Tóm tắt & Review sách 7 Thói quen để thành đạt – Stephen R. Covey

0
2541
7 thói quen để thành đạt

Tóm tắt & Review sách 7 Thói quen để thành đạt – Stephen R. Covey

1. Giới thiệu tác giả

Stephen R. Covey (1932-2012) là một tác giả người Mỹ, một chuyên gia cố vấn, đồng thời là giảng viên đại học. Bên cạnh các cuốn sách thuộc chủ đề về kỹ năng tự khích lệ và tu thân, Covey cũng viết nhiều bài về chủ đề tôn giáo. 7 Thói Quen Để Thành Đạt là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

2. Giới thiệu tác phẩm

Được xuất bản năm 1989, khác với những chiêu trò, thủ thuật “bề nổi” trên thị trường sách thời bấy giờ, “7 Thói Quen Để Thành Đạt” của Stephen R. Covey đưa ra những thói quen hữu dụng có thể sẽ khiến cuộc đời bạn trở nên thành công và tốt đẹp hơn. Đến nay cuốn sách đã bán được hơn 20 triệu bản trên nhiều quốc gia, dịch ra 40 ngôn ngữ khác nhau. Năm 2002, tạp chí Forbes đã đưa nó vào danh sách 10 cuốn về quản trị có ảnh hưởng nhất trên thế giới từ trước tới nay.

3. Tóm tắt nội dung sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt

7 thói quen để thành đạt – Thói quen bất diệt của người làm việc hiệu quả

Covey nêu 7 thói quen để mọi người cùng nhau tìm thấy “mô thức” lột xác con người và cuộc đời chính mình

Thói quen thứ nhất là luôn chủ động.

Quyết định quan trọng nhất của một người đó là trở thành nguồn lực sáng tạo trong chính cuộc đời mình. Để làm được điều đó, một người cần sử dụng bốn công cụ có sẵn trong chính bản thân đó là nhận thức, lương tâm, trí tưởng tượng và ý chí độc lập. Người chủ động là người biết nhận lãnh trách nhiệm về tất cả các hành vi của mình, không đổ lỗi cho người khác hoặc thụ động trở thành nạn nhân của bất kể điều gì xảy ra. Sự chủ động sẽ loại trừ những quyết định nhất thời dựa trên cảm xúc hay hoàn cảnh, và đem lại sự lựa chọn tỉnh táo dựa trên nguyên tắc và giá trị.

Thứ hai đó là thói quen bắt đầu bằng đích đến.

Nó được tạo trên nguyên lý rằng tất cả mọi thứ đều được tạo lập hai lần, lần đầu là sự tạo lập trong tâm trí, và lần hai là sự tạo lập trong thế giới vật lý. Trước khi bạn khởi hành hãy xác định đích đến và tìm lộ trình tối ưu nhất. Khi bạn đã tạo được thói quen chủ động, sự sáng tạo tiếp theo đều trải qua hai bước là sáng tạo bằng tinh thần và vật chất. Bất kể thứ gì trong cuộc đời bạn trước hết đều có một tầm nhìn và mục đích của chính nó do bạn thiết kế nên như một sứ mệnh. Khi đó bạn không còn sống qua ngày mà không có mục tiêu hay vô định nữa. Bạn đã xác định và cam kết với các nguyên tắc, giá trị, mối quan hệ và mục tiêu quan trọng nhất và chỉ việc bắt đầu dựa theo đó.

Thói quen thứ ba là ưu tiên điều quan trọng.

Nếu bạn muốn giữ thế chủ động nhằm kiểm soát mọi tình hình ngoại cảnh mà bạn phải đối mặt trong cuộc sống, bạn cần phải giữ một mục tiêu rõ ràng, bạn cũng cần những thói quen tốt để  giúp bạn đưa mục tiêu thành hành động. Một sứ mệnh hay viễn cảnh chỉ có thể biến thành hiện thực khi bạn thực sự sống cùng nó ngày qua ngày. Điều này yêu cầu một khả năng quản lý thời gian. Hầu hết các kỹ năng quản lý thời gian đều chỉ hữu dụng trong việc nâng cao hiệu suất làm việc, nhưng không cải thiện tính hiệu quả. Ngoài ra, các kỹ năng này thường xuyên tạo ra tình trạng căng thẳng cho các mối quan hệ, và về lâu dài lại mang tính cản trở. Trong hầu hết các tình huống, chỉ cần ghi nhớ câu châm ngôn nho nhỏ này là đủ: “Ưu tiên cho điều quan trọng nhất.”

Thói quen thứ tư là tư duy cùng thắng.

Con người là giống loài ích kỷ, thiếu sự hợp tác mà không biết rằng khi bạn càng hào phóng, càng mang lại lợi ích cho đôi bên, bạn sẽ càng thành công vang dội. Từ bản năng tự nhiên, hầu hết mọi người đều hình thành trong mình mô hình “thắng – thua”. Họ cho rằng mọi tình huống đều là một trận đấu, và những người khác đều là địch thủ trong trận chiến giành miếng bánh lớn nhất.

Tuy nhiên, đa số các tình huống trong cuộc sống không nhất thiết phải là một trận đấu. Thường thì ai cũng có thể có miếng bánh cho mình, và mọi sự thậm chí còn tốt đẹp hơn cho tất cả nếu mọi người cùng đi theo giải pháp “cùng thắng”.

Điều tệ nhất của tâm lý “thắng – thua” là khi hai con người cùng có tâm lý này phải đối mặt với nhau, nguy cơ cao là sự việc sẽ đi đến kết cục “cùng thua”. Đôi bên đều thua cả, trong khi đó thì chú chó lại được xơi cả chiếc bánh bị rơi toẹt xuống sàn trong cuộc cãi vã. Hơn nữa, rõ ràng việc xây dựng một mối quan hệ tích cực giữa hai con người luôn đối chọi với nhau quả thực là bất khả thi.

Ngược lại, lối tư duy “cùng thắng” đem lại vô số lợi ích, một trong số đó là khả năng xây dựng được vô vàn những mối quan hệ tích cực với nhiều người khác. Bởi khả năng xây dựng các quan hệ tốt đẹp với mọi người quả là một món tài sản quý giá và là nền tảng cho sự thành đạt thực sự.

Tâm lý cùng thắng là cách tư duy luôn cố gắng tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong muốn. Nó đòi hỏi sự thay đổi tư duy từ chỗ “Tôi muốn chắc chắn rằng tôi sẽ có phần bánh của mình” sang “Rồi sẽ có đủ bánh cho tất cả mọi người cả thôi”. Điều này có nghĩa rằng cần phải tiếp tục giao tiếp và thương lượng cho đến khi tìm ra một giải pháp mà mọi người đều mong đợi. Thực sự đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng, đòi hỏi cần có cả sự tinh tế lẫn tính nhẫn nại. Tuy nhiên, kết quả đem lại sẽ là một mối quan hệ tích cực lâu bên và tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau, mang đến lợi ích cho tất cả mọi người.

Thói quen thứ năm là thấu hiểu rồi được hiểu.

Đây là thói quen quyết định phẩm giá và khả năng lắng nghe thấu hiểu, giao tiếp của bạn. Trước khi thấu hiểu, “chuẩn bệnh” cho ai đó, bạn buộc phải “kê toa” cho chính mình. Hãy chủ động lắng nghe chính mình và lăng kính của mọi người xung quanh.

Nếu bạn gặp một ông bác sỹ nhanh nhẩu đưa ra chẩn đoán trước khi thực sự lắng nghe bệnh nhân trình bày, liệu bạn tin tưởng được ông này bao nhiêu phần trăm?

Chuyện gì xảy ra nếu một bác sỹ nhãn khoa thản nhiên đưa kính của mình cho bạn và bảo: “Kính đó ngon lành lắm, có nó tôi nhìn cái gì cũng rõ cả.” Liệu bạn có nhìn được rõ như ông bác sỹ không?

Dù cho hầu hết chúng ta đều phê phán kiểu hành vi này, nhưng thực ra trong cuộc sống thường nhật, chính chúng ta thường mắc những hành vi tương tự, cụ thể hơn là trong đối thoại với người khác. Chúng ta thường không lắng nghe, và thay vào đó lại bật ra phản ứng một cách tức thì. Chúng ta có xu hướng áp đặt cái nhìn của mình cho người khác và tìm kiếm những phương án mà chúng ta có thể “kê toa”.

Nhìn chung, những lời khuyên kiểu này hiếm khi được tiếp thu, bởi con người ta thường chỉ tin tưởng vào đánh giá của người khác nếu ta cảm thấy họ thực sự thấu hiểu hoàn cảnh của ta. Nếu bạn muốn điều tốt cho mọi người, và muốn được tôn trọng với như một người biết lắng nghe và một quân sư, bạn cần phải phát triển cho mình kỹ năng lắng nghe một cách đồng cảm. Tự bản thân mô thức đòi hỏi một sự thay đổi: không còn là “Tôi lắng nghe để tôi có thể đưa ra lời khuyên” nữa, mà phải là “Tôi lắng nghe để tôi có thể thực sự thấu hiểu người đang ngồi cạnh tôi.” Lắng nghe một cách đồng cảm có nghĩa là lắng nghe chủ động: lặp lại với người kia những điều họ vừa nói bằng chính ngôn từ của bạn, lặp lại những cảm xúc của họ và giúp họ sắp xếp các cung bậc suy nghĩ của chính mình.

Ban đầu bạn sẽ mất nhiều thời gian và công sức để đạt được kỹ năng này, nhưng rồi bạn sẽ nhận lại được những phần thưởng vô cùng quý báu. Nếu bạn học cách lắng nghe một cách đồng cảm thực sự, bạn sẽ nhận ra rằng rất nhiều người đã rất sẵn sàng để mở lòng và tiếp thu ý kiến cũng như lời khuyên của bạn. Đơn thuần là họ chỉ đang chờ đợi một người biết lắng nghe thực sự để có thể mở cánh của lòng mình.

Thói quen thứ sáu là hợp tác cộng sinh.

Đó chính là thói quen hỗ trợ lẫn nhau trong kinh doanh. Đừng tỏ ra phòng thủ nữa, mà hãy học cách tôn trọng sự khác biệt và cùng cộng hưởng.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình còn muốn đi xa thì đi cùng nhau”.

Ở cuốn sách này tác giả muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ rằng kỹ năng hợp tác là điều rất cần thiết trong cuộc sống này. Hoàn thiện bản thân không chỉ là cuộc hành trình của riêng bạn, đó còn có sự giúp đỡ của những người xung quanh. Điều bạn cần phải làm là hãy học cách lắng nghe và học hỏi từ người khác. Và quan trọng hơn là bạn cần phải có thái độ hợp tác trong công việc, một thái độ làm việc nhóm tốt thì mới đạt được hiệu quả.

Thói quen cuối cùng là làm mới bản thân.

Hãy lập trình lại cuộc đời vì nó đánh thức bản chất tốt đẹp nhất trong mỗi con người, đừng để bản thân bị nhìn nhận và đối xử như kẻ thất bại. Rèn luyện và phát triển kỹ năng của bản thân là điều mà mỗi bạn trẻ rất rất cần phải thực hiện, nó không giới hạn độ tuổi. Không chịu học hỏi, tìm kiếm những giá trị, những điểm mạnh mới của bản thân thì bạn mãi không thể trưởng thành. Nếu cuộc sống chỉ là những ngày lướt web, xem phim, ngủ mà không đến bản thân thì bạn chỉ có thể đứng tại chỗ và không bao giờ có thể hoàn thiện bản thân. Chính vì vậy bắt đầu từ hôm nay hãy dành một ít thời gian trong ngày để tìm hiểu thêm về những kỹ năng cần có cho cuộc sống của bạn nhé.

4. Đánh giá sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt

Với độc giả yêu thích cuốn sách này, đừng quên lời Stephen R. Covey đã từng nói: “Chỉ cần bạn sống với một trong 7 thói quen trong hôm nay, bạn sẽ nhận được kết quả ngay tức thì. Và đây cũng là một hành trình trọn đời. Một lời hứa với cuộc sống.”

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

7 thói quen để thành đạt

Tóm tắt & Review sách 7 Thói quen để thành đạt – Stephen R. Covey

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 3]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Người giỏi không phải là người làm tất cả – Donna M. Genett
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Hướng dẫn dử dụng nửa kia – John Gray

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây