Tóm tắt & Review Truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng – O. Henry

0
718
Chiếc lá cuối cùng

Tóm tắt & Review Truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng – O. Henry

1. Giới thiệu tác giả

Nói đến văn học Mỹ, người đọc thế giới thường nhắc tới O. Henry như một trong những tác giả viết truyện ngắn có duyên nhất. Với một vốn sống phong phú, O. Henry đã sáng tác hơn 400 truyện ngắn và góp vào nền văn học Mỹ một tiếng nói rất riêng.

Văn chương của O. Henry nhẹ nhàng, ngắn gọn đến mức sắc sảo. Giọng văn hài hước, dí dỏm, đôi khi giấu sau những nụ cười là một sự nghiệt ngã đến không ngờ của cuộc sống. Rất nhiều tác phẩm của O. Henry có những kết thúc bất ngờ, gây sửng sốt cho người đọc. Bạn đọc sẽ bị cuốn đi bởi những bi kịch có vẻ rất ngẫu nhiên trong đời sống, đến những mối tình ngang trái hay những tình yêu đầy bất ngờ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi vừa đọc một câu chuyện có vẻ như bông đùa về tình yêu, về lòng tốt – bởi một sự ngẫu nhiên rất bi hài, thì lại cũng gặp những áng văn khác đầy cảm động về lòng bao dung của con người.

2. Giới thiệu tác phẩm

Trong sự nghiệp sáng tác của O. Henry, tiêu biểu phải kể đến truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng – tác phẩm cảm động này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, có mặt trong nhiều cuốn sách giáo khoa tại nhiều trường học trên thế giới.

Câu chuyện là hiện thực cuộc sống đầy rẫy những bất công vô lý, đem đến bao bất hạnh cho những cuộc đời nghèo khổ. Tuy vậy, nhà văn lại tìm thấy và khơi dậy được vẻ đẹp tâm hồn những con người ấy qua những tình huống truyện bất ngờ, cảm động, mang nhiều ý nghĩa của cuộc sống.

3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng

Truyện kể về của sống của ba người họa sĩ nghèo Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men. Cả ba con người tuy có những hoàn cảnh và cuộc đời khác nhau nhưng ở họ đều có một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật. Nhưng trớ trêu, cô họa sĩ trẻ tội nghiệp Giôn-xi bị mắc bệnh viêm phổi. Ngày qua ngày, Giôn-xi cứ nằm trên giường bệnh và nhìn ngắm những chiếc lá thường xuân đang rụng rơi dần, cô thầm nghĩ, có lẽ, đến khi chiếc lá cuối cùng rơi xuống, cô cũng sẽ ra đi. Cuối cùng, Giôn-xi phục hồi, cụ Bơ-men qua đời vì bệnh viêm phổi. Truyện kết thúc với một bầu không khí tuy ảm đạm, buồn bã nhưng nó chính là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng, đầy hi vọng cho con người.

Tình huống truyện đặc sắc và giàu sức gợi

Chiếc lá cuối cùng không phải là cuốn sách dùng để đọc, mà để nghĩ, để khơi gợi tình thương và sự xót xa, căm hận và đồng cảm, khát vọng và ước mơ. Việc đặt Giôn- Xi vào hoàn cảnh bị mắc bệnh hiểm nghèo đã gợi ra rất nhiều hình ảnh bị lẩn khuất trong bóng tối mà chính những nhân vật đã tạo ra để che lấp đi phần ánh sáng trong họ. Những con người nghèo khổ, song lại có tâm hồn đẹp tựa như viên ngọc trai, bất chấp cái xấu xa của cuộc đời. Xiu, Giôn-Xi và Bơ-men đều là những con người có tấm lòng nhân hậu và bao dung, họ luôn chăm sóc và yêu thương lẫn nhau, họ thể hiện tình cảm đó một cách rất giản dị và chân thật. Và vẻ đẹp đó càng thể hiện rõ nét khi Giôn-Xi bị bệnh. Có thể họ là những con người nghèo vật chất, nhưng đồng thời cũng là những người giàu nhất về tinh thần.

Chiếc lá cuối cùng – kiệt tác của lòng trắc ẩn, sự hi sinh và nghệ thuật mang tên sự sống

“Bồ nhìn ra ngoài cửa sổ xem, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng trên tường ấy. Bồ có đặt nghi vấn tại sao nó không bao giờ bay lất phất khi có gió thổi không? Cưng ơi, đó là kiệt tác của ông Bơ-men đấy, ông đã vẽ nó vào đúng đêm chiếc lá cuối cùng rơi rụng…”

Rốt cuộc điều gì làm nên một kiệt tác? Nghệ thuật đặc sắc hay ngôn từ đẹp đẽ? Không! Kiệt tác nằm ở giá trị của một tác phẩm, chỉ khi nào nó có ích và sẽ có ích cho một ai đó, tác phẩm lập tức sẽ trở thành kiệt tác, bất chấp vẻ bề ngoài bình thường của nó. Thử hỏi liệu có mấy tác phẩm nghệ thuật trên đời này có khả năng cứu sống được tính mạng của một con người? Vậy mà bức tranh vẽ chiếc lá thường xuân của cụ Bơ-men lại làm được điều phi thường đó.

Giôn-xi vào những năm tháng bệnh trở nặng, đã mang cả sinh mệnh của mình đặt vào những lá thường xuân, vào giây phút chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống, cô sẽ tự buông bỏ cuộc sống của mình. Thật may mắn khi vào giây phút định mệnh đó, chiếc lá của cụ Bơ-men đã thế chỗ, chiếc là kiệt tác cả đời cụ vẫn hằng mong muốn vẽ được. Bởi nó đã được đánh đổi bằng cả tính mạng của cụ. Độc giả sẽ không thể nào quên hình ảnh của một ông cụ già yếu chân đứng không vững vượt mình trong bão táp để mà vẽ nên chiếc lá thường xuân. Cũng không thể nào quên giây phút con người ấy ngã xuống, mãi mãi đi về nơi vĩnh hằng để gieo mầm sự sống cho một người khác. Đau lòng thay, song cũng khâm phục thay!

Bức tranh được coi là kiệt tác còn bởi sự kì diệu của nó. Chiếc lá đã đem lại hi vọng trong Giôn-xi, cô bắt đầu khát khao được sống mà mạnh mẽ đương đầu với bệnh tật. Không còn dáng vẻ của một bệnh nhân ủ rũ, sức sống mới được thổi bùng lên trong nhân vật. Đó chính là sự kì diệu của một tác phẩm nghệ thuật chân chính, bắt nguồn từ lòng người, đi qua sự trắc ẩn, kết tinh bằng sự hi sinh rồi lại trở về với con người, để đưa họ về với thế giới của niềm tin và hi vọng.

4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng

“Chiếc Lá Cuối Cùng” mang đậm tình cảm giữa con người với con người trong tình cảnh nghèo khó. Đồng thời, tác phẩm còn mang đến một thông điệp: Nghệ thuật vị nhân sinh. Vẻ đẹp nhân văn, giá trị nhân bản của “Chiếc Lá Cuối Cùng” đã rung động tâm hồn mỗi người chúng ta.

Câu chuyện kết thúc bằng một sự đảo ngược tình huống lần thứ hai. Chiếc lá cuối cùng là một sự lừa dối, nhưng lại là một sự lừa dối rất thiện, rất đẹp và cao cả để đem lại niềm tin vào sự sống cho con người. Kiệt tác cuối cùng của người họa sĩ già đã được ra đời nằm ngoài tất cả mọi dự đoán của công chúng. Nhưng chiếc lá cuối cùng ấy mãi mãi là bằng chứng của tấm lòng yêu thương con người. Bởi thế, Chiếc Lá Cuối Cùng sẽ mãi bất tử với thời gian.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Chiếc lá cuối cùng

Tóm tắt & Review Truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng – O. Henry

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Cao lương đỏ – Mạc Ngôn
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết 451 độ F – Ray Bradbury

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây