Tóm tắt & Review Quẳng gánh lo đi và vui sống của tác giả Dale Carnegie
Mục lục [Ẩn]
1. Giới thiệu tác giả
Dale Carnegie sinh ra trong một gia đình nghèo tại tiểu bang Missiouri, Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình với nghề bán hàng và diễn viên nhưng không thành công. Tự nhận mình là một trong những người bất hạnh nhất New York năm 1909, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng nỗ lực vượt bậc và sự cố gắng của mình ông đã được hàng triệu người mến mộ và được biết đến nhờ tài năng xuất chúng trong nghệ thuật hùng biện và khả năng thuyết phục người khác.
Năm 1912, ông đã xây dựng một hệ thống huấn luyện mang tên Dale Carnegie, một tổ chức đến nay vẫn hoạt động và phát triển rộng khắp trên toàn thế giới và đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2007. Review Quẳng gánh lo đi và vui sống
2. Giới thiệu tác phẩm
Sau Đắc nhân tâm, thì Quẳng gánh lo đi và vui sống là một trong những cuốn sách bán chạy trên thế giới, cuốn sách đã phân tích và giải mã những lo lắng cùng những nỗi buồn trong cuộc sống. Nhờ các phương pháp hiệu quả của Dale Carnegie đã xây dựng thái độ sống tích cực, an tâm cảm nhận hạnh phúc và mãi mãi loại bỏ thói quen lo lắng. Những lời khuyên thiết thực và sâu sắc của tác giả đã chứng tỏ giá trị bền vững qua hơn nửa thế kỉ, và càng tỏ ra hữu dụng trong thời đại nhiều căng thẳng hiện nay. Cuốn sách được nhiều người tìm đọc và đã lôi cuốn hàng triệu độc giả trên thế giới.
3. Mục lục
- Phần một: Các nguyên tắc cơ bản để loại bỏ sự lo lắng
- Phần hai: Phương pháp phân tích và giải quyết sự lo lắng
- Phần ba: Phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta
- Phần bốn: 7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc
- Phần năm: Gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích
- Phần sáu: 6 cách tránh mệt mỏi lo lắng đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực. Review Quẳng gánh lo đi và vui sống
4. Tóm tắt nội dung Quẳng gánh lo đi và vui sống
Giữa cuộc sống xô bồ, bon chen, tất bật, chắc hẳn mỗi chúng ta luôn có cảm giác mệt mỏi, nặng nề khi có những biến động xảy ra trong cuộc sống. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ có những suy nghĩ tiêu cực làm cho ý chí phấn đấu sụt giảm, khiến hiệu quả năng suất công việc cũng giảm theo. Những lúc đó mỗi người chúng ta cần được xoa dịu để có thể vững vàng bước tiếp trên con đường mình đã chọn. Cuốn sách Quẳng gánh lo đi mà vui sống là một cuốn sách như thế, nó như một liều thuốc an thần giúp con người có thể giũ bỏ những lo toan, tất bật ngày thường để có thể sống một cuộc đời an vui và hạnh phúc. Cuốn sách có 6 phần mỗi phần là một lời khuyên bổ ích cho những ai đang loay hoay tìm cách vượt ra khỏi những rắc rối của chính mình.
Phần một của cuốn sách đề cập đến Các nguyên tắc cơ bản để loại bỏ sự lo lắng. Lo lắng là một trong những yếu tố chi phối đến tâm trạng của con người. Khi bạn lo lắng bạn sẽ chẳng làm được điều gì hữu ích, chân tay cứ bải hoải, đầu óc nghĩ ngợi lung tung cả ngày khiến những suy nghĩ tích cực nhất cũng bị tiêu biến. Tác giả đã chỉ ra rất rõ những tác hại của những nỗi lo lắng: “Lo âu có thể khiến một người có thể chất khỏe mạnh nhất đổ bệnh chỉ trong một thời gian ngắn”. “Lo lắng cũng có thể khiến bạn phải ngồi xe lăn do bệnh thấp khớp và viêm khớp”. Tác hại của lo lắng làm ảnh hưởng đến cuộc sống con người rất nhiều khiến họ không thể tập trung vào những việc thường ngày trong cuộc sống mà chỉ chăm chăm vào những nỗi lo lắng xung quanh mình. Điều đó khiến họ có thể đánh mất những điều tốt đẹp mà họ có thể tận hưởng trong cuộc sống như: thưởng thức một bữa ăn ngon, uống một cốc bia, hay đơn giản chỉ đọc vài trang sách để có thể nuôi dưỡng tâm hồn của mình trở nên giàu có.
Biết được điều đó, tác giả đã chỉ ra những nguyên tắc để loại bỏ sự lo lắng trong bản thân mỗi người. Những nguyên tắc được tác giả khái quát vô dùng ngắn, gọn và đơn giản đảm bảo mỗi người có thể thực hiện hàng nhiều lần trong một ngày:
- Nguyên tắc thứ nhất: Hãy sống với ngày hôm nay, đừng bận tâm đến quá khứ , và lo lắng về tương lai.
- Nguyên tắc 2: Đối mặt với sự lo lắng bằng cách: 1. Tự hỏi bản thân: Điều tệ nhất có thể xảy ra là gì? 2. Chuẩn bị tinh thần để chấp nhận điều tồi tệ nhất. 3. Nỗ lực cải thiện tình trạng xấu nhất.
- Nguyên tắc 3: Nhắc nhở bản thân về cái giá phải trả bằng sức khỏe của chính mình khi chúng ta quá lo lắng.
Chỉ với những nguyên tắc cơ bản như trên, tác giả đã trao cho chúng ta chìa khóa để có thể dẹp bỏ những lo lắng để bản thân có thể sống tốt và sống khỏe hơn mỗi ngày.
Phần hai và ba tác giả giúp mỗi người trong chúng ta phân tích và giải quyết sự lo lắng kèm theo đó là phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta. Phương pháp phân tích và giải quyết nỗi lo lắng dựa theo ba bước cơ bản như sau:
- Tìm hiểu vấn đề.
- Phân tích vấn đề.
- Đi đến quyết định – và hành động để thực hiện quyết định đó.
Khi chúng ta tìm hiểu kĩ càng nguồn gốc của vấn đề chúng ta dễ dàng nhìn thấy bản chất của vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là gì, sau đó mỗi người cần viết xuống những vấn đề mà mỗi chúng ta đang gặp phải và cuối cùng vạch kế hoạch, chiến lược để thực hiện hoàn thành những vấn đề đó như William James từng nói: “Khi bạn đã quyết định và tiến hành thực hiện kế hoạch rồi, đừng bận tâm lo lắng gì nữa” vì lúc đó ván đã đóng thuyền, tất cả đã được quyết định đi theo một quy trình mà chúng ta đã vạch sẵn nên mỗi chúng ta có lo lắng cũng vô ích và vô nghĩa.
Và để thực hiện trọn vẹn kế hoạch đã đề ra mỗi chúng ta phải phá bỏ thói quen lo lắng trước khi sự lo lắng tàn phá chúng ta. Chúng ta hãy để cho tâm trí không còn chỗ cho sự lo lắng, hãy để tâm trí thoải mái, thảnh thơi và thư giãn đặc biệt không nghĩ lung tung về những vấn đề khác, thêm nữa hãy luôn giữ cho bản thân mình bận rộn, vì lúc đó chúng ta sẽ quên mất những điều chúng ta đang lo lắng: “Trong lúc làm việc không ngơi tay, phần lớn chúng ta đều không phải khổ tâm vì suy nghĩ. Thế nhưng trong khoảng thời gian thảnh thơi sau giờ làm việc là rất nguy hiểm. Thời gian dành cho việc nghỉ ngơi vui vẻ ấy cũng chính là lúc sự lo lắng, buồn phiền dễ len lỏi vào tâm trí chúng ta nhất. Đó là lúc chúng ta bắt đầu băn khoăn liệu mình đã đạt được những gì trong cuộc sống, liệu đời mình có tẻ nhạt quá không…”
Tất cả những suy nghĩ miên man ấy sẽ khiến cho mỗi chúng ta cảm thấy bế tắc và mỏi mệt, đời sống của chúng ta sẽ trở nên quẩn quanh, ngột ngạt. Vì thế hãy tìm cho mình một không gian để tâm trí thoải mái thư giãn và chúng ta sẽ gạt bớt đi sự lo lắng, buồn phiền.
Phần tiếp theo của chương ba đó là mỗi chúng ta hãy gạt bỏ những điều vụn vặt, những điều vụn vặt tưởng chừng như nhỏ nhoi nhưng lại khiến cho mỗi chúng ta dễ dàng bận tâm, dễ dàng rời xa nhau, dễ dàng cáu giận với nhau mà chúng ta không hề biết, những điều nhỏ nhặt càng trở nên to tát khi chúng ta lấy đó làm cái cớ để phân tích vấn đề hay để giải quyết một công chuyện nào đó. Bởi vậy: Đừng quan tâm quá nhiều đến những chuyện vặt vãnh, hãy nhớ rằng: ‘Cuộc đời quá ngắn ngủi để có thời gian xét nét những điều vụn vặt”.
Phần 4 của tác phẩm, tác giả gợi ý 7 cách luyện tinh thần để sống thanh thản và hạnh phúc đó là:
- Nguyên tắc 1: Suy nghĩ và hành động một cách vui tươi, có nghĩa là khi chúng ta suy nghĩ tích cực thì chúng ta sẽ tạo ra những hành động có ích cho mọi người và lúc đó cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên tươi đẹp hơn.
- Nguyên tắc 2: Đừng bao giờ cố trả đũa kẻ thù của mình. Ôm hận trong lòng chỉ khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi và đau khổ, vì thế khi nào chúng ta có ý đinh khơi gợi sự hận thù thì mỗi chúng ta hãy tưởng tượng đến những nỗi đau mà chúng ta phải gánh chịu sau khi trả thù.
- Nguyên tắc 3: Luôn chuẩn bị tinh thần để đối diện với sự vô ơn. Trong cuộc sống này, không phải chúng ta cứ làm việc tốt là được cảm ơn và tưởng thường mà đôi khi chúng ta giúp người khác một cách nhiệt tình, nhưng điều chúng ta nhận lại không như mong muốn, đừng tức giận mà hãy xem như đó là chuyện bình thường bởi trên thế giới này không có ai là hoàn hảo cả, và những kẻ vô ơn chúng ta gặp trên đường đời, sớm muộn gì cũng không có kết cục tốt đẹp.
- Nguyên tắc 4: Hãy nghĩ đến những may mắn mình có được – chứ không phải những rắc rối. Cuộc đời sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, được sống được làm việc được hưởng thụ những thành quả do chúng ta tạo nên đã là một điều may mắn và hạnh phúc vì thế hãy trân trọng và gìn giữ những gì mình đang có để khi thời gian trôi đi, lớp bụi thời gian phủ mờ những kỉ niệm, ký ức thì chúng ta không có gì phải hối tiếc.
- Nguyên tắc 5: Đừng bắt chước người khác, hãy khám phá bản thân và tự tin là chính mình. Mỗi một người là một bản thể riêng biệt, độc dáo không thể bắt chước vì thế mỗi chúng ta hãy tìm những ưu điểm của riêng mình để phát triền và tự hoàn thiên mình, không nên ngó nghiêng thậm chí ganh ghét hay đố kị với người khác.
- Nguyên tắc 6: Chấp nhận và biến khó khăn thành cơ hội. Sống ở đời đã là một thách thức vì thế không có con đường nào rải đầy hoa hồng cho chúng ta mà mỗi người phải tự kiến tạo nên những cơ hội và con đường riếng của mình.
- Nguyên tắc 7: Hãy quên đi bản thân và mang niềm vui, hạnh phúc đến cho người khác. Với 7 nguyên tắc trên nếu chúng ta thực hành thành công thì chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống an vui, hạnh phúc và an lạc.
Phần 5 tác giả hướng chúng ta đến việc Gạt bỏ nỗi lo bị chỉ trích bởi khi chúng ta bị chỉ trích, bị soi mói là lúc chúng ta đang có những điểm ưu thế hơn so với những người cùng thời vì Một lời chỉ trích bất công thường là những lời ca ngợi bị biến hình vì ghen tị. Hãy nhớ, không ai thèm soi mói vì một kẻ tầm thường.
Muốn gạt bỏ những lời chỉ trích như trên thì mỗi chúng ta phải làm thật tốt công việc của mình, thậm chí phải cố gắng nỗ lực nhiều lần so với những người khác để được công nhận nên: Làm tốt nhất những gì có thể; rồi bật chiếc dù của bạn lên để cơn mưa nhận xét không làm ướt gáy bạn.
Trong quá trình làm việc không thể tránh khỏi những sai sót, những lỗi lầm vì thế mỗi người cần phải chấp nhận những yếu kém của bản thân để cố gắng khắc phục sửa chữa vì con người không ai có thể hoàn hảo trong một sớm một chiều, muốn tốt đẹp phải hoàn thành mọi việc từ đơn giản dến phức tạp, từ nhỏ đến lớn thì lúc đó mới hi vọng sau này sẽ thành công, gặt hái những kết quá tốt nhất có thể.
Vì thế: Hãy ghi nhận và phân tích những điểm yếu của bản thân.
Chương cuối cùng khép lại cuốn sách, tác giả đưa ra 6 cách tránh khỏi những mệt mỏi và lo lắng đồng thời nâng cao tinh thần và sức lực đó là:
- Nghỉ ngơi trước khi bị mệt,
- Học cách thư giãn khi đang làm việc,
- Học cách thư giãn khi ở nhà, áp dụng bốn thói quen tốt trong lúc làm việc đó là: Dọn sạch tất cả những giấy tờ trên bàn, trừ những thứ liên quan đến vấn đề đang giải quyết; Xử lý mọi việc theo thứ tự quan trọng;
- Khi gặp vấn đề nảy sinh, hãy giải quyết luôn nếu thấy có đầy đủ các yếu tố cần thiết để đưa ra quyết định;
- Học cách tổ chức, ủy quyền và giám sát công việc,
- Nhiệt tình với công việc và Không nên lo lắng về sự mất ngủ. Chính sự lo lắng về chứng mất ngủ mới hủy hoại sức khỏe của bạn – chứ không phải chứng mất ngủ.
Với những nguyên tắc trên đây hi vọng mỗi chúng ta sẽ có một cách thiết kế để cuộc sống trở nên tươi đẹp và đáng sống hơn.
5. Cảm nhận và đánh giá Quẳng gánh lo đi và vui sống
Bằng tâm huyết và tài năng của mình tác giả Dale Carnegies đã cho ra đời một trong những cuốn sách nổi tiếng về trị liệu tâm lý cho con người, khiến con người tìm thấy bí mật mở cánh cửa hạnh phúc của chính mình. Tất cả độc giả qua nhiều thế hệ đều biết ơn ông và cuốn sách mà ông dành tặng độc giả bằng cả sự nhiệt tình và tài hoa của mình.
Hi vọng với cuốn sách này tất cả chúng ta sẽ học được cách dẹp bỏ những phiền muộn trong cuộc sống, hài lòng với hiện tại và điều chỉnh cách sống phù hợp. Cuộc sống sẽ còn nhiều bế tắc, gập gềnh ở phía trước nhưng nếu chúng ta can đảm học hỏi, cam đảm dấn bước, can đảm trải nghiệm đừng nhụt chí nản lòng thì sẽ gặt hái được nhiều quả ngọt.
Tóm tắt & Review Quẳng gánh lo đi và vui sống của tác giả Dale Carnegie by Hoàng Bạch Diệp