Tóm tắt & Review truyện ngắn Làng – Kim Lân

0
783
Làng Kim Lân

Tóm tắt & Review truyện ngắn Làng – Kim Lân

1. Giới thiệu tác giả

Nhà văn Kim Lân (1920 – 2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học rồi đi làm. Nhà văn Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảy và Trung Bắc chủ nhật. Ông viết nhiều về nông thôn Việt Nam, về cuộc sống lam lũ vất vả của người nông dân thời kỳ đó. Ông được biết đến với các tác phẩm văn học như “Vợ nhặt”, “Làng”…

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhà văn Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và viết về làng quê Việt Nam – mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông được nhiều người biết đến như tập truyện ngắn “Nên vợ nên chồng” (1955), tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” (1962).

Ngoài sáng tác văn học, nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Một số vai tiêu biểu ông tham gia diễn xuất có thể kể đến như vai lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, Lý Cựu trong phim “Chị Dậu”, cụ lang Tâm trong phim “Hà Nội 12 ngày đêm”…

2. Giới thiệu tác phẩm

Mượn một đề tài quen thuộc, viết nên những rung động sâu sắc, từ trải nghiệm chân thật của chính người cầm bút. “Làng” của Kim Lân là lòng yêu làng, yêu quê hương, nhưng trên hết thảy là tình yêu nước nồng nàn, là tinh thần kháng chiến chống nội gian và chống ngoại xâm, một lòng ủng hộ cụ Hồ của nhân dân Việt Nam.

Truyện ngắn “Làng” được viết và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 – thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Làng

Truyện ngắn Làng là câu chuyện xoay quanh nhân vật ông Hai và tình yêu làng Chợ Dầu. Với những chuyển biến trong nhận thức và suy nghĩ, ông Hai đã trở thành một điển hình của người nông dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.

Như bao con người Việt Nam khác, ông Hai cũng có một quê hương yêu thương, gắn bó. Làng Chợ Dầu luôn là niềm tự hào và là kiêu hãnh của ông. Ông luôn khoe về làng mình, đức tính ấy như đã trở thành bản chất. Ông cũng như mọi người nông dân Việt Nam khác, có quan niệm rằng “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đối với họ, không có bất cứ đâu đẹp hơn nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Trước cách mạng, mỗi khi kể về làng, ông đều khoe về cái sinh phần của viên tổng đốc sừng sững ở cuối làng. Sau Cách mạng, làng ông đã trở thành làng kháng chiến, ông đã có nhận thức khác. Ông Hai không còn khoe về cái sinh phần ấy nữa mà ông lấy làm hãnh diện với sự cách mạng của quê hương, về việc xây dựng làng kháng chiến của quê mình. Ông khoe làng có “những hố, những ụ, những giao thông hào”, “có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa, rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh thì cao bằng ngọn tre, chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe thấy”… Kháng chiến bùng nổ, ông Hai bất đắc dĩ phải rời làng đi tản cư. Trong những ngày buộc phải rời xa làng tâm trí ông luôn nhớ về nơi ấy, về những anh em đồng chí của mình, ông muốn “cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá…’’.

Ở nơi tản cư, ông luôn đến phòng thông tin để theo dõi và mong ngóng tin tức về làng nhằm nguôi ngoai nỗi nhớ. Trong lúc mong tin làng, những tin vui chiến thắng ở khắp nơi khiến ông vui sướng vô cùng, “ruột gan cứ múa cả lên”.

Khi nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc từ người đàn bà đi tản cư, ông Hai vô cùng sửng sốt, “cổ họng ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được”. Đến khi nghe kể rành rọt, không thể không tin vào điều xấu ấy, niềm tin và tình yêu bấy lâu nay của ông về làng như sụp đổ. Ông đã “gầm mặt xuống”, đánh trống lảng rồi bước đi như kẻ trốn nợ. Khi về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường, rồi tủi thân khi nhìn đàn con nhỏ: “nước mắt ông lão cứ dàn ra”. Những dòng độc thoại nội tâm trong ông thể hiện nỗi day dứt, đau đớn: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?…”.

Ông căm giận lũ người theo giặc, phản bội làng nước, ông lão nắm chặt hai tay mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này”. Nhưng sau đó, ông lại cảm thấy “ngờ ngợ” như lời của mình không được đúng lắm. Niềm tin và nỗi thất vọng đang giằng xé trong ông. “Ông kiểm điểm từng người trong óc” thấy họ đều là những người có tinh thần kháng chiến, một sống một chết với giặc, có đời nào lại can tâm làm điều nhục nhã ấy được. Trong hoàn cảnh giặc giã thì tinh thần yêu nước, tinh thần kháng chiến là một thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp; còn phản bội là điều xấu xa ô nhục nhất. Vì thế từ khi nghe tin làng mình theo giặc, nó đã trở thành nỗi ám ảnh, day dứt trong tâm trí của ông, khiến ông ba bốn hôm nay không dam bước chân ra đến ngoài.

Suốt ngày chỉ quanh quẩn ở trong cái gian nhà chật chội ấy mà nghe ngóng binh tình. “Một đám đông túm lại ông cũng để ý, dăm bảy tiếng nói xa xa ông cũng chột dạ”, lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng người ta đang để ý, đang bàn tán đến “cái chuyện ấy”; cứ thoáng nghe những tiếng Tây, cam nhông, Việt gian là ông lại lủi thủi ra một góc nhà nín thít… “Thôi lại chuyện ấy rồi!”. Ông luôn thu mình lại, cảm thấy xấu hổ, đau xót và dường như cảm thấy chính mình cũng có tội vậy. Ông rời vào tình trạng tuyệt vọng khi mà bà chủ nhà đánh tiếng đuổi gia đình ông đi vì “nghe nói, bảo có lệnh đuổi hết những người làng chợ Dầu khỏi vùng này, không cho ở nữa”.

Ông Hai không biết đi đâu, cũng không thể quay lại trở về làng vì về làng tức là bỏ kháng chiến, bỏ cụ Hồ, “về làng tức là chụy quay lại làm nô lệ cho thằng Tây”. Trong ông Hai diễn ra cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt và dứt khoát lựa chọn theo cách của mình “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Tình yêu nước đã bao trùm lên tình yêu làng. Song ông không thể vứt bỏ tình yêu làng nên ông Hai càng đau xót, tủi hổ. Trong tâm trạng bị dồn nén, không biết giải tỏa như thế nào, ông Hai chỉ còn biết trút lòng mình với đứa con nhỏ. Cuộc đối thoại giữa ông và đứa con trai đã bộc lộ thật cảm động tấm lòng gắn bó sâu sắc với làng quê, với đất nước và với kháng chiến của ông Hai. Ông nói với con mà như tự nói với chính mình, tự mình oan, tự chiêu tuyết cho mình. Đoạn thoại, vừa chất chứa nỗi đau đớn, xót xa, lại vừa thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắt với kháng chiến, với cách mạng, với cụ Hồ.

Đau khổ là thế, lo âu là thế nhưng cái tin làng Chợ Dầu theo giặc đã được cải chính. Niềm vui trong ông Hai như vỡ òa. Ông chạy đi khoe ngay với bác Thứ rồi gặp bất cứ ai ông cũng khoe Tây đã đốt nhà mình như muốn chứng minh làng mình không theo giặc với tất cả niềm tin và tình cảm của ông. Đối với ông hai cũng như mọi người nông dân khác, con trâu, mảnh ruộng, gian nhà là vô cùng quý giá nhưng họ thà mất đi tất cả chứ không chịu mất nước và ý chí ý đã trở thành một truyền thống vô cùng tốt đẹp của dân tộc ta.

4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Làng

Nhà văn Kim Lân từng chia sẻ:

“Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán. Trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin làng tôi lại có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn “Làng” như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi.”

“Làng” ra đời trong hoàn cảnh lịch sử ấy, và tâm lý nhân vật chính được lấy nguyên mẫu từ trải nghiệm của nhà văn. Câu chuyện bởi vậy chân thực và mang đến những rung động sâu sắc.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Làng Kim Lân

Tóm tắt & Review truyện ngắn Làng – Kim Lân

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Bài trướcTóm tắt & Review truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ – Yasutaka Tsutsui

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây