Tóm tắt & Review sách Định luật Murphy – Từ Thính Phong

0
1989
Định luật Murphy

Tóm tắt & Review sách Định luật Murphy – Từ Thính Phong

1. Giới thiệu tác giả

Từ Thính Phong là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy nhất, đam mê tâm lý học, thích nghiên cứu các tác phẩm tâm lý học trong và ngoài nước, thích viết lách, du lịch, chụp ảnh. Anh đã xuất bản số lượng lớn các tác phẩm tâm lý học thực hành và được độc giả vô cùng yêu thích.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn sách giới thiệu đến với bạn đọc về kiến thức cơ bản, hiện tượng thường gặp cùng với các hiệu ứng tâm lý học biểu hiện trong ý thức cá nhân, tính cạnh tranh, quan hệ xã hội, … của định luật Murphy thông qua góc nhìn thực tiễn. Từ đó giúp bạn đọc hiểu được bản chất con người, bản chất xã hội rồi ứng dụng nó vào giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

3. Tóm tắt nội dung sách Định luật Murphy

“Định luật Murphy” gồm 9 chương với 8 hiệu ứng và quy luật khác nhau. Đi qua từng chương tác giả sẽ cho chúng ta biết từng khía cạnh của mỗi hiệu ứng ấy. Sau đây hãy cùng mình điểm qua những hiệu ứng hay ho nhất của cuốn sách nhé!

Hiệu ứng Lucifer

Bản chất con người là thiện hay ác? Thực ra, đối với con người, ranh giới giữa thiện và ác vô cùng mong manh. Dưới sự tác động đầy cám dỗ từ thế giới bên ngoài, người tốt sẽ biến thành kẻ xấu, kẻ xấu cũng có thể trỗi dậy lương tâm và cho thấy mặt “tốt” của bản chất con người.

Một ngày năm 1971, giáo sư Philip Zimbardo của Đại học Stanford chuẩn bị thực hiện một thí nghiệm tâm lý táo bạo.

Công tác chuẩn bị cho thí nghiệm đang được tiến hành khá tốt. Đầu tiên, giáo sư Zimbardo sửa lại tầng hầm của Khoa Tâm lý học trong trường đại học này thành nhà tù và tuyển 24 tình nguyện viên tham gia thí nghiệm thông qua quảng cáo. Tiếp đến, ông kiểm tra các tình nguyện viên để chứng minh họ đều là “người bình thường có tâm lý khỏe mạnh”. Sau đó, ông chia ngẫu nhiên các tình nguyện viên thành hai nhóm: 9 tình nguyện viên trở thành “tù nhân” trong nhà tù, 9 người khác trở thành “lính canh” theo ca ba người một nhóm (những tình nguyện viên còn lại làm nhiệm vụ dự phòng cho họ, sẵn sàng thay thế những tình nguyện viên rút lui khỏi thí nghiệm). Giáo sư Zimbardo đảm nhận vai “quản ngục”.

Để đảm bảo tiến độ thí nghiệm diễn ra suôn sẻ, mỗi tình nguyện viên tham gia thí nghiệm phải ký một thỏa thuận, đồng ý từ bỏ một số quyền con người trong quá trình thí nghiệm.

Ban đầu, các “lính canh” rất khó nhập vai. Giáo sư Zimbardo cho rằng họ quá nghiệp dư nên đã nhắc nhở họ rất nhiều lần: “Các bạn phải có đủ năng lực để đối phó với những tù nhân này.” Dần dần, tình hình đã được cải thiện. Các “lính canh” bắt đầu thể hiện quyền lực trong tay mình với các “tù nhân”, bắt các “tù nhân” làm những công việc nhục nhã như giam giữ hàng giờ đồng hồ, dùng tay không dọn bồn cầu, cắt bớt thời gian ngủ của họ… 24 tiếng sau thí nghiệm, những người tham gia nhận thấy rằng, các “lính canh” đã bắt đầu hứng thú với việc ngược đãi “tù nhân”.

Cuối cùng, một “tù nhân” bị tra tấn tới mức gần như suy sụp đã đề nghị được rút khỏi thí nghiệm này (vì theo như thỏa thuận được ký, những người tham gia thí nghiệm có thể từ bỏ bất cứ lúc nào). Tuy nhiên, Zimbardo cho rằng, khả năng chịu đựng của người này quá kém nên đã bác bỏ yêu cầu của anh ta.

Trên thực tế, với tư cách là người lên kế hoạch và tổ chức thí nghiệm, giáo sư Zimbardo cũng đã bắt đầu ám ảnh với vai trò “quản ngục” của chính mình, từ đó mất đi sự thông cảm.

Đến ngày thứ 6 của cuộc thí nghiệm, tình hình bắt đầu vượt ngoài tầm kiểm soát – những tình nguyện viên đóng vai “lính canh” đã chìm đắm vào quyền lực mà không thể khống chế được. Cuối cùng, bạn gái của Zimbardo đã nhìn thấy tất cả và mạnh mẽ yêu cầu ông phải dừng lại ngay lập tức. Lúc này, giáo sư Zimbardo mới buộc phải kết thúc thí nghiệm.

Mãi cho đến khi kết thúc thí nghiệm, Zimbardo mới tỉnh ngộ và nhận ra tất cả những gì xảy ra trong nhà tù thí nghiệm ở Stanford là một sự điên rồ và vô nhân đạo.

Vậy, điều gì đã khiến những người “lính canh” thực hiện những hành động mất nhân tính đó? Bản chất con người là một đề tài muôn thuở trong nghiên cứu tâm lý học. Là một thí nghiệm kinh điển để nghiên cứu về đề tài này, thí nghiệm trong nhà tù Stanford đã tiết lộ cho mọi người thấy môi trường có sức ảnh hưởng lớn như thế nào tới hành vi cá nhân, đồng thời trả lời cho câu hỏi kinh điển về thiện và ác của bản chất con người: Người tốt có thực sự trở thành ác quỷ không?

Thí nghiệm này đã chứng minh trên đời này không có người tốt tuyệt đối và cũng không có kẻ xấu hoàn toàn, thiện và ác đồng thời tồn tại trong sâu thẳm bản chất con người, đồng thời chúng chuyển hóa lẫn nhau trong những hoàn cảnh xã hội nhất định. Tuy nhiên, trong một môi trường có trật tự xã hội tốt đẹp, những nhân tố xấu xa sẽ bị ẩn sâu trong nội tâm con người.

Khi gặp được hoàn cảnh thích hợp, chẳng hạn như “nhà tù Stanford”, chúng sẽ âm thầm trỗi dậy trong bóng tối. Hiệu ứng tâm lý này được giáo sư Zimbardo gọi là “hiệu ứng Lucifer”

Hiệu ứng Diderot

“Khi bạn tìm được công việc yêu thích, bạn muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, rồi bạn muốn có một căn nhà rộng rãi khang trang, sau đó lại hy vọng con cái được hưởng nền giáo dục tốt nhất,… Khát vọng của con người như một hang động không đáy lấp mãi không đầy. Chỉ khi “đành lòng từ bỏ”, bạn mới có thể trở về với con người thật của mình và tìm được hạnh phúc đơn giản nhất, chân thực nhất.

Vào thế kỷ 18, ở nước Pháp có một triết gia tên là Denis Diderot. Một ngày nọ, người bạn của Diderot đưa cho anh chiếc áo ngủ cao cấp với chất lượng và kết cấu thượng hạng. Diderot nhận được quà liền coi nó như báu vật và không nỡ bỏ nó xuống.

Tuy nhiên, khi khoác lên mình chiếc áo ngủ sang trọng này, anh mới thấy môi trường mình sống thật thô tục tầm thường. Dường như không có thứ gì có thể sánh ngang với chiếc áo ngủ cao cấp này.

Vì vậy, anh đã thay thế từng đồ vật nhìn khó chịu đó bằng những món đồ cao cấp. Cuối cùng môi trường xung quanh cũng phù hợp với chiếc áo ngủ thượng hạng anh được tặng nhưng anh lại cảm thấy không thoải mái. Bởi vì khi giây phút xúc động qua đi, anh nhận ra bản thân đang bị chiếc áo ngủ “trói buộc”.

Sau đó, Diderot đã viết cảm giác này trong bài viết Muộn phiền sau khi chia tay chiếc áo ngủ cũ. Vào đầu thế kỷ 20, nhà kinh tế học Juliet Schor của Đại học Harvard đã xuất bản cuốn sách “Người Mỹ chi tiêu quá mức” và được độc giả đón nhận nồng nhiệt ngay từ khi ra mắt. Cuốn sách đề cập đến bài viết của Diderot và đưa ra một khái niệm mới – hiệu ứng Diderot. Hiệu ứng này được dùng để chỉ những hiện tượng sau khi có được một món đồ, con người ta không ngừng bố trí sắp xếp các món đồ phù hợp với nó để đạt được sự cần bằng tâm lý.

Hiệu ứng Diderot được coi là 1 trong 10 hiệu ứng tâm lý hàng đầu mà con người khó nó có thể thoát ra được. Hiệu ứng đã vạch trần hiện tượng tâm lý “bạn càng nhận được nhiều, bạn càng thấy ít hài lòng”, tức là bạn không thể chờ đợi và nóng lòng có được một món đồ, nhưng một khi có được món đồ đó rồi bạn sẽ lại “được voi đòi tiên” và muốn nhiều hơn thế.

Ví dụ, sau khi mua một chiếc áo mới, nhiều người sẽ mua thêm một chiếc quần mới để phối với chiếc áo, và tất nhiên phải mua thêm cả một đôi giày mới nữa. Khi mua đủ hết những thứ này và mặc lên người, bạn mới chợt nhận thấy chiếc túi xách của mình không hợp với bộ đồ này chút nào. Vậy nên bạn quyết định mua thêm chiếc túi xách mới. Sau khi mua được túi xách, bạn lại cần thêm một số phụ kiện khác như đồng hồ, trang sức, … thậm chỉ còn đặc biệt làm thêm một kiểu tóc mới. Đây chính là biểu hiện chân thực của hiệu ứng Diderot. Trên thực tế, ngoài những điều này ra, dù ở môi trường làm việc hay trong cuộc sống, mọi người đều có thể bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng Diderot.”

Hiệu ứng Matthew

“Hiệu ứng Matthew đề cập đến hiện tượng kẻ mạnh trở nên mạnh hơn và kẻ yếu trở nên yếu đi. Đây là một thuật ngữ mà các nhà xã hội học và các nhà kinh tế học sử dụng để phản ánh hiện tượng phân hóa hai cực trong xã hội – người giàu ngày càng giàu lên, người nghèo ngày càng nghèo đi.

Vào những năm 1960, nhà xã hội học nổi tiếng Robert Merton lần đầu tiên sử dụng “hiệu ứng Matthew” để miêu tả hiện tượng đặc biệt trong lịch sử khoa học: “Các nhà khoa học danh tiếng thường có uy tín hơn những người không được biết đến, ngay cả họ có thành tựu tương tự nhau. Danh dự của một dự án thường được trao cho các nhà nghiên cứu nổi tiếng đã được biết đến từ trước. Ví dụ, giải thưởng luôn được trao cho nhà nghiên cứu có thâm niên lâu nhất, ngay cả khi toàn bộ công việc được thực hiện bởi một người mới chỉ đang học cao học.

Từ đó, ông đã tóm tắt nội dung hiệu ứng Matthew lại như sau: Nếu bất kỳ cá nhân, tập thể hay khu vực nào đạt được thành công và sự tiến bộ ở một khía cạnh nào đó (chẳng hạn như tiền bạc, danh tiếng, địa vị,…), họ đều có cơ hội đạt được thành công và sự tiến bộ lớn hơn thế.

Hiệu ứng Matthew khơi gợi cho chúng ta biết được rằng: Chỉ khi bạn đủ mạnh, bạn mới có thể nhận được nhiều tài nguyên hơn, giành được nhiều cơ hội hơn và trở thành người chiến thắng cuối cùng.

Sự độc quyền của Microsoft trong thời đại Internet là một ví dụ minh họa tốt cho hiệu ứng Matthew.

Sau khi nắm bắt cơ hội đầu tiên trên thị trường máy tính cá nhân, dù đó là hệ điều hành DOS (hệ điều hành đĩa cứng) hay Windows (hệ điều hành Windows), Microsoft đều chiếm lĩnh 90% thị phần. Điều này giúp Microsoft tích lũy được khối lượng tài sản và danh tiếng khổng lồ. Từ đó, Microsoft tiếp tục lớn mạnh, không ngừng phát triển và dần trở thành một công ty độc quyền.

Trái ngược hoàn toàn so với Microsoft, triển vọng thị trường của những doanh nghiệp tương tự nhưng có sức ảnh hưởng kém hơn đã không được lạc quan cho lắm. Dù họ sản xuất ra sản phẩm tốt đến đâu cũng không thể cạnh tranh với Microsoft. Trên thực tế, hầu hết các nhà phát triển phần cứng và phần mềm đều không phát triển một sản phẩm hoặc hệ thống không tương thích với Microsoft vì có thể sẽ gặp phải rủi ro rất lớn.

Nói một cách khác, Microsoft có thể bỏ qua vấn đề tương thích với các sản phẩm khác nhưng người khác phải cân nhắc vấn đề sản phẩm có tương thích với Microsoft hay không.

Trường hợp này cho chúng ta biết rằng, người chiến thắng mới có quyền đặt ra quy tắc của trò chơi. Chỉ có những người tự đặt ra quy tắc của riêng mình hoặc những người tuân theo quy tắc do người chiến thắng đặt ra mới là người chiến thắng hiệu ứng Matthew. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực hết mình để giành lấy vị trí đầu tiên. Hãy để hiệu ứng Matthew được phát huy tác dụng và chúng ta sẽ chiến thắng bằng chính sức mạnh của mình.

Để có được điều này, chúng ta nên bắt đầu từ các khía cạnh sau:

  • Chọn hướng đi đúng đắn
  • Xây dựng hình ảnh thương hiệu
  • Nắm bắt cơ hội thị trường
  • Học cách đổi mới.”

4. Đánh giá sách Định luật Murphy

Cuốn sách này thú vị đấy! Đây là câu nói mình đã thốt ra khi đọc xong 1/3 cuốn sách này. Đây không phải cuốn sách nói về những hiệu ứng tâm lý vĩ mô hay khó nhằn gì cả, những hiệu ứng tâm lý trong cuốn sách rất hay gặp trong cuộc sống và có tính ứng dụng cao.

Từ hiệu ứng Diderot cho bạn hiểu tại sao khi có một chiếc áo mới đẹp bạn lại muốn có thêm chiếc quần để phối cho đẹp rồi tiếp đến là túi xách giày dép … đến Hiệu ứng Matthew giải thích câu hỏi tại sao Microsoft lại đạt được đỉnh cao thành công từ khía cạnh tâm lý học.

Một cuốn sách “toàn chữ” nhưng lại có sức hấp dẫn lạ thường vì những ví dụ mà tác giả Từ Thính Phong đem đến rất gần gũi với bạn đọc, thậm chí là gặp thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Sau mỗi hiệu ứng tâm lý, sách có thêm một phần tóm tắt. Phần mà mình rất mong mỗi cuốn sách tâm lý đều có để giúp bạn đọc ghi nhớ nhanh gọn một lần nữa những điều hay ho.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Định luật Murphy

Tóm tắt & Review sách Định luật Murphy – Từ Thính Phong

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 5 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review sách Hạnh phúc thật giản đơn – Nguyễn Mạnh Hùng
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Hay chúng mình đừng hứa hẹn gì nhau – Minh Dự

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây