Tóm tắt & Review phim Cuộc chiến đa vũ trụ (Everything everywhere all at once) – Daniel Kwan & Daniel Scheinert

0
2409

Tóm tắt & Review phim Cuộc chiến đa vũ trụ (Everything everywhere all at once) – Daniel Kwan & Daniel Scheinert

1. Giới thiệu chung

Một bộ phim từ hãng phim A24 quả không khiến người xem phải thất vọng mà còn dành nhiều lời khen hơn bao giờ hết. Một bộ phim điên loạn đúng nghĩa, một đa vũ trụ được đánh giá thực tế và đầy tính nhân văn khi được đặt cạnh bàn cân với siêu phầm Bác sĩ lạ trong đa vũ trụ hỗn loạn của Marvel Studios. Hãy cùng mình trải nghiệm siêu phẩm điện ảnh có “1-0-2” này nhé!

  • Đạo diễn: Daniel Kwan và Daniel Scheinert
  • Thể loại: Kết hợp nhiều thể loại khác nhau gồm hài đen, khoa học viễn tưởng, kỳ ảo, phim chưởng và hoạt hình.
  • Thời lượng: 140 phút
  • Kinh phí: 25 triệu USD
  • Doanh thu 91,6 triệu USD
  • Diễn viên: Dương Tử Quỳnh, Stephanie Hsu, Quan Kế Huy. Jenny Slate, Hary Shum Jr…

2. Giới thiệu diễn viên

Dương Tử Quỳnh (Yeoh Choo-Kheng / Michelle Yeoh) sinh ngày 6 tháng 8 năm 1962 (59 tuổi) là một nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng người Malaysia. Cô là hoa hậu Malaysia năm 1983, nổi tiếng với các phim Hồi ức của một GeishaNgọa hổ tàng longPhong Vân (phần 2)Hoắc Nguyên GiápXác ướp 3: Lăng mộ Tần VươngCon nhà siêu giàu châu Á và Giáng sinh năm ấy và hiện tại là Cuộc chiến đa vũ trụ…

Stephanie Hsu sinh ngày 25 tháng 11 năm 1990 (31 tuổi), là một diễn viên người Mỹ.

Quan Kế Huy tên khác là: Jonathan Ke Quan, sinh ngày 20 tháng 08, 1971) là một diễn viên người Mỹ gốc Việt nổi tiếng với vai Short Round trong phần hai của loạt phim Indiana Jones mang tên: Indiana Jones and the Temple of Doom.

3. Giới thiệu nhân vật

Dương Tử Quỳnh (trong vai Evelyn Quan Wang), một người phụ nữ nhập cư Trung Quốc, người đang cố gắng xoay xở quán lý cửa hàng giặt ủi gia đình với những khoản thuế rắc rối, mối quan hệ vợ chồng không như trước và cố giữ cho mối quan hệ LGBT của cô con gái mình ở mức độ hợp lý không quá cởi mở cùng người bố đến thăm và cô cố gắng tỏ ra mọi chuyện đều ổn và nằm trong tầm kiểm soát.

Stephanie Hsu (trong vai Joy Wang / Jobu Tupaki) con gái của Evelyn và Waymond và là mối nguy tới đa vũ trụ. Trong vũ trụ của Evelyn, cô con gái Joy là cô gái mang dấu hiệu của bệnh trầm cảm khi chính cô không tìm được tiếng nói, sự sẻ chia, chấp nhận từ mẹ của mình, cô luôn cảm thấy lạc lõng, cảm thấy bản thân không thuộc về nơi nào cả. Jobu Tupaki (Alpha Joy) – mối nguy tới đa vũ trụ, Alpha Joy phải chăng đã phản ánh sự đấu tranh, sự phản bác mạnh mẽ của Joy? Khi ở vũ trụ Alpha cô bị ép phải thử nghiệm, không có sự lựa chọn nào cả, và cuối cùng cô vỡ nứt, cô chán nản, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, muốn từ bỏ tất cả, muốn bị hút vào bánh vòng tất cả, vì với cô cuộc sống này quá vô nghĩa, cô luôn muốn kết thúc sự vô nghĩa vô tận này.

Quan Kế Huy (trong vai Waymond Wang), người chồng hiền lành và kì quặc của Evelyn. Xuất hiện ngay đầu phim, Waymond là một ông chồng nhút nhát, nhu nhược, nhưng dần về sau, anh lại thể hiện rõ được vai trò cầu nối, bệ phóng của mình xuyến suốt mạch phim.

4. Tóm tắt nội dung phim cuộc chiến đa vũ trụ

Bộ phim được chia ra làm 4 hồi: EVERYTHING, EVERYWHERE và ALL AT ONCE và HỒI KẾT.

EVERYTHING

Hồi đầu của phim cho chúng ta thấy những nứt vỡ trong mỗi quan hệ của của Evelyn đối với những thành viên khác trong gia đình. Phim đưa ta tới cuộc sống của nhà Wang, những áp lực về giấy tờ mà họ đang phải gánh chịu. Mở đầu phim là khung cảnh Evelyn đang vật lộn với một đống giấy tờ để chuẩn bị đi nộp thuế. Và trong khi Evelyn đang bận rộn, người chồng Waymond muốn đệ đơn ly dị với cô và muốn cô dành chút thời gian để nghe mình nói. Tuy nhiên, Evelyn vì một phần chăm lo công việc và một phần không biết lắng nghe mà Waymond đã không thể chia sẻ với vợ ý muốn của anh.

Với Evelyn, cô luôn nghĩ bản thân là nguồn lực chính trong gia đình, cô luôn có tính kiểm soát với chồng và con gái. Cô đã nghĩ bản thân đã chấp nhận việc con gái mình là lesbian nhưng thực tế thì lòng cô không phải vậy. Evelyn bị ám ảnh với sự hoàn hảo để thể hiện với bố (ông Gong Gong) bởi trong quá khứ cô đã không nghe lời bố và đi theo Waymond tự lập. Vì vậy, khi bố cô sang Mỹ thăm con gái, cô phải giả rằng mọi thứ đều đang rất tốt đẹp và khiến cho bố cô tin vào điều đó.

Có thể nói, mẫu thuẫn giữa Evelyn và con gái Joy chính là cuộc châm ngòi cho cuộc chiến của cả đa vũ trụ, bởi ở mỗi vũ trụ Evelyn và Joy gần như không thể tìm được tiếng nói chung, không thể hòa hợp. Joy luôn mong muốn giới thiệu cô bạn gái Becky tới ông Gong Gong như một sự khẳng định về giới tính bản thân. Tuy nhiên, Evelyn lại nói Becky chỉ là người bạn tốt của Joy, khiến cô thực sự thất vọng và tạo ra sự khó xử mâu thuẫn giữa hai mẹ con.

EVERYWHERE

Câu chuyện đưa chúng ta đến sự khởi đầu trong việc Evelyn tiếp xúc với đa vũ trụ.

Tại thang máy, trên đường tới cục thuế, chúng ta được biết Waymond Alpha, một Waymond khác ở vũ trụ Alpha, đã “verse-jump” (thuật ngữ của phim) vào Waymond tại vũ trụ này vì nghĩ rằng Evelyn tại vũ trụ này có thể có cách để giải cứu đa vũ trụ. Nhờ Waymond Alpha và xuyên suốt quá trình phim, ta có thể hiểu rằng, mỗi quyết định dù lớn hay nhỏ đều sẽ là tiền đề cho những sự thay đổi trong tương lai và là nguồn gốc của đa vũ trụ.

Nguy hiểm ập tới, khi chúng ta nghe Waymond Alpha nói về nhân vật Jobu Tupaki, chính là cô con gái Joy của Evelyn ở vũ trụ Alpha. Tại vũ trụ Alpha, vì bị Evelyn ép quá mức nên Joy Alpha đã vỡ nứt và tiến tới trạng thái nơi mà tâm trí và ý thức về đạo đức đã không còn tồn tại.

Sau hành trình trải nghiệm xuyên đa vũ trụ bởi Waymond Alpha dành cho Evelyn khi chống lại sự tìm kiếm của Jobu tại cục thuế, Evelyn đã thấy bản thân tại các vũ trụ khác, nơi cô có những quyết định, lựa chọn khác. Cô đã thấy rằng, bản thân tại vũ trụ này luôn đắn đo và là phiên bản tệ nhất trong các Evelyn. Vì vậy, cô nghĩ rằng, chỉ cần bản thân trở nên giống Jobu cô sẽ có thể cứu cô con gái của mình tại vũ trụ Alpha và cũng chính Joy tại vũ trụ nơi cô đang sống. Cô bắt đầu hành trình nhảy đa vũ trụ một cách vô độ để trở nên giống Jobu, để có thể thấu hiểu con gái mình.

Qua đây ta thấy, dù Evelyn ở vũ trụ này có thể là phiên bản tệ nhất nhưng lại là phiên bản mạnh mẽ nhất, bởi cô luôn cố gắng hết mình ở tất cả mọi việc, cô luôn muốn những điều tốt đẹp nhất cho con mình và sẵn sàng hy sinh bản thân, trải qua những điều cực nhọc hơn để thấu hiểu hơn. Cô cũng dần nhận ra rằng chính cách suy nghĩ sai lệch của mình đã làm cho con gái cô tổn thương và trở nên vô cảm, và cô đang cố gắng để sửa chữa điều đó.

ALL AT ONCE

Sau hành trình điên rồ vừa qua, Evelyn dần đánh mất bản thân hoàn toàn. Tuy nhiên, sau đó cô dần tìm lại được và giải quyết những mâu thuẫn xung quanh với người thân mà cô yêu quý.

Evelyn dần sở hữu sức mạnh giống Jobu, điều này đã đạt đúng mong muốn của cô khi muốn trải qua cảm giác của Joy để hiểu rõ hơn cảm giác của con mình. Và vì ngày càng trở nên giống Joy, cùng sự thuyết phục đầy sự cám giỗ “Không điều gì có ý nghĩa cả”, càng khiến Evelyn tin rằng vứt bỏ mọi thứ có khi lại là giải pháp tốt nhất. Cô bắt đầu đạp đổ mọi thứ và không còn quan tâm đến điều gì nữa.

Nhưng ta có thể dễ dàng thấy được, không làm được thì đạp đổ là tâm lý chung của những đứa trẻ mới lớn cứng đầu. Ngay lúc này, vai trò của người chồng Waymond được đẩy lên một tầm cao mới. Từ đầu phim, Waymond Wang đã thể hiện bản thân là một người chồng hiền lành và nhút nhát và thiếu tiếng nói trong gia đình.

Nhưng khi mọi chuyện rối hết lên và đang dần rơi vào bế tắc thì Waymond Wang lại là người nhẹ nhàng nhưng không kém phần kiên định, mạnh mẽ, đứng lên bảo vệ vợ mình và là người gợi mở nút thắt của toàn bộ vấn đề. Anh đã giúp Evelyn nhận ra rằng chìa khóa để giải quyết mọi thứ chính là tấm lòng chân thành đối với mọi người, nhận ra sự thiếu sót trong tâm hồn mỗi người.

Từ đây, mâu thuẫn giữa Evelyn với chồng và với bản thân dần được tháo gỡ. Evelyn ngay sau đó cũng nói rõ với bố mình về giới tính thật của Joy, cho thấy cô đã hoàn toàn mở lòng chấp nhận con gái.

Tưởng chứng việc chấp nhận của Evelyn sẽ khiến con gái vui lòng và tình cảm mẹ con được hàn gắn. Tuy nhiên, Joy vẫn cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình và cảm thấy mệt mỏi vì mọi thứ, cô cảm thấy mệt mỏi vì phải sống chung với mẹ của mình, cô quyết định ra đi để tìm sự yên ổn cho cả hai.

Nhưng Evelyn không muốn từ bỏ con mình dễ dàng như vậy, cô không muốn bước chân theo vết xe đổ của bố mình khi từ bỏ con gái dễ dàng như vậy. Cô quyết định cố gắng một lần cuối cùng tại tất cả các vũ trụ, hi sinh và mặc kệ tất cả mọi thứ để đem đến hạnh phúc cho con mình. Qua nhiều vũ trụ, nhiều hình ảnh xuất hiện cũng là hình ảnh ẩn dụ cho rất nhiều câu chuyện của rất nhiều cuộc đời. Phân cảnh đối thoại cuối cùng của hai mẹ con thực sự đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả, bởi có lẽ chính chúng ta cũng thấy bản thân mình trong đó.

Qua lời phát biểu đầy ắp tình thương của mẹ dành cho con ấy, Joy cuối cùng cũng nhận ra giá chị bản thân và yêu quý gia đình nhiều hơn, nhận ra được những điều trân quý xung quanh dù là những điều nhỏ nhặt nhất. Mọi thứ dường như đã kết thúc một cách mĩ mãn, mọi vấn đề đều đã được giải quyết, sự phát triển của các nhân vật được xây dựng một cách hoàn hảo và thể hiện tối đa bản sắc và yêu cầu đề ra cho mỗi nhân vật, sau cùng mâu thuẫn lớn nhất của phim đã được hòa giải và thấu hiểu hơn bao giờ hết.

HỒI KẾT

Sau cùng thì gia đình Wang cũng đã đồng lòng cùng nhau xử lí mọi khó khăn trong cuộc sống. Cùng nhau đến chi cục Thuế để giải quyết vụ việc một cách triệt để và thân thiện nhất.

Một vài phân cảnh ấn tượng trong phim:

Ấn tượng nhất với mình có lẽ là cảnh trong hồi ALL AT ONCE, đó là một vũ trụ không có sự sống, và lúc ấy Evelyn và Joy chỉ là hai cục đá không có sự sống, vô tri, và cuộc hội thoại của hai mẹ con là những dòng chữ chạy trên màn hình kéo dài khoảng 2 phút, một phân cảnh thực sự mới lạ và thú vị, quả thức khó có thể tìm thấy lần 2 ở những tác phẩm điện ảnh nào khác.

Điều đặc biệt trong phân cảnh này không chỉ là sự im lặng kéo dài 2 phút và cuộc hội thoại chỉ là những dòng chữ chạy trên màn hình, mà còn là những hình ảnh ẩn dụ đầy thú vị được nhà sản xuất tỉ mỉ gửi gắm.

Khi đến vũ trụ này, Evelyn là hòn đá với hai con mắt, được miêu tả là một vũ trụ vô tri, vô giác, không có sự sống, nhưng hình ảnh của Evelyn lại được khuyến mãi tới tận 2 con mắt, trong khi Joy chưa có con mắt nào. Có thể nói, con mắt chính là sự khai mở cho những suy nghĩ, nhận thức sâu xa, lớn hơn, xa hơn và rộng lớn hơn bao giờ hết của Evelyn, lúc này cô đã thực sự nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị bản thân, thấu hiểu hơn bao giờ hết cuộc sống muôn màu, muốn vẻ này.

Khi Evelyn chọn cách lao xuống vách đá cùng Joy để luôn được bên cạnh con mình, đây quả thực là một chi tiết đáng giá, vì chưa vũ trụ nào hai mẹ con sống trong kiếp người mà thực sự thông cảm cho nhau chứ chưa nói đến chuyện hi sinh để gần nhau hơn. Kiếp làm đá có thể đã kéo dài cả vạn năm chứ không chỉ là 100 năm tuổi đời con người…

Phân cảnh lấy đi nước mắt bao người cũng là một trong những phân cảnh đắt giá của bộ phim: cuộc hội thoại cuối phim giữa Evelyn và con gái Joy. Tại sao phân cảnh chỉ kéo dài vài phút ngắn ngủi nhưng lại cảm động đến vậy, bởi chẳng đó cũng là tâm sự của bao đứa con với mẹ mình ngoài xã hội hiện tại này?

Lời bộc bạch của Evelyn không chỉ là lời sẻ chia với chính đứa con gái Joy mà cũng là tiếng lòng thật sự của Joy, của những đứa trẻ tuổi mới lớn muốn được người thân thấu hiểu, được cảm thông và được ủng hộ hết mình để rồi có thể tìm ra giá trị bản thân, hiểu và yêu thương cuộc sống, tìm ra ý nghĩa cuộc đời, sống sao cho vẹn toàn với đam mê, sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui.

5. Đánh giá phim Cuộc chiến đa vũ trụ

Everything Everywhere All At Once như một sự kết hợp giữa Dr. Strange 2 và The Matrix, Turning Red.

Bữa tiệc CGI đỉnh cao, lồng ghép trong đó là cốt truyện chính về tình cảm gia đình được đề cao và thể hiện xuyên suốt bộ phim, bên cạnh đó là những hình ảnh ẩn dụ để lại trong người xem nhiều suy nghĩ.

Và không thể thiếu những màn đánh đấm đậm chất Châu Á và màn trình diễn tuyệt vời của Dương Tử Quỳnh và Quan Kế Huy, những màn võ thuật được thể hiện điêu luyện và công phu đúng chất điện ảnh và là điểm nhấn tuyệt đối của bộ phim.

Một bộ phim điên cuồng đúng nghĩa, một đa vũ trụ đúng như trong suy nghĩ của mình, không quá siêu cao như trong Dr. Stranger 2 mà ít nhiều mang chút gần gùi, đời thường và thực tế hơn bao giờ hết.

Có 2 ý nghĩa tôi cảm nhận rõ nhất trong Everything Everywhere All at Once. Đầu tiên chính là sự tiếc nuối của con người trong cuộc sống. Khi đứng trước những sự lựa chọn, chúng ta luôn phải phân vân và suy nghĩ: “Không biết liệu lựa chọn này có tốt với mình không?”. Và khi được nhìn sang một vũ trụ khác, nơi bạn có quyết định khác giúp cho cuộc sống tốt lên, bạn chắc chắn sẽ tiếc nuối.

Con người thật kì lạ, đôi khi thật khôi hài khi tự chính mình đưa ra quyết định, nhưng rồi cũng lại tự mình lại cảm thấy quyết định đó thật nực cười.

Thứ 2, chính là tình cảm gia đình. Everything Everywhere All at once nói về một trong những kiểu gia đình phổ biến, đặc biệt là ở Á Đông, nơi người phụ nữ phải gánh gần như toàn bộ mọi bộn bề lo toan trong cuộc sống khi ông chồng được mạnh mẽ cho lắm. Bên cạnh đó, nhân vật chính Evelyn còn phải đối mặt với áp lực khi con gái duy nhất của cô tới tuổi nổi loạn.

Đây quả thực là một bộ phim để lại trong mình nhiều suy nghĩ, tình cảm gia đình luôn là câu chuyện, vấn đề của rất nhiều gia đình và cũng là vấn đề được thể hiện qua rất nhiều bộ phim, nhưng EEAAO quả thực gây ấn tượng lớn với mình khi truyền tải thông điệp này qua đa vũ trụ. Có thể nói: “Dù ở đâu, mọi vũ trụ, bất cứ phiên bản, chúng ta luôn có những khó khăn, những câu chuyện riêng mà mình phải đối mặt. Bởi đơn giản đó là bản chất của cuộc sống, luôn có rắc rối vây quanh.”

Tóm tắt & Review phim Cuộc chiến đa vũ trụ (Everything everywhere all at once) – Daniel Kwan & Daniel Scheinert

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review phim Trường ca hành – Chu Duệ Bân
Bài tiếp theoTóm tắt & Review phim Em là niềm kiêu hãnh của anh – Vương Chi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây