Tóm tắt & Review sách Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi – Thích Nhất Hạnh

0
296
Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Tóm tắt & Review sách Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi – Thích Nhất Hạnh

1. Giới thiệu tác giả

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng đồng thời là giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội và nhà hoạt động hòa bình người Việt Nam. Ông đồng thời cũng là người sáng lập tông phái Truyền thống Làng Mai, được lịch sử công nhận là nguồn cảm hứng chính và là người đưa ra khái niệm Phật giáo dấn thân.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Không diệt Không sinh Đừng sợ hãi” là tựa sách được Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết nên dựa trên kinh nghiệm của chính mình. Ở đó, Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không: “Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới.”

 3. Tóm tắt nội dung sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Mời bạn cùng mình trải nghiệm vài chủ đề mà mình rất thích trong cuốn sách này nhé!

Không có gì sinh ra, không có gì mất đi

Nhà khoa học người Pháp, ông Lavoisier đã từng tuyên bố: “Không có gì được sinh ra, cũng không có gì mất đi.” Dù ông ta không thực hành đạo Bụt, nhưng nhà khoa học ấy đã tìm ra chân lý giống như Bụt thấy vậy. Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không. Bụt dạy khi đầy đủ nhân duyên thì sự việc biểu hiện, và chúng ta nói nó hiện hữu. Khi thiếu một hoặc hai điều kiện, sự việc đó không biểu hiện như trước thì ta nói nó không hiện hữu.

Theo Bụt, nói rằng thứ này có hay không có là sai. Trong thực tại, không có thứ gì hoàn toàn có hay hoàn toàn không hiện hữu. Chúng ta thấy được chuyện này rất dễ dàng khi nhận xét các máy truyền hình và phát thanh. Chúng ta có thể đang ở trong một căn phòng không có máy truyền hình và cũng không có máy phát thanh. Khi ở trong căn phòng đó, chúng ta có thể cho rằng không có chương trình truyền hình hay truyền thanh tại đó. Nhưng tất cả chúng ta đều hiểu là không gian trong phòng chứa đầy các tín hiệu. Tín hiệu của các chương trình đó có mặt khắp mọi nơi. Chúng ta chỉ cần một điều kiện nữa thôi, một chiếc máy thu thanh hay truyền hình, là bao nhiêu hình thái, màu sắc và âm thanh sẽ biểu hiện ra.

Vậy khi nói rằng các tín hiệu đó không hiện hữu là sai, vì sự thực chúng ta chỉ thiếu dụng cụ để thâu chúng vô và cho các tín hiệu đó cơ hội biểu hiện ra. Chúng hình như không hiện hữu chỉ vì nhân duyên không đầy đủ để các chương trình xuất hiện. Vậy thì trong căn phòng đó, ở giờ phút đó, nếu chúng ta nói rằng chúng không hiện hữu, thì chỉ vì chúng ta không nhìn hay nghe được chúng, chứ không phải vì chúng không có mặt. Chỉ vì các quan niệm có-không mà chúng ta bị rối trí. Quan niệm hiện hữu và không hiện hữu khiến chúng ta tin là cái này có, cái kia là không. Ý niệm có và không đó không thể áp dụng vào thực tại được.

Bạn ở đâu trước khi ra đời?

Nhiều người được hỏi: “Bạn sinh ngày nào?” Nhưng bạn có thể trả lời bằng một câu hỏi hay hơn: “Trước ngày gọi là sinh nhật của tôi thì tôi ở đâu?” Nếu bạn hỏi một đám mây: “Mây sinh ngày nào, trước khi sinh ra, mây ở đâu?” Nếu bạn hỏi nó: “Mây lên mấy tuổi rồi? Mây sinh ngày nào vậy?” rồi bạn lắng nghe, bạn có thể nghe được câu trả lời.

Bạn có thể tưởng tượng mây sinh ra đời cách nào. Trước khi sinh ra, nó là nước trên mặt đại dương, hay trên mặt sông, rồi nước bốc thành hơi. Mây cũng là mặt trời vì chính mặt trời làm cho nước bốc thành hơi. Gió cũng có trong mây, vì gió làm cho hơi nước tụ lại thành đám mây. Mây không tới từ hư không, mây chỉ là sự chuyển hóa hình thức. Không có chuyện một vật sinh ra từ hư không. Sớm hay muộn, mây cũng sẽ biến thành mưa hay tuyết, hay nước đá. Nếu bạn nhìn sâu vào mưa, bạn sẽ nhìn thấy mây. Mây không mất đi, nó biến hóa thành ra mưa và mưa biến thành ra cỏ, cỏ vào trong con bò để rồi biến ra sữa và cà-rem bạn ăn đó.

Hôm nay khi ăn một ly cà-rem, bạn hãy để thì giờ nhìn nó và nói: “Chào đám mây, ta nhận ra ngươi rồi.” Làm như vậy, bạn đã giác ngộ được bản chất thật của cà-rem và của mây. Bạn cũng có thể nhìn thấy biển, sông, thấy hơi nóng mặt trời, thấy cỏ và con bò trong ly cà-rem. Nhìn cho sâu, bạn sẽ không thấy được ngày sinh thực và ngày chết thực của đám mây. Chỉ có chuyện đám mây chuyển hóa thành ra mưa hay tuyết. Không có gì thực sự chết đi vì luôn luôn có sự nối tiếp. Mây là tiếp nối của biển, của sông, của sức nóng mặt trời và mưa là tiếp nối của mây. Trước khi sinh ra, đám mây đã có đó rồi. Hôm nay, khi bạn uống một ly sữa hay một tách trà, ăn một cái cà-rem, xin hãy theo dõi hơi thở. Hãy nhìn vào ly sữa hay ly trà và gửi lời chào đám mây.

Bụt dùng nhiều thời gian để nhìn thật sâu, chúng ta cũng vậy. Bụt không phải là Thượng đế, Ngài là một con người giống như chúng ta. Ngài đau khổ nên Ngài tu tập, vì vậy Ngài vượt thoát được khổ đau. Ngài có trí tuệ lớn, có hiểu biết, trí tuệ và từ bi. Vì thế nên chúng ta nói Ngài là bậc thầy, là huynh trưởng của ta. Nếu chúng ta sợ chết là bởi vì chúng ta không hiểu rằng không có gì thực sự mất đi. Người ta nói Bụt đã chết, nhưng không phải thế. Bụt còn đang sống. Khi nhìn chung quanh, ta sẽ thấy Bụt dưới nhiều hình thái. Bụt đang ở trong bạn vì bạn có thể nhìn sâu và thấy được mọi sự đều không thực sự được sinh ra hay mất đi. Chúng tôi có thể nói bạn là một hình thức mới của Bụt, một tiếp nối của Bụt. Đừng coi thường chính mình. Hãy nhìn ra chung quanh, bạn sẽ thấy Bụt được tiếp nối ở khắp nơi.

Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội.

Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con gái quí vị không thay đổi thì nó không thể lớn lên để trở thành một phụ nữ. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời.

Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói: “Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường sống lâu.” Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi. Vô thường cũng cần được hiểu bằng ánh sáng của liên hệ tương tức. Vì mọi sự đều liên quan mật thiết với nhau, chúng luôn luôn có ảnh hưởng vào nhau. Người ta thường nói rằng tiếng cánh bướm đập ở bên này quả đất có thể ảnh hưởng tới khí hậu ở bán cầu bên kia. Mỗi sự vật đều không cố định vì chúng chịu ảnh hưởng của các sự vật khác với nó.

4. Đánh giá sách Không diệt không sinh đừng sợ hãi

“Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, tựa đề cuốn sách mang đến một cảm giác ấm áp không tên. Tất cả những gì cuốn sách mang lại cho bạn chính là những điều quý giá nhất mà tác giả vẫn luôn mong muốn độc giả lĩnh hội. Đây là một cuốn sách rất đắt giá, rất đáng trân trọng và cho mình những cách nhìn về sinh ra và mất đi. Cuốn sách cho mình biết được quy luật sinh tử của cuộc sống, có sinh ắt phải có tử.

Cuốn sách này dành cho tất cả mọi người, những ai đang loay hoay với sự tiếc thương vô hạn, của những người thân yêu nhất phải đi về cõi vĩnh hằng, khi mà tất cả đang còn dang dở.

Gấp lại cuốn sách, mong bạn hiểu được rằng  “Sinh tử luôn là quy luật của tự nhiên vì thế đừng tiếc nuối mà hãy sống hết mình để chết đi không có gì phải lưu luyế”. Và hy vọng rằng trong những lúc bị tổn thương hay sợ hãi, “Không diệt không sinh đừng sợ hãi” sẽ là liều thuốc chữa lành cho trái tim cũng như tầm hồn bạn.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Không diệt không sinh đừng sợ hãi

Tóm tắt & Review sách Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi – Thích Nhất Hạnh

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Tội ác và Hình phạt – Fyodor Dostoevsky
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả – Ernest Hemingway

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây