Tóm tắt & Review sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn – Pương Pương
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Tác giả Pương Pương tự nhận là một cá nhân có duyên nợ với con chữ và có một mong ước thầm kín mãnh liệt rằng một ngày nào đó có thể trở thành “Trmúa hmề”.
2. Giới thiệu tác phẩm
“Drama Nuôi Tôi Lớn Loài Người Dạy Tôi Khôn” là cuốn sách đầu tay của Pương Pương. Cuốn sách không chỉ mang lại những câu chuyện drama cười ra nước mắt và còn thấm đẫm những triết lý sâu sắc của hiện tượng mạng xã hội mang tên Pương Pương.
Review sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn.
3. Tóm tắt nội dung sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn
“Drama Nuôi Tôi Lớn Loài Người Dạy Tôi Khôn” gồm những câu chuyện về gia đình, chuyện xã hội, đến những chuyện bóc phốt đánh ghen hay là những cú lừa trên mạnh xã hội đầy thị phi ngang dọc. Sau đây, mình xin phép trích dẫn một số câu chuyện để chia sẻ với mọi người.
Crush một người quá giỏi giang
“Hoàng và Mai là cặp thanh mai trúc mã, từ cái hồi còn chia nhau bịch bỉm, giành nhau hộp sữa thì hai đứa đã chơi với nhau rồi.
Nhưng ngặt nỗi Mai hơn Hoàng một tuổi, thực ra chênh nhau một hay hai tuổi cũng không thành vấn đề, chỉ cần có tình yêu là đủ rồi. Hoàng yêu Mai. Cũng không biết từ bao giờ, trong mắt Hoàng thì Mai không còn là một người hàng xóm đơn thuần nữa. Mai xinh đẹp, Mai giỏi giang và Hoàng quyết sẽ lấy Mai làm vợ.
Tình yêu Hoàng dành cho Mai có lẽ cả thế giới này đều biết, bởi con mắt của kẻ si tình làm sao mà che giấu đi được. Ngày ngày nó chở Mai đi học, đưa đón Mai về, nhà có gì ngon đều mang sang hết cho crush.
Có lần bố Hoàng câu được con cá về làm bữa tối mà Hoàng cũng xách sang cho nhà Mai để rồi tối hôm ấy cả nhà nó ăn trứng dầm nước mắm, còn Hoàng ăn cơm chan nước mắt.
Hoàng sẵn sàng đấm lõm mặt bất kì thằng nào có ý tán tính Mai của nó, hay có thể đứng chửi tay đôi với những đứa con gái làm crush của nó buồn. Thế mà trong mắt Mai, nó là thằng trẻ ranh vắt mũi chưa sạch, đã học dốt lại còn trẻ trâu, trong khi Mai nổi tiếng vừa xinh đẹp lại vừa giỏi nhất nhì trường lúc bấy giờ.
Chính vì vậy mỗi lần bố mẹ hay bất cứ ai gán ghép hai người với nhau là Mai lại giãy đành đạch lên:
- Con không thích thằng đấy, bố mẹ đừng trêu nữa.
Suốt mười một năm qua người ta luôn thấy một cậu thanh niên đứng đợi Mai ở cổng trường bất kể ngày nắng hay ngày mua, ngày bão giông cũng như ngày lạnh giá. Bởi Hoàng tin rằng nhất định sẽ có một ngày tình cảm của mình dành cho Mai được đáp lại. Bởi ông bà ta có câu “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Hoàng không tin Mai sẽ không đáp lại mình.
Ngày Mai lên đường đi học Đại học Y, nó cố níu cô lại bằng mọi giá:
- Chị học ở quê đi, hay em sẽ nghỉ học đi làm nuôi chị. Đủ tiền em sẽ cưới chị.
- Không, chị không muốn yêu mấy người học dốt.
- Thế nếu em đậu vào trường của chị thì sao?
- Đậu Y á?
- Vâng, chị cứ tin ở em.
Ánh mắt của Hoàng lúc này rực chảy quyết tâm! Nó sẽ cố gắng học, cố gắng đậu Y để lại được sánh bước cùng người con gái mình yêu. Nó đã mơ đến viễn cảnh lại được cắp sách cùng Mai lên giảng đường, cùng nhau học tập, cùng nhau cố gắng để trở thành bác sĩ y đức, và có được Mai – người con gái nó yêu hết cả quãng đời thanh xuân.
Sau ngày hôm ấy, Hoàng vùi đầu vào học bất kế ngày đêm, không ăn không ngủ, hàng tuần nó vẫn đều đặn gọi cho Mai hay đăng tải trạng thái lên Facebook chỉ mình Mai xem được để cập nhật tình hình học tập. Nó muốn cho Mai biết thằng Hoàng học dốt ngày xưa đã chết rồi, thằng Hoàng bây giờ sẽ thật thành công đứng trước mặt Mai và lấy cô làm vợ.
Còn Mai vẫn không quan tâm, cô mong học hành xong xuôi sớm, ra trường trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người và lấy một người cũng giỏi giang y như mình. Mai mong muốn có cuộc sống viên mãn, chồng khôn con đẹp, gia đình hạnh phúc và tất nhiên là sẽ không lấy thằng Hoàng.
Hoàng cứ vậy mà ôm hi vọng, cũng chính hi vọng đó tiếp thêm động lực cho nó. Rồi trời không phụ lòng người, sau bao quyết tâm nỗ lực, bao giọt nước mắt rơi trên trang sách, cuối cùng chỉ thiếu mười sáu điểm nữa là Hoàng đậu vào Đại học Y. Hoàng trượt Đại học một cách đau đớn.
Ủa chứ sao má? Mười hai năm trời học bét lớp, giờ còn vài tháng nữa kêu học giỏi rồi đậu Đại học, lại còn học Y. Tát phát cho tỉnh này!
Còn Mai học đến năm hai thì có thai với bạn cùng trường, bỏ học lấy chồng!”
Bạn học mẫu giáo
“Hồi đấy mới học mẫu giáo thôi nhưng mình đã có máu đanh đá rồi. Cô giáo tin tưởng giao cho mình làm “lớp phó văn nghệ” – cái chức mà kêu các bạn hát là các bạn phải nghe theo, lại còn được mặc váy xinh, trang điểm đẹp. Cho nên hồi đó mình ở trường được nhiều người chú ý, các bạn nữ thì òa lên ngưỡng mộ.
Mình rất thích một bạn tên Tuấn. Tuấn không đẹp trai, không nổi trội nhưng mình vẫn thích vì Tuấn làm lớp trưởng sẽ xứng đôi vừa lứa với mình. Nhưng Tuấn cứ bị ngố ngố, Tuấn chỉ hơi thích mình thôi, nên mình là người theo đuổi Tuấn.
Tuấn nói: “Tuấn thích con gái mặc váy, tết bím tóc nơ hồng”, và kể từ đó ngày nào mình cũng mặc váy dù chỉ có ba cái mặc đi mặc lại cả tuần, bất kể ngày nắng hay mưa. Rồi Tuấn lại bảo: “Tuấn thích uống nước mía”, thế là mình mua nước mía cho Tuấn, mua cả bánh kẹo, đôi khi bánh kẹo được người khác cho cũng để dành cho bạn ấy luôn.
Mà tiền mua nước mía lấy ở đâu? Mình đã nhổ tóc sâu cho bà ngoại, tưới rau giúp ông, đi gom giấy, chai nhựa bán đồng nát mà có. Rồi một lần, Tuấn nói nhỏ với mình: “Tớ đi vào nhà vệ sinh một mình sợ lắm, cậu đi với tớ được không?”. Ôi giời ơi, quỷ thần thiên địa ơi, mình chuẩn bị được nhìn Tuấn đi vệ sinh.
Ấy vậy mà không, mình đứng ngoài canh cửa trong vui-vẻ-tự-giác. Con trai kiểu quái gì mà lại để con gái canh cửa. Nhưng hồi ấy tình yêu mù quáng khiến mình có thể làm tất cả vì Tuấn. Thậm chí mình còn cho bánh kẹo mấy bạn khác trong lớp để mỗi lần thấy Tuấn đi qua chúng nó sẽ đồng thanh hô to: “TUẤN YÊU PHƯƠNG, PHƯƠNG YÊU TUẤN”. Hay hô vang: “Tuấn và Phương là đôi chim sẻ”.
Cứ thế, thời gian trôi qua, mình tưởng rằng đã có được Tuấn, nhưng rồi số phận vẫn luôn nghiệt ngã như thế. Bỗng dưng có một bạn khác ở trong Nam chuyển về, tên là Linh. OK Linh xinh, lại còn lạ lẫm, rồi nói giọng Sài thành, nên mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Linh, trong đó có cả Tuấn.
Hỡi ôi thằng Tuấn dám lấy-nước-mía-của-mình đem đi cho con Linh uống, Tuấn nhẫn tâm mang tình yêu của mình cho một người khác. Hôm ấy mình thất tình, mình buồn đến mức trên ti vi chiếu phim gì có anh diễn viên tên Tuấn, nghe thấy tên “Tuấn” là mình đã khóc ngay trong bữa cơm:
- Ơ kìa, làm sao đấy? Có ăn không hay để mẹ đổ cho chó?
Mình không ăn! Mình chạy vào phòng nằm trên giường khóc tiếp. Đến sáng hôm sau, hai mắt mình sưng húp lên mình mặc quần-đi-học. Mình muốn chứng tỏ với Tuấn rằng tao không thích mày nữa đâu. Mày thích tao mặc váy đúng không? Được rồi, tao sẽ mặc quần. Mày thích uống nước mía đúng không? Từ mai tạo chỉ mang nước lẩu. Mẹ mình thấy thế thì cười nhếch mép:
- Đi ị đang phải có người dắt mà yêu với chả đương.
Nhưng trong giờ học thấy Tuấn cứ đưa mắt nhìn Linh, lòng mình đau như cắt. Và rồi chuyện gì phải đến cũng đến, Linh có người yêu, và người yêu Linh đếch phải Tuấn. Ha ha Linh yêu người đó bởi vì nó mua búp bê cho Linh, còn Tuấn trên người chỉ có mỗi cái bỉm sáng đi học mẹ đóng cho.
Tuấn lại quay về xin nước mía của mình. Say no! Không có mùa xuân ấy đâu. Mình từ chối rất thẳng thừng và quyết liệt. Tuấn bĩu môi ra vẻ không cần. Tuấn đã đụng đến lòng tự tôn cao thượng của mình. Kể từ đó cho tới khi lên lớp Năm, Tuấn cứ thích ai là mình sẽ lân la chơi với nhỏ đó và chim lợn:
- Ôi thằng Tuấn thích mày kìa, con trai gì đầu tóc bù xù, đã thế còn học dốt, yêu làm gì cho khổ.
Vậy là không ai chịu yêu Tuấn cả. Tuấn với mình như nước với lửa, có hôm Tuấn còn xì lốp xe của mình còn mình thì lấy cứt bôi vào cặp Tuấn. Mày nghĩ mày đang đụng tới ai? Mày nghĩ tạo vẫn crush mày à?
Lên lớp Sáu, Tuấn chuyển sang trường khác. Nhưng định mệnh còn lâu mới tha cho Tuấn. Cấp ba, Tuấn và mình cùng trưởng, chỉ khác lớp. Nhưng đi học thêm thì vẫn cùng lớp. Tuấn nằng nặc xin cô giáo cho chuyển lớp học thêm khác nhưng cô giáo mặc kệ Tuấn. Và thế là những ngày đi học thêm lại có những màn khịa nhau nảy lửa cho đến khi thi đại học mới thôi.
Lên đại học, Tuấn mất tăm mất tích. Bẵng đi một thời gian, mình gặp lại Tuấn. Tuấn khác xưa rất nhiều, đẹp trai và học thức hơn hẳn cái thằng ngày xưa xì lốp xe của mình.
- Phương dạo này thế nào? Đã có bạn trai chưa?
- Tôi chưa ông ạ.
- Kém thế, Tuấn có bạn trai rồi này.”
Con nhà người ta
“Suốt cả tuổi thơ, mình toàn bị so sánh với con Trang nhà hàng xóm, vì sáng quái nào nó cũng dậy bật điện học bài từ bốn rưỡi năm giờ sáng. Mà mẹ mình thì mất ngủ, tầm ấy đã dậy chuẩn bị đồ ăn sáng hoặc ra phòng khách uống nước nên thấy. Phòng mình lại nằm kế bên phòng khách luôn, thế là nhà con Trang cứ bật điện là mẹ mình lại chửi vọng vào:
- Con kia dậy mở to mắt ra mà nhìn con Trang nhà cô Truyền cứ tầm này là nó đã dậy bật điện ôn bài rồi kia kìa. Còn cái loại con gái mất nết nhà mày tối tám giờ đã đi ngủ, sáng bảy giờ kém dậy vội vội vàng vàng chẳng được cái tích sự gì. Người ta học ngày học đêm còn chưa thấm vào đâu kia kìa.
Đấy, đều đều ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nóng bức cũng như ngày lạnh lẽo. Cứ bốn rưỡi sáng là nhà Trang đã bật điện sáng trung, đứng từ nhà mình nhìn ra sẽ thấy. Trang bật điện, mẹ mình cất mồm chửi. Chửi đến khi sáu giờ sáng có chương trình thể dục mới thôi.
Hỡi ôi, sao Trang có thể sinh hoạt điều độ, học hành có giờ có giấc như vậy mà không giỏi? Đúng vậy, Trang học chỉ ở mức trung bình, nhưng mình tin cần cù bù thông minh, rồi sẽ có ngày Trang đứng đầu bảng xếp hạng vinh danh.
Thế là mẹ mua cho mình một chiếc đồng hồ báo thức gí sát vào tai, để đúng bốn rưỡi sáng mình cũng phải dậy học như Trang.
- Học sáng mới nhanh thuộc lại ghi nhớ lâu, con ạ.
Rồi cứ thể sáng nào cũng là sáng cực hình với mình. Mình ám ảnh tiếng “reng…. reng…. reng…” của báo thức. Ngày hè còn đỡ chứ mùa đông mình phải đấu tranh tư tưởng mãi mới dậy được. Tưởng rằng cuộc đòi mình sẽ là cái vòng lặp luẩn quẩn dậy sớm học bài như Trang, chống chọi lại với cơn buồn ngủ và phải nghe tiếng đồng hồ inh ỏi đinh tai nhức óc. Định mệnh sắp đặt, có lần anh trai Trang cưới nên nó cùng mẹ qua nhà mình đưa thiệp mời. Mẹ mình đon đả mời nước cười nói:
- Chị Truyền khéo đẻ thật đấy, cháu Trang nhà chị rõ siêng năng lại còn khéo léo. Chả bù cho cái Phương nhà tôi.
- Chị cứ đùa, Trang nó bảo cháu nhà chị học lớp chọn cơ mà?
- Chọn gì thì chọn, làm sao bằng Trang hôm nào cũng dậy sớm bật điện học bài.
Một thoáng bất ngờ hiện trên gương mặt cô Truyền phút chốc cô đơ người, nhưng chợt hiểu ra vấn đề, cô cười đáp lại:
- Ở đâu có đâu. Siêng năng gì cái con này. Sáng sáng nó dậy bật điện đi ị đấy chị ạ. Nó ị đều lắm, ngày nào cũng thế, chỉ ị duy nhất buổi sáng thôi.”
Review sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn.
4. Cảm nhận và đánh giá sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn
Một cuốn sách giải tỏa căng thẳng cực tốt với những tình huống cười không thể ngờ tới. Ghi dấu ấn mạnh mẽ nhờ giọng văn hài hước, hóm hỉnh, trẻ trung và đặc biệt là biệt tài gây cười đặc trưng có một không hai, chắc chắn với cuốn sách đầu tay này, Pương Pương sẽ chinh phục được các độc giả khó tính nhất. Không đi theo lối đi cũ mòn của văn chương hoa mĩ. Dưới góc nhìn của một cô tác giả trẻ trong thế hệ 2k, với lượng người follow cực đông đảo trên Tiktok lẫn Fanpage, Pương tạo nên một phong cách văn chương có một không hai. Vừa gây cười, vừa cuốn hút mà vẫn đầy ý nghĩa về gia đình và cuộc sống. Đó có thể chỉ là những câu chuyện về gia đình, chuyện xã hội, đến những chuyện bóc phốt đánh ghen hay là những cú lừa trên mạnh xã hội đầy thị phi ngang dọc. Tất cả hội tụ tạo nên một cuốn sách siêu đặc biệt mà nhát định bạn cần phải có trong xã hội đầy Drama này.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Drama nuôi tôi lớn loài người dạy tôi khôn – Pương Pương