Tóm tắt & Review truyện ngắn AQ chính truyện – Lỗ Tấn
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Lỗ Tấn tên thật là Chu Thụ Nhân. Ông sinh vào tháng 9 năm 1881 tại phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Nói về bút danh của Lỗ Tấn, đó là tên ghép từ họ mẹ – bà Lỗ Thụy và chữ Tấn trong chữ “tấn hành” nghĩa là đi nhanh lên. Do lúc nhỏ Lỗ Tấn thường đi học muộn, bị thầy giáo phê bình và ông khắc lên bàn hai chữ tấn hành để tự nhắc nhở mình cần nhanh hơn. Sau này ghi nhớ kỉ niệm thuở thiếu thời nên ông lấy bút danh Lỗ Tấn.
Lỗ Tấn không chỉ là nhà văn hóa lớn mà còn là nhà giáo dục lớn. Tư tưởng giáo dục quan trọng nhất của Lỗ Tấn là vấn đề lập nhân – xây dựng và đào tạo con người.
Ông không chuyên bàn về giáo dục nhưng trong các tác phẩm của Lỗ Tấn có rất nhiều ý kiến sâu sắc đã được các nhà nghiên cứu giáo dục sưu tập rồi sau đó hệ thống hóa thành những quan điểm khoa học rất có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, cụ thể.
2. Giới thiệu tác phẩm
Tác phẩm AQ chính truyện được chia làm 8 phần truyện với 8 nội dung khác nhau. Bằng ngòi bút sinh động và khả năng miêu tả ấn tượng, Lỗ Tấn đã có thể phê phán một cách rõ ràng những lỗ hổng trong chế độ Trung Quốc thời bấy giờ. Đồng thời lên tiếng về những vấn đề xã hội nhức nhối trong cuộc sống.
Cho đến nay, AQ chính truyện đã trở thành một trong 108 danh tác nổi tiếng thế giới. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau như: Tiếng Anh, Ý, Triều Tiên, Nhật Bản, Nga, Ðức, Thụy Ðiển, Việt Nam, Indonesia, Bồ Ðào Nha, Pháp, Tây Ban Nha… Nội dung quyển sách xoay quanh cuộc phiêu lưu đắc thắng của chàng trai AQ, một gã đàn ông thất học ở tầng lớp bần nông, muốn vươn lên và khẳng định vị trí của bản thân.
3. Mục lục
- Phần I: Lược thuật về những câu chuyện đắc thắng của AQ
- Phần II: Lược thuật bổ sung về các chuyện đắc thắng của AQ
- Phần III: Bi kịch chyện tình yêu đôi lứa
- Phần IV: Những vấn đề sinh kế nhức nhối
- Phần V: Cuộc sống lên voi xuống chó
- Phần VI: Những ngày tháng cách mạng nổ ra
- Phần VII: Không được làm cách mạng nữa
- Phần VIII: Kết cục đại đoàn viên
4. Tóm tắt nội dung tác phẩm AQ chính truyện
“Một con số zero to tướng phủ lên lá số tử vi của AQ” – Ðặng Thai Mai.
Truyện là cuộc phiêu lưu đắc thắng của AQ, một gã đàn ông thuộc tầng lớp bần nông, thất học.
Ngay mở đầu câu chuyện, Lỗ Tấn đã phải đau đầu trong việc đăt tên cho cái “pho chính truyện” của AQ chính bởi một phần vì xuất thân của anh ta. Gọi là “liệt truyện” thì AQ chẳng phải nhân vật tai to mặt lớn nào trong chính sử. Gọi “tự truyện” thì thấy sai quá thì tác giả có phải AQ đâu. Nói “ngoại truyện” thì “nội truyện” ở đâu? “Biệt truyện” thì lại chẳng có vị vua quan, tổng thống nào ra lệnh tác giả phải viết về AQ cả. Tác giả cũng không rõ mình với AQ có họ hàng gì không nên cũng không dám đặt là “gia truyện”. Định đặt “tiểu truyện” thì AQ cũng chưa có “đại truyện” nào. Rốt cuộc chọn mãi cũng được cái từ “chính truyện.”
Sơ yếu lý lịch của AQ có thể tóm gọn bằng một con số không tròn trĩnh: không họ, không tên (AQ là tên ước định mà tác giả gán cho), không ngày tháng năm sinh, không quê quán, không học vấn, không nghề nghiệp.
Lỗ Tấn từng viết: “Theo ý tôi, AQ trạc 30 tuổi, hình dáng bình thường, có cái chất phác đần độn kiểu nông dân, nhưng cũng có tiêm nhiễm ít nhiều cái xỏ lá của bọn du thủ, du thực ở Thượng Hải, có thể tìm thấy bóng dáng y ở những người kéo xe tay, xe xích lô, tuy thế AQ không có bộ dạng lưu manh, cũng không giống như bọn du lãng lang thang ngoài hè phố.”
Với bút pháp “vẽ rồng điểm mắt” – thảo vài nét sơ lược giàu tính biểu trưng, khi miêu tả ngoại hình AQ, Lỗ Tấn chỉ viết về chiếc đuôi sam và đặc biệt là cái sẹo.
AQ nổi tiếng vì phương pháp thắng lợi tinh thần. Nếu gã bị đánh, gã lại nghĩ “Nó đánh mình thì khác gì nó đánh bố nó!” rồi lại hớn hở đắc thắng. AQ hay bắt nạt kẻ kém may mắn hơn mình và sợ hãi trước kẻ hơn mình về địa vị, quyền lực, sức mạnh. Gã tự thuyết phục bản thân rằng mình sức nhịn nhục bậc nhất, trạng nguyên cũng chỉ người bậc nhất mà thôi, rồi lấy đó làm lẽ để đắc ý.
Cách mạng đến mà kẻ sợ, người hoang mang, duy chỉ có AQ là phấn khởi. AQ cho rằng cách mạng là cướp của nhà giàu làm lợi cho mình, là “làm giặc”. Chính vì hiểu sai hai từ “cách mạng” mà gã đã nhận một kết cục bi thảm.
“AQ chính truyện” phê phán thứ cách mạng không đúng chất cách mạng. Đây là bóng dáng của cách mạng Tân Hợi 1911 – cuộc cách mạng không triệt để.
Lỗ Tấn đả kích cách mạng nửa vời và những tư tưởng bảo thủ của người dân Trung Quốc, ông mang một tư tưởng cách mạng dân chủ mới và muốn thức tỉnh người nông dân về tư tưởng cách mạng thật sự.
Bản chất tư tưởng của con người và xã hội Trung Quốc trong “AQ chính truyện”.
- Thứ nhất, chính quyền mị dân.
- Thứ hai, hiếp yếu sợ mạnh.
- Thứ ba, phéo thắng lợi tinh thần.
- Thứ tư, hủ lậu và khinh thị cái mới.
5. Cảm nhận và đánh giá nội dung tác phẩm AQ chính truyện
Một tác phẩm được viết cách đây gần 100 năm nhưng những giá trị cốt lõi của nó vẫn đúng với đa số người trẻ hiện nay. “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn còn thể hiện rất rõ tính chân thực và nhân văn của cuộc sống, của thời đại đã tác động mạnh mẽ đến con người. Cũng chính cái vỏ bọc của xã hội đã làm thay đổi, bần cùng những phẩm chất tốt đẹp của bao số phận nói chung. Nói đúng hơn đó còn là sự tha hóa về những con người nghèo khổ trong xã hội “thấp cổ bé họng” bị áp bức và bị dồn vào thế bị động, để rồi những con người như AQ phải tự mình biến hóa hoàn cảnh và tự coi rằng những lần bị đánh chẳng hề ăn nhằm gì so với tinh thần cao cả của mình. Cũng chính “phép thắng lợi tinh thần” ấy đã giúp cho AQ luôn an nhiên, tự tại mà không hề có một điều gì có thể cản trở được tinh thần của anh.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review truyện ngắn AQ chính truyện – Lỗ Tấn