Review sách Lối sống tối giản của người Nhật – Sasaki Fumio

0
1204
Loi song toi gian cua nguoi Nhat

Tóm tắt & review Lối sống tối giản của người Nhật là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng … mà nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta. Lối sống tối giản của người Nhật là một tác phẩm mô tả những lợi ích về cuộc sống cũng như tâm hồn mà một cuộc sống tối giản có thể mang lại.

1. Giới thiệu tác giả

Sasaki Fumio là tác giả người Nhật Bản. Sinh năm 1979. Anh là một biên tập viên của một nhà xuất bản, người theo đuổi lối sống tối giản (minimalism). Anh sống trong một căn hộ giản đơn, ít vật dụng, quần áo.

2. Giới thiệu sách và đối tượng độc giả

Quyển sách nói nhiều về những lợi ích mà lối sống tối giản mang lại, song song đó là cách thức hạn chế đồ vật sở hữu đến mức tối thiểu. Tại sao chúng ta lại cần sống tối giả và những điều tích cực xuất hiện trong cuộc sống nếu chúng ta có một cuộc sống đơn giản nhẹ nhàng. Ngoài ra cuốn sách còn mang đến những quy tắc giúp mỗi người tự biết cách sắp xếp cuộc sống của mình sao cho thật giản dị, nhanh gọn và tiết kiệm thời gian.

Đối tượng của cuốn sách là tất cả mọi người đang sống trong xã hội ngày càng bận rộn, bộn bề nhiều công việc. Nhất là những người trẻ có ít thời gian để chăm lo cho bản thân, cho gia đình cũng như cho ngôi nhà của mình.

3. Tóm tắt nội dung sách Lối sống tối giản của người Nhật

* Cấu Trúc Cuốn Sách

Trong chương một, tôi sẽ giới thiệu cho bạn lối sống tối giản là gì, đưa ra định nghĩa của tôi về nó. Sau đó tôi sẽ đưa ra lý do vì sao tôi lại theo lối sống này sau nhiều năm sống trong căn phòng của mình.

Chương hai tôi muốn đề cập đến tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế. Những đồ đạc được tích tụ lại do thói quen hay nhu cầu của con người này mang ý nghĩa gì?

Chương ba là những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà. Tôi sẽ đưa ra cho bạn những quy tắc cụ thể, những phương pháp để có thể giảm bớt đồ đạc trong nhà. Thêm vào đó tôi cũng sẽ giới thiệu cho bạn danh sách bổ sung 15 điều cho những người muốn tối giản hơn nữa cùng với toa thuốc cho “căn bệnh muốn vứt bỏ”.

Chương bốn, những thay đổi trong tôi sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà. Nó không đơn thuần chỉ là cắt giảm đồ đạc, mà là những mặt tích cực sau khi tôi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu, và những “hạnh phúc” mà tôi cảm nhận sau khi thực hiện điều đó. Kèm theo đó, tôi còn phân tích và khảo sát thêm về các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

Chương năm, tiếp nối ý từ chương bốn, tôi giải thích tại sao những thay đổi trong tôi lại dẫn đến “hạnh phúc”.

* Lời Mở Đầu

Cuốn sách này muốn gửi tới bạn sự tuyệt vời của cuộc sống với ít đồ đạc trong nhà.

Lối sống tối giản là lối sống cắt giảm đồ dùng trong nhà đến mức tối đa, chỉ giữ lại những vật dụng cần thiết nhất. Lợi ích của lối sống này không đơn thuần chỉ là lợi ích bên ngoài như không gian thoáng đãng, dọn dẹp dễ dàng… mà nó còn mang lại lợi ích cho chính tâm hồn chúng ta.

Giảm bớt số đồ đạc quá tải trong nhà chính là một lần giúp bạn suy nghĩ về hạnh phúc. Có lẽ bạn sẽ cho rằng tôi đang nói khoác, nhưng đó thực sự là những gì tôi nghĩ.

Chương 1: Tại Sao Lại Có Những Người Sống Tối Giản?

Bất cứ ai khi sinh ra cũng là người sống tối giản. Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc, đó chính là chủ đề của cuốn sách này.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai cũng từng trải qua.

Chúng ta luôn mất thời gian, công sức để sở hữu một món đồ nào đó, hoặc để bảo quản, quản lý những món đồ mình đã có. Và chúng ta bỏ ra nhiều đến mức, những món đồ vốn chỉ là vật dụng hàng ngày cuối cùng lại trở thành ông chủ của chúng ta.

Sau khi thực hiện lối sống tối giản, cuộc sống của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Sau khi đi làm về, tôi ngâm mình trong bồn tắm, sau đó thay một bộ quần áo dễ chịu ở nhà. Và vì đã dọn tivi đi rồi nên tôi sẽ đọc vài cuốn sách. Bia rượu thì tôi không uống một chai nào nữa. Vứt bớt đồ đạc làm phòng tôi có nhiều khoảng trống và tôi có thể ngủ thoải mái hơn. Mỗi sáng tôi đều thức dậy cùng ánh bình minh và không phải mất đến 10 phút để mở mắt như trước. Bức tường trắng trong nhà giờ không treo vật gì cả, và khi ánh nắng chiếu vào, cả căn phòng sáng rực lên. Vì dậy sớm nên tôi có thời gian ăn sáng và nhâm nhi một tách cà phê. Ăn xong là tôi dọn dẹp ngay bát đũa, xoong nồi. Tập ngồi thiền và tĩnh tâm giúp tôi xóa bỏ hết phiền não trong cuộc sống, và giờ tôi không còn phải bận tâm về những vật dụng dư thừa trong nhà nữa. Mỗi ngày tôi đều dọn dẹp căn phòng một lần. Và nếu thời tiết tốt, tôi sẽ giặt chăn đệm. Cuối cùng là thay một bộ quần áo phẳng phiu và đi làm. Trên đường đi làm, tôi cũng có thể tận hưởng khung cảnh hai bên đường thay đổi theo từng mùa, cuộc sống thật là tuyệt diệu.

Mỗi người đều có những lý do khác nhau khi trở thành người sống tối giản. Có người thấy cuộc sống đảo lộn vì đồ đạc, có người lại thấy không hạnh phúc dù giàu có và sở hữu nhiều thứ trong tay. Có người giảm bớt đồ đạc sau nhiều lần chuyển nhà, cũng có khi họ muốn thoát khỏi sự u ám của cuộc sống. Hay cũng có những người vốn dĩ không thích nhiều đồ đạc, thậm chí cũng có người đã thay đổi lối sống sau khi trải qua động đất.

Mỗi người dân Nhật Bản đều từng là người sống tối giản

Giống như con người khi sinh ra không có một thứ gì trong tay, bản thân người Nhật trước đây cũng là những người sống theo lối tối giản. Đã từng có một người nước ngoài đến Nhật trước khi bắt đầu công việc làm ăn của mình, và anh ta đã rất ngạc nhiên trước người Nhật lúc bấy giờ. Mỗi người chỉ có hai, ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ. Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến 10 bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thỏai mái, và cũng không phải là nơi ở cố định. Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao. Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.

Theo bạn, định nghĩa về một người sống tối giản là gì? Người sống tối giản là người như thế nào? Giảm bớt đồ đạc đến mức nào mới gọi là sống tối giản? Nếu phải đưa ra định nghĩa thì chắc hẳn có người sẽ bắt đầu từ quan điểm này. Theo tôi, người sống tối giản là:

  • Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình.
  • Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.

Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản cả. Sẽ không có chuyện nếu bạn có trên đồ dùng, bạn không phải là người sống tối giản. Hay nếu bạn giảm được đồ đạc trong nhà xuống dưới 100 thứ, bạn đã là người sống tối giản rồi. Nếu bạn có tivi, đó không phải là cuộc sống tối giản. Nếu bạn có thể nhét hết mọi vật dụng vào tủ quần áo, bạn thực sự là một người sống tối giản… Tất cả những điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.

Theo tôi, để có thể trở thành người sống tối giản, cần có những điều kiện tiên quyết sau:

  1. Lượng thông tin, vật dụng tăng lên quá mức.
  2. Sự phát triển của vật dụng và dịch vụ, chúng ta không cần quá nhiều đồ dùng vẫn có thể hoàn thành công việc.
  3. Thảm họa động đất sóng thần phía Đông Nhật Bản.

Chương 2: Tại Sao Đồ Đạc Lại Chất Nhiều Đến Vậy?

Trong chương này, tôi muốn nói với bạn về quá trình: “Vì sao chúng ta lại chất nhiều đồ đạc trong nhà”. Khi hiểu về quá trình này rồi, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc giảm bớt đồ đạc.

Nếu bạn coi đồ vật là phương tiện để truyền tải “giá trị của bản thân” thì đồ đạc trong nhà bạn sẽ dần tăng lên. Và đương nhiên là đồ đạc càng nhiều thì bạn càng dễ thể hiện được giá trị của mình. Tuy nhiên, những món đồ đang tăng lên không ngừng đó sẽ không còn là phương tiện mà sẽ trở thành mục đích của việc thể hiện “giá trị của bản thân”. Hay nói cách khác, “đồ vật” đã trở thành chính “bản thân” bạn. Và bạn đã nhầm “đồ đạc” với “bản thân mình”. Nếu bạn nghĩ đồ đạc là bản thân bạn, bạn sẽ tiếp tục sắm đồ đạc không ngừng nghỉ.

Những món đồ tăng lên đến mức “làm tổn hại bản thân” bạn sẽ tiếp tục tăng lên đến mức hấp thụ hết năng lượng và thời gian của bạn. Những món đồ đó không còn là dụng cụ mà tồn tại trong nhà bạn như là chủ nhân của bạn. Dưới ảnh hưởng của chúng, bạn sẽ phải dùng cả đời này cho chúng và phải đấu tranh với người khác vì vị chủ nhân này.

Bản thân những món đồ này không tốt cũng chẳng xấu. Nhưng khi bạn tăng nó lên mức độ như vậy là đang biến nó thành xấu. Chúng ta cần phải thay đổi lại cách nhìn này. Đồ đạc không phải là chính con người bạn, cũng không phải là chủ nhân của bạn. Chúng chỉ là những dụng cụ mà thôi. Chúng cũng không phải là những món đồ được sắm vì cách nhìn của người khác, chúng chỉ là những thứ cần thiết với bạn mà thôi.

Chương 3: 55 Quy Tắc Vứt Bỏ

  • Quy tắc 1: Trước hết hãy “vứt bỏ” suy nghĩ: “Không bỏ được”
  • Quy tắc 2: Vứt bỏ là một kỹ thuật
  • Quy tắc 3: Vứt đồ không phải là mình đang “mất đi”, mà là mình đang “được lợi”
  • Quy tắc 4: Xác định lý do không thể vứt bỏ
  • Quy tắc 5: Không có chuyện không vứt được, chỉ đơn giản là không thích mà thôi
  • Quy tắc 6: Bộ nhớ, năng lượng và thời gian của chúng ta đều là những thứ có giới hạn
  • Quy tắc 7: Hãy vứt bỏ ngay bây giờ. Vứt bỏ chính là khởi đầu cho mọi thứ
  • Quy tắc 8: Sau khi vứt, chẳng có món đồ gì khiến bạn hối tiếc cả đâu
  • Quy tắc 9: Đầu tiên hãy vứt những loại rác rõ ràng trước
  • Quy tắc 10: Vứt những thứ có nhiều
  • Quy tắc 11: Vứt những thứ đã không dùng trong một năm
  • Quy tắc 12: Vứt những món đồ vốn chỉ sắm theo cách nhìn của người khác
  • Quy tắc 13: Phân loại đồ dùng cần thiết và đồ dùng mong muốn
  • Quy tắc 14: Chụp ảnh những món đồ mà bạn khó có thể vứt đi được
  • Quy tắc 15: Chuyển những kỷ niệm thành dữ liệu sẽ giúp bạn dễ ôn lại kỷ niệm hơn
  • Quy tắc 16: Anh đồ đạc, người bạn ở chung phòng, đến cả tiền nhà cũng không trả
  • Quy tắc 17: Hãy bỏ ngay ý tưởng “dọn dẹp”, “sửa sang” đi
  • Quy tắc 18: Hãy vứt cái tổ mang tên “dọn dẹp”
  • Quy tắc 19: Giữ nguyên không gian chết trong nhà
  • Quy tắc 20: Hãy vứt ý tưởng “một lúc nào đó” nhưng chẳng bao giờ đến
  • Quy tắc 21: Hãy vứt một thời lưu luyến
  • Quy tắc 22: Vứt những món đồ lãng quên
  • Quy tắc 23: Đừng trở thành nhà sáng tạo khi vứt đồ
  • Quy tắc 24: Hãy bỏ ý tưởng “lấy lại vốn”
  • Quy tắc 25: Vứt “hàng dự trữ”
  • Quy tắc 26: Cảm nhận sự rung động của con tim
  • Quy tắc 27: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để giảm bớt đồ
  • Quy tắc 28: Tận dụng các cuộc bán đấu giá để nhìn lại các món đồ
  • Quy tắc 29: Dịch vụ bán đồ tại nhà
  • Quy tắc 30: Đừng nghĩ mãi về “giá lúc mua”
  • Quy tắc 31: Cửa hàng chính là “kho chứa đồ” trong nhà bạn
  • Quy tắc 32: Phố phường chính là phòng khách nhà bạn
  • Quy tắc 33: Hãy vứt bỏ những thứ bạn không hiểu rõ về nó
  • Quy tắc 34: Hãy vứt bỏ những món đồ mà bạn không nghĩ là sẽ mua một lần nữa
  • Quy tắc 35: Bạn có nhớ hết những món quà mà bạn đem tặng không?
  • Quy tắc 36: Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đã mất và cảm nhận
  • Quy tắc 37: Vứt đồ đi, những thứ còn lại mới là quan trọng
  • Quy tắc 38: Cắt đứt gốc phát sinh trong chuỗi gia tăng dụng cụ
  • Quy tắc 39: Nếu bạn không định xây viện bảo tàng, hãy vứt những bộ sưu tập đi
  • Quy tắc 40: Mượn những món đồ mà bất cứ ai cũng có
  • Quy tắc 41: Cho thuê những thứ cho thuê được
  • Quy tắc 42: Đăng những món đồ bạn đã vứt và ngôi nhà của bạn lên mạng xã hội
  • Quy tắc 43: Nếu bạn bắt đầu từ con số không? Nếu bạn bị mất trộm?
  • Quy tắc 44: “Giả vờ” vứt thử
  • Quy tắc 45: Vứt những món đồ có màu sắc kích thích
  • Quy tắc 46: Mua một cái, giảm một cái
  • Quy tắc 47: “Hiệu quả Concorde”/ Biết thêm về chi phí chìm
  • Quy tắc 48: Nhìn nhận thất bại ngay lập tức. Hãy coi đó là tiền học phí
  • Quy tắc 49: Hãy coi những món đồ đã mua là đồ đi thuê
  • Quy tắc 50: Đừng mua vì rẻ, đừng nhận vì miễn phí
  • Quy tắc 51: Thời điểm mà bạn đắn đo liệu có vứt đi được không chính là lúc bạn có thể vứt nó đi
  • Quy tắc 52: Những món đồ thực sự cần thiết rồi sẽ quay về với bạn
  • Quy tắc 53: Biết cảm ơn. Vứt đồ nhưng không vứt tình cảm
  • Quy tắc 54: Lãng phí thực ra chỉ là cảm giác của chính bạn
  • Quy tắc 55: Vứt đi chính là nhớ mãi

Chương 4: Vứt Bớt Đồ Đạc, 12 Điều Thay Đổi Trong Tôi

  1. Giảm thời gian làm việc nhà
  2. Chuyển nhà trong 30 phú
  3. Giảm thời gian uể oải, biếng nhác
  4. Giảm thời gian tìm đồ, giải quyết vấn đề quên đồ
  5. Thời gian phong phú, nguồn gốc của hạnh phúc
  6. Chế độ mặc định trong những lúc nhàn nhã
  7. Tận hưởng hạnh phúc ngay bây giờ
  8. Tận hưởng cuộc sống
  9. Không có tính lười biếng
  10. Kỹ thuật dọn dẹp học từ Aristotle
  11. “Thù lao” cho việc tạo thói quen
  12. Giảm bớt đồ đạc, việc dọn dẹp đơn giản hơn gấp ba lần

Chương 5: Không Phải Trở Nên Hạnh Phúc Mà Là Cảm Nhận Hạnh Phúc

“Hạnh phúc là tùy thuộc vào suy nghĩ của chính bản thân mình. Hạnh phúc không phải là vật ngoài thân mà nó nằm bên trong con người chúng ta. Hạnh phúc do trái tim ta quyết định…” Có rất nhiều danh ngôn nói về hạnh phúc và câu nào cũng là những triết lý đúng đắn. Bởi bản thân hạnh phúc vốn là thứ mà chỉ có bản thân mình mới đánh giá được. Dù người khác thấy họ vất vả, đau khổ thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu người đó nói rằng: Tôi thực sự rất hạnh phúc. Bản thân tôi thật may mắn. Tôi thật biết ơn hiện tại… thì có nghĩa họ đang cảm thấy hạnh phúc. Đó cũng là lý do vì sao “hành động” quyết định 40% hạnh phúc.

Hạnh phúc không phải là thứ bạn có được sau khi đáp ứng một vài điều kiện. Hạnh phúc chỉ là “cảm nhận” trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.

Lối sống tối giản không phải là “mục đích” mà là “phương tiện”. Nhờ có lối sống này mà tôi đã nhận ra rất nhiều thứ quan trọng với bản thân. Nhưng tôi cũng thấy mọi người không bắt buộc phải trở thành người sống tối giản. Sau khi nhận ra những điều quan trọng đối với bản thân, nếu bạn có thể trân trọng chúng cho đến mãi về sau thì dù bạn có sắm thêm bao nhiêu đồ cũng không thành vấn đề. Tôi và anh Numahata cùng lập một trang web tên là Minimal & ism. Minimal & ism có nghĩa là phát hiện ra những điều quan trọng (ism) sau khi giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu (minimal). Người sống tối giản là người biết “cắt giảm” mọi thứ vì những điều quan

trọng với mình. Tôi nghĩ là mình đã giảm đồ đạc xuống mức tối thiểu và đã tìm thấy những thứ quan trọng cho mình.

* Lời Kết – Lời Cảm Ơn Chân Thành

Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn tới anh Numahata Naoki, người cùng làm trang web với tôi. Nhờ có những bài viết của anh mà lần đầu tiên tôi biết đến từ “người sống tối giản”.

Tiếp đến tôi xin gửi lời cảm ơn tới Giám đốc Yokochi, người đã cho phép tôi xuất bản cuốn sách này, Tổng biên tập Aoyagi, người đã giúp tôi trong việc biên tập cuốn sách ngoài kế hoạch này và cấp trên của tôi, Trưởng phòng Ippouji phòng biên tập ảnh. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp trong công ty đã giúp đỡ tôi trong suốt một năm qua, khi tôi hầu như chỉ dành thời gian cho cuốn sách này.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Steve Jobs và Apple. Nhờ có iPhone và MacBook Air do Steve Jobs tạo ra, tôi đã vứt được rất nhiều đồ đạc trong nhà và có thể viết bản thảo ở bất cứ đâu. Tôi cũng cảm ơn Word của Microsoft đã giúp tôi viết nên cuốn sách này. Nhờ có ứng dụng Tree2, tôi có thể nắm bắt ý tưởng của mình và Dropbox giúp tôi lưu trữ bản thảo. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến các nhà phát minh kỹ thuật số, nhờ có sản phẩm của các bạn mà tôi có thể hoàn thành cuốn sách một cách thuận tiện nhất.

Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến cửa hàng Jonathan’s ở Meguro, đặc biệt là cửa hàng Jonathan’s ở Fudomae, trong những lúc tôi không nghĩ ra ý tưởng, tôi đã ở lì trong quán của các bạn một thời gian dài.

Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà thiết kế Keito Kuwayama. Cuốn sách này có thể xuất bản kịp tiến độ là nhờ có anh Keito Kuwayama đã hoàn thành sớm việc thiết kế cuốn sách, công việc cần có cảm hứng rất nhiều.

Tôi xin gửi lời cảm ơn đến anh Murakami TakashiAkira, người đã giúp tôi biên tập cuốn sách này.

Tôi cũng xin cảm ơn bạn bè, gia đình, những người đã giúp tôi quảng bá cuốn sách này. Và tôi cũng hi vọng bạn sẽ nghe một vài lời tâm sự thật lòng của tôi.

Và tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến các độc giả của tôi. Cảm ơn các bạn đã đọc cuốn sách này. Tôi sẽ rất vui nếu các bạn có thể rút ra được một điều gì đó trong cuốn sách này.

Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn đến người cha đã khuất và mẹ của tôi. Những gì tôi đã viết ra dù là điều nhỏ nhất thì đó cũng là những suy nghĩ rất tự do của tôi. Đây cũng là điều mà bố mẹ đã luôn dạy cho tôi từ nhỏ: không áp đặt bất cứ điều gì, hoàn toàn để chính mình tự thực hiện. Và thực sự, bố mẹ đã để cho tôi tự làm mọi điều.

4. Cảm nhận và đánh giá sách lối sống tối giản của người Nhật

Sasaki Fumio có cách kể chuyện khá duyên dáng, gần gũi, thân mật và nhẹ nhàng, điều này được thể hiện qua giọng văn trong sách. Tuy nhiên với những ai đã biết về lối sống tối giản, thì thực sự quyển sách này không có gì mới mẻ nữa. Còn với những ai đang loay hoay với việc mua sắm, đang căng thẳng với việc quản lý đồ đạc hay cảm thấy mệt mỏi, chật vật vì không biết mình theo đuổi điều gì trong cuộc đời này, thì lối sống tối giản có thể là một gợi ý thích hợp!

_Review của độc giả_

Cuốn sách là lời tâm sự của tác giả đến với người đọc, những câu chuyện giản dị mộc mạc đời thường mà lại quen thuộc với mỗi chúng ta. Mỗi người hãy sống thật lành mạnh, giản dị và đừng nên ôm đồm quá nhiều, nhồi nhét quá nhiều vào cuộc sống của mình. Hãy thả lỏng tâm hồn, tối giản cuộc sống, và bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong chính ngôi nhà của mình.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Loi song toi gian cua nguoi Nhat

Tóm tắt & reivew Lối sống tối giản của người Nhật by Lê Minh Hạnh

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 5 Average: 3.2]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trước14 cuốn sách kinh doanh nên đọc mới nhất 2019
Bài tiếp theo20 tiểu thuyết ngôn tình hay nhất nên đọc một lần trong đời

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây