Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ngàn hạc giấy của Sadako – Sasaki Masahiro

0
907
Ngàn hạc giấy của Sadako

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ngàn hạc giấy của Sadako – Sasaki Masahiro

1. Giới thiệu tác giả

Cuốn sách được viết bởi Sasaki Masahiro, một người không chỉ trải qua những giây phút kinh hoàng nhất của thành phố Hiroshima vào thời khắc Mỹ ném trái bom đầu tiên xuống Nhật Bản, mà ông còn là người thân liên quan trực tiếp với nhân vật trung tâm trong cuốn truyện – bé Sadako.

2. Giới thiệu tác phẩm

Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc nhưng thảm họa từ vụ nổ nguyên tử ở thành phố Hiroshima vẫn kéo dài mãi về sau. Cô bé Sasaki Sadako, là một trong những nạn nhân từ thảm họa đó. Sadako bị nhiễm phóng xạ, mất vì bệnh máu trắng khi mới 12 tuổi. Và Ngàn cánh hạc của Sadako, là những dòng chữ của anh trai cô bé – Sasaki Masahiro, viết về quãng đời đầy ý nghĩa mà Sadako đã sống.

3. Tóm tắt nội dung Ngàn hạc giấy của Sadako

Đề tài phản chiến trong Ngàn hạc giấy của Sadako

Khi nhắc đến đề tài phản chiến trong tác phẩm Ngàn hạc giấy của Sadako, trước hết, cần phải nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết nhìn lại: khi con người ở hiện tại, nhìn lại những sự kiện đã xảy ra và viết về những năm tháng đã qua trong lịch sử. Nhưng không chỉ mang tính lịch sử, Ngàn hạc giấy của Sadako còn mang tính tự truyện nhằm khắc họa lên hình tượng một nhân vật có thật, thậm chí là cùng chung dòng máu thân thiết với người viết.

Vì thế, đề tài phản chiến ở cuốn sách, vừa thể hiện trong từng mốc thời gian ứng với từng sự kiện có thật, mà còn thể hiện trong những chứng nhân lịch sử, và kết tinh lại, ở hình ảnh cô bé Sadako.

Chiến tranh là đau thương, là những mất mát không thể tránh khỏi. Nhưng quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ Hai sắp kết thúc, việc Nhật đầu hàng Đồng Minh chỉ còn là vấn đề thời gian thì mãi vẫn là điều gây tranh cãi trong lịch sử.

Người dân Nhật Bản nói chung, người dân ở Hiroshima nói riêng, đến tận khi trái bom phát nổ, vẫn đang diễn ra nhịp sống thường nhật. Thậm chí, theo mô tả của tác giả Masahiro, khi trái bom rơi xuống, phát nổ tạo hai vệt sáng chói lọi, người dân còn ra đường ngắm nhìn và thốt lên: “Đẹp quá!” Để rồi, về sau nhìn lại, tất cả hiện về là những ký ức đầy đau đớn, cay đắng: “Tại sao lại quăng quả bom tàn khốc đó xuống nước Nhật chứ?”

Quả thực là quá tàn khốc khi vụ nổ nguyên tử không chỉ san phẳng thành phố Hiroshima, tạo lên những cảnh tượng tang tóc ám ảnh mãi những ai còn sống: thành phố chìm trong biển lửa, xác người chết, dòng sông nhuốm máu, mưa đen phóng xạ… Mà hơn cả còn là những di chứng chiến tranh kéo dài đến hàng thế hệ: căn bệnh máu trắng, ung thư da mà Sadako và những trẻ em trên toàn nước Nhật gánh chịu, những đứa trẻ khiếm khuyết về ngoại hình hay trí tuệ… Chiến tranh cướp đi tính mạng con người. Và trong thời bình vãn đi tiếng súng, di chứng chiến tranh lại cướp đi tương lai, hi vọng của bao gia đình, bao đứa trẻ khác.

Tái hiện hiện thực chiến tranh thảm khốc, khắc họa lên những số phận bất hạnh như cô bé Sadako vào thời đại mà tiếng súng đã lìa xa, lần nữa, tác giả Sasaki Masahiro đã góp một phần tiếng nói vào phong trào chống chiến tranh nói chung, chống việc sử dụng và thử nghiệm vũ khí nguyên tử, vũ khí hạt nhân nói riêng ở hiện tại và tương lai.

Đồng thời, thể hiện tinh thần phản chiến, ủng hộ hòa bình trong Ngàn hạc giấy của Sadako cũng là một cách, Sasaki Masahiro bày tỏ tấm lòng nhân đạo, trĩu nặng yêu thương của ông, của một con người đã nếm trải đủ đau thương quá khứ mang lại: tố cáo tội ác chiến tranh, yêu thương những mảnh đời bất hạnh và khát khao về tương lai tốt đẹp. Chẳng vậy mà, con người ấy đã mang tư tưởng phản chiến cùng tinh thần nhân đạo đó, không chỉ gửi gắm vào những con chữ trong Ngàn hạc giấy của Sadako, mà còn gửi vào những chuyến đi thực tế tới khắp nước Nhật, dành trọn gần như phần đời còn lại để đấu tranh cho hòa bình và lan tỏa yêu thương.

Sadako – nữ chiến binh dũng cảm trong chính cuộc đời của mình

Tác phẩm là một tấn bi kịch, câu chuyện kể về những cái chết thảm thương của những nạn nhân, thuật lại hành trình đầy đau đớn của Sadako, day dứt và ám ảnh. Nhưng nổi bật lên trên một quá khứ ảm đạm và đau thương, độc giả phải nghiêng mình trước sự mạnh mẽ của những nạn nhân trong cuộc mà tiêu biểu là Sadako.

Sadako còn quá nhỏ để có thể hiểu được chiến tranh là gì, tại sao em phải gánh chịu hậu quả của nó. Thay vì buồn rầu và than trách, em dành thời gian ít ỏi của mình để yêu thương những người quan trọng với mình. Sadako yêu thương thật nhiều, cũng trao gửi đi thật nhiều tin yêu. Giữa cơn bạo bệnh, cô bé đó vẫn chỉ một lòng lo cho gia đình, nghĩ suy đến món nợ của người cha, vẫn dành những quan tâm bình dị tới những người xung quanh.

Ta đau đớn cho chính nhân vật khi chứng kiến em chịu đau đớn nhưng nhất quyết không dùng thuốc. Ta nghẹn ngào khi nhìn thấy nụ cười vẫn gượng nở trên môi của em, vẫn tươi sáng và đẹp đẽ, nụ cười của một thiên thần nhỏ bé đã sống hết mình trong những năm tháng cuối đời. Vì vậy tác phẩm không chỉ là hồi ức của một nạn nhân, đó là hành trình của một nữ chiến binh thực sự.

Những con người nhỏ bé nhưng mạnh mẽ, đã gánh trên mình những đau thương của đất nước, lặng lẽ gieo vào lòng cuộc sống bình dị hàng ngày hạt giống của hi vọng và niềm tin. Một Nhật Bản đã từng oằn mình để chống chọi với chiến tranh, nay đã chuyển mình mạnh mẽ dưới bàn tay của những chiến binh như Sadako. Tác phẩm chính là lời phê phán mãnh liệt nhất dành cho chiến tranh – sản phẩm khốn nạn nhất của con người.

Bài ca của niềm hi vọng

Cuộc đời cô bé Sadako thật giống với bông hoa anh đào, biểu tượng cho lòng dũng cảm của con người Nhật Bản. Vòng đời của hoa có ngắn ngủi, nhưng khi cánh hoa rụng xuống, cũng chính là lúc loài hoa ấy bước vào quá trình ủ nụ, để mùa xuân năm sau, tiếp tục bung sắc. Sadako ra đi, song yêu thương em trao gửi, đã lan tỏa và nuôi dưỡng tâm hồn người ở lại. Cô bé ấy mất, nhưng tình thương của em vẫn còn sống mãi. Những cánh hạc em gấp, có lẽ không chỉ chứa đựng nguyện ước về một ngày em khỏe bệnh, về một ngày cha em trả được hết nợ, mà còn chứa đựng nguyện ước, hi vọng về một ngày thế giới vắng tiếng bom rơi, để không còn ai, phải chịu nỗi đau em đang mang. Chẳng thế mà, bức tượng bé gái, giơ cao đôi tay ôm cánh chim hạc giơ lên bầu trời xanh ở Công viên Hòa Bình tại thành phố Hiroshima, lấy nguyên mẫu từ cô bé Sadako, đã trở thành một trong những biểu tượng hòa bình của cả nước Nhật.

Cô bé Sasaki Sadako, là một nhân vật có thật và Ngàn hạc giấy của Sadako, là câu chuyện có thật kể về cô bé đó. Nhưng Sadako, có lẽ từ lâu đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho tuổi thơ Nhật Bản kiên cường, vươn lên từ đau thương chiến tranh mà lan tỏa yêu thương, mà nói lên tiếng nói hi vọng vì một ngày mai hòa bình. Hình ảnh ấy, cũng như bao hình ảnh trẻ em khác trên toàn thế giới nói chung, và như chính hình ảnh trẻ em Việt Nam nói riêng, vẫn hát mãi những khúc ca hòa bình, về ngày mai, về tương lai không còn tiếng bom rơi, đạn nổ:

“Em ước mong sao, bầu trờ chẳng đen bóng mây

Em ước mong sao trẻ thơ đừng vương bão giông

Vì em biết chân trời đang khép…

Vì em biết nỗi đau nghiệt ngã…” (Lời bài hát Em ước mong sao)

“Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơ

Những cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơ

Em ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mây

Để ngàn chim hót, để đàn én bay” (Lời bài hát Cánh én tuổi thơ)

4. Cảm nhận và đánh giá Ngàn hạc giấy của Sadako

Sự ra đi của Sadako đã làm tan vỡ rất nhiều trái tim, song cũng thức tỉnh lòng tham của những chính quyền không màng đến lợi ích chung của dân tộc mà khơi mào chiến tranh. Câu chuyện về Sasaki Sadako không đơn thuần chỉ là câu chuyện về cuộc đời một con người, mà tựa như cánh hạc, chở trên mình ý chí và niềm tin mãnh liệt vào sự sống, đồng thời cũng chứa đựng tinh thần phản chiến mạnh mẽ cũng như niềm hi vọng về một tương lai không còn chiến tranh nữa, ở nơi đó, sẽ có những cô bé cậu bé được lớn ên, được trưởng thành khỏe mạnh và yên bình mà không cần đến những chú hạc.

Tác phẩm đã rất thành công khi vừa truyền tải niềm xót thương đến cho nạn nhân của chiến tranh, đồng thời cũng vực dậy khát khao hòa bình trong mỗi con người, viết về cái chết nhưng lại mở ra hi vọng về sự sống, đó là cái hay của tác phẩm.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Ngàn hạc giấy của Sadako

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ngàn hạc giấy của Sadako – Sasaki Masahiro

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Nắp biển – Banana Yoshimoto
Bài tiếp theoTóm tắt & Review Nếu Gặp Người Ấy Cho Tôi Gửi Lời Chào – Ichikawa Takuji

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây