6: Nếu cảm xúc là một bức ảnh, đừng lấy nét nỗi buồn. Bởi tháng Tám thơm ngát. Như kem vị trà.

Chương sách đánh dấu tròn 5 tháng của cô gái Lê Nguyễn Nhật Linh ở Nhật. Lúc này, tác giải quen với thành phố nơi mình ở hơn nhiều. Cô lưu ý đến những vẻ đẹp thiên nhiên Nhật Bản vào ban ngày với nắng vàng tháng Tám, lung linh ban đêm với những đêm hội pháo hoa. Vẫn giữ phong cách tâm sự, Nhật Linh viết nhiều về những trải nghiệm thiên cảm xúc của mình.

Chương 7: Niềm vui là thứ không nên để dành. Trời xanh trong vắt. Gió tinh khiết. Cắt tháng Chín thành những- đám mây xinh.

Nước Nhật có những thói quen rất tốt và rất khác với hầu hết mọi người, điều đó càng được khẳng định qua ngòi bút của Nhật Linh. Chương sách nói nhiều về cảm nhận thời gian và sự trân quý thời gian của tác giả.

Chương 8: Kí ức nhớ nhung. Buồn một nỗi khẽ như mùa thu gõ ngọn gió nhè nhẹ trên nhánh cây xanh còn lâu mới phai đỏ. Tháng Mười rồi, em ơi!

Dẫu trải qua hơn nửa năm trời trên đất Nhật, đất nước này vẫn hàng ngày mang đến sự ngạc nhiên cho tác giả. Ngoài ra, cô có thêm những trải nghiệm rất riêng. Không chỉ có vẻ đẹp hay trải nghiệm thú vị, cuộc sống và việc học vẫn mang lại những áp lực khó tâm sự cùng ai, song Nhật Linh kể về cách mình sống chung với áp lực và biến áp lực thành nỗ lực.

Chương 9: Tháng Mười một của tôi. Thu mơn man trong mùi của đông thoang thoảng. Vàng phai. Và chuyển đỏ nơi hàng phong ngọt lá.

Lúc này, mùa thu dần chín trên đất Nhật và chuyển mình sang đông. Sự chuyển mình được mô tả dịu dàng trong từng chuyển động của cây lá, đất trời. Sống trên đất Nhật khiến Nhật Linh nhận ra nhiều điều, như là “nhận ra cần phải yêu thương chính mình nhiều đến thế nào”…

Chương 10: Tháng Mười Hai, cô đơn như một viên đá lạnh. Một năm qua đi. Một năm lại đến. Xoay vòng. Sự sống là một sự học. Dù có lúc mệt nhọc. Hãy sống đến tận cùng.

Chương sách đánh dấu sự kết thúc của một năm dài và gần một năm ở Nhật của cô gái trẻ Nhật Linh. Cô tâm sự trong trong viết rằng, gần một năm ở Nhật, cô học được nhiều thứ hơn 22 năm đã sống cộng lại- về cuộc đời.

Chương 11: Gió của tháng Một. Có màu tro xám. Những nhánh cây co ro gầy. Cần một chiếc khăn len. Cho năm mới.

Tháng Một, tháng đầu năm mới, cũng là thời điểm nhìn lại một năm đã qua. Nhật Linh nói về những chiêm nghiệm về hạnh phúc và về cách hiểu cuộc đời.

Chương 12: Đêm đông xanh tím như tờ giấy than. Tháng Hai lạnh khô tờ giấy nhám. Tuyết rắc đường thành nhúm trong rừng lá kim. Đợi chờ tháng Ba.

Chương cuối cùng cuốn sách khép lại bằng lời nhắn nhủ “Hãy chúc nhau sống thật sâu giữa thế giới này.” Review sách Đến Nhật Bản học về cuộc đời

4. Cảm nhận và đánh giá Đến Nhật Bản học về cuộc đời

Tuổi trẻ của mỗi người đều mong muốn được trải nghiệm và được sống thật ý nghĩa. Những trang viết của Nhật Linh trong tác phẩm này đã cho thấy một tuổi trẻ nồng nhiệt sống, nồng nhiệt yêu thương, có những vấp ngã, những mệt nhoài, song cô vẫn lạc quan và sống thật hết mình.

Nhật Linh dành cho nước Nhật cái nhìn đầy thương yêu, như một đứa con dành cho gia đình. Cô đem tình cảm ấy vào tác phẩm, thành công mang đến cho người đọc những cảm nhận rất riêng và rất thi vị về một nước Nhật không chỉ đẹp nên thơ mà còn có cách sống rất đỗi ý nghĩa.

Cô viết: “Cảm ơn Nhật Bản, vì đã khiến tôi tin rằng, trên đời này có rất nhiều quyển sách hay. Nhưng quyển sách đáng đọc nhất chính là cuộc sống”.

Qua tác phẩm, ta nhận ra một nước Nhật không hoàn toàn là thiên đường, nước Nhật vẫn vất vả, vẫn đầy áp lực cuộc sống. Nhưng chính bởi có những con người Nhật Bản chân thành, ôm ấp những người xa xứ, những sự tử tế hiền hòa và những cảnh đẹp khiến con người ta tĩnh lặng và bình yên, mà cuộc sống ở Nhật trở nên đáng sống gấp bội phần.

Nếu bạn yêu thích Nhật Bản, nhưng chưa có dịp đặt chân đến, mong bạn hãy đọc cuốn sách này bằng tất cả tin yêu để một ngày nào đó, bạn có thể bắt đầu hành trình của mình trên đất Nhật. Nếu bạn đã đôi lần được đến thăm Nhật Bản, cuốn sách này sẽ là lời tâm sự, rù rì kể chuyện và nói cùng bạn những tâm tư thật đẹp về hành trình đến Nhật. Tôi tin rằng, bạn sẽ thấy mình đôi chút trong những trang viết của “Đến Nhật Bản học về cuộc đời”.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Đến Nhật Bản học về cuộc đời

Tóm tắt & Review Đến Nhật Bản học về cuộc đời của tác giả Lê Nguyễn Nhật Linh

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 4 Average: 4.5]
Bài trướcNhững cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành phim thành công nhất
Bài tiếp theoNhững cuốn sách hay dành cho cha mẹ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây