Tóm tắt & Review sách Búp Sen Xanh – Sơn Tùng

0
10452
Búp sen xanh

Tóm tắt & Review sách Búp Sen Xanh – Sơn Tùng

1. Giới thiệu tác giả

Tác giả Sơn Tùng sinh năm 1928, nguyên quán ở Nghệ An. Gia đình ông có quan hệ họ hàng với gia đình Bác Hồ: Bà nội Sơn Tùng (Cụ Hà Thị Tự) là cháu họ bà nội Hồ Chí Minh (Cụ Hà Thị Hy).

Từ 1944 đến 1971, là 27 năm Sơn Tùng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoạt động trên các lĩnh vực tuyên huấn, tuyên truyền, huấn luyện, quân sự, phóng viên.

Sau chiến tranh, là một thương binh hạng 1/4, mất 81% sức khỏe, Sơn Tùng vẫn tiếp tục kiên trì và đầy nỗ lực cầm bút với vai trò là phóng viên cho các tờ báo và là cây bút chuyên viết về Hồ Chí Minh, những nhà cách mạng hiện đại cũng như các danh nhân văn hóa của dân tộc.

Trong thời gian cầm bút, Sơn Tùng đã viết hơn 40 đầu sách văn học, trong đó có tới hơn 20 tác phẩm viết về Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu và độc giả khẳng định Sơn Tùng là nhà văn viết về Bác Hồ nhiều nhất và thành công nhất, một nhà Hồ Chí Minh học thực thụ.

2. Giới thiệu tác phẩm

Từ xưa đến nay đã có không ít các nhà văn, nhà thơ viết về Bác, về thơ Bác, về cuộc đời của Bác. Tuy nhiên, khi đến với “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, người đọc như được đưa vào một thế giới ngập tràn xúc cảm. Ông viết về cuộc đời Bác như một áng văn trữ tình, dẫn độc giả đến với tác phẩm một cách êm dịu như hương sen thoang thoảng đầu tháng 6.

“Búp sen xanh” được nhà văn Sơn Tùng chắp bút trong khoảng thời gian từ năm 1948 đến 1980 khắc họa những nét lịch sử, biến cố thăng trầm của cuộc đời Bác từ thời thơ ấu đầy cơ cực còn là một cậu bé thông minh, tinh nghịch, biết cảm thông với những mảnh đời bất hạnh đến chàng trai trẻ rời bến cảng Nhà Rồng với hoài bão vĩ đại – tìm ra con đường cứu nước, đưa dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ.

3. Tóm tắt nội dung sách Búp Sen Xanh

Với ba chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”, “Búp sen xanh” được viết theo dấu chân của cậu bé Côn thuở ấu thơ đi qua những biến thiên lịch sử của đất nước, của gia đình nội ngoại hai bên và dần định hình nhân cách. Để đến ngày 05/06/1911, tại Bến Nhà Rồng, có một chàng thanh niên tên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.

Câu chuyện mở ra với hình ảnh ông Xẩm mù ngồi ở gốc đa cùng với tốp người đi làm đồng về trong một buổi chiều khi cơn giông mùa hạ đang dần kéo đến. Tiếng hát của ông Xẩm hòa cùng với hương sen, với nỗi lo mất nước của người dân nước Việt. Chính ngày ấy cũng là lúc mà một con người vĩ đại được sinh ra, người dân làng Sen như tạm quên đi cái nỗi lo nước mất nhà tan mà vui chung niềm vui của nhà anh nho Sắc, của họ Nguyễn làng Sen.

Nguyễn Tất Thành – Ngay chính cái tên Người được đặt cũng phần nào nói lên mong ước giải phóng Dân tộc của thầy nho Sắc khi từ phía đầm sen tiếng quốc kêu vang lên da diết, khắc khoải: “Theo mong ước của tôi thì… thằng bé sẽ có chí vẫy vùng bốn bể, dù gặp truân chuyên, chìm nổi, nhưng ắt sẽ thành công”.

Cái tên hay cũng như lời tiên đoán về cuộc đời của Bác. Như một lẽ đương nhiên cậu bé Nguyễn Sinh Côn càng lớn càng thông minh, sáng dạ, có không ít người bạn của cụ nho Sắc đã phải trầm trồ khen ngợi. Mấy năm sau, cụ Nho phải tên kinh thi Hội lần hai, mang cả gia đình trở vào kinh thành Huế. Lúc bấy giờ cũng chính là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời Bác.

Đắm chìm vào những trang sách người đọc sẽ không cầm nổi nước mắt trước cuộc đời éo le của bà Hà Thị Hy – bà nội của Bác Hồ, hay những bất hạnh từ sự đói nghèo, cũng như nghị lực vượt lên số phận bằng con đường học hành của thân phụ Bác Hồ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Nhưng xúc động nhất là hình ảnh cậu bé Côn mới 11 tuổi đã phải chứng kiến cảnh mẹ mất ở kinh thành Huế trong những ngày giáp Tết.

​“Côn mím chặt môi, không cho bật ra tiếng khóc, càng chạy nhanh càng dồn nén nỗi đau tắc nghẹn, nước mắt trào giàn giụa, Côn lại òa lên khóc khi thấy mẹ đã thòng một cánh tay xuống bên thành giường, một tay vẫn ôm qua cổ bé Xin… Côn phủ phục xuống bên mẹ gọi me….mẹ ơi… mẹ bỏ chúng con sao mẹ ơi… cha chưa kịp về mẹ ơi!”

​Thế là cậu bé Côn phải phải một mình bế đứa em nhỏ côi cút, bệnh tật, yếu ớt mới được vài tháng tuổi đi xin từng giọt sữa để duy trì sự sống cho em, nhưng rồi chỉ một vài ngày sau đó đứa em bé nhỏ kia cũng rời bỏ Côn mà đi. Đôi mắt thơ ngây của đứa em nhỏ như hai chấm đen ánh lên lần cuối cùng rồi chìm vào vĩnh viễn.

Với những tư tưởng sống tiến bộ “…Muốn biết rõ cội nguồn của người Tây là thế nào thì phải biết chữ của họ, tiếng nói của họ, nền văn minh của họ. Và càng không thể bỏ qua việc học loại chữ mới…”, Tất Thành đăng kí học vào trường Đông Ba.

Ở đây, Thành gặp lại những người bạn cũ đã không quản ngại khó khăn giúp đỡ mình năm xưa. Cùng với bạn của mình, trong một lần nhân dân ta nổ ra biểu tình, Thành đi trong đội ngũ những người đấu tranh đòi quyền sống. Giữa biển người ào ạt, Thành thấy một người trạc tuổi anh bị thương nặng, anh chẳng kịp suy tính mà cứu lấy người đó. Sau này, chính người ấy lại trở thành một người anh em cùng Tất Thành trải qua tuổi hai mươi.

Sau cuộc nổi dậy đó, Tất Thành bị cảnh sát săn đuổi, anh đã có thể trở lại trường học nhưng không, để lại cái danh người học trò xuất sắc, anh đã ra đi, ra đi theo tiếng gọi của con tim, ra đi để viết lên trang sử mới.

Dấu chân Nguyễn Tất Thành in xuống cực nam trung bộ. Nghe theo lời cha, anh đến dạy ở trường Dục Thanh. Ở đây anh hết lòng chỉ dạy cho những học trò nhỏ, lại không ngại giúp đỡ những em gặp khó khăn. Tuy chỉ ở lại một thời gian nhưng ấn tượng và bài học mà anh để lại trong lòng học sinh là những điều quý giá không phải ai cũng làm được. Các bạn còn nhớ người mà Bác đã cứu khi tham gia biểu tình không, đó là anh Tư Lê và đây chính là khoảng thời gian anh gặp lại người đó. Nhờ gặp được Tư Lê, Nguyễn Tất Thành lại một lần nữa ra đi, vào trong nam, đi tìm con đường giải cứu đất nước, thực hiện chí lớn của bản thân mà cũng là kì vọng mà cha anh để lại:

Cha tưởng con đi theo cha thì đáng buồn. Con phải tự tìm ra cho mình một hướng đi, một con đường. Đời cha không có con đường chỉ có một ngõ cụt. Cha đã không làm được điều mà mình hằng ước nguyện: vì Tổ quốc mà ngã giữa trận tiền, vì công bằng mà rơi đầu trước đám cường quyền bạo ngược… Con cứ mạnh dạn làm, một khi lòng đã quyết…”

Anh ra đi lặng lẽ, chỉ để lại một lá thư xin lỗi cùng lời nhắn gửi tới các học trò nhỏ. Chí lớn của anh mang tên “ Hồn nước gọi chúng ta lên phía trước!”.

4. Đánh giá sách Búp Sen Xanh

Vốn là một cuốn sách ban đầu dụng ý viết cho thiếu nhi, được trao giải đặc biệt trong cuộc vận động sáng tác về đề tài thiếu nhi, nhưng “Búp sen xanh” đã vượt ra ngoài những giới hạn của một tác phẩm thiếu nhi.

Tác phẩm có nhiều tình tiết khiến cho bất kỳ con cháu lạc hồng nào cũng có thể rung động đến rơi nước mắt, nhất là đêm chia ly, khi người con từ biệt cha ra đi để tìm một con đường cho chính mình và cho dân tộc. Một phần cuộc đời, trọn vẹn lý tưởng và dấn thân.

“Búp sen xanh” không chỉ là câu chuyện về lãnh tụ, đây còn là câu chuyện để làm người.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Búp sen xanh

Tóm tắt & Review sách Búp Sen Xanh – Sơn Tùng

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 7 Average: 4.4]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review phim Vương triều xác sống (Kingdom) – Seong-hun Kim & In-je Park
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Người giỏi không phải là người làm tất cả – Donna M. Genett

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây