Những cuốn sách thiếu nhi hay nhất (danh sách cập nhật cho mùa dịch Covid-19 không còn nhàm chán)
Mục lục
- 1. Lâu đài thần bí – Edith Nesbit
- 2. Lũ trẻ đường tàu – Edith Nesbit
- 3. Thành phố phép màu – Edith Nesbit
- 4. Tôi là Bê Tô – Nguyễn Nhật Ánh
- 5. Bảy bước tới mùa hè – Nguyễn Nhật Ánh
- 6. Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên – Lewis Carroll
- 7. Những tấm lòng cao cả – Edmondo de Amicis
- 8. Toto-Chan Bên Cửa Sổ – Kuroyanagi Tetsuko
- 9. Đếm sao – Lois Lowry
- 10. Không gia đình – Hector Malot
1. Lâu đài thần bí – Edith Nesbit
Lâu đài thần bí của tác giả Edith Nesbit
Edith Nesbit bắt đầu sáng tác cho trẻ em từ thập niên 1890. Bà là tác giả của hơn 60 cuốn sách viết cho thiếu nhi. Tác phẩm của Edith Nesbit đầy ắp nhân vật và tình tiết sinh động, kết hợp cùng lối kể hài hước đặc trưng. Trong thế giới truyện kể bà xây dựng, các nhân vật nhỏ tuổi bỗng một ngày bị cuốn vào cuộc phiêu lưu phi thường, kì ảo, giàu sắc màu ma thuật…
Gerald, Jimmy và Kathleen tình cờ phát hiện ra lối đi dẫn đến một tòa lâu đài cổ kính ẩn giấu bao điều dị thường: Những phòng chứa bí mật, các bức tượng biết đi, nàng công chúa say ngủ trong vườn, chiếc nhẫn thần biến mọi ước mong thành hiện thực… Phép màu cuốn lũ trẻ vào rất nhiều rắc rối và các cuộc phiêu lưu lạ lùng.
2. Lũ trẻ đường tàu – Edith Nesbit
Lũ trẻ đường tàu của Edith Nesbit
Câu chuyện về ba đứa trẻ nghèo sống bên đường tàu đã cuốn độc giả vào một thế giới tinh nghịch, trong trẻo mà cảm động tha thiết, một xâu chuỗi khéo léo những tình tiết tưởng như rời xa nhau nhưng hóa ra lại đồng quy ở kết thúc đầy bất ngờ nơi cuối truyện.
Đến từ nước Anh và sau hơn một thế kỷ ra mắt, Lũ Trẻ Đường Tàu của Edith Nesbit vẫn luôn là một tượng đài tác phẩm thiếu nhi kinh điển không thể bỏ qua, một viên ngọc đã ở lại trong ký ức nhiều thế hệ độc giả trẻ thế giới.
3. Thành phố phép màu – Edith Nesbit
Thành phố phép màu của tác giả Edith Nesbit
Nếu một ngày nọ, bạn lạc bước vào Thành phố phép màu…
… nơi chuyện kể, lời thơ và những món đồ chơi thân thuộc bỗng sống dậy, chuyện trò, đi lại, thậm chí bày trò nghịch dại tai hại?
Cậu bé Philip và cô bé Lucy tình cờ tìm ra cánh cổng dẫn vào thế giới ma thuật. Họ dấn thân vào cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu: băng hoang mạc, diệt rồng dữ, vượt thác tử thần, thuần hóa sinh vật huyền thoại trong truyền thuyết.
4. Tôi là Bê Tô – Nguyễn Nhật Ánh
Tôi là Bê Tô của tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Tôi là Bêtô – lời tự giới thiệu và cũng là lời tự khẳng định về mình của một chú Cún, xuất hiện ở trang cuối chương cuối truyện, nhưng lại có ý nghĩa dẫn dắt các bạn bè của Cún, như Binô, cả hai cùng sống với cô chủ bé là Ni và ba mẹ của cô, cùng bà cố – ở một nơi khác, nơi Cún có thêm một bạn mới là Laica. Nhìn, nghĩ và ứng xử theo cách của Cún, ngoài hàng trăm “điều thú vị ở đời” ta còn nhận ra được sự phân biệt tốt – xấu trong thế giới người, một cảm nhận hồn nhiên, không lý sự trong tầm nhìn của Bêtô, rồi của cả cặp bạn Bêtô – Binô, được “nhân hóa” ở tuổi vừa là trẻ con, vừa đang chuẩn bị làm người lớn.
Chọn nhân vật chính là một chú Cún – động vật gần gũi, quen thuộc và thông minh nhất của người, đương nhiên tác giả rất thuộc tính cách, sinh hoạt, và cả … ngôn ngữ của Cún; đồng thời trong vai Cún để nhìn đời, tác giả cũng rất thuộc tâm, sinh lý lứa tuổi trẻ mới lớn, qua đó cho thấy người lớn cần phải ứng xử như thế nào đối với trẻ, trong bước ngoặt từ bé con sang người lớn, cái bước ngoặt quan trọng nếu không nói là quan trọng nhất, trong đường đời con người.
Tôi là Bêtô được Nguyễn Nhật Ánh kể với ngôn ngữ của nhân vật chính, tức là ngôn ngữ của trẻ. Chứ không phải là ngôn ngữ của một người kể nào đó ở ngôi thứ ba, chắc chắn sẽ làm cho truyện vừa dài ra, vừa khô đi mà không chứa nổi mọi chuyện tươi xanh của cuộc đời. Nhưng làm sao mà tránh được sự có mặt của Nguyễn Nhật Ánh, người điều hành toàn bộ câu chuyện, nguời đã qua Bêtô mà kể lại câu chuyện trong một thứ văn phong theo tôi là rất gọn, rất hay; một văn phong chứng tỏ người viết rất thuộc và rất yêu đối tượng khảo sát của mình. Phải nói đó là loại văn rất thích hợp cho thiếu nhi ở một lứa tuổi đang rất cần rèn giũa cho sự giàu có, tinh tế và ăn ý giữa ý và lời. Và, không chỉ là khảo sát mà còn là sự đúc kết cho con trẻ quen dần với các suy tưởng, kể cả triết lý về cuộc sống, vốn lúc nào cũng hiện hữu quanh chúng như ánh sáng, như khí trời, để cho chúng vừa chóng lớn, lại vừa không mất đi tất cả những gì là quà tặng của tuổi thơ, rồi sẽ cùng chúng đi suốt hành trình của đường đời con người.
5. Bảy bước tới mùa hè – Nguyễn Nhật Ánh
Bảy bước tới mùa hè của tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Nhân vật trong cuốn sách Bảy bước tới mùa hè là những cô bé, cậu bé tuổi 14,15, cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, ẩm ẩm ương ương. Ở cái tuổi này, Khoa và Mừng đã bắt đầu để ý đến các cô bạn gái mà trước nay vẫn cảm thấy “thật đáng ghét”. Những tâm tư, tình cảm của các cậu bé trong những rung động đầu đời qua cái nhìn của nhà văn đã trở nên đáng yêu và dễ mến. Những con người của một vùng quê cứ thế hiện lên giữa những khung cảnh quen thuộc, giản dị, đơn sơ mà ấm áp tình người. Một dì Liên thương thằng Khoa hết mực, một thầy Tám bỗng chốc thay đổi tính cách xoành xoạch, cô bé Trang thơ ngây, ngộ nghĩnh,… Họ là người đã tạo ra những mùa hè hấp dẫn, sống động mà nhà văn muốn truyền tải đến các thế hệ bạn đọc.
6. Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên – Lewis Carroll
Alice Ở Xứ Sở Thần Tiên của tác giả Lewis Carroll
Cùng cô bé Alice lạc vào xứ thần tiên với những người bạn kỳ lạ và vô số tình huống oái oăm, nhưng ẩn sâu trong đó là những bài học về tình bạn, về con người đầy nhân văn và phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.
Niềm vui khi đọc những câu chuyện thời thơ ấu bắt đầu trong thế giới thực nhưng sau đó sẽ đưa bạn đến một thế giới khác, vào thời khắc “đã mở ra, cánh cửa sẽ không bao giờ đóng lại phía sau bạn” nữa. Cánh cửa vào Xứ Sở Thần Tiên diệu kì như thế. Xứ Sở Thần Tiênấy có thể chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của cô bé Alice, nhưng một khi chúng ta đã cùng đồng điệu với tâm hồn cô thì xứ sở đó cũng tồn tại trong tâm trí chúng ta
7. Những tấm lòng cao cả – Edmondo de Amicis
Những tấm lòng cao cả của tác giả Edmondo de Amicis
Những tấm lòng cao cả (Cuore) ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 19 đã làm cho tên tuổi nhà văn Edmondo De Amicis (1846 – 1908) trở nên nổi tiếng khắp thế giới.
Cho đến nay tác phẩm bất hủ này vẫn vang vọng và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc đặc biệt là các em thiếu nhi ở các thời đại khác nhau.
Đó là một câu chuyện giản dị, với những con người bình thường nhất nhưng nhân cách của họ, mối quan hệ của họ, cùng những tấm lòng cao cả, thánh thiện của họ mãi là những bài học đạo đức sâu sắc và đáng quý.
Một cậu bé ngưòi Ý, Enrico, hằng ngày ghi lại những việc lớn nhỏ diễn ra trong đời học sinh của cậu, những cảm tưởng và suy nghĩ của cậu thành một cuốn nhật ký.
8. Toto-Chan Bên Cửa Sổ – Kuroyanagi Tetsuko
Toto-Chan Bên Cửa Sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko
Totto-chan bên cửa sổ là cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới suốt ba mươi năm nay. Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Tính đến năm 2001, tổng số bản sách bán ra ở Nhật đã lên đến 9,3 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất trong lịch sử ngành xuất bản nước này. Cuốn sách đã được dịch ra 33 thứ tiếng khác nhau, như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc…Khi bản tiếng Anh của Totto-chan được xuất bản tại Mỹ, tờ New York Times đã đăng liền hai bài giới thiệu trọn trang, một “vinh dự” hầu như không tác phẩm nào có được.
9. Đếm sao – Lois Lowry
Đếm sao của tác giả Lois Lowry
Annemarie Johansen – cô bé người Đan Mạch trong câu chuyện này thì CÓ CẢ HAI, vậy nên cuộc sống của bạn ấy vừa thú vị lại vừa thót tim biết mấy. Điều đặc biệt nhất là cuộc sống đó đã cách xa chúng ta lắm lắm – từ chiến tranh thế giới thứ hai – nhưng vẫn khiến thiếu nhi trên toàn thế giới cảm thấy gần gũi, say mê. Chính Lois Lowry, tác giả của cuốn sách nằm trong top 100 truyện thiếu nhi đáng đọc nhất của thời đại này, cũng có lần ngạc nhiên vì sức sống căng tràn, tươi mới của tác phẩm.
Đếm sao không chủ ý dạy các em những bài học lớn lao, to tát – mặc dù ý nghĩa mà cuốn sách chứa đựng thì không ai có thể coi là nhỏ bé. Truyện kể dẫn dắt để các em tự mình cảm nhận và ngẫm nghĩ thế nào là tình cảm gia đình, tình bạn, rồi mở rộng hơn: tình thương yêu giữa con người với con người, lòng tự hào dân tộc. Nếu đã lật giở trang sách đầu, hẳn những bạn đọc nhỏ tuổi sẽ dõi theo câu chuyện một mạch và chẳng thể nào quên cách Annemarie bảo vệ Ellen – cô bạn thân của mình, cách mà Annemarie ngây thơ nhưng quả quyết bảo với bố: “Vậy thì con cũng sẽ thế bố ạ. Nếu như con buộc phải hi sinh”
Bên cạnh đó, chúng ta đều có thể tin rằng Đếm sao được yêu thích là nhờ ngòi bút tươi sáng, hồn nhiên mà Lois Lowry lựa chọn, dù truyện lấy bối cảnh đất nước trong những năm tháng buồn đau, ngột ngạt nhất: lính Đức Quốc xã tràn vào chiếm đóng Đan Mạch. Khốn khó và đầy hiểm nguy như thế đấy, song bạn đọc không hề cảm thấy nỗi yếu hèn, trái lại là biết bao điều đẹp đẽ: lòng dũng cảm, tinh thần sẻ chia đùm bọ qua rất nhiều tình tiết lôi cuốn, kịch tính, và dĩ nhiên là cả tiếng cười khúc khích – chẳng hạn với bé Kirsti ương ngạnh: “Con không có!” Kirsti đứng ở ngưỡng cửa phòng nói vọng vào bằng cái giọng rất ra vẻ ta đây. “Con không bao giờ, chưa bao giờ đái dầm!”
Đọc Đếm sao, chúng ta sẽ có dịp thấm thía hơn rằng: Một tác phẩm văn học vượt ngoài sự kìm thúc của thời gian biết đâu lại là một câu chuyện kể về điều lớn lao từ những gì hết sức đời thường và ở góc nhìn con trẻ.
10. Không gia đình – Hector Malot
Không gia đình của tác giả Hector Malot
Không Gia Đình là tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong sự nghiệp văn chương của Hector Malot. Hơn một trăm năm nay, tác phẩm giành giải thưởng của Viện Hàn Lâm Văn học Pháp này đã trở thành người bạn thân thiết của thiếu nhi và tất cả những người yêu mến trẻ khắp thế giới.
Không Gia Đình kể về chuyện đời Rémi, một cậu bé không cha mẹ, họ hàng thân thích. Sau khi phải rời khỏi vòng tay của người má nuôi, em đã đi theo đoàn xiếc thú của cụ già Vitalis tốt bụng. Kể từ đó, em lưu lạc khắp nơi, ban đầu dưới sự che chở của cụ Vitalis, sau đó thì tự lập và còn lo cả công việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có lúc em và cả đoàn lang thang cả mấy ngày đói khát rồi còn suýt chết rét. Có bận em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ hàng tuần. Rồi có lần em còn mắc oan bị giải ra tòa và phải ở tù. Nhưng cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Song dù trong hoàn cảnh nào, Rémi vẫn giữ được sự gan dạ, ngay thẳng, lòng tự trọng, tính thương người, ham lao động chứ không hạ mình hay gian dối. Cuối cùng, sau bao gian nan khổ cực, em đã đoàn tụ được với gia đình của mình.
Tác phẩm đã ca ngợi sự lao động bền bỉ, tinh thần tự lập, chịu đựng gian khó, khích lệ tình bạn chân chính. Ca ngợi lòng nhân ái, tình yêu cuộc sống, ý chí vươn lên không ngừng… Không Gia Đình vì thế đã vượt qua biên giới nước Pháp và tồn tại lâu dài với thời gian.
Những cuốn sách thiếu nhi hay nhất