Tóm tắt & Review tiểu thuyết Colorful – Eto Mori

0
739
Colorful

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Colorful – Eto Mori

1. Giới thiệu tác giả

Eto Mori là một nữ văn sĩ khá đặc biệt trên văn đàn Nhật Bản hiện đại. Cô không xuất bản nhiều tác phẩm, nhưng các tác phẩm của cô ra đời hầu như đều được chuyển thể thành phim và được đông đảo khán giả đón nhận. Cô được yêu mến bởi lối viết nhẹ nhàng và giản dị, như thể con chữ tự nhiên tuôn trào mà không cần cố gắng. Eto Mori có biệt tài đưa ra hướng giải quyết “bất thường” cho những vấn đề bình thường. Bà thường đưa vào tác phẩm những bất an, thắt những nút thắt, rồi mở dần những mối nhập nhằng ấy bằng sự chân thành và thấu cảm.

2. Giới thiệu tác phẩm

Colorful của tiểu thuyết gia Eto Mori là một trong số những tác phẩm đánh dấu sự thành công trên văn đàn của bà. Năm 1998, Colorful được nhận giải thưởng danh dự sách dành cho thiếu nhi: Sankei Children’s Book Award lần thứ 46 và được chuyển thể thành ba bộ phim. Độc giả có thể tìm đọc thêm tác phẩm của Eto Mori, đơn cử là tiểu thuyết Rizumu (tạm dịch: Nhịp điệu) năm 1990.

3. Tóm tắt nội dung tác phẩm Colorful

Truyện kể về một linh hồn (nhân vật “tôi”), vì phạm một lỗi tày trời ở kiếp trước nên phải chịu đựng hình phạt nặng nhất: vĩnh viễn không thể tái sinh. Phúc đức thay, linh hồn này tự dưng lại trúng “phiên xổ số may mắn” của thiên đình. Theo đó, “tôi” sẽ trở về trần gian, “ở trọ” trong thân xác của Kobayashi Makoto, một thiếu niên lớp 9 vừa tự tử, và “xử lý mớ hỗn độn” mà người chết để lại, như một trải nghiệm tu hành và tái thử thách.

Trong thời gian tu hành, nếu linh hồn có biểu hiện tích cực, ký ức về tội lỗi kiếp trước sẽ dần trở về. Khi hồi phục được trí nhớ cũng là lúc quá trình thử thách kết thúc, linh hồn sẽ được đầu thai chuyển kiếp, “thuận lợi bước vào vòng luân hồi”.

Và như vậy, “tôi” bước vào thân xác của Kobayashi Makoto, hoàn thành nốt bức tranh cuộc đời còn dang dở của cậu.

Đời người là một bức tranh đầy màu sắc

Cuộc đời chúng ta, khi bắt đầu kiếp này, giống như một trang giấy trắng. Mỗi sự việc xảy ra sau đó đều tô lên nó một mảng màu khác nhau. Có những gam màu sáng khiến người ta vui vẻ, hạnh phúc. Cũng có những màu u ám, khi ta lâm vào cảnh bế tắc khốn cùng.

Nhưng trên hết, bản thân mỗi người đều có một quyền năng tương tự – quyền kiến tạo những màu sắc cho cuộc đời của mình. Khi đời cho ta những mảng màu đen tối, ta vẫn có quyền cầm bút lên, ngăn chặn sự lan tỏa của chúng, và vẽ những tông màu sáng mà ta luôn yêu thích trên phần giấy còn lại.

Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Chứng kiến quá nhiều gam màu xấu xí trên bức tranh của mình, nhiều người đã không còn thiết đến việc sửa chữa nó nữa. Họ bất lực. Họ không đủ kiên nhẫn để hoàn thành. Và họ chọn vứt bỏ bức vẽ không hoàn hảo ấy.

Và cũng bằng cách đó, họ đã tước đi quyền được chiêm ngưỡng bức tranh đẹp nhất có thể của mình.

Giống như Makoto.

Cuộc sống của Makoto, trước khi tự sát, quả thực là địa ngục với một đứa trẻ chỉ mới mười bốn tuổi. Mẹ ngoại tình với thầy giáo dạy nhảy. Chính mắt cậu nhìn thấy. Cha vui vẻ ăn mừng được thăng chức trong sự đau khổ của cấp trên. Điều này ít nhiều là không thể chấp nhận được trong xã hội phân hóa quyền lực cao như ở Nhật Bản. Anh trai Mitsuru thì luôn coi thường, nói những lời “độc mồm độc miệng” và chế giễu chiều cao khiêm tốn của cậu em thấp bé. Bạn bè chẳng thích chơi với người lúc nào cũng đầu óc trên mây như Makoto. Và tệ nhất là Hiroka, cô bé mà cậu thích, chấp nhận bán thân cho một gã trung niên chỉ để được ăn sung mặc sướng.

Tất cả những điều này xảy ra cùng một lúc khiến một đứa bé nhút nhát và yếu đuối như Makoto nhất thời không chống đỡ được. Cậu nghĩ rằng cuộc đời mình không còn lối thoát. Cậu tự sát để chấm dứt tất cả.

Và cứ thế, bức tranh cuộc đời “mới” của linh hồn được quệt lên một lớp màu xám xịt, tăm tối đến vô cùng.

Nhưng những gì “Makoto” thấy là tất cả của sự thật?

Có bao giờ “Makoto” đặt câu hỏi “vì sao” cho tất thảy sự việc?

Bức thư dài tám trang của người mẹ, lời tâm sự của cha, tiếng nghẹn ngào tức giận của người anh trai… từng chút, từng chút một đổ vào bức tranh đang xám xịt tối đen kia những màu sắc kì lạ, màu của yếu đuối, màu của khát vọng, hay mớ màu lộn xộn của u buồn, phiền não, tuổi trẻ, tương lai… dần dần làm đầy bức tranh cuộc sống chân thực đến trần trụi mà cũng thơ mộng tựa giấc mơ buổi ban trưa.

“Nếu cuộc đời là một bức tranh, thì cuộc đời của mẹ là một bức tranh quá đỗi bình thường”

“Mẹ đã cứ cha trong suốt khoảng thời gian thất nghiệp.”

“Mẹ thường xuyên ganh tị với họ”

“… Trong hai năm trời như vậy, cha tiếp tục đi làm như người đã chết”

“… mẹ sẽ tiếp tục sống và chết đi như một người nội trợ bình thường”

“Mitsuru dự định ôn tập lại trong vòng một năm, và sang năm sẽ thi lấy học bổng. Như thế Makoto có thể đi học trường tư thục”

“Cha muốn nói rằng, chuyện gì rồi cũng sẽ qua đi. Nghe nó dễ dàng phải không, nhưng sự thật là như vậy đấy.”

Mỗi lời tâm sự, mỗi lời bộc bạch, đều vô lí tới mức hợp lí, chân thực tới mức xa lạ. Nó giống như một hòm rương kho báu được cất giấu ở đảo xa mà không có khóa, chỉ chờ người thủy thủ tìm đến, để nó có thể bật tung ra tất cả những gì xinh đẹp nhất, phô bày ra hết thảy mọi góc nhân gian.

“Makoto” liệu sẽ còn tiếp tục nhìn gia đình mình, hay thậm chí là cuộc sống xung quanh, với cái tông màu lạnh lẽo kia nữa không khi cậu đã biết rõ người mẹ chỉ muốn tìm kiếm một bản thể hoàn toàn khác của mình, “một người mà chính bản thân mình chưa gặp bao giờ, không chỉ đơn giản là một người nội trợ, một người mẹ bình thường”, khi cậu đã tường tận lí do người cha đã ăn mừng khôn cùng khi thấy những sếp lớn của công ty bị bỏ tù do vi phạm pháp luật, không những thế còn trì chiết tất cả những nhân viên có ý can ngăn kế hoạch phát triển theo hướng cực đoan của ông ta, trong đó có cha Makoto; khi “Makoto” đã chứng kiến người anh mình quyết định thi trễ đại học một năm vì một thằng em trai mà mình đã “chăm sóc, không rời mắt khỏi nó, thằng em trai lúc nào cũng trong tầm mắt tao suốt mười bốn năm trời ấy đột nhiên nằm chết trên giường trong một buổi sáng bình thường không có gì xảy ra”?

Có thể nói cuộc đời bất công khi đưa Makoto vào vòng xoáy của sự nổi tiếng rồi phũ phàng hất văng cậu ra khỏi quỹ đạo cũng vì tài năng thiên phú của mình. Nhưng cái sai lớn nhất của Makoto đó chính là im lặng. Im lặng tạo nên môt hàng rào ngăn cách cậu với thế giới xung quanh. Cô độc chiếm ngự lấy thể xác và tâm hồn của câu trước những thay đổi của cuộc sống, không cho phép cậu trưởng thành. Cậu không thể tiếp nhận thế giới này và ngay cả chính cảm xúc này cậu cũng không buồn bày tỏ.

Makoto trượt dài trong những năm tháng mà lũ bạn cùng nhau trưởng thành và thay đổi và bỏ rơi cậu  mắc kẹt lại với kí ức và nhận thức của một đứa trẻ tiểu học, ngây ngô giữa cuộc đời. Chấp nhận bị mọi người xa lánh, chán ghét, Makoto cứ quẩn quanh trong thế giới không người cô quạnh; một sự chấp nhận trong im lặng không hề phản kháng. Makoto vừa đáng thương lại đáng trách, mọi lỗi lầm không chỉ từ lũ bạn xấu xa, từ ngôi nhà có quá nhiều bí mật, thiếu sự đồng cảm mà còn ở chính bản thân cậu. Chính Makoto đã thụ động trong chính cuộc sống của mình, tất cả để người khác tự quyết và sắp đặt, ngay chính cậu còn không yêu thương bản thân thì không thể đòi hỏi người khác đối tốt với mình.

Cuộc sống nào cũng đáng quý và cần được trân trọng dù cho bạn là ai. Xinh đẹp, giỏi giang hay xấu xa, kém cỏi mọi người đều có quyền được sống chỉ với điều kiện bạn cũng phải quý sinh mệnh của chính mình. Ở phần cuối tiểu thuyết, khi linh hồn tội lỗi hòa vào linh hồn Makoto chúng ta vỡ lẽ ra, một Makoto khác, rất khác đã được tái sinh và vô cùng mạnh mẽ. Makoto trước đây đã chết theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, để một lần được sống khác đi để tìm thấy hạnh phúc. Makoto đã sống bình thường như bao bạn bè khác, cậu cất tiếng lòng phản kháng dù là những lời nói cay nghiệt, những hành động thô lỗ nhưng đó mới thật sự là cậu. Makoto đã tái sinh để sống đúng bản chất của mình. Đã đến lúc phải thay đổi, đã đến lúc cho mọi người thấy được một Makoto vốn dĩ phải như thế. Nếu có một cơ hội để làm lại cuộc đời tại sao lại không sống khác đi để đón nhận những điều ý nghĩa?

Makoto cuối cùng cũng hiểu ra rằng: thay vì sống cho người khác với những giá trị được áp đặt, tại sao lại không sống cho chính giá trị tự thân của mình? Cậu đã có thể tự quyết định trường mình muốn học, kết nối với gia đình, hoàn thành bức tranh cho Hiroka và hơn hết có Shanko đang chờ cậu quay lại. Chuyến quay lại trong hành trình ở trọ lần này sẽ thật khác khi không ai ngoài Makoto biết được điều gì đang chờ đón cậu ở phía trước!

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Colorful

Eto Mori không đao to búa lớn, không đanh giọng bắc loa gào thét bảo mọi người phải sống thế nào, phải nhìn nhận cuộc đời ra sao, Colorful dưới ngòi bút của cô không còn là câu chuyện của những ngôn từ sáo rỗng, mà rất đỗi nhẹ nhàng, tựa ngôi sao băng vụt qua bầu trời, điểm một chút cay nghiệt, chan một chút nước mắt, đong một chút cảm xúc, và cuối cùng, tất cả đều được thổi bay đi.

Bay vào trái tim người đọc, lan tỏa như hạt bồ công anh đung đưa trong gió, vút cao lên như những chiếc máy bay giấy được ném lên trời xanh. Đến khi gập trang sách lại, bạn chợt nhận khóe mắt bạn đã cay xè, và chỉ một chút thôi, bạn cảm thấy trái tim bạn đã được rót vào một chút gì đó.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Colorful

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Colorful – Eto Mori

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Cuộc đời ngắn lắm đừng ôm muộn phiền – Mộc Nhi
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Nắp biển – Banana Yoshimoto

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây