Tóm tắt & Review sách Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

0
264
Dám hạnh phúc

Tóm tắt & Review sách Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

1. Giới thiệu tác giả

Kishimi Ichiro là một nhà triết học, nhà giáo dục trẻ em và nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý học Adlerian. Ông được cấp chứng nhận chuyên gia tư vấn tâm lý ở các phòng khám tâm thần bởi Hiệp hội Tâm lý học Adlerian. Từ rất nhỏ, khi còn học trung học, Kishimi Ichiro đã đam mê nghiên cứu triết học Hy Lạp cổ, đặc biệt chú ý đến trường phái triết học Platonic. Đồng thời ông cũng chú trọng nghiên cứu tâm lý học của “một trong ba người khổng lồ của tâm lý học hiện đại” – Alfred Adler.

Koga Fumitake (sinh năm 1973) là một tác giả nổi tiếng, nhà văn chuyên nghiệp đạt được rất nhiều giải thưởng lớn trong sự nghiệp. Ông đã phát hành nhiều tác phẩm bán chạy nhất liên quan đến kinh doanh và giả tưởng nói chung. Ông bén duyên với tâm lý học Adlerian ở tuổi đôi mươi, và bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những ý tưởng thách thức trí tuệ thông thường của nó.

2. Giới thiệu tác phẩm

Dựa trên nền tảng lý thuyết tâm lý học hành động có tên Adler, Dám Hạnh Phúc sẽ giúp bạn đọc tìm ra bản chất của hạnh phúc, định nghĩa về hạnh phúc trong mỗi con người. Lấy câu chuyện của chàng thanh niên đang gặp khó khăn, thất bại và đứng bên bờ vực của tuyệt vọng, sách sẽ giúp bạn hướng đến lối tư duy về hạnh phúc đúng đắn và tích cực nhất.

“Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này. […] Chỉ có điều chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ.”

3. Tóm tắt nội dung sách Dám Hạnh Phúc

Nối tiếp thành công của “Dám Bị Ghét”, Kishimi Ichiro và Koga Fumitake một lần nữa sử dụng cuộc tranh luận giữa nhà triết gia và chàng thanh niên để khắc họa một chủ điểm mới gửi đến độc giả. “Dám Hạnh Phúc” – đây là phần tiếp theo của cuốn sách “Dám bị ghét”. Chàng thanh niên sau khi được nhà triết gia “khai sáng” nhờ tư tưởng Adler vào 3 năm trước, anh ta quay lại gặp ông và than phiền rằng những quan điểm này không hề thực tế và gần như chẳng thể áp dụng. Hệ quả tất yếu là hai người lại có một đêm không ngủ để tiếp tục ngồi tranh luận với nhau về tư tưởng Adler.

Cuộc tranh luận này bắt nguồn từ câu chuyện trong lớp học, từ thất bại của chàng thanh niên trong việc áp dụng phương châm “không được khen ngợi cũng không được mắng mỏ” trong giáo dục. Anh ta cho rằng “tư tưởng của Adler chỉ là lý thuyết suông”, “chẳng giúp ích được gì trong xã hội hiện đại”. Đứng trước hiểu lầm gay gắt của người thanh niên với Adler, triết gia và anh chàng đã có một cuộc đối thoại cuối cùng để chấm dứt mọi khúc mắc. Triết gia đã giải đáp vấn đề và mở rộng nó sang nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Trên hết, ngoài việc gỡ rối những hiểu lầm của người thanh niên với Adler, triết gia còn đưa anh và độc giả đến gần hơn với đáp án cho câu hỏi muôn thuở của triết học: “Làm thế nào để con người được sống hạnh phúc?”

Phần thứ nhất: “Người khác xấu xa” và “Ta tội nghiệp”

Tâm hồn chúng ta giống như một lăng trụ tam giác. Nếu nhìn từ một phía thì chỉ có thể nhìn thấy hai mặt của nó mà bỏ qua mặt còn lại. Cũng giống như việc đặt một chiếc lăng trụ trước mặt người thanh niên, từ vị trí anh ta ngồi chỉ có thể thấy hai trong ba mặt. Một mặt là “người khác xấu xa”, còn mặt kia là “ta tội nghiệp”. Theo kinh nghiệm của triết gia, những người đến nhờ ông tư vấn hầu hết đều dành thời gian để nói đến một trong hai vấn đề này. Vừa khóc vừa than thở về bất hạnh giáng xuống cuộc đời mình. Hoặc tỏ ra hằn học với người đã trách cứ mình, tới xã hội đã cuốn mình vào.

Không chỉ khi đi tư vấn mà cả khi trò chuyện, tâm sự với gia đình hay bạn bè, dưới góc nhìn trực quan hóa sẽ thấy rằng mọi người thường chỉ phê phán “người khác” hoặc than vãn về “cuộc đời của mình”. Tuy nhiên, trong tâm lý học Adler, mọi cuộc trao đổi đều phải xoay quanh mặt thứ ba của lăng trụ tam giác. Đó chính là mặt phẳng chứa đựng câu hỏi “giờ phải làm gì?”. Đây chính là một trong những quan điểm mình tâm đắc nhất trong cuốn sách này. Giúp mình ngộ đã khá nhiều điều còn đang vướng mắc. Còn bạn, câu nói này có chạm vào góc khuất nào trong tâm hồn của bạn không?

Phần thứ hai: Tại sao lại phủ định “thưởng phạt”?

Triết gia đã giải thích cặn kẽ hơn quan điểm đó bằng cách phân tích 5 giai đoạn trong hành động quậy phá của trẻ nhỏ. Từ việc “mong muốn được tán thưởng” đến “chứng tỏ sự vô dụng”, năm giai đoạn của hành động quậy phá mà triết gia nói tới trên thực tế đã nắm bắt chính xác tâm lý con người, cho thấy phần nào giá trị đích thực của Adler. Đây là một nội dung khá mới mẻ và rất đáng được quan tâm!

Cậu cảm thấy phiền phức khi giao tiếp bằng lời với học trò của mình nên mắng mỏ để khuất phục chúng một cách nhanh chóng. Lấy cơn giận làm vũ khí, bắn khẩu sung mang tên nhiếc móc, đâm lưỡi kiếm uy quyền. Đó chính là thái độ thiếu chín chắn, ngu ngốc với tư cách là một nhà giáo.

Phần thứ ba: Từ nguyên lý cạnh tranh đến nguyên lý hợp tác

Nhà triết học tiếp tục gia tăng sức thuyết phục cho luận điểm phủ định “thưởng phạt” của mình. Nếu con người sống dưới “chế độ khen-mắng (thưởng-phạt)” thì thế giới loài người chẳng bao lâu chỉ có thể chia làm hai phe “ta và địch”, toàn bộ con người, xã hội xung quanh sẽ trở thành “kẻ địch” của bản thân ta. Vì chạy theo “thưởng phạt” ắt sẽ sinh ra cạnh tranh.

Theo Adler, chúng ta cần phải bỏ tư tưởng thưởng phạt, cũng như quy luật cạnh tranh và thay thế nó là tinh thần hợp tác.

Phần thứ tư: Hãy cho đi, nếu không sẽ không được nhận lại

Chương này có nhắc lại một quan điểm khá hay mà ở cuốn Dám bị ghét đã đề cập tới. Đó là “mọi phiền muộn đều bắt đầu từ quan hệ giữa người với người”. Ẩn sau câu nói đó, Adler ẩn chưa một định nghĩa hạnh phúc rằng “mọi niềm vui cũng bắt nguồn từ quan hệ giữa người với người”.

Ngoài ra, trong phần này nhà triết học còn đề cập tới việc so sánh giữa “tín dụng” và “tin tưởng” trong quan hệ con người. Và kết quả của sự so sánh đó là lời khuyên “muốn được tin tưởng nên tin tưởng trước”. Nói một cách nôm na và dễ hiểu thì nó có liên quan đến sự cho đi và nhận lại. Khi ta biết tôn trọng, tin tưởng bản thân hay một ai đó, tức là đã trao đi niềm tin của mình cho người khác, và hiển nhiên nếu không cho đi (give) thì chắc chắn sẽ không thể nhận lại được (take). Bản thân mình khá tâm đắc với cụm từ Give and Take được diễn giải trong phần này. Vậy nên, khi đọc phần thứ tư này mình thấy những quan điểm được nêu ra ở đây khá cuốn hút, dễ hiểu và sát với thực tiễn.

Phần thứ năm: Hãy chọn cuộc đời yêu thương

Tình yêu quan trọng như thế nào? Không phải là “tình yêu mang lý tưởng của chúa” hay “tình yêu mang tính bản năng của động vật”, triết gia đề cập đến “tình yêu của con người”. Hóa ra tình yêu không chỉ là những cảm xúc lãng mạn, mà còn là nền tảng để con người trưởng thành và lựa chọn lại lối sống

Theo tư tưởng Adler, chúng ta không thể “rơi vào” tình yêu và kể cả nếu như có rơi vào thì nó không phải là nhiệm vụ cuộc đời. Tình yêu là một cảm xúc có thể vun đắp bởi sức mạnh của ý chí từ con số 0. “Rơi vào tình yêu” thực chất giống như việc con người “bị lôi cuốn vào ham muốn vật chất”. Và thay vì “để được yêu”, Tư tưởng Adler nhấn mạnh việc “chủ động yêu người khác”

Dám tôn trọng, dám yêu thương, dám hành động

Như vị triết gia đã nói rằng, tâm lý học Adler là tâm lý học ứng dụng, tâm lý học hành động. Bởi thế, những điều trao đổi giữa ông với chàng thanh niên sẽ mãi chỉ là lý thuyết nếu không được ứng dụng vào thực tế, nếu chàng thanh niên không chấp nhận hành động để thay đổi “ngay hôm nay, ngay lúc này”. Hay nói cách khác, người ta sẽ không có hạnh phúc nếu mãi đắm chìm trong lý thuyết sách vở, trong mâu thuẫn ngờ vực nếu không dám dấn thân, tiến bước. Mà hành động thiết thực nhất trước hết, là học cách sống là chính mình, tôn trọng, yêu thương bản thân và những người xung quanh.

Nếu Dám bị ghét là câu chuyện về cái tôi, về sự phân chia nhiệm vụ trong mối quan hệ giữa người với người, về cảm thức cộng đồng cùng những mục tiêu cuộc đời; thì Dám hạnh phúc chính là những kiến giải chân thực để con người trở thành phiên bản hoàn hảo hơn của chính mình, để người ta biết trân trọng từng khoảnh khắc, từng cá nhân trong cuộc đời, để ta biết rằng trước khi muốn “nhận về” yêu thương thì phải “cho đi” yêu thương. “Ai cũng có thể hạnh phúc ngay từ giây phút này” nhưng “chúng ta không thể hưởng thụ hạnh phúc nếu chỉ đứng yên tại chỗ. Cần phải tiếp tục tiến bước trên con đường mình đã đặt chân lên.”

4. Đánh giá sách Dám Hạnh Phúc

Dám Hạnh Phúc không quá khô khan, lý thuyết suông hay khuôn mẫu mà nó mang tính ứng dụng thực tiễn, giúp bạn đọc vừa uốn nắn lối tư duy, vừa rèn luyện thực hành vào cuộc sống từng ngày một. Những ví dụ, dẫn chứng đưa vào từng lời khuyên cũng rất thực tế và dễ hiểu. Có thể nói, Dám Hạnh Phúc là cuộc tranh luận vô cùng hữu ích, làm hoàn thiện hơn Dám Bị Ghét, hay đưa con người thay đổi hoàn toàn những tư tưởng xưa cũ còn lạc hậu và gò bó, mở rộng lòng và nắm lấy hạnh phúc cho bản thân mình.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Dám hạnh phúc

Tóm tắt & Review sách Dám hạnh phúc – Kishimi Ichiro & Koga Fumitake

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review sách Yêu mình trước đã, yêu đời để sau – Vex King
Bài tiếp theoTóm tắt & Review truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận – Nguyễn Ngọc Tư

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây