Tóm tắt & Review sách Những em bé đang lớn – Làn

0
471
Những em bé đang lớn

Tóm tắt & Review sách Những em bé đang lớn – Làn

1. Giới thiệu tác giả

Dương Thùy Dung – tên yêu thương thì gọi là Làn. Làn là tác giả của fanpage Tivi của bố, kể ti tỉ thứ chuyện be bé quanh đời.

Sách đã xuất bản: Lê la từ nhà ra ngõ (2022)

2. Giới thiệu tác phẩm

“Những em bé đang lớn” là chương tiếp theo của “Lê la từ nhà ra ngõ”, một chương mới về cuộc đời của Làn với những câu chuyện đi sâu hơn vào đời sống, những câu chuyện có thể khiến bạn cười nhưng đồng thời cũng có thể làm bạn bật khóc.

3. Tóm tắt nội dung sách Những em bé đang lớn

Mẹ kẹt sỉ lắm…

Hôm nay shipper đến, giao đơn hàng mỹ phẩm, chín cái lọ, mấy triệu. Mẹ la quá trời. Mẹ bảo tấp tiền vào mặt, “con nhà lính tính nhà quan”.

Hôm nọ dọn đồ, nhà bừa ơi là bừa, vứt đi mấy chục cân đồ đạc lưu cữu, giấy tờ, quần áo chục năm trước, chai lọ tích lại chờ có cơ hội dùng. Mẹ chẳng biết đâu tại đồ lưu cữ lâu lắm rồi. Nhưng có cái điện thoại vứt nhầm. Điện thoại Samsung mua hồi 2011, giờ hỏng hết nút home, nút nguồn, cảm ứng chậm, màn hình tối om, camera mờ tịt. Mẹ bảo chưa hỏng, để đấy chưa gì đã vứt đi, hoang phí.

Hôm chuyển nhà vào Nam, đồ đạc quan trọng mới mang đi, còn lại đồ nặng các thứ phải để lại, không cách nào di chuyển hay bán lại được. Mẹ nói hoài phát bực bội, phải chuyển về nhà cho mẹ dùng.

Đi chợ mẹ có thói quen mặc cả. Nải chuối 17 nghìn nhưng phải 15 nghìn mới bỏ giỏ, rau dưa 6 nghìn thì lấy 5 nghìn thôi… Nhiều lúc nghĩ, hôm nay đi chợ với mẹ một vòng, mẹ nói khô cổ mặc cả đỡ được đâu đó 10 nghìn.

Nhà xây hồi 2007, tới giờ là 14 năm chưa sơn lại. Thời tiết miền Bắc mà, tới mùa nồm ẩm lắm, nhiều chỗ như phòng bếp, nhà vệ sinh là mốc lấm lem. Mẹ bảo muốn sơn lại quá, nhưng thôi đợi Dung có người yêu dẫn về nhà sắp cưới lúc ấy mới tân trang lại nhà cửa đón bạn.

Đợi mãi chẳng ai thèm cưới Dung, thế là mẹ lọ mọ mua con lăn bắc ghế kê thang tự rửa tường, còn đòi tự sơn bảo đỡ mấy chục triệu công thợ thuyền.

Nhiều lúc mình nghĩ mà thấy khó chịu. Kẹt sỉ quá! Không thoáng ra chút cho đỡ vất vả. Giờ nhà cũng khá rồi chứ có nghèo như ngày xưa đâu, vài trăm nghìn vài triệu cũng đâu có to quá nữa.

Mẹ bảo thì nhờ tằn tiện, gom góp mấy chục năm mới có ngày này. Cái tính nó in sâu vào rồi. Giờ Dung viết lách một lúc thì có vài trăm nghìn, vài triệu chứ như mẹ làm cả ngày công nhân trông xe mới được mấy chục nghìn, bán cái bánh được 2 nghìn thì tiền nó to lắm.

Mẹ kẹt sỉ với bản thân, mua cái áo 40-50 nghìn nhưng áo cho con thì vài trăm. Mẹ ăn cơm nguội buổi sáng nhưng bữa cơm nhà bao giờ cũng 4-5 món. Mẹ tiết kiệm từng nghìn một nhưng chọn cho Dung trường xịn nhất học phí cao, cho Khuê lớp xịn nhất lại ít người để học hiệu quả, cho bố mấy giò lan xịn đắt bằng cả trăm cái bánh mẹ bán, hôm nào đi chợ cũng phải lượn một vòng để tìm xem có bánh trái hoa quả gì không mua cho bà…

Tiền tích được mẹ chẳng tiêu mấy, vẫn đi xe đạp cũ hồi cấp 2 của Dung, vì mẹ để tiền mua mấy thứ cần thiết hơn. Ngày xưa cưới bố ông bà cho mẹ được một cái nồi gang, chày cối, cái chậu Liên Xô. Dung và Khuê cưới bố mẹ phải cho được đất, cho được nhà.

Mẹ kẹt sỉ lắm, kẹt sỉ với mẹ thôi vì mẹ cứ chấp nhận hy sinh như thế. Mẹ khổ mười tí cho người mẹ thương sướng một tí cũng chịu.

“Đừng buồn, có gì đâu mà phải buồn?”

Thằng cháu 5 tuổi của tôi vấp té. Người lớn nói với nó rằng:

– Đứng dậy đi con! Đàn ông sau này còn phải gánh vác sự nghiệp.

Con cá cảnh của nó bị bội thực do nó cho ăn nhiều quá. Nó khóc lớn.

– Khóc lóc cái gì, mỗi con cá cũng khóc. Nhìn chú này, chú có khóc đâu.

Năm 17 tuổi, tôi thi trượt trường đại học mà tôi thích. Người lớn an ủi rằng:

– Có cái gì mà phải buồn, sau này lớn lên còn nhiều chuyện khủng khiếp chứ trượt đại học có gì mà buồn.

Ngày chia tay mối tình đầu, tôi khóc, cả thế giới như sụp đổ. Người ta khuyên:

– Thôi em ơi, thiếu gì đàn ông. Sau này còn nhiều mối tình, em sẽ thấy buồn vì một người không đáng là vô cùng phí phạm.

Ra trường, lần đầu bị lừa mất 300 nghìn. Đứa bạn nói:

– Lừa thế đã là gì? Tao còn mất 30 triệu đây!

Sau này, khi đã lớn hơn, mình không còn khóc khi vấp té, cũng chẳng nhớ nhiều ngày xưa trượt đại học buồn thế nào. Trải qua nhiều mối tình nên không suy sụp như lần đầu nữa thật. Nhưng rõ ràng, tại thời điểm ấy, với một thằng nhóc 5 tuổi, con bé 17 tuổi thì đó vẫn là một sự tổn thương. Văn minh một chút, đừng an ủi người khác bằng câu:

– Đừng buồn, có cái gì mà phải buồn.

Mình ghét nhất mấy cuộc gọi lúc nửa đêm

Mình có thói quen bật chế độ máy bay để không có thông báo nhảy lên, ngủ cho ngon. Sáng mai còn đi làm chứ mắc chi làm phiền nhau lúc nửa đêm? Có chuyện chi thì nói hết lúc tối, cần thì mình thức khuya. Còn trẻ con đâu mà thử thách tình cảm của nhau kiểu đó?

Mình tập thói quen ấy 3-4 năm nay rồi. Rồi mình yêu bạn ấy. Bạn có chút vấn đề về sức khỏe. Bạn kể với mình là bạn bị mất ngủ, có nói mấy lần nhưng mình vô tâm quá, cũng không nghĩ theo hướng khác đâu. Bạn là kiểu người vui vẻ, nhiều năng lượng. Bạn chủ nhiệm một câu lạc bộ cả trăm người. Thường thì không có ai nhiều năng lượng mà lại mất ngủ cả.

Sáng hôm ấy, mình dậy lúc 6 rưỡi, rồi thấy 14 cuộc gọi nhỡ từ Messenger, 18 cuộc gọi điện thoại cả hai sim. Nhắn nhiều lắm nhưng mình hoảng quá, không đọc mà gọi bạn luôn.

Bạn khóc rưng rức. Bạn chỉ khóc thôi, khóc xong cúp máy. Mình sợ lắm, sợ bạn chạnh lòng rồi không tha thứ cho mình nữa. Mất một tuần để an ủi, dỗ dành và giúp bạn vui lên. Nhiều lúc cũng tức vì mình có làm gì sai đâu, mất ngủ thì cất điện thoại đi nhắm mắt mới ngủ được chứ!

Hóa ra đợt ấy bạn mất ngủ dài, đêm ấy là tròn một tuần bạn không ngủ được. Ban ngày vẫn phải đi học, đi dạy cường độ cao mà đêm lại không ngủ được nên bạn bị kiệt sức với tủi thân lắm. Đêm ấy, bạn gọi mình từ 2 tới 6 giờ sáng mà 6 rưỡi mình mới gọi lại Nhiêu đó thời gian ấm ức, vô vọng với một đứa con gái thì chắc là tệ lắm! Sau đấy, vì yêu bạn nên mình bỏ thói quen tắt điện thoại khi đi ngủ. Mình chỉ tắt wifi, để chuông thật to rồi đặt điện thoại ra xa.

Ban lại chẳng bao giờ gọi đêm nữa. Nếu mất ngủ bạn sẽ cố gắng đi ngủ lại. Nhưng hôm ấy, 2 giờ bạn gọi mình vì đau dạ dày. Mình bảo bạn đợi, mình qua liền. Nghe giọng bạn rên rỉ, chưa bao giờ mình thấy bạn đau như thế. Đến nơi, bạn thậm chí còn không thể ra được tới cầu thang để mở cửa. Do bạn uống rợu nên dạ dày quặn lên, mình phải đưa đi cấp cứu. Nhỏ bị viêm hang vị dạ dày nặng và xuất huyết.

Hôm ấy, mình nhận được cuộc gọi quá giờ đêm từ bố, gọi báo bà nội bị ngã. Nửa đêm bà đi vệ sinh, đột nhiên lên cơn tai biến gã, giờ cả nhà đưa bà ra viện rồi. Bố mình bảo mai về.

Mình lo lắm, nhưng xa nhà tận 200km, giờ nửa đêm không thể xoay xở để về được. Mình nghe bố, nhắn tin cho sếp xin nghỉ làm, để chuông 5 giờ sáng để bắt xe về.

4 giờ 30 phút sáng.

Bố mình gọi đến.

– Bà đi rồi con ơi!

Mình không thích mấy cuộc gọi lúc nửa đêm. Việc gì mà không thể đợi đến sáng mai mới thông báo vậy?

4. Đánh giá sách Những em bé đang lớn

Tất cả chúng ta đều là những đứa trẻ mộng mơ trước khi trở thành một người lớn chín chắn, trưởng thành. Và mỗi người lớn đều là “trẻ con” với một ai đó. Như cách bạn luôn là “trẻ con” với bố mẹ, như cách bố mẹ vẫn là “trẻ con” với các bác trong nhà, và như cách các bác vẫn luôn là “con trẻ” trong mắt của ông bà.

Chúng ta, ai cũng từng là những đứa trẻ. Và những đứa trẻ, bao giờ cũng sẽ có những câu chuyện để nhớ về…

Những đứa trẻ đó có thể từng là những đứa trẻ hư, từng mắc không ít sai lầm, từng nói dối, cũng có thể từng nghịch ngợm. Những đứa trẻ đó có thể đủ đầy tình cảm gia đình, cũng có thể thiếu thốn tình thương, cũng có thể không được thương yêu đúng cách.

Nhưng, không phải đứa trẻ hư nào lớn lên cũng sẽ trở thành một người lớn tồi. Đời sống chúng ta là tổ hợp của gia đình, bạn bè, trường lớp, của các mối quan hệ xã hội khác nhau. Đứa trẻ sẽ vấp ngã, sẽ gặp những người xấu, nhưng đồng thời có thể tự trưởng thành sau mỗi cú ngã và sẽ được học, được an ủi bởi những người đẹp đẽ và giàu tình yêu thương.

Hiện tại dù đang ở đội tuổi mười mấy đôi mươi, hay ba mươi bốn mươi năm mươi… thì chúng ta vẫn luôn “lớn lên” mỗi ngày bằng một cách nào đó. Con cái lớn lên khi biết tự lập, bố mẹ lớn lên khi biết để con rời xa mình và theo đuổi điều con thực sự thuộc về… Chúng ta đều là những “đứa trẻ” đang học lớn, nhưng cũng là những “người lớn” đối với một ai đó trong cuộc đời này.

Hy vọng những câu chuyện nhỏ xinh trong “Những em bé đang lớn” có thể mang đến cho bạn một góc nhìn dễ thương về cuộc đời, nơi những đứa bé tập lớn, nơi những người lớn được làm trẻ con, nơi chúng ta ai cũng sẽ là một phần quan trọng trong cuộc đời của một người nào đó.

“Những em bé đang lớn” – Mong bạn có thể sảng khoái làm người trưởng thành, nhưng cũng có thể hồn nhiên trở về làm trẻ nhỏ.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Những em bé đang lớn

Tóm tắt & Review sách Những em bé đang lớn – Làn

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Cha và Con – Tony Parsons
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Nếu ngày mai không bao giờ đến – Yasushi Kitagawa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây