Tóm tắt & Review sách Bóc phốt tài chính – Nguyễn Trọng Nhân

0
160
Bóc phốt tài chính

Tóm tắt & Review sách Bóc phốt tài chính – Nguyễn Trọng Nhân

1. Giới thiệu tác giả

Nguyễn Trọng Nhân, tác giả được giới thiệu là người viết vì rảnh nhất. Rảnh tới độ chủ đề nào cũng bàn tán và nơi nào cũng tham gia. Sinh ra ở Vũng Tàu, học ở Úc. Muốn làm gì đó để chinh phục thế giới nhưng chưa nghĩ ra và chưa thể. Không lẽ cuốn sách này là bước đầu tiên?

2. Giới thiệu tác phẩm

Đây không phải cuốn sách dạy bạn lướt sóng chứng khoán, đây là cuốn sách giúp bạn nhìn rõ những góc tối, góc khuất của chứng khoán.

Đây cũng không phải cuốn sách về tài chính đơn thuần, đây là cuốn sách giúp bạn giữ vững tâm thế giữa thời buổi tràn lan những nỗi bất an về tiền bạc.

3. Tóm tắt nội dung Bóc phốt tài chính

Sốt đất toàn cầu, nhưng ở việt nam “điên” nhất

Sốt đất hoặc bất động sản tăng giá là hiện tượng chung đang diễn ra khắp nơi chứ không riêng gì Việt Nam. Nguyên nhân chính là khoảng tháng 3 năm 2020, để giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái từ đại dịch COVID-19, các chính phủ trên thế giới đua nhau “nới lỏng tiền tệ”.

Đó là cách họ gián tiếp giảm thu thuế, có thêm kinh phí chi tiêu và kích thích tiêu dùng. Nó dựa trên thuyết kinh tế Keynes, vốn đang được coi là phổ thông trên toàn cầu.

Khi một lượng tiền đổ vào nền kinh tế thì nó phải chạy vào đâu đó. Như qui luật thì chỗ hàng đầu là bất động sản, cổ và trái phiếu. Nhìn chung thì đó là hệ thống tài chính. Nó lí giải vì sao có những hiện tượng như lãi suất gần không hoặc âm, trái phiếu tỉ suất âm và cổ phiêu tăng giá mặc dù doanh nghiệp giảm doanh thu.

Chỉ trong năm 2020, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 70% từ đáy lên đỉnh, còn nhà đất thì 46% cũng ở điểm tương tự. Hiệu ứng tiền tệ đang lan truyền khắp nơi và chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi nó diễn ra đủ lâu và liên tục thì sẽ trở thành một điều bình thường.

Nhưng có một điểm khác mà ít ai đề cập đến khi so sánh với Việt Nam. Đó là đồng Dollar, Yen, Pound và Euro được dùng để làm tiền dự trữ thế giới. Chính vì điều đó nên họ có thể yên tâm tạo thêm mà không sợ lạm phát cao vì đa số chạy sang ngoài nước và nằm trong kho. Tỉ suất trái phiếu gần không của các nước đó phản ánh điều này. Nghĩa là người ta vẫn có niềm tin vào sức mạnh kinh tế.

Còn VNĐ của chúng ta thì không may mắn có vị thế đó. Nó không phải là tiền dự trữ và cũng không được coi là phổ thông. Hiện tại tỉ suất trái phiếu Việt Nam là 2,312%. Tuy trông thì có vẻ không đáng là bao nhiêu nhưng so với 0,4% của Pháp và Nhật thì gấp 5 lần chứ không ít. Nó phản ánh rủi ro mà thị trường định giá.

Về sốt đất cũng tương tự. Ở đâu cũng có hiện tượng này, đây là kết quả chung của nới lỏng tiền tệ. Nhưng giá nhà ở Mỹ và Châu Âu vẫn chỉ cao gấp 5-10 lần thu nhập bình quân. Còn ở Việt Nam thì đến 40-50 lần.

Chưa kể, chúng ta sốt đất đến mức mọi người tranh nhau mua để ôm mộng làm giàu nhanh. Phổ biến toàn quốc chứ không riêng gì những thành phố lớn. Nóng đến độ giá nhà đất ở một số nơi trong vài năm qua đã tăng gấp đôi gấp ba và vượt hiệu suất tự nhiên.

Đó là điều bất thường chúng ta nên cân nhắc. Họ có sốt đất nhưng các ngành hàng đầu vẫn là công nghệ và sản xuất, còn Việt Nam thì ngân hàng bất động sản thông trị bảng xếp hạng vốn hóa.

Khi tài xế Grab mê chứng khoán và bà nội trợ sốt đất thì đó nên được coi là dấu hiệu của nguy hiểm.

Hà nội đắt đỏ nhất cả nước

Hà Nội đắt đỏ kinh khủng, cái gì cũng cao một cách khó hiểu. Tôi ra đó du lịch mà không thể tin được, giá cả đắt hơn ít nhất 1,5 lần Sài Gòn nhưng chất lượng thì thua kém.

Sốc nhất có lẽ là giá nhà đất. Khu cạnh Hồ Gươm bây giờ được định giá là 1,4 tỉ đồng/m2, ngang với Paris và London chứ đâu ít. Có ai giải thích cho tôi vì sao không, vì suy nghĩ hoài không ra.

Theo một vài phân tích tôi được biết thì do có lượng tiền nào đó tiếp tục được bơm vào Hà Nội rồi đẩy giá mọi thứ lên. Nhất là bất động sản, đi đầu là nhà mặt tiền. Nó kéo theo chi phí thuê mặt bằng, kinh doanh và vận hành lên rất nhiều. Kết quả là người tiêu dùng trả.

Xin áp dụng vài thuyết kinh tế để giải thích bằng cách so Hà Nội với Sài Gòn.

– Mật độ dân số | Hà Nội có 2.398 người/km2. Còn Sài Gòn thì có 4.292 người/km2. Theo qui luật thì Sài Gòn phải đắt hơn Hà Nội chứ không phải là ngược lại.

– Lương | Bình quân ở Hà Nội là 6 triệu/tháng, còn Sài Gòn là 10 triệu. Một lần nữa, lương thấp hơn nhưng giá cả đắt đỏ hơn.

– Thuyết tiền tệ | Hà Nội thu ngân sách 2020 là 284.458 tỉ, còn Sài Gòn là 371.384 tỉ. Nhưng Hà Nội vẫn đắt hơn Sài Gòn.

Từ dân số, lương và tiền tệ thì thấy Hà Nội thua Sài Gòn nhưng giá cả thì lại hơn. Đây có lẽ là điều bí ẩn. Có yếu tố nào đó nằm ngoài thống kê mà chúng ta không thấy được.

Có thể là vì Hà Nội là trung tâm chính trị nên thu hút nhiều nhân vật quan trọng. Họ sinh sống rồi mua nhà nên đẩy giá cao hơn mức bình thường chăng.

Đó là vì sao nhiều người Hà Nội di cư vào Sài Gòn nhưng ít người Sài Gòn di cư ra Hà Nội.

Vợ chồng lương 30 triệu phải làm sao để mua được nhà?

Mấy nội dung tài chính cá nhân ở Việt Nam thuộc đẳng cấp trên mây chứ không còn thực tế với cuộc sống nữa. Gia đình 2 vợ chồng mà chỉ tiêu có 2 triệu cho tiền ăn uống mỗi tháng thì tôi thấy là điều không dễ dàng.

Nhưng thôi, mỗi người một quan điểm khác nhau. Nếu hỏi “Vợ chồng thu nhập tháng 30 triệu thì mấy năm mới mua được nhà” thì tôi cũng thử trả lời.

Hiện tại rẻ nhất là nhà chung cư, giá cũng tầm 2 tỉ một căn. Bạn đừng lôi mấy căn vài trăm triệu ở quê quảng cáo trên web rồi nói “Còn đầy nhà rẻ” nhé. Có thể sau này về già tôi sẽ mua một căn như vậy chứ không phải bây giờ.

Chung cư 2 tỉ, lương 30 triệu (360 triệu/năm).

Nếu không ăn không uống thì sẽ mất 5,56 năm.

Nếu có chi tiêu và mỗi tháng để dành 20 triệu thì sẽ mất 8,33 năm để mua đứt.

Nếu có con và mỗi tháng dư chỉ 10 triệu thì mất 16,67 năm. Nếu mua trả góp thì cần cọc 30% của 2 tỉ là 600 triệu. Với tiền dư 20 triệu/tháng thì mất 30 tháng. Giá sẽ tăng một chút nhưng vẫn nằm trong khả năng. Sau đó mua trả góp với thời hạn 15 năm, mỗi tháng trả 15 triệu.

Nhưng cách phổ biến nhất nhiều bạn trẻ hay áp dụng là tiết kiệm đủ tiền rồi xin cha mẹ hỗ trợ thêm. Điều này không có gì sai cả vì gia đình là nền tảng của xã hội.

Còn mấy bạn hot girl buôn hàng online thì sau một năm kinh doanh từ bàn tay trắng lại tậu được chung cư cao cấp chục tỉ. Cái đó đáng học hỏi.

Quay lại chủ đề. Thu nhập vợ chồng 30 triệu là trung bình, khó mua nhà nhưng vẫn nằm trong khả năng nếu kiểm soát chi tiêu. Còn với đà tăng giá của nhà đất hiện nay thì sẽ rất khó.

4. Đánh giá sách Bóc phốt tài chính

Phong cách viết đơn giản và dễ tiếp cận, “Bóc phốt tài chính” chính xác đã “lột trần” những khái niệm từ đơn giản cho đến phức tạp nhất trong lĩnh vực tài chính. Đây là cuốn sách dành cho tất cả mọi người, dù bạn là sinh viên, nhân viên hay làm trong những lĩnh vực ít tiếp xúc với chứng khoán thì vẫn hiểu được nội dung của cuốn sách. Những câu chuyện được tác giả “gần gũi hoá” trở nên thực tế và phản ánh đúng thực trạng đời sống hiện nay dưới góc nhìn tài chính.

“Thị trường sẽ luôn thay đổi dù có bạn hay không. Chỉ có một cách duy nhất để kiếm lời và tồn tại lâu dài trong thị trường đó là trở thành nhà đầu tư dài hạn nắm giữ một rổ cổ phiếu tạo ra sản phẩm giá trị thật. Còn không thì bạn chỉ đốt tiền và giao nó cho người khác”.

Cuốn sách này dành cho những ai muốn “giàu chậm nhưng chắc”.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bóc phốt tài chính

Tóm tắt & Review sách Bóc phốt tài chính – Nguyễn Trọng Nhân

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review sách Thần số học chữa lành – Diệu Hương Thanh
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Vạn tiếng lòng vang vọng tiếng nàng – group Chữ người trữ tình

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây