Tóm tắt & Review truyện Cảm ơn người lớn – Nguyễn Nhật Ánh

0
2650
Cảm ơn người lớn

Tóm tắt & Review truyện Cảm ơn người lớn – Nguyễn Nhật Ánh

1. Giới thiệu tác giả

Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo, có lẽ vì thế mà tình cảm của ông ngày một trở nên sâu sắc hơn với lứa tuổi học trò ngây thơ và hồn nhiên này. Từ năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã ghi dấu tên tuổi của ông trong lòng độc giả và ông quyết định tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990, nhà văn yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc của Thành đoàn TP HCM và BáoTuổi trẻ.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ đó luôn được coi là một hiện tượng văn học độc đáo và đặc biệt chưa từng có trước đây trong nền văn chương Việt Nam với số lượng sách in lần đầu tiên đến cả trăm ngàn cuốn.

2. Giới thiệu tác phẩm

Chủ đề chính trong “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” là sự khác biệt giữa thế giới của trẻ em và thế giới của người lớn. Trên nền ấy, câu chuyện trong “Cảm Ơn Người Lớn” có sự mở rộng, đa dạng hơn với những hồi tưởng và sự ngậm ngùi tiếc nuối khi nhớ về hàng loạt “chiến công” oanh liệt, những ước mơ nhuốm màu viễn tưởng thời thơ bé của người trưởng thành.

Nhà văn cho biết, thông qua các nhân vật, ông gửi gắm những suy ngẫm, trăn trở và nỗi ám ảnh của chính mình về tình yêu, hôn nhân, tiền bạc, cái chết và sự tàn phá khốc liệt của “bạo chúa thời gian”…

3. Tóm tắt nội dung truyện dài Cảm ơn người lớn

Nếu bạn vẫn còn vương vấn câu chuyện của nhóm bạn cu Mùi, cái Tủn, Tí sún và Hải cò hay câu nói viral “Buồn ơi là sầu!” sau khi xếp cuốn sách “Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ” lại thì đừng bỏ lỡ “Cảm Ơn Người Lớn” – phần hai được bác Ánh kể tiếp hấp dẫn và thú vị không kém. Là khi nhóm bạn tuổi thơ gặp mặt nhau sau khi tất cả đã là người lớn, thậm chí là “lớn hơn cả những người lớn”.

“Cảm Ơn Người Lớn” kể chuyện về bộ tứ tuổi thơ Mùi – Hải – Tủn – Tí, nhóm bạn thanh mai trúc mã, từ lúc 8 tuổi cùng bày ra đủ trò tinh quái cho đến khi ngũ tuần, rồi mỗi lần tụ tập và hồi tưởng lại phải thốt lên đầy hậm hực rằng: “Tao mà gặp lại thằng Hải cò ngày xưa tao sẽ xáng cho nó một bạt tai vì cái tội chơi ngu!” – Đấy, ông Hải cò bảo vậy.

Trẻ con đáng yêu

Trẻ con có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, mơ những thứ rất lạ, rất phi khoa học. Tỉ như muốn tự mình bay như chim, bốn đứa nghĩ thế là rủ nhau làm thật, chim bay được nhờ cánh, vậy thì cùng nhau làm cánh. Cu Mùi và các bạn làm hai cái cánh bằng giấy, sau đó trèo lên mái nhà để tập bay. Nhưng thật không may là chú chim người đầu tiên là Hải cò, sau lần vỗ cánh đầu tiên đã bị ngã gãy tay. Người lớn (tức ba mẹ của bốn bạn) sau khi biết chuyện đã mắng một trận tơi bời, còn các bạn nhỏ thì ngậm ngùi chôn vùi ước mơ có thể bay lượn như chim trên bầu trời.

Những ước mơ táo bạo, không phải bao giờ cũng trở thành hiện thực. Có thất bại cũng không phải nuối tiếc vì mình đã từng thử.

Trẻ con có thể nghĩ đến mọi thứ, trừ cái chết. Bởi chúng thấy cái chết xa tít mù, chẳng có liên quan gì đến mình cả, có nhiều thú vui quan trọng hơn, sống mà không vui thì có gì thú vị đâu? Nên trẻ con thường bày trò nghịch dại, như khoái cái cảm giác đi trên đầu tường chênh vênh, chân run run, người lắc lư…

Đầu óc trẻ con nói chung đơn giản, dễ nhớ, mau quên, cả thèm, chóng chán – khi đã chán (hoặc sợ) “bay” rồi thì muốn làm vua. Nói về trò làm vua, bốn bạn sẽ thay phiên nhau lên làm vua và có quyền ra lệnh cho những người còn lại. Cu Mùi ỷ mình làm vua, lập tức ra lệnh để lấy người mình thích làm hoàng hậu. Hải cò khi lên làm vua, liền trả “tư thù cá nhân”, bắt cu Mùi phải gãi lững cho mình. Còn Tí sún thì đúng chuẩn một vị vua anh mình lỗi lạc, luôn suy nghĩ và lo lắng cho nhân dân.

Thế mới thấy, nếu có chức quyền trong tay, bạn dễ dàng có thể có được điều mà bạn muốn. Nhưng có giữ được những điều ấy bền lâu hay không, lại phải phụ thuộc vào việc bạn có vì người khác hay không. Quyền lực luôn đi kèm với trách nhiệm, quyền lực càng cao thì trách nhiệm sẽ phải càng lớn.

Tiếp theo là trò chơi vợ chồng. Thường thì con Tủn và Hải cò sẽ thành một đôi, còn Tí sún và cu Mùi sẽ thành đôi còn lại. Trong chuyện tình cảm trẻ con này, thực lòng mà nói thì cu Mùi thích con Tủn hơn, nhưng con Tủn thì lại cứ vô tâm mà đến với Hải cò. Còn Tí sún mặc dù là một người vợ vô cùng dịu dàng, chu đáo và nghe lời, nhưng cu Mùi vẫn cho rằng nó còn thiếu một cái gì đó mà không thể thu hút mình bằng con Tủn. Mãi sau này, khi tất cả đều đã có gia đình, con Tủn cũng thừa nhận rằng hồi đó quý cu Mùi hơn Hải cò, nhưng quyết định thì lại đi ngược với cảm xúc của bản thân.

Chẳng dễ dàng gì để giải thích những chuyện liên quan đến tình cảm. Tôi thích anh ấy nhưng rồi anh ấy lại đi thích một người không hề thích mình? Hay anh ấy thích cô ấy nhưng rồi sau cùng lại kết hôn và sinh con với một người khác? Chuyện tình cảm đâu thể nói trước được điều gì, rồi có chăng người ta sẽ lại đổ tại duyên số. Trong tuổi thơ của cu Mùi, nói đến tình yêu đôi lứa, nó vẫn không khỏi thắc mắc tại sao chú Nhiên và cô Linh lại nghỉ chơi với nhau (tức là chia tay nhau). Câu giải thích của chú Nhiên vẫn làm nó suy nghĩ mãi: “Hôn nhân chính là hoàng hôn của tình yêu” thật ư? “Lấy vợ tức là chuyển một bài thơ sang văn xuôi” thật ư? Cho đến khi trở thành người lớn, dù chưa thể hiểu cặn kẽ được tình yêu, nhưng cu Mùi lúc này đã nhận ra rằng, thật ra đó chỉ là con mắt của những kẻ bi quan, chứ thực ra “trên cõi đời này, thiếu gì áng văn xuôi thấm đẫm chất thơ”. Và dù tình cảm của cu Mùi và con Tủn chưa từng được thổ lộ lúc đó, thì đó vẫn là những tình cảm đẹp đẽ khó thể quên của cả hai đứa. Để rồi sau này trong những vần thơ, áng văn của cu Mùi, hoặc là con Tủn hoặc là con Tí sún vẫn thường xuất hiện một cách thật tự nhiên và đáng nhớ.

Những kỷ niệm hồn nhiên đó là quãng thời gian mà tác giả “tôi” luôn hồi tưởng và nhắc nhở bản thân mỗi lần muốn dạy dỗ con cái, để rồi nhận ra hồi đó ông còn điên gấp mười lần con bây giờ, xong kịp thời dừng lại những lời trách mắng và đổi giọng cười xòa “Ờ, ờ… tuyệt lắm, con!”

Người lớn dễ thương

Thoạt đầu, “Cảm Ơn Người Lớn” mới chỉ là vài mẩu chuyện trong sinh hoạt hằng ngày của cu Mùi và đám bạn. Rồi mở rộng không gian nhờ “Bản đồ thị trấn” mà có thêm các nhân vật Hiệp còi, cái Lý, ông Hiên, anh Sỏi, bà Ngát, chị Chiêu… Tiếp nối một chuỗi các câu chuyện đời vô cùng phong phú, thú vị và bất ngờ.

Như câu chuyện về ba mẹ con Lý, nhà con Lý bán nước mắm lẻ, cạnh cái muỗng ống trúc đong nước mắm cho khách, mẹ nó có để cái bảng các-tông chi chít tên người và con số – đó là sổ ghi nợ khi hàng xóm mua trước trả sau. Rồi một ngày mẹ con Lý rượt ba nó vì cái tội xóa sạch tấm bảng ấy.

Điều đáng nói là mẹ nó rượt ba nó chạy lòng vòng chứ không đánh cái nào hết, còn ba nó thì co giò chạy mà vẫn cười hì hì, vin vào cái quyền làm chồng để xóa cái sổ nợ đó, vì thương hàng xóm ai cũng nghèo. Vậy tại sao mẹ con Lý không ghi nợ chỗ khác rồi cất đi? Một điển hình cho trò chơi một người thích ghi cho người kia xóa, một người thích rượt và một người thích bị đuổi!

“Thỉnh thoảng có những người lớn dễ thương. Người lớn dễ thương thỉnh thoảng nghĩ ra những trò chơi dễ thương.”

Dĩ nhiên là thỉnh thoảng người lớn mới dễ thương thôi, bởi khi trưởng thành thì người lớn có quá nhiều điều phải lo toan trong cuộc sống. Thế nên trẻ con phải biết ơn người lớn! Người lớn sinh ra trẻ con và luôn che chở bảo bọc để trẻ con sống một thời tuổi thơ đẹp đẽ như vậy.

4. Đánh giá truyện Cảm ơn người lớn

Đọc “Cảm Ơn Người Lớn”, trẻ con sẽ thấy người lớn dễ thương theo cách mà họ không biết. Còn người lớn sẽ học được cách bao dung với các em hơn. Người lớn bao dung với trẻ con, cũng chính là bao dung với “một thời oanh liệt” của chính mình.

Nhà văn Ma Văn Kháng có lời nhận xét về “Cảm Ơn Người Lớn”: “Viết như không viết. Nhẹ như một hơi thở vô tình. Mà mỗi ý tưởng của tuổi thơ tái hiện lọt đến tận tim gan… ‘Tôi viết cho những ai từng là trẻ em’. Đó là lời đề từ ở đầu cuốn truyện của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi, một ông già đã ở tuổi bát thập, may mắn thay, hạnh phúc thay, đã được trở lại tuổi lên tám khi đọc cuốn sách này của một nhà văn được bạn đọc hôm nay rất yêu mến và ngưỡng mộ.”

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Cảm ơn người lớn

Tóm tắt & Review truyện Cảm ơn người lớn – Nguyễn Nhật Ánh

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Có một người từng là tất cả – Trí
Bài tiếp theoTóm tắt & Review Dear, darling – Hiên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây