Tóm tắt & Review sách Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành – Beth Evans

0
731
Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành

Tóm tắt & Review sách Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành – Beth Evans

1. Giới thiệu tác giả

Beth Evans – Cô là họa sĩ vẽ minh họa và truyện tranh có hơn 270,000 người theo dõi trên các mạng xã hội khác nhau. Cô là người minh họa cho cuốn Breaking Mad (Anna William son). Cuốn sách đứng đầu trên Amazon UK. Tác phẩm của cô xuất hiện trên các phương tiên truyền thông từ HuffPost, Buzz- feed, cho tới MSNBC.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn sách tâm lý này cùng bạn học cách trưởng thành dành cho người hướng nội. “Đôi khi, vào lúc cơn trầm cảm ập tới, tất cả những gì tôi thực sự khao khát chỉ là được-một-mình”. Bạn nghĩ thực ra trầm cảm hoặc rối loạn lo âu là căn bệnh chỉ dành của những kẻ yếu đuối luôn thiếu thốn tình thương? Và bạn loay hoay không biết làm gì hơn ngoài những lời khuyên và khích lệ theo ý mình mà chẳng biết rằng lắm khi chỉ cần im lặng, ở bên, thấu hiểu… Thế thôi là đủ.

“Bạn Có Phải Là Đứa Trẻ Sợ Hãi Ẩn Sau Lớp Vỏ Trưởng Thành?” là những câu chuyện không của riêng ai, để bạn hiểu rằng làm người lớn là hành trình nhiều sứt mẻ đến thế nào và trầm cảm là cuộc chiến mệt mỏi ra sao.

3. Mục lục

  1. Ai ai cũng sống tốt hơn tôi nhiều
  2. Trách nhiệm là thứ đáng ghét nhất
  3. Hiểm họa đường tình
  4. Trận đấu thể ký: Tôi đối đầu với bộ não
  5. Tình cảm: Chuyển phát nhanh.
  6. Nhờ người giúp đỡ và những cuộc trò chuyện đáng sợ khác.
  7. Chia sẻ cảm xúc một chút nào.
  8. “Tích cực” là một từ nặng nề

4. Tóm tắt nội dung sách Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành

☆ Ai ai cũng sống tốt hơn tôi nhiều

Luôn có ai đó làm tốt hơn bạn. Rồi ai đó cũng đang làm tệ hơn bạn. Thật là một vòng tròn cạnh tranh luẩn quẩn thừa thãi. Và thi thoảng, một người quen cũ sẽ đăng chuyện đó lên Facebook. Nhưng tin vui là bạn có quyền tạo ra định nghĩa của riêng mình về sự tiến bộ và thành công. Đó có thể chỉ là chuyện tự đi khám bác sĩ, hoặc tự thuyết phục mình không lên mạng tra cứu thông tin của người khác. Tiến thêm một bước cũng tốt, lùi lại một buớc cũng chẳng chết ai, đứng vững được trên mặt đất là tuyệt rồi – có khi còn là một bước tiến lớn ấy chứ. Dù bạn của mẹ bạn có nói gì về con bác ấy đi nữa, thì bạn vẫn sống tốt mà. Bởi vì bạn là chính bạn, và thật sự không có thành công nào đáng giá hơn điều đó đâu.

☆ Trách nhiệm là thứ đáng ghét nhất

Lỗi lầm là một phần tất yếu của cuộc đời trưởng thành, dù ta vẫn thường nghiễm nhiên coi chuyện làm người lớn là chuyện người khác tự dưng giỏi, là chuyện làm gì có ai dốt được. Thực tế lại thế này: Ta mắc lỗi, rồi chính điều đó sẽ dạy chúng ta tránh những lỗi lầm tương tự trong tương lai. Có lẽ giỏi làm người trưởng thành hơn tức là biết cách kiểm tra sao kê tài khoản, hay chịu khó nghe cho hết hướng dẫn thao tác bấm số trước khi láu táu kể với người lạ về vấn đề ở háng của mình. Ai cũng đều phải kinh qua những chuyện này. Bình thường ấy mà. Bạn vẫn ổn. Bạn sẽ làm được thôi.

☆ Hiểm họa đường tình

Yêu thương bản thân chỉ đơn giản là nhặt ra một mẩu rác nhỏ (từ đống rác là tôi) mà mình thực sự yêu thích. Nó không phải là cái gì rộng lớn và to tát như: “Hôm nay trông mình thật xinh dẹp. Hy vọng mọi người cũng nhìn ra điều đó!” Nó thường chỉ nhỏ bé và chẳng mấy quan trọng như “Mình đã chọn được màu sơn móng tay thật đẹp” hay “Mình có gu âm nhạc rất xịn mà chẳng ai, đặc biệt là những nguời mình hẹn hò, có thể hiểu”.

Chính những điều nhỏ nhặt mà ta thấy đáng yêu ở bản thân sẽ giúp những mảnh ghép khác vào đúng vị trí và ăn khớp với nhau. Cuối cùng, tạo ra một tổng thể đẹp đẽ. Tất nhiên, sao tránh khỏi những ngày ta chẳng thể yêu thương nổi chính mình hay cảm thấy như yêu thương bản thân là thử thách làm ta chán nản nhất trên đời. Chúng ta cho phép mình bực bội, khó chịu với người khác đấy thôi. Vậy nên thỉnh thoảng cảm thấy khó chịu với bản thân cũng là lẽ thường tình. Chúng ta sống với bản thân 24/7. Như thế là dài quá đi rồi còn gì. Hãy cứ tốt bụng, tử tế và dịu dàng với chính mình và những người xung quanh. Tô một bộ móng đẹp, nghe loại nhạc yêu thích và rồi tất cả sẽ ổn thôi. Hay đại loại thế.

☆ Trận đấu thể ký: Tôi đối đầu với bộ não

Không phải lúc nào nào bộ cũng là đồng minh đáng tin cậy nhất của chúng ta. Ấy thế mà nó lại có toàn quyền chỉ đạo cách ta sống mỗi ngày. Não bộ mang đến bao la là căng thẳng. Và đôi khi, chúng khiến ta cảm thấy sống sót qua một ngày hệt như trận chiến kéo dài bất tận. Và lo âu là thế lực rất đỗi quyền năng. Một khi đã quyết định tấn công, nó sẽ ẩn mình dưới đủ các dạng thức, mà thường sẽ là những dạng khiến người ta thối chí. Bất thình lình, bạn chỉ còn biết đến cảm giác sợ sệt và bức bối đơn thuần rền dữ trong mình. Mỗi khi bị chứng lo âu chiếm giữ, tôi lại ám ảnh với việc giữ mọi người xung quanh bình tĩnh. Như thể ngay lúc bắt đầu thấy khó ở, tôi cần phải tập trung vào ai khác chứ không phải những việc đang diễn ra trong mình.

☆ Tình cảm: Chuyển phát nhanh

Cho dù bạn có thoải mái với cảm xúc của mình thế nào đi nữa thì việc thể hiện chúng đúng cách vẫn là chuyện hoàn toàn khác. Sớm hay muộn, bạn cũng phải đối mặt với chúng. Càng kìm nén chúng, bạn sẽ chỉ càng khủng hoảng thôi. Thừa nhận cảm xúc chắc chắn không dễ dàng, nhưng đó là việc thiết yếu. Cảm xúc sẽ giúp bạn nhận ra những thứ không ổn, hay giúp bạn vững tin rằng mình đang đi đúng hướng. Càng sớm sống thật với cảm xúc của mình, bạn và chúng sẽ càng mau nhẹ nhõm.

☆ Nhờ người giúp đỡ và những cuộc trò chuyện đáng sợ khác

Nhờ người khác giúp đỡ là một trong nhũng việc khó khăn nhất mà ta phải làm trong đời. Nó đòi hỏi ta phải thể hiện sự mong manh và yếu đuối nhiều hơn những gì ta muốn người khác thấy ở mình. Yêu cầu giúp đỡ chính là để người khác bước vào thế giỏi riêng và cho họ chiêm ngưỡng đầy đủ hơn mớ hỗn độn trong bạn. Nhưng chủ yếu vẫn là do việc đó vô cùng khó chịu và chả lấy gì làm vui cả.

☆ Chia sẻ cảm xúc một chút nào

Quyết định tìm kiếm sự giúp đỡ có thể là một bước ngoặt quan trọng, nhưng dường như đó mới chỉ là một nửa cuộc chiến. Kể với người xa lạ về các khó khăn của mình ư? Eo ơi. Cho dù bạn đến đó lần đầu hay lần thứ mười, thì viễn cảnh phải thổ lộ những vấn đề tồi tệ nhất, rối bời nhất của bản thân với một chuyên gia đều cùng khó khăn. Dưới đây là một số cách có thể sẽ giúp ích cho bạn:

  • Đưa ai đó đi cùng
  • Đừng bộc lộ tất cả
  • Hẹn với nhiều người cùng lúc
  • Không có ai hoàn hảo
  • Bênh vực chính mình
  • Bạn không cần điều trị mãi

☆ “Tích cực” là một từ nặng nề

“Hãy suy nghĩ tích cực và sống tích cực!”

“Bạn đã thử tập Yoga chưa?”

“Hạnh phúc là một lựa chọn!”

“Nói thật nhé, nếu bạn chịu ăn uống lành mạnh, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều đấy.”

“Phải rồi, cả yoga nữa. Hãy tập yoga đi!”

Nhiều khả năng là nếu bạn bị bệnh tâm lý, người ta sẽ nói những điều này với bạn. Vì lý do nào đó, nhiều người trên hành tinh này cho rằng họ có quyền xen vào cuộc sống của bạn và chỉ bảo bạn phải làm gì ngay khi họ phát hiện ra bạn đang buồn bã hoặc lo lắng. Việc này dĩ nhiên là mệt mỏi và khó chịu vô cùng.

Những người không bị trầm cảm hay chán nản ấy, họ cứ nghĩ rằng nếu vận nội công mà cố gắng, bạn có thể dùng suy nghĩ tích cực để làm bản thân hạnh phúc. Thật buồn là sự đời không dễ dàng như vậy. Và khi phải nghe mấy bài diễn văn “Hãy tích cực lên” tới lần thứ 100, bạn chỉ thiếu điều cầm cái thảm yoga quật cho họ một cái hoặc nhét món rau cải xoăn vào mồm họ để họ câm miệng lại. Nghĩa vốn có của từ “tích cực” là suy nghĩ về những điều tốt đẹp và đúng là việc này giúp được nhiều người.

Tuy nhiên, với nhiều người khác, sống “tích cực” lại đầy khó khăn và thử thách. Suy cho cùng, “tích cực” thực sự có ý nghĩa bởi nó giúp ta quan tâm đến bản thân hơn và tập trung vào những gì quan trọng với chính mình. Vì lẽ đó mà hai người khác nhau không bao giờ có cùng định nghĩa về “tích cực”, chỉ có bạn mới có thể tạo ra định nghĩa phù hợp với bạn mà thôi. Nó là khái niệm riêng tư và độc nhất được may đo cho từng người. Bạn không thể ép người khác đi theo định nghĩa của mình, ngược lại cũng vậy.

5. Cảm nhận và đánh giá sách Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành

Ai đó từng nói, khi còn bé, bạn cứ muốn lớn lên, còn khi bạn muốn bé mãi, thì lại chứng tỏ bạn đã kịp lớn mất rồi. Bạn sẽ được coi là một người trưởng thành khi đến một đô tuổi nhất định, đã trải qua các mốc nhất định đã tốt nghiệp cấp 3, đã vào đại học, đã lập gia đinh.

Nhưng tâm lý của bạn có thực sự sẵn sàng cho điều đó. Ẩn sau lớp vỏ của người trưởng thành, đa phần là những đứa trẻ sơ hãi. Bạn sợ để lộ ra những cơn trầm cảm, nỗi cô đơn, khoảnh khắc yếu đuối, coi đó là những cảm xúc xấu xí mà xã hội cho là một người lớn không nên có. Nhưng thực sự, chính những cảm xúc đó mới là thứ khiến bạn trở thành một con người theo nghĩa hoàn thiện nhất.

Sẽ có những lúc bạn cảm thấy vô cùng cô đơn khi không ai hiểu mình, hay thấy mình chẳng xứng đáng được yêu thương. Nhưng không sao cả bởi bạn chắc chắn sẽ luôn tìm được sự đồng cảm trong cuốn sách này.

Sẽ không mất nhiều thời gian để đọc cuốn sách này nhưng kiến thức thu về sẽ không làm bạn thất vọng. Hình thức, cách trình bày, tranh ảnh đến nội dung đều tuyệt. Mong mỗi chúng ta đều có thể hiểu ra rằng không phải cuộc đời lúc nào cũng hoàn hảo nhưng chúng ta vẫn ở đây, khá hơn từng ngày và là chính mình.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành

Tóm tắt & Review sách Bạn có phải là đứa trẻ sợ hãi ẩn sau lớp vỏ trưởng thành – Beth Evans

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 5 Average: 4.4]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Raw vegan – Sức mạnh chữa lành của thực vật – Norman W. Walker
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Đừng kết hôn trước tuổi 30 – Trần Du

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây