Tóm tắt & Review tiểu thuyết Nắp biển – Banana Yoshimoto

0
301
Nắp biển

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Nắp biển – Banana Yoshimoto

1. Giới thiệu tác giả

Banana Yoshimoto là một nữ nhà văn Nhật Bản nổi tiếng toàn thế giới với những cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng xoay quanh những nhân vật dị thường. Bà sinh ngày 24 tháng 7 năm 1964 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống văn học.

Tên thật của bà là Yoshimoto Mahoko, tuy nhiên sau tác phẩm đầu tiên trong sự nghiệp là Bóng Từ Ánh Trăng, bà đã lấy bút danh là Banana Yoshimoto. Theo chia sẻ của bà, bút danh này xuất phát từ niềm yêu thích hoa chuối của bản thân, đồng thời là một cái tên vừa “dễ thương” lại vừa “lưỡng tính”. Về sau chính cái tên này đã gắn liền với sự ra đời của hiện tượng Banana (Bananamania).

2. Giới thiệu tác phẩm

“[…] Ai là người cuối cùng bước lên từ biển

trên bãi biển một ngày hạ tàn

Người cuối cùng ấy đã trở về nhà

mà không đóng nắp biển

Vì vậy mà

biển cứ mãi mở toang”

 

Ca từ bài hát Nắp biển của Hara Masumi, như gợi lên cảm hứng, mở ra không gian tác phẩm cùng tên của nhà văn Banana Yoshimoto. Một tác phẩm chỉ hơn 100 trang nhưng ẩn chứa ở đó là bao nỗi niềm thầm kín về các kiếp người, tìm về lòng biển như tìm đến sự bao bọc, chở che, yêu thương, xoa dịu những đau thương tới từ dòng nước. Nhưng sau bao lầm lũi để thoát khỏi thương đau, họ có thể khép lại vết thương quá khứ hay như chiếc nắp biển còn mở? Điều này, chính bản thân Banana Yoshimoto vẫn để ngỏ, để nhân vật của cô và cả độc giả, tự lựa chọn cho mình một cái kết, một lối đi riêng tới tương lai.

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Nắp biển

Nắp biển – một tiểu thuyết không có cốt truyện

Thật vậy, như bao sáng tác của Banana Yoshimoto, và cũng như nhiều tác phẩm khác nằm chung trong dòng chảy văn học Nhật Bản thời hiện đại; Umi no futa – Nắp biển là một cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, hay có thể nói là mang cốt truyện hết sức đơn giản:

Mari, bôn ba khắp nơi, cuối cùng trở về quê nhà mở một quán đá bào nhỏ.

Hajime, suy nhược nặng, đại gia đình rạn vỡ sau cái chết của người bà, đã được cha mẹ gửi gắm đến gia đình bạn thân của người mẹ, cũng là mẹ của Mari, vào mùa hè cùng năm Mari mở quán.

Hai cô gái, mang hai tâm hồn vụn vỡ đau thương, đã ở bên nhau trong suốt mùa hè, giữa lòng một thị trấn miền biển đang dần lụi tàn.

Nội dung nhẹ nhàng, cốt truyện đơn giản, tình tiết giản dị được viết bằng lối văn trần thuật của một tâm hồn nữ rất đỗi dịu dàng, làm nên bề nôi tiểu thuyết Nắp biển trong trẻo như mặt nước biển ngày lặng gió, sóng xô nhẹ và ít xáo động.

Nhưng biển cả vốn có bao giờ là thật sự tĩnh lặng? Ẩn sâu trong sự tĩnh lặng, vẫn luôn là muôn vàn đợt sóng ngầm cuộn trào báo hiệu bão giông sẽ đến. Cũng như những gì Banana Yoshimoto thể hiện ở trong tác phẩm đẹp như một bức tranh thủy mặc vẽ mặt biển đầy yên bình của mình. Câu chuyện tưởng chừng không có cốt truyện, chỉ là những mảng vụn, mảng cắt nhỏ nhặt của cuộc sống về những cô gái, những kiếp người lặng tìm cách chữa lành vết thương quá khứ. Vậy mà ẩn sâu trong đó là hàng loạt mâu thuẫn giằng xé, cùng khắc khoải nhân sinh trước bao đổi thay thời cuộc.

Nhật Bản bước ra từ Thế chiến thứ Hai với tư cách là nước thua trận, trải qua những đợt phát triển kinh tế nhảy vọt đưa nước Nhật trở thành vị trí một siêu cường kinh tế – tài chính thế giới. Sau giai đoạn phát triển nhảy vọt là những năm tháng thoái trào để rồi lại bước vào thời kỳ kinh tế bong bóng cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Tất cả, đã làm nên một nước Nhật với nhiều vụn vỡ, đau thương cùng những hoài nghi trong lòng người.

Vùng biển Mari trở về, như chính hình ảnh thu nhỏ của Nhật Bản thời hiện đại: sau năm tháng phát triển, nay đang dần lụi tàn, bao kỉ niệm xưa cũ, bao giá trị tốt đẹp, nay chỉ còn là ký ức người ở lại. Khoa học kỹ thuật xâm nhập vào từng ngõ ngách, vẻ đẹp tự nhiên đứng trước nguy cơ bị xóa bỏ. Con người đứng giữa xung đột thực tại – quá khứ, truyền thống – hiện đại trở lên chênh vênh hơn bao giờ hết. Vừa không thể tránh khỏi vòng xoáy của thời cuộc, song vẫn chẳng ngừng hoài niệm, nuối tiếc. Bản thân Mari, trở về quê hương, mở một quán đá bào nhỏ và chỉ trung thành với những vị đá bào truyền thống, thanh đạm, chính như một cách cô gái ấy, gắng níu giữ phần nào tươi đẹp của tuổi thơ, cũng là níu kéo chút gì là hoài niệm trước dòng xoáy thời gian, thời cuộc.

Những biến động thời cuộc kéo theo rạn nứt ở cấp nhỏ nhất của xã hội – gia đình trong cấu trúc tứ đại đồng đường. Mà đại gia đình Hajime chính là đại diện cho sự rạn vỡ đó. Sau cái chết của người bà, gia tài bà để lại đứng trước sự xâu xé của con cháu. Vì tiền mà tình thân trở lên rẻ rúng. Vì tiền mà người ta sẵn sàng quay lưng với người thân, máu mủ. Giá trị tình thân trở lên bèo bọt biết bao trước toan tính, lòng tham của con người. Và một cô bé Hajime, vốn đã yếu đuối, được nuôi dạy bởi người cha, người mẹ trọng tình thân, không màng của cải, đứng trước những xấu xa, ti tiện của lòng người, yêu thương, lòng tin cô bé như rạn vỡ.

Tuy nhiên, trước bao khổ đau, bao nghiệt ngã, và không thể phủ nhận, như nhiều sáng tác của chính Banana Yoshimoto, cái chết cứ mãi quẩn quanh, trở đi trở lại trong Nắp biển; thì đến cuối cùng, đây vẫn là câu chuyện của tương lai, niềm tin, hi vọng. Mùa hè qua đi, Hajime trở về bên gia đình, mang theo kỉ niệm lẫn kỉ vật của Mari. Không thể nói vết thương đã chữa lành nhưng con người, vẫn phải sống tiếp và tiến bước. Biển chứa nhiều đợt sóng ngầm, đứng trước biển con người như bị ngợp bởi sóng, nước, trời cao. Nhưng biển cũng bao dung, ôn hòa vô cùng với dòng nước như lòng mẹ, ôm trọn lấy những thương tổn ta mang. Nắp biển, một câu chuyện không có cốt truyện, bởi thế, cái kết cũng mang tính mở, như chiếc nắp biển mà người cuối cùng đã quên đóng lại. Đau thương có lẽ chẳng thể chữa lành, song con người, đủ mạnh mẽ đối mặt với quá khứ, với thương tổn mà tiến về tương lai, âu cũng chẳng phải là một “happy ending” sao?

Nắp biển – Sợi dây gắn kết tình cảm giữa những con người buồn

Mari là một cô gái nội tâm, phóng khoáng, giản dị. Cô đam mê ăn đá bào đến mức cô mở một quán đá bào vào mỗi dịp hè. Cửa hàng đá bào là biểu tượng trụ cột duy nhất Mari dựng nên để lưu giữ vẻ đẹp sắp bị lụi tàn. Vào thời điểm tiễn Hajime, hai chị em cùng nhau xây dựng kế hoạch tự làm thú nhồi bông rồi rao bán trên mạng. Vốn dĩ cô không phải là một người dễ hoà đồng, nhưng khi người bạn chân thành đến thủ thỉ với cô, cô đã mở lòng mình lại. Hãy thử xem nếu Mari không mở lòng mình, thì làm sao cô chấp nhận vết bỏng của Hajime được?

“Sau khi trút bỏ hết quần áo, trông Hajime gầy đến đáng sợ. Đó là kiểu gầy của người không ăn uống được gì vì quá đau buồn. Nhìn những dẻ xương chồi ra sau lưng em, tôi cảm thấy buồn hơn rất nhiều so với khi nhìn vết sẹo bỏng.

“Một cô gái nhỏ bé dường này lại phải gồng mình đối mặt với thật nhiều vấn đề, phong thái của Hajime dường như rất nhạy cảm, khác hẳn về bản chất so với tôi, một đứa chỉ được cái to xác, dù bị thương khắp mình mẩy vẫn tung tăng lớn lên.”

Như lời kể của nhân vật “tôi”, một vụ cháy nhà đã suýt nữa cướp sinh mạng của hai bà cháu Hajime, người bà đã lấy áo choàng cố gắng che người cô tránh cháy. Đám cháy đã ảnh hưởng không nguôi tới ký ức của cô bé này, khắc sâu tình cảm chân khiết dành cho người bà. Hình ảnh một người đầu bạc đó không được kể nhiều chi tiết, dường như chỉ kể lại qua yếu tố thời gian, nhưng Banana đã gián tiếp mở đầu thành công trong bức tranh con người Hajime.

Cảm giác vui thích đến sung sướng khi ở bên Mari suốt hè phần lớn đã bộc lộ tính cách của cô bé. Cô là một người hiếu kỳ, can đảm, vui tính. Khi tôi đọc từng trang sách một về những cuộc đối thoại, từ lúc ăn đá bào cho đến dạo biển, tôi nhớ rõ cảm giác bình yên đầy trầm lặng ấy, tựa như sóng biển.

Nhưng khi chứng kiến cảnh bố mẹ mình phải sống ở chỗ khác bởi họ hàng tranh giành nhà, Hajime đã rất đau buồn. Cô nói rằng, nếu cô không để lại cho các con cô ngôi nhà đang ở lúc qua đời, thì thật nuối tiếc. Hajime rất biết ơn và kính trọng bà nên cô muốn bà thực sự được yên nghỉ.

Nhìn qua suy nghĩ và nỗi lòng cũng đủ để cho người đọc thấy Hajime là một con người sống tình cảm.

Vết bỏng trên người rốt cuộc có ý nghĩa gì?

Vết bỏng là một biểu tượng cho sự từng trải của mỗi người. Đám cháy giống như khó khăn thử thách độ bao dung và kinh nghiệm khi vượt qua nó. Và rồi, độc giả có thể thấy được niềm tự hào về cô gái bé bỏng ấy. Sự từng trải đồng thời cũng là những trải nghiệm tuyệt vời để tăng thêm độ phong phú cho câu chuyện trong Nắp biển.

Từ ý nghĩa của nó trên cơ thể đặc biệt của Hajime, cảm nhận của tôi (theo khía cạnh nào đó) là tôi rất yêu quý hai nhân vật chính trong truyện bởi khát khao nội tâm của họ. Họ muốn giữ lại những kỷ niệm vào một góc ẩn sâu trong tim, để nhìn nhận đầy mãnh liệt về bản chất hình dạng của nó. Họ không muốn kỷ niệm rơi vào hố đen của lãng quên. Phải chăng đó là ý nghĩa chân thực của cuộc sống, rằng ký ức được sinh ra không phải là để quên mà là để nhớ? Cũng là vì sự tồn tại của vết bỏng bấy lâu nay nên nó gợi nhắc chúng ta hãy trân trọng nó?

Banana Yoshimoto như hoá thân vai Mari trong truyện, lý giải về hiện tượng tại sao nắp biển vẫn cứ mở toang. Là bởi vì nắp biển như trái tim mình, dòng biển cuốn trôi ào ạt giống như nỗi bồi hồi, xúc động của người con gái khi đứng trước dự báo về chặng đường của chông gai. Nỗi bồi hồi bắt nguồn từ cảm xúc khi nước Nhật đang trong thời kỳ thịnh vượng kinh tế, mà phải chứng kiến sự ra đi của vẻ đẹp biển thơ mộng ngày ấy. Sóng vẫn cứ cuộn, lòng người ở lại, nhưng quang cảnh không còn ấn tượng như trước. Phải chăng đây là thực tại nghiệt ngã dù không muốn nhưng vẫn phải chấp nhận? Dẫu sao, ý nghĩa của ký ức là chiếu lại nét đẹp tâm hồn qua khoảnh khắc tươi đẹp từng có. Bởi nét đẹp ấy có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn, nhưng mãi mãi hình thành giá trị bên trong con người.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Nắp biển

Nắp biển, giống như các tác phẩm khác của Banana, thấm đẫm một phong vị đặc trưng không thể gọi tên của riêng tác giả. Thế giới của Banana Yoshimoto luôn là một khoảng giao hợp của con người và tự nhiên, của con người và những lấp lánh trừu tượng. Với Banana, mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi viên đá, mỗi tòa nhà trong Nắp biển đều nuôi dưỡng sự đẹp đẽ, những kí ức về một thời đã xa, đều vương tình yêu mến của những con người dã vì nó mà rung động.

Không có tình cảm nam nữ, nhưng Nắp biển, vẫn tràn ngập tình yêu. Tình yêu giữa hai tâm hồn tri âm, tình yêu thiên nhiên, tình yêu kí ức, tình yêu mỗi sự vật của quê hương, chảy tràn mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Nắp biển

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Nắp biển – Banana Yoshimoto

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Colorful – Eto Mori
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tiểu thuyết Ngàn hạc giấy của Sadako – Sasaki Masahiro

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây