Tóm tắt & Review sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy – David McRaney

0
219
Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy

Tóm tắt & Review sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy – David McRaney

1. Giới thiệu tác giả

David McRaney là một nhà báo, yêu thích tâm lý học, công nghệ và internet, ông còn là một phóng viên, biên tập viên và nhiếp ảnh gia, nhân viên truyền thông và từng viết quảng cáo cho Heineken và tham gia sản xuất các chương trình truyền hình. Hiện ông đang sống cùng vợ ở Hattiesburg, tiểu bang Mississippi, Hoa Kỳ.

Ngoài cuốn sách “You are not so smart” (Bạn không thông minh lắm đâu), David McRaney có một số tác phẩm tiêu biểu khác như: Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy (2013), …

2. Giới thiệu tác phẩm

Sau thành công của cuốn sách tâm lý học gây chấn động năm 2017 Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu, tác giả David McRaney sẽ quay trở lại với chúng ta trong năm nay với một tác phẩm nặng ký không kém – Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy. Là một sự pha trộn đầy tinh tế giữa công cuộc nghiên cứu khoa học nghiêm túc và hàng tá những câu chuyện tầm phào, cuốn sách này sẽ một lần nữa lật tẩy những thủ đoạn tráo trở mà bộ não trong hộp sọ vẫn đang hàng ngày sử dụng để đánh lừa bạn.

3. Tóm tắt nội dung sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy

Vẫn giống format của “Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu”, ở phần 2 – “Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy”, tác giả đưa ra 17 vấn đề tâm lý cực hay và thuyết phục. Sau đây hãy cùng mình trải nghiệm một vài bài học hay từ cuốn sách nhé!

Phi cá nhân hóa

  • Bạn vẫn tưởng: Những kẻ tham gia vào những vụ nổi loạn và hôi của toàn kẻ đốn mạt chỉ chực chờ cơ hội ăn cắp và giở trò bạo lực.
  • Sự thật là: Dưới những điều kiện nhất định, bạn có xu hướng đánh mất đi bản tính cá nhân và trở thành một phần trong tư duy tập thể.

Khi một đám đông tụ tập xung quanh một người đang có ý định tự tử – một điều kinh khủng sẽ xảy ra.

Năm 2001, tại Seattle, một phụ nữ hai mươi sáu tuổi vừa mới kết thúc một mối quan hệ đã gây ra một vụ tắc nghẽn giao thông trên cầu khi cô do dự liệu có nên nhảy cầu để tự kết liễu cuộc đời. Khi hàng đoàn xe hơi bị nghẽn lại và những người tài xế trở nên khó chịu, họ đã hét “Nhảy đi, con khốn, nhảy đi!” cho tới khi cô ta nhảy xuống thật. Những vụ như thế này không phải là hiếm gặp.

Năm 2008, một chàng trai mười bảy tuổi đã nhảy từ trên nóc một bãi đỗ xe nhiều tầng tại Anh sau khi khoảng ba trăm người hò reo động viên anh ta làm vậy. Một số người đã chụp ảnh cũng như ghi hình sự việc trước, trong và sau khi xảy ra. Sau cú nhảy, đám đông lập tức giải tán, cơn mê muội bị phá vỡ. Những kẻ kích động bỏ đi trong khi tự hỏi không hiểu điều gì vừa khiến họ làm vậy. Những người đứng ngoài quan sát thì lên mạng xã hội để xả nỗi bức bối của họ trước hành động này.

Năm 2010, một người đàn ông ở San Francisco đã đứng trên bờ tường căn hộ chung cư cao tầng và đắn đo trước khi thả mình xuống. Một đám đông đã tụ tập bên dưới, và không lâu sau đó bắt đầu kêu gọi kích động anh ta nhảy. Họ thậm chí còn viết những dòng tweet về điều này. Người đàn ông đã chết ngay khi chạm đất mười lăm phút sau đó.

Một người bình luận đã viết: “Tôi có mặt ở đó và thực sự bị chấn động. Những người đứng cạnh tôi lúc ấy đã cười đùa trong khi kêu gọi ông ta nhảy xuống và quay phim lại toàn bộ sự việc. Tôi đang học cấp ba và điều này chắc chắn sẽ ám ảnh tôi tới cuối đời.”

Cảnh sát và lính cứu hỏa từ lâu đã nắm rõ khuynh hướng đám đông tụ tập và kích động này. Đó là lý do tại sao họ lại ngăn lối vào hiện trường khi một vụ tự tử có khả năng xảy ra và nhanh chóng giải tán đám đông ra khỏi tầm nghe của người đang có ý định dại dột.

Chỉ cần duy nhất một người là có thể kích động cả một đám đông. Nếu bạn bị mất đi cảm giác về bản ngã, bị bao bọc trong sức mạnh của đám đông, và rồi bị kích động bởi một tín hiệu từ môi trường xung quanh, bản tính cá nhân của bạn có thể sẽ bốc hơi.

Ngụy biện về niềm tin phổ biến

  • Bạn vẫn tưởng: Một vấn đề nhận được sự đồng thuận càng cao thì càng có nhiều khả năng là nó chính xác.
  • Sự thật là: Một quan niệm không thể trở nên chính xác hơn chỉ vì nhiều người cùng tin vào nó.

Một trong những chướng ngại khó vượt qua nhất mà con người phải đối mặt kể từ khi biết cách đẽo đá làm mũi giáo là trục trặc nhỏ trong tâm trí mang tên sự ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến.

Lối ngụy biện này hoạt động như sau: Nếu hầu hết mọi người tin rằng điều gì đó là đúng, thì nhiều khả năng, bạn cũng tin điều đó là thật ngay khi nghe đến nó lần đầu tiên. Sau đó, bạn sẽ tiếp tục truyền bá niềm tin sai lầm này, và cứ thế, nó lan rộng ra. Vốn là sinh vật có tính xã hội cao, điều đầu tiên bạn làm khi nhận công việc mới, nhập học tại trường mới, tới một đất nước mới, hay trong bất kỳ tình huống mới lạ nào, là tìm tới sự trợ giúp của những người đã thân thuộc với môi trường này để nhanh chóng làm quen.

Đối với những ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến xảy ra trong cuộc sống của chính mình, hãy nhớ rằng các nhà khoa học luôn cố gắng tiến gần đến sự thật hơn, nhưng cá nhân bạn, ít nhất là về bản chất, lại không thể làm được điều đó. Bởi vậy, chẳng có gì khó hiểu khi bạn không thực sự giỏi việc này. Nghĩa là khi tin vào điều gì đó, bạn hiếm khi chủ động tìm kiếm những bằng chứng đối nghịch để tự phản biện cho giả thuyết của bản thân. Đó chính là nguồn gốc của những truyền thuyết, những câu chuyện dân gian, những phong tục mê tín và nhiều thứ khác nữa. Khả năng hoài nghi không phải là điểm mạnh của bạn.

Có thể hàng trăm năm nữa hoặc hơn thế, người ta sẽ vẫn không hiểu hết những dữ liệu đó, nhưng nhờ vào phương pháp khoa học, chúng sẽ buộc những tự sự chứa đầy thành kiến và ngụy biện phải đối đầu với sự thật và cuối cùng, bị đẩy lùi vào lịch sử.

Ngụy biện chi phí chìm

  • Bạn vẫn tưởng: Bạn luôn đưa ra những quyết định có lý dựa vào giá trị tương lai của đồ vật, các khoản đầu tư hay các trải nghiệm.
  • Sự thật là: Các quyết định của bạn đều bị chi phối bởi cảm xúc, và bạn càng đầu tư nhiều vào một thứ gì đó thì càng khó từ bỏ.

Kahneman giải thích rằng, bởi vì mọi quyết định được đưa ra đều bị ảnh hưởng từ sự bất định của tương lai, bộ não con người đã phát triển một hệ thống tự động và vô thức dùng để đánh giá các phương án mỗi khi nguy cơ mất mát xuất hiện. Qua thời gian, nguy cơ đối mặt với sự mất mát, chứ không phải những phần thường tiềm năng, đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy hành vi của bạn. Bạn tránh phải chịu đựng những mất mát bất cứ khi nào có thể, và khi so sánh thiệt hại với lợi ích, bạn không đối xử với chúng như nhau.

Độ chênh lệch về giá của hai sản phẩm ở hai quầy hàng là như nhau. Tuy nhiên, bạn không tư duy theo cách đó. Bởi vậy bạn sẽ tính toán sự cân bằng giữa chi phí và món lợi nhận được bất kỳ lúc nào có thể. Ariely nhận định rằng đây là lý do tại sao bạn lại mang về nhà những thứ linh tinh miễn phí mà mình không thực sự thích hay cần đến, và đây cũng là lý do khiến bạn rất dễ bị cuốn vào những giao dịch đáng ngờ khi chúng đi kèm quà tặng miễn phí, hoặc lựa chọn những dịch vụ tầm tầm nhưng được miễn phí vận chuyển thay vì những dịch vụ khác tốt hơn không kèm theo điều khoản này. Niềm hạnh phúc khi nhận được một món hời sẽ làm lu mờ nỗi đau khi chi trả và nâng cao giá trị của món đồ trong mắt bạn.

Chi phí chìm là những món chi trả hoặc đầu tư không thể thu hồi lại được. Một mất mát, sau khi đã thực sự xảy ra, sẽ đeo bám và ám ảnh tâm trí bạn, ngày càng trở nên đậm nét hơn. Khi việc bấu víu vào quá khứ trở thành một yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về tương lai, bạn sẽ có rủi ro đi chệch hướng bởi tác động từ ngụy biện chi phí chìm.

Là một con người trưởng thành, bạn được tạo hóa ban cho khả năng hồi tưởng và tiếc nuối. Bạn có thể tiên đoán được về một tương lai mà ở đó bạn sẽ phải công nhận những nỗ lực mình đã bỏ ra là vô ích, những tổn thất là không thể khắc phục, và khi bạn chấp nhận sự thật này, nó sẽ gây ra nỗi đau rất lớn.

4. Đánh giá sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy

“Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy” chắc chắn không phải là một cuốn sách dễ đọc mà đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩa và nghiền ngẫm rất lâu. Nhưng nội dung của cuốn sách này lại rất thu hút, độc đáo sẽ khiến bạn rất thích thú. Cuốn sách đưa chúng ta vào tận sâu trong tâm trí của mình, đối diện với bản ngã của chính mình và chấp nhận sự thật rằng chúng ta không hề nhìn sự vật như nó vốn có. Bộ não luôn lừa dối chúng ta.

Cuốn sách này quả thật đã tiếp nối thành công của “Bạn không thông minh lắm đâu” cả về hình thức và nội dung. Với những bài học không dễ dàng tìm được ở bên ngoài, thì mình tin rằng “Bạn Đỡ Ngu Ngơ Rồi Đấy” xứng đáng là một trong những cuốn sách nên có trên kệ nhé!

Gấp lại cuốn sách, mong rằng bài viết cũng như cuốn sách này sẽ mang đến cho bạn những điều hay ho.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy

Tóm tắt & Review sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy – David McRaney

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Sống Mãi Với Thủ Đô – Nguyễn Huy Tưởng
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách 7 chiến lược thịnh vượng và hạnh phúc – Jim Rohn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây