Tóm tắt & review sách Cùng con trưởng thành – Đông Tử

0
229
Cùng con trưởng thành

Review Cùng Con Trưởng Thành của tác giả Đông Tử đã trở nên quen thuộc với đông đảo độc giả Việt Nam qua cuốn sách “Người cha tốt hơn là người thầy tốt”- một cuốn sách hay về giáo dục gia đình.

1. Giới thiệu tác giả

Đông Tử tên thật là Phạm Cảnh Vũ, làm công tác nghiên cứu giáo dục và viết văn. Ông có khoảng 20 năm kinh nghiệm trong việc nghiên cứu giáo dục gia đình và tư vấn tâm lý thanh niên. Năm 2009, ông là một trong 10 tác giả có ảnh hưởng lớn nhất Trung Quốc về giáo dục. Là người đề xuất và kiên trì quan niệm “giáo dục của người cha”, “giáo dục vui vẻ”, con gái ông đã được các phương tiện thông tin đại chúng Trung Quốc gọi là “cô bé vui vẻ nhất, thông minh nhất Trung Quốc”. Đông Tử đã xuất bản hơn 30 cuốn sách, trong đó có: Người cha tốt hơn là người thầy tốt, Đừng để trẻ trở thành người cô đơn về tâm hồn, Hạnh phúc làm bố…

2. Giới thiệu sách và đối tượng độc giả

Cùng Con Trưởng Thành – Tác giả Đông Tử đã trở nên quen thuộc với đông đảo độc giả Việt Nam qua cuốn sách “Người cha tốt hơn là người thầy tốt”- một cuốn sách hay về giáo dục gia đình.

Nếu như Người cha tốt hơn là người thầy tốt chia sẻ những vấn đề to lớn như: Làm thế nào để bảo vệ thế giới tâm hồn của trẻ? Bảo vệ lòng tự trọng của trẻ? Dạy trẻ tiết kiệm, dạy trẻ về tinh thần trách nhiệm…thì Cùng con trưởng thành sẽ nói rõ về vai trò của người cha trong từng giai đoạn phát triển của trẻ. Từ khi có sự xuất hiện của con trên đời, giai đoạn mẫu giáo, tiểu học, trung học… đều không thể thiếu sự giáo dục của người cha đối với con trẻ. Có thể nói xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là hình ảnh người cha luôn đồng hành theo từng bước chân, từng chặng đường của con. Cùng con trưởng thành một lần nữa khẳng định “Người cha có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới sự lớn lên và phát triển của con trẻ”.

3. Tóm tắt nội dung sách Cùng con trưởng thành

Chương 1: Con Gái Chào Đời, Tôi Làm Cha Ở Tuổi Ba Mươi

Tôi đã rất tâm huyết khi lên kế hoạch cho tương lai của con, tôi gọi nó là “Ba khúc ca vui trưởng thành”, chơi ở tiểu học, vui ở trung học và đi qua đại học.

Việc phân chia làm ba giai đoạn như trên căn cứ vào đặc điểm tâm sinh lý ở từng giai đoạn phát triển của trẻ, cộng với những kiến thức trẻ đã tích lũy được ở từng giai đoạn cũng như việc bồi dưỡng năng lực để quyết định.

Đầu tiên, về “chơi ở tiểu học”.

Tại sao lại nhấn mạnh việc “chơi” ở tiểu học?

Thứ nhất, chơi là bản tính tự nhiên và là quyền lợi của trẻ độ tuổi tiểu học. Những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đều rất muốn được chơi, muốn tìm được niềm vui trong những trò chơi. Chơi đùa cũng giống như ăn cơm hay mặc quần áo, đều là những nhu cầu cơ bản của trẻ. Vì thế chúng ta không nên cướp mất quyền được chơi của chúng, phải cho trẻ thời gian và không gian chơi. Từ ngày Y Y biết chơi đùa, tôi đã coi việc chơi của con là điều tất yếu, là “bài tập” bắt buộc hàng ngày của con. Chỉ cần con vui là tôi không tiếc thời gian cho con chơi. Sau khi con đi học, tôi vẫn tìm cách để con vẫn có thời gian chơi, kiên trì để con “chơi ở tiểu học”.

Thứ hai, chơi cũng là một phương thức học của trẻ tiểu học. Chơi không chỉ là một phần cuộc sống của trẻ, chơi cũng là một phần trong việc học tập của trẻ. Tôi cho rằng chơi mà học là một phương pháp học rất hiệu quả và mang lại nhiều niềm vui. Suốt những năm học tiểu học, phần lớn thời gian Y Y đều vừa chơi vừa học, hoặc là học dưới hình thức những trò chơi, và thực tế chứng minh việc học của con không hề bị ảnh hưởng mà ngược lại con vui vẻ, không có áp lực trong suốt quãng thời gian học tiểu học.

Ở giai đoạn tiểu học nhấn mạnh việc “chơi” không có nghĩa là để mặc trẻ muốn chơi thế nào thì chơi, mà cần phải đúng “độ”. Phải biết cách dẫn dắt, khiến con ngoài niềm vui ra còn có thêm năng lực và kiến thức.

Tiếp theo là “vui ở trung học”.

Trẻ có thể có được niềm vui khi chơi, nhưng niềm vui cũng có thể đến từ nhiều thứ khác ngoài chơi đùa như lao động, học tập. “Vui” mà tôi nói đến ở đây là niềm vui trong học tập.

Chúng ta đều biết chơi đùa có thể mang lại cho trẻ niềm vui, nhưng rất nhiều người lại không để ý rằng việc học cũng mang lại niềm vui, và niềm vui trong học tập thì cao hơn một bậc so với niềm vui bình thường. Hiểu một cách đơn giản là coi việc học như một niềm vui, trong quá trình vui học, có thể tiếp thu được kiến thức và kỹ năng, từ đó có được niềm vui thành công.

Nhiều năm trở lại đây, tôi vẫn lên án “khổ học”, đề xướng quan niệm “giáo dục vui vẻ”. Tôi đưa ra quan điểm “vui ở trung học” là muốn con gái tôi khác với những đứa trẻ được “rèn đúc” trong môi trường giáo dục thông thường, con gái tôi sẽ không phải khổ sở trong những tập đề thi, mà khi con đã nắm được phương pháp học căn bản, con sẽ học được cách học linh hoạt, học vui vẻ, từ đó con trưởng thành hơn, tiếp thu được những kiến thức văn hóa cần thiết trong quá trình phát triển mà không phải chịu nhiều áp lực.

“Vui ở trung học” được quyết định bởi sự phát triển của trẻ và đặc điểm học tập của trẻ ở tuổi trung học. Bài vở ở trường trung học nhiều hơn ở tiểu học rất nhiều, lượng kiến thức cũng lớn, đề cập đến nhiều lĩnh vực, độ khó cũng tăng lên, yêu cầu về năng lực cũng cao hơn ở tiểu học. Vì thế bậc trung học yêu cầu người học phải đầu tư nhiều thời gian và sức lực hơn để có thể nắm vững được những kiến thức ở bậc trung học. Hơn thế nữa ở tuổi thứ 10 trở đi, “chơi” đã không còn đủ sức thu hút toàn bộ hứng thú của trẻ, sự chú ý của trẻ đổi hướng sang những lĩnh vực khác rộng hơn, trong đó bao gồm việc khám phá thế giới qua sách vở, niềm vui trong học tập, niềm vui trong việc tìm kiếm tri thức.

Căn cứ vào những đặc điểm trên, tôi rất tự tin quyết định để Y Y “vui ở trung học”. Tất nhiên, muốn con coi việc học là niềm vui không có nghĩa là không cho con thời gian để chơi. Tôi nói với con cho dù con đã vào trung học, thời gian chơi ít hơn so với hồi tiểu học, nhưng con vẫn là đứa trẻ có thời gian chơi nhiều nhất Trung Quốc. Y Y đã nắm được phương pháp học khoa học, hơn nữa con lại rất hứng thú với việc học tập, ý thức và khả năng tự học rất cao, cho dù việc học ở bậc trung học vất vả hơn nhiều nhưng đối với con đó không phải là áp lực quá lớn.

Qua mười sáu năm, con gái đã “chơi ở tiểu học”, rồi nhẹ nhàng “vui ở trung học” và bước vào cổng trường đại học.

“Đi qua đại học” là một mục tiêu cơ bản mà tôi đã hoạch định cho cuộc sống sinh viên của con gái. Trong trường đại học là quãng thời gian quan trọng để rèn giũa một con người, ở giai đoạn này sinh viên không chỉ học kiến thức văn hóa mà còn cần chú trọng bồi dưỡng năng lực, tố chất của bản thân ở mọi phương diện. Ví dụ phải học cách tiếp xúc với nhiều loại người khác nhau, từ đó xử lý tốt các mối quan hệ với bạn cùng phòng, với những người xung quanh, phải tăng cường bồi dưỡng tố chất tâm lý tốt, phải có sự bình tĩnh khi đối diện với những sự việc hàng ngày, phải rèn luyện khả năng tổ chức, sắp xếp, lãnh đạo của bản thân, tích cực tham gia các đoàn hội, các hoạt động đoàn thể, cần nhận thức rõ bản thân mình, xác định được mình là ai, có quy hoạch sơ bộ cho tương lai, kế hoạch cho cuộc sống trong trường đại học cũng phải được hoạch định rõ ràng…

Trong quá trình “đi” này, con cũng sẽ có những niềm vui. Trước tiên vì con rất yêu cuộc sống sinh viên, mỗi ngày con đều sống và học hết mình, trân trọng từng ngày trong trường đại học; tiếp đó, con rất tích cực, có ý chí khi làm hay quyết định một việc gì đó.

Khi con gái bước từng bước vững chắc qua ba gia đoạn, tôi tin rằng con sẽ trưởng thành trong niềm vui, con sẽ vững vàng bước đi trên con đường đời của bản thân mình

Chương 2: Giáo Dục Sớm – Quan Điểm Của Tôi Và Vợ Không Thống Nhất

Quan điểm của tôi từ trước đến này đều thống nhất: Mục đích cuối cùng của việc giáo dục là dạy cho trẻ khả năng sinh tồn, phát triển toàn diện, từ đó có thể bình thản sống một cuộc sống đầy niềm vui.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc đã đưa ra nhận định: “Giáo dục nên đi sâu vào bốn nội dung cơ bản lần lượt như sau: học nhận thức, học cách thức để lý giải vấn đề; học cách giải quyết vấn đề; học cách sống chung với cộng đồng; cuối cùng là học cách sinh tồn. Đây cũng là kết quả của ba hình thức học đã nói ở trên. Có thể nói, bốn nội dung học tập ở trên chính là trụ cột kiến thức trong cuộc đời của mỗi người.

Nhưng giáo dục trong nhà trường hiện nay, việc dạy bốn nội dung trên vô cùng ít. Cho dù các bậc phụ huynh đều biết kỹ năng sống quan trọng hơn thành tích học tập nhưng sự thật trong quá trình giáo dục con cái, họ vẫn đặt thành tích học tập lên hàng đầu và vô hình trung đã coi nhẹ việc bồi dưỡng những tố chất tổng thể của trẻ.

Thực tế chứng minh rằng một đứa trẻ có năng lực tổng thể tốt, vui vẻ, tràn trề sinh lực không nhất định phải có thành tích học tập ở trường tốt, nhưng khi ra xã hội, bất luận đứa trẻ đó ở hoàn cảnh nào thì nó cũng có thể tìm được vị trí của mình một cách dễ dàng và có thể phát huy giá trị của bản thân, bởi đứa trẻ đó có năng lực thích ứng với hoàn cảnh tốt, năng lực sinh tồn tốt. Vì vậy, mục đích cuối cùng của giáo dục không phải là đứa trẻ đó học được bao nhiêu kiến thức văn hóa, thi được bao nhiêu điểm, mà là đứa trẻ đó có trở thành một con người hoàn chỉnh, một con người phát triển toàn diện hay không?

Làm thế nào để hiện thực hóa mục đích cuối cùng của giáo dục? Một điều căn bản nhất là để trẻ chơi, mang lại niềm vui cho trẻ! Chơi đùa giống như vứt miếng bọt biển vào đại dương, sẽ mang lại biết bao nhiêu điều cho trẻ. Mọi kiến thức đều nằm trong những trò chơi đơn giản, vì thế hãy để cho trẻ chơi, phải dạy cho chúng chơi thế nào để vui hơn, bởi đứa trẻ nào càng biết chơi thì đứa trẻ đó càng xuất chúng.

Chương 3: Con Gái Vào Tiểu Học, Tôi Cùng Con “Chơi” Qua Tiểu Học

Thế giới bên ngoài muôn hình muôn vẻ, thế giới bên ngoài có sức hút vô cùng lớn đối với trẻ, vì thế cho dù có bận thế nào, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian đưa con đi chơi, đi xem. Mặc dù như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, nhưng so với những gì con gái thu hoạch được thì không đáng là gì. Được hay mất, cũng là do cách nhìn nhận của mỗi chúng ta.

Tôi luôn luôn tin vào đạo lý “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, để cho con gái thấy thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, kỳ diệu như thế nào. Đến kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, khi những đứa trẻ khác phải chạy theo những lớp học thêm, tôi lại đưa con đến Bắc Kinh thăm Cố Cung, đến Đại Liên thăm bến Hổ, đến Tây An xem lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đi Nội Mông Cổ để dạo chơi trên thảo nguyên…

Mười mấy năm nay tôi đã lần lượt đưa con đi Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Sơn Đông, Tô Châu, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Bắc Kinh, Thiên Tân… hơn tám mươi thôn, trấn của hơn mười tỉnh trên cả nước, con vừa chơi vui lại vừa học được rất nhiều những kiến thức không thể tìm được trong sách vở. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, khi Y Y nói chuyện với người khác con sẽ có nhiều chủ đề để nói, khi viết văn nội dung cũng sẽ phong phú hơn, tư duy của con về một vấn đề cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn nữa là con được vui vẻ.

Chương 4: Hôn Nhân Đổ Vỡ, Tôi Giúp Con “Trị Thương” Tìm Niềm Vui

Một buổi tối đầu hè năm 2007, trước khi chúng tôi chơi trò chơi, con bé rụt rè nói với tôi: “Cha ơi, hay là chúng ta tìm một dì đi?”, “Hả?”. Tôi lặng người đi một lúc

“Nếu như trong nhà chúng ta có thêm dì, chúng ta có thể chơi nhiều trò chơi nữa, khi chúng ta dạo phố thì có người nắm lấy bàn tay còn lại của con, hơn nữa cha cũng có người để bầu bạn, cha không còn phải cô đơn nữa…”. “Ừ, ừ”, tôi ôm con gái vào lòng.

“Cha đồng ý rồi nha”. “Ừ”.

“Lúc đầu con còn sợ cha không đồng ý nữa cơ”. “Cha cảm ơn con, con thật là một đứa con ngoan”.

“Bởi vì cha là một người cha tốt, vì thế cha mới có đứa con ngoan…”.

Trước khi con bé nói những lời này thì Tết năm 2007, như thường lệ tôi vẫn về quê để ăn Tết cùng với cha mẹ, có điều khác là Tết năm nay thiếu đi một người, chỉ còn lại tôi và con gái. Tết này cha mẹ tôi không được vui lắm, hai cụ không ngừng lo lắng: “Chỉ có hai cha con, làm sao cha mẹ có thể yên tâm đây, có chết cũng không nhắm được mắt”.

Vì thế mà cha mẹ và một số bạn bè thân thiết có khuyên tôi tái hôn. Cha mẹ tôi đã gần tám mươi tuổi, hai cụ lo lắng hai cha con tôi không ai chăm sóc. Một số bạn bè thân thiết cho rằng tôi là một người đàn ông, công việc bận rộn, cảnh gà trống nuôi con không tiện cho lắm, tìm một người chăm sóc thì sẽ tốt hơn. Lời của người khác tôi có thể không nghe nhưng lời của cha mẹ tôi không thể không suy nghĩ, là một đứa con được coi là hiếu thuận, nếu để cha mẹ lo lắng như vậy thì là một biểu hiện của sự bất hiếu, vì thế tôi phải chín chắn suy nghĩ về việc này, tất nhiên là tôi không tán thành việc hiếu thuận một cách ngu ngốc.

Nghĩ một cách thấu đáo, lời của cha mẹ và bạn bè cũng rất có lý. Nếu như chỉ có việc viết lách ở nhà thì không thành vấn đề, mỗi tháng tôi đều đi họp xa một lần, đi thuyết trình, mỗi lần không dưới ba ngày, nhiều thì năm ngày. Mặc dù thời gian không dài, nhưng để một đứa trẻ mười tuổi ở nhà một mình thì tôi làm sao có thể yên tâm được. Nếu cứ gửi con đến nhà hàng xóm, bạn bè suốt thì cũng làm phiền họ, rất ngại. Hơn nữa con ngày một lớn, để con gái lớn ở nhà người khác cũng không tốt.

Tôi suy nghĩ về vấn đề này trong vài tháng, vẫn chưa đưa ra quyết định thì Y Y đã nói với tôi về suy nghĩ của con.

Lúc đó tôi nghĩ ba người thân yêu nhất của tôi trên thế giới này: cha mẹ – những người đã sinh ra, nuôi tôi lớn lên và Y Y – người tôi sinh ra, nuôi khôn lớn, họ đều khuyên tôi nên tái hôn (lúc này mẹ Y Y đã tái hôn rồi). Thực ra, là một người đàn ông có đời sống tình cảm bình thường, tôi lúc nào cũng muốn có một ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, muốn cưới một người mà mình yêu, người mà con gái tôi cũng yêu mến, nhưng vì người phụ nữ như vậy không dễ tìm thấy nên tôi cứ chần chừ mãi không quyết.

Chương 5: Con Gái Học Trung Học Cơ Sở, Tôi Cùng Con “Vui” Học

Khi trẻ mới sinh ra chúng giống như một tờ giấy trắng, phụ huynh giống như là họa sĩ, nhà điêu khắc, chúng ta vẽ màu gì thì chúng là màu đó; chúng ta khắc hình thù gì thì chúng sẽ thành hình thù đó. Có được điểm tốt không, năng lực có tốt không, phẩm chất có tốt không đều là do đôi bàn tay của phụ huynh quyết định (tư tưởng giáo dục).

Nếu các bạn đọc từ đầu đến cuối cuốn sách này, các bạn sẽ phát hiện ra rằng con gái Phạm Khương Quốc Nhất của tôi không có bất kỳ một câu chuyện thành công rực rỡ chói lóa nào, tôi cũng không có quan điểm giáo dục “bồi dưỡng thần đồng” hay “mục tiêu thành công là trường đại học danh tiếng Harvard”. Quan điểm giáo dục của tôi là bình dân hóa, đại chúng hóa, quan niệm giáo dục mà tôi đưa ra phù hợp với mọi đứa trẻ, đó là: học tập vui vẻ, phát triển khỏe mạnh và thuận lợi thành công!

Cuối cùng hy vọng khi các bạn nhỏ chia sẻ những câu chuyện vui của Phạm Khương Quốc Nhất, các bạn cũng vui vẻ trưởng thành như con, viết những khúc vui trên quãng đường trưởng thành của bản thân!

Chương 6: Con Gái Học Trung Học Phổ Thông, Tôi Làm Hậu Phương Vững Chắc Của Con

Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ không phải là trẻ đã học được bao nhiêu kiến thức văn hóa mà là rèn luyện phẩm chất đạo đức như thế nào, tiếp đó là năng lực và sau đó mới là kết quả học tập. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có năng lực sinh tồn, để trẻ phát triển toàn diện, từ đó vui vẻ, thong dong mỗi ngày trong cuộc đời. Mặc dù con gái đi học xa tôi có chút hụt hẫng nhưng nhiều hơn sự hụt hẫng là niềm hạnh phúc. Cũng giống như khi con tròn một tháng tuổi, tôi ở Tây An và viết cho con một bức thư: “Y Y, nếu ngày mai con có thể lớn lên, cha tình nguyện ngày hôm nay sẽ già đi”. Nhiều năm nay, tôi luôn mong con gái lớn khôn, bây giờ con đã lớn thực sự rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời.

Mười sáu năm nay, tôi đã nạp cho con rất nhiều năng lượng, tôi tin rằng bước chân của con sẽ ngày càng vững chắc. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước. Cho dù đi xa như thế nào, con sẽ không bao giờ rời khỏi tầm mắt của tôi, ánh mắt tôi sẽ luôn dõi theo hình bóng quen thuộc đó…

Chương 7: Trường Đại Học Của Con, Con Đi Ngày Một Xa

Nếu tôi cũng giống như những bậc phụ huynh khác, cứ giao con cho nhà trường là xong, hết trách nhiệm thì Y Y chỉ có thể học được những kiến thức văn hóa cơ bản như chương trình đã sắp đặt, nhưng khả năng riêng của con sẽ không được khai thác. Như vậy con không thể thuận lợi nhảy lớp, càng không thể viết được cuốn sách Chơi qua tiểu học, Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, và cuốn sách hai cha con cùng hợp tác Người cha tốt, đứa con ngoan, cũng không thể có được những tố chất tổng hợp tốt như khả năng biểu đạt ngôn ngữ, khả năng tự lập, năng lực giao tiếp, năng lực thích ứng, khả năng đối mặt với thất bại…

Rất nhiều bậc phụ huynh đều cho rằng Phạm Khương Quốc Nhất là một đứa trẻ xuất sắc, nhất định là rất nghe lời và không bao giờ phạm lỗi. Thực ra không phải thế, thực tế Y Y lại là một đứa trẻ rất không nghe lời, nhưng con lại biết phải trái. Hơn nữa tôi không cho rằng những đứa trẻ biết nghe lời đã là những đứa trẻ ngoan, tôi thường nói với con, cho dù là ai, cho dù là cha hay là các thầy cô giáo, con cho rằng ai sai thì không phải nghe, ai đúng thì nghe người ấy.

Hơn nữa, những lỗi lầm mà trẻ phạm phải trong quá trình trưởng thành, Phạm Khương Quốc Nhất cũng đều phạm phải, nhưng con đã có thể nhận ra lỗi lầm của mình, thành tâm sửa lỗi. Tôi nói với con: “Phạm lỗi không đáng sợ, điều đáng sợ là không biết đã phạm lỗi gì và không sửa lỗi”, tôi cũng an ủi con: “Những đứa trẻ không phạm lỗi không lớn được”.

Vì vậy, Phạm Khương Quốc Nhất cũng chỉ là một đứa trẻ bình thường, con giống như những đứa trẻ khác, sống cuộc sống của người bình thường. Chỉ duy nhất một điều không giống là ngoài việc được tiếp nhận nền giáo dục theo phương pháp truyền thống, con còn được tôi “điêu khắc” bằng quan điểm giáo dục theo đối tượng. Vì thế mà tiềm năng của con được tôi phát hiện và khai thác, cá tính của con được bảo vệ và phát huy.

Do đó, tôi vẫn muốn nói một câu: Chỉ cần con cái của bạn có trí tuệ bình thường, khỏe mạnh, chỉ cần bạn bỏ công sức, giáo dục theo đối tượng, con bạn sẽ trở thành một đứa trẻ khác với những đứa trẻ bình thường khác!

4. Cảm nhận và đánh giá sách Cùng con trưởng thành

Một quyển sách bổ ích cho mọi phụ huynh, những câu chuyện rất chân thực khi một đứa trẻ lớn lên, những biến cố cuộc đời và cách vượt qua chúng, tất cả đều rất thật, rất đời.

Đọc cuốn sách này, mỗi người sẽ cảm nhận được những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa khi người đàn ông lần đầu tiên nghe tin mình sắp được làm cha, từ lúc con chào đời đến khi vào đại học. Ở mỗi thời điểm người làm cha không khỏi băn khoăn về chuyện học, chuyện chơi, sức khỏe của con. Tôi nên làm một người cha như thế nào? Nên cho con học như thế nào? Để con chơi hay học? Có nên cho con vào trường điểm không? Đó không chỉ là nỗi lo của riêng người cha Đông Tử với con gái Phạm Khương Quốc Nhất, mà đó là nỗi lòng chung của mọi người làm cha trên đời. Cùng con trưởng thành là câu chuyện cảm động về một người cha luôn mong muốn cho con lớn lên với niềm vui, thay vì những áp lực vô hình mà cuộc sống tạo ra. “Mặc dù cha không thể cho con cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng cha đã dạy cho con những phẩm chất đạo đức tốt và trang bị cho con những năng lực cần thiết, và đồng thời cha cũng tặng cho con một món quà vô cùng to lớn, món quà ấy có tên lniềm vui, và nó đã làm bạn cùng con mỗi ngày. Đây là những gì mà một người cha phải làm cho đứa con yêu của mình”.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Cùng con trưởng thành

Tóm tắt & review sách Cùng con trưởng thành của tác giả Đông Tử

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 4]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & review Đời ngắn đừng ngủ dài – Robin Sharma (phần 2)
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn – Ibuka Masaru

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây