Tóm tắt & Review tiểu thuyết Đêm hội Long Trì – Nguyễn Huy Tưởng

0
4496
Đêm hội Long Trì

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Đêm hội Long Trì – Nguyễn Huy Tưởng

1. Giới thiệu tác giả

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960), nguyên quán Từ Sơn, Bắc Ninh. Là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, đồng thời là một chính khách của Việt Nam. Ông cầm bút từ khoảng đầu những năm 1940, muộn hơn so với các tên tuổi cùng thời, nhưng với lối viết tài tình, bút lực đĩnh đạc, dồi dào và nhiệt huyết.

Nguyễn Huy Tưởng thể nghiệm trên nhiều thể loại như truyện ký, tiểu thuyết, kịch… Với nhiều đề tài từ lịch sử đến truyện thiếu nhi. Mảnh đất văn chương nào ông cũng tạo được dấu ấn riêng bằng niềm khát khao mãnh liệt muốn mượn văn chương để bày tỏ và khích lệ lòng yêu nước.

Năm 1996, Nguyễn Huy Tưởng được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

2. Giới thiệu tác phẩm

Tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì” được đăng báo từ cuối năm 1942, xuất bản thành sách năm 1944. Sau đó bởi nhiều nguyên nhân, tác phẩm đã không được tái bản suốt một thời gian dài. Mãi đến thời kỳ đổi mới, “Đêm hội Long Trì” mới lại được tái xuất và trở thành một trong những cuốn sách được biết đến nhiều nhất của Nguyễn Huy Tưởng.

Tác phẩm cũng được chuyển thể thành chèo, cải lương, kể cả điện ảnh – phim “Đêm hội Long Trì” được khá nhiều người yêu thích.

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Đêm hội Long Trì

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu bằng cảnh hội Trung thu bên hồ. Cảnh sinh hoạt của người dân nơi kinh thành được tái hiện lại như trong một bức tranh sơn dầu với ánh sáng bàng bạc của trăng, ánh đèn vàng bập bùng của những người đi chơi hội, mặt ngọc của Quận chúa Quỳnh Hoa khi nàng e lệ gặp người trong mộng, dáng chờ chông trong vô vọng của chàng thư sinh Bảo Kim,… Cảnh vui chơi, cảnh thi thơ, đối đáp hòa quyện vào nhau một cách hài hòa trong không gian đầm ấm, quay quần của một tối mùa thu. Có thể nói, đây là cảnh gây ấn tượng nhất trong Đêm hội Long Trì, cũng là cảnh thành công nhất trong việc khôi phục lại không gian, thời gian, con người của cả một thời kì đã lùi sâu vào dĩ vãng của chúa Trịnh Sâm. Vật đổi sao rời, hội Long Trì cũng chỉ còn lại là một tàn tích của quá khứ. Nguyễn Huy Tưởng viết về một thời xã hội lung lay, một thời máu đổ chỉ vì sự hống hách chuyên quyền của những tay tiểu nhân thấp kém, nhưng vẫn khiến người ta tiếc thương vô cùng.

Và trong cuộc vui hân hoan nơi tao nhân mặc khách tương ngộ, trai tài gái sắc tương phùng ấy, xuất hiện một tên phá đám tự xưng là Cậu Trời – Đặng Lân.

Nếu như trong “Hoàng Lê nhất thống chí”, Đặng Lân vì tội hãm hiếp đàn bà con gái, làm loạn kinh thành mà bị chúa bắt đi đày, thì ở tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì”, gã đã bị chính tay quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại chém đầu khi đang “gây án”, bất kể gã là em trai Tuyên phi Đặng Thị Huệ, người được chúa sủng ái.

Chỉ một câu đối đáp giữa Đặng Lân và Nguyễn Mại trước khi chàng võ quan vung kiếm chém cũng cho thấy tính chất quyết liệt trong sự hành xử của người thực thi pháp luật mà tác giả muốn đề cao:

“…

  • Ta là Cậu Trời!
  • Cậu Trời cũng chém!”

Sự hiện diện và hành động của Đặng Lân không chỉ là sự phá đám đối với riêng đêm hội, khiến cuộc hoa mất vui, bỗng chốc biến nơi tiên cảnh bồng lai thành chốn địa ngục trần gian với hành động cướp gái, to tiếng đánh nhau. Suy rộng ra, tên Đặng Lân này chính là kẻ trực tiếp phá hoại những giá trị văn hóa, xã hội được xây dựng trong suốt quãng thời gian trước đó, cũng là kẻ đẩy Tĩnh Đô Vương vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, gián tiếp dẫn đến những hậu quả nguy hại về sau. Nếu phải tìm nhân vật được Nguyễn Huy Tưởng chăm chút kĩ lưỡng nhất trong Đêm hội Long Trì, thì đó chắc chắn sẽ là Đặng Lân. Gây ấn tượng ngay từ khi xuất hiện, từ đó về sau, mỗi lời Lân nói, mỗi việc Lân làm, từng từ ngữ, cử chỉ, điệu bộ đều được tác giả tập trung khai thác để làm nổi bật lên sự tiểu nhân, hèn kém của kẻ trưởng giả học làm sang, đồng thời nhấn mạnh bản tính độc ác, dã man của tay con buôn có xuất thân Nho học.

Thêm vào đó, sự đam mê nữ sắc của chúa Trịnh Sâm được tác giả nhìn nhận không chỉ như một bi kịch cá nhân mà còn với những hậu quả sâu rộng hơn rất nhiều.

Theo chính sử, Tĩnh Đô vương si mê Đặng Tuyên phi, nghe lời thổi gió bên gối mà gả con gái chúa là Công nữ Ngọc Lan cho em trai Tuyên phi là Đặng Lân – nổi tiếng càn rỡ và dâm dật. Lại chiều lòng người đẹp, chúa không lập con trưởng Trịnh Tông làm Thế tử, khi chúa qua đời, Tuyên phi cùng vây cánh đưa con trai Trịnh Cán vừa tròn 4 tuổi lên ngôi chúa.

Với “Đêm hội Long Trì”, đây không còn gói gọn trong một tấn bi kịch gia đình dòng họ, mà liên quan mật thiết đến sự an nguy của kinh thành, hay rộng hơn là của cả đất nước.

Được thể là con rể chúa, mang danh Quốc cữu, giở giọng “Cậu Trời” – Đặng Lân lộng hành, càn rỡ, khiến người dân kinh thành lúc nào cũng nơm nớp lo bị vạ bởi tay hắn, nhà cửa nếu không bị cướp bóc thì vợ con bị hãm hiếp… Kỷ cương phép nước là gì khi một giọt nước mắt của Đặng Tuyên phi đã làm chúa đau lòng? Dưới một thể chế như thế, tất cả chỉ trông vào sự tỉnh ngộ của chúa – điều sự thật đã không xảy ra, nhưng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng thì lại xuất hiện một nhân vật anh hùng không sợ cường quyền – quan Hộ thành binh mã sứ Nguyễn Mại.

Điều thú vị là, Nguyễn Mại trong “Đêm hội Long Trì” là một nhân vật trượng nghĩa đại diện cho cái thiện được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng hư cấu nên, còn trong chính sử Việt Nam cũng có vị Quận công Nguyễn Mại (1655 – 1720) làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông – là một vị quan văn võ song toàn, quan lại cùng thời ca tụng ông là “bậc thần giáng Hải Đông”, là “quý nhân Nam quốc”, còn dân gian thì tôn vinh ông là Bao Công nơi đất Việt. Sự trùng hợp này là vô tình hay hữu ý thì chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mới trả lời được.

Bằng ngòi bút tài tình như thế, tác phẩm “Đêm hội Long Trì” được coi như là một chứng chỉ để Nguyễn Huy Tưởng chính thức khẳng định mình trên văn đàn.

4. Cảm nhận và đánh giá tiểu thuyết Đêm hội Long Trì

Với Đêm hội Long Trì, Nguyễn Huy Tưởng đã phác họa ra trước mắt người đọc rất nhiều bi kịch trong triều đại của Tĩnh Đô Vương, từ bi kịch tình yêu, bi kịch quyền lực, cho đến bi kịch của những người thấp cổ bé họng và những anh chàng thư sinh yếu ớt trước sự đàn áp của thế lực ác nhân. Thế nhưng chỉ với Nguyễn Mại và một nhân vật Nguyễn Mại thôi, tác giả đã truyền vào đó biết bao nhiêu kì vọng về tương lai, cũng như ước muốn đổi thay thế cục trong quá khứ. Nguyễn Mại trong Đêm hội Long Trì có lẽ chính là nỗi lòng hậu thế gửi gắm đến ngàn xưa của Nguyễn Huy Tưởng.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Đêm hội Long Trì

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Đêm hội Long Trì – Nguyễn Huy Tưởng

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 4.3]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Vươn đến sự hoàn thiện – Zig Ziglar
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Đất rừng Phương Nam – Đoàn Giỏi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây