Tóm tắt & Review tiểu thuyết Cao lương đỏ – Mạc Ngôn

0
1612
Cao lương đỏ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Cao lương đỏ – Mạc Ngôn

1. Giới thiệu tác giả

Nhà văn Mạc Ngôn tên thật là Quản Mô Nghiệp, sinh năm 1955 trong một gia đình nông dân nghèo tại huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông được biết đến là nhà văn đầu tiên mang quốc tịch Trung Quốc nhận giải thưởng Nobel Văn học danh giá.

Mạc Ngôn là nhà văn không bao giờ nói, ông dùng con chữ để cất lên tiếng lòng kẻ tri thức đương thời. Ngòi bút đầy nhiệt huyết và dũng khí ấy đã giúp phơi bày những điều chướng tai gai mắt trong thời kỳ bạo loạn đẫm máu của Cách mạng văn hóa.

2. Giới thiệu tác phẩm

Trong gia tài văn chương ngày càng đồ sộ của tác giả đoạt giải Nobel văn học 2012, “Cao lương đỏ” là tác phẩm có sức ảnh hưởng nhất. Chính bản thân nhà văn cũng nhận thấy rằng, cho đến nay, đa phần độc giả hễ nhắc đến Mạc Ngôn là thường gắn liền với tác giả của tiểu thuyết “Cao lương đỏ”.

Tình yêu rực rỡ như cánh đồng cao lương trải khắp từng trang sách đã để lại trong lòng độc giả sự lưu luyến, say mê như vừa nhấp một ngụm rượu cao lương từ vùng quê xa xôi của Trung Quốc.

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Cao lương đỏ

Cao Lương Đỏ hay còn gọi Hồng cao lương gia tộc, tựa tiếng Anh là Red Sorghum. Cuốn tiểu thuyết gồm tất cả chín chương. Mạc Ngôn đã mượn khung cảnh quê hương quen thuộc để tái hiện nhiều câu chuyện nhỏ được đan cài, lồng ghép vào nhau, diễn ra trong khoảng thời gian và không gian xáo trộn qua thập kỷ thứ hai và thập kỷ thứ ba của thế kỷ trước.

“Cao Mật với bạt ngàn cao lương đỏ, huy hoàng, dạt dào, uyển chuyển và dậy sóng biết bao.” – Cao lương đỏ

Sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật.

Có lẽ cách lựa chọn đại từ nhân xưng của Mạc Ngôn đã tạo nên điểm nhấn cho “Cao lương đỏ”.

Ngay từ chương mở đầu, Mạc Ngôn đã sử dụng đại từ nhân xứng “tôi” để kể về “bố tôi”, “bà tôi”, “ông tôi”, vừa có ngôi xưng hô thứ nhất lại vừa có góc độ toàn diện. Khi viết đến đại từ “tôi” thì tác giả dùng ngôi thứ nhất. Khi viết đến “bố tôi”, “bà tôi”, “ông tôi” thì tác giả lại viết từ góc độ của từng người, vì thế nội tâm của mỗi nhân vật có thể bày tỏ một cách trực tiếp, góc độ tự sự trở nên rộng thoáng, lói tự sự trở nên phong phú, khi thuật chuyện hết sức tiện lợi.

Bên cạnh đó, thủ pháp tự sự cũng mang tính độc đáo riêng. Như đã nhắc ở trên, “Cao lương đỏ” chứa đựng nhiều câu chuyện nhỏ được đan cài, lồng ghép vào nhau. Diễn biến mỗi câu chuyện không liền mạch theo trật tự chương, trong mỗi chương lại bao gồm một phần của vài câu chuyện nhỏ.

Câu chuyện nòng cốt của cuốn tiểu thuyết là về đội du kích 40 người do thủ lĩnh thổ phỉ Từ Chiếm Ngao làm tư lệnh, đi phục kích đoàn xe Nhật và giành được thắng lợi, được kể bằng các sự kiện nằm rải rác ở năm chương: 1, 4, 6, 7, 9. Cũng như thế, các mảnh ghép tiểu thuyết khác về câu chuyện tình yêu giữa “ông tôi” và “bà tôi”, về cuộc hôn nhân bất hạnh giữa “bà tôi” với Đơn Biền Lang, về hành trình tiếp tế quân lương của “bà tôi”, về án tử hình của Từ Đại Nha, về cuộc đời của ông La Hán… được thuật lại xen kẽ nhau.

Mối tình thầm lặng đầy xúc động trong biển lửa chiến tranh

Cao lương đỏ tái hiện những câu chuyện xảy ra tại một vùng quê trồng cao lương trong thời kỳ kháng Nhật. Cô gái trẻ Đới Phượng Liên bị cha mẹ ép gả cho chàng trai nhà giàu nhưng mắc bệnh hủi, trên đường đưa dâu thì cả đoàn bị toán cướp phục kích.

May mắn thay, cô được một trong bốn người phu kiệu cứu thoát và đã đem lòng yêu chàng trai dũng cảm. Nhân lúc Phượng Liên về nhà mẹ đẻ, anh cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ, ba ngày hạnh phúc bên nhau đem lại cho người thiếu phụ ấy một cậu con trai.

“Nhân duyên xa ngàn dặm một sợi chỉ se lại là xong, tình duyên của con người là trời đất tác thành nên. Đấy là chân lý không thể nào tự chọn được.” – Cao lương đỏ

Sau này, người mà Phượng Liên trao trọn tình yêu đã trở thành Tư lệnh Từ Chiếm Ngao danh tiếng, người anh hùng phục kích đoàn xe quân sự Nhật. Người thiếu phụ xinh đẹp ngày ngày làm bánh đem ra chiến trường khao quân.

Trong một lần gánh bánh lại gặp lúc xe giặc đi qua, cô đã không may mắn hy sinh. Trước khi qua đời, Phượng Liên tiết lộ cho con trai về danh tính người cha thực sự rồi ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của cô.

“Bà vui sướng trông rõ những bông cao lương đung đưa, trông rõ khuôn mặt người con trai, tác thành bởi một cuộc tình thắm đỏ như cao lương quê hương.” – Cao lương đỏ

Dường như định mệnh đã sắp đặt hai con người ấy sinh ra để gắn kết với nhau trong suốt những năm tháng dài đằng đẵng của cuộc đời, nắm tay cùng nhau chạy mãi xuyên qua từng ruộng cao lương bạt ngàn.

Cao lương đỏ tái hiện sự tàn ác của quân đội Nhật Bản

Lịch sử bi thương được Mạc Ngôn đưa vào Cao lương đỏ bằng ngòi bút trần thuật, ông tái hiện một cách trọn vẹn, không che đậy, để dòng chảy quá khứ trôi mãi trên trang viết. Dấu vết chiến tranh in hằn lên cả thể xác lẫn tinh thần của mỗi con người nơi đây.

“Nông dân làm cỏ cao lương, ngẩng đầu thấy núi Bạch Mã, cúi đầu thấy đất đen, mồ hôi rỏ ròng ròng xuống đất, trong lòng biết bao đau khổ.” – Cao lương đỏ

Mùi máu tanh dường như thấm sâu vào tâm trí mỗi người dân. Họ ý thức được những nỗi đau mà toàn thể dân tộc đang phải gánh chịu để một lòng cầm súng đứng lên, bảo vệ sự bình yên của quê hương.

Vạn vật cũng một ký ức khó quên, ruộng nương phì nhiêu bị san phẳng, bầu trời trong xanh bất giác trở nên u ám rã rời bởi lằn roi, lưỡi lê của quân Nhật và bọn tay sai.

Trải khắp các ruộng cao lương, đâu đâu cũng nghe những tiếng khóc thảm thiết bởi kiếp người bị đọa đày. Thế nhưng họ không đầu hàng số phận, Mạc Ngôn đã xem sự mạnh mẽ, bền bỉ của cao lương như ý chí anh hùng bất khuất của nhân dân vùng Đông Bắc Cao Mật.

Một người đàn ông vì tình yêu với chủ nhà mà không sợ hình phạt tùng xẻo, liên tục mắng quân Nhật cho đến khi bị lột da hoàn toàn, một gia đình bị bom của quân xâm lược giết cả ba đứa con, xương thịt mãi mãi găm lên trần nhà.

“Cao lương đỏ,

Cao lương đỏ,

Bọn giặc Nhật đến rồi !

Bọn giặc Nhật đến rồi !

Nước mất, nhà tan.

Đồng bào ơi mau, đứng dậy

Cầm dao, cầm súng,

Đánh giặc bảo vệ quê hương.” – Cao lương đỏ

Tinh thần tự do trong tư tưởng và hành động.

“Cao lương đỏ” không đi theo lối mòn lịch sử văn học như những tác phẩm “kinh điển đỏ” thời kỳ Mao Trạch Đông, qua nhân vật Từ Chiếm Ngao, nó lật đổ những quan niệm thường tình về anh hùng, thổ phỉ, nhân tính.

“Họ giết người cướp của, nhưng lại tận trung báo quốc.”

Đồng thời, tác phẩm cũng thách thức lễ giáo phong kiến, qua cuộc đời của “bà tôi” Phượng Liên, nó thể hiện niềm khát khao tự do, khát khao hạnh phúc và lòng ham sống của con người vượt lên trên những ràng buộc cổ hủ, thủ cựu.

Thay vì lý tưởng hóa một thời bi hùng của lịch sử, Mạc Ngôn vẽ nên một bức tranh mang đậm gam màu hiện thực của một thế hệ con người với những nét tính cách đối lập và mâu thuẫn đến cực điểm, như chính mảnh đất mà họ sinh ra và lớn lên:

“Quê hương Đông bắc Cao Mật, không còn nghi ngờ gì nữa, là nơi đẹp đẽ nhất, xấu xa nhất; siêu thoát nhất, thế tục nhất; trong trắng nhất, nhơ bẩn nhất; anh hùng hảo hán nhất; đểu giả mất dạy nhất; giỏi uống rượu nhất; biết yêu đương nhất, ở trên trái đất này.”

“Cao lương đỏ” phô bày tinh thần tự do, giải phóng cá tính, dám nói, dám nghĩ, dám làm.. của từng nhân vật trong tác phẩm, của tác phẩm trong nền văn học đương thời và của chính bản thân tác giả trong hành trình khám phá lối đi riêng của mình trên mảnh đất văn chương.

4. Cảm nhận và đánh giá tiểu thuyết Cao lương đỏ

Trong “Cao lương đỏ” ta thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực và huyền ảo. Màu sắc huyền ảo cuối cùng cũng trở về để tô đậm cho chất hiện thực vốn có của nó. Như thế, hiện thực trong “Cao lương đỏ” là hiện thực của xã hội nhưng cũng là hiện thực của tâm hồn, hiện thực của ước mơ. Chịu sự tác động của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo nhưng Mạc Ngôn không hề xa rời hiện thực, đi vào những cái siêu hình hay siêu thoát, cũng không tầm thường hóa hay bình thường bi kịch nào.

Ở “Cao lương đỏ” mọi thứ diễn ra đều đều, nhẹ nhàng rồi bất thình lình ập tới những “biến cố”, nhưng những biến cố đấy được giải quyết nhẹ nhàng, nhanh chóng. Có khi sau biến cố là hạnh phúc tột cùng, cũng có khi sau biến cố là khổ đau cực điểm (cái chết của bà nội “tôi”) và kết lại là một sự ám ảnh. Ám ảnh về giọt nước mắt của người anh hùng vì cảm động, đau đớn, xót thương hay căm tức. Nó như chính cuộc sống thường ngày, nhiều bất ngờ, nhiều biến cố, có hạnh phúc và cũng có khổ đau nhưng lạc quan ngay cả khi đối mặt với cái chết.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Cao lương đỏ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Cao lương đỏ – Mạc Ngôn

Cungdocsach.vn

Cảm nghĩ của bạn
Click to rate this post!
[Total: 4 Average: 5]
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Kẻ trộm giấc mơ – Yasutaka Tsutsui
Bài tiếp theoTóm tắt & Review Truyện ngắn Chiếc Lá Cuối Cùng – O. Henry

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây