Tóm tắt & Review sách Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao – John Green
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
John Green là một tác giả người Mỹ viết tiểu thuyết dành cho tuổi thiếu niên. Năm 2014, theo tạp chí Time, Green nằm trong số “100 nhân vật có sức ảnh hưởng nhất thế giới”.
John Green sinh ra tại Indianapolis, nơi mà ông đã đặt làm bối cảnh chính cho tiểu thuyết ăn khách “Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao”. Ngay từ nhỏ, gia đình của Green đã di chuyển liên tục nhiều nơi, điều này đã tạo cho Green niềm đam mê khám phá thế giới xung quanh.
Sau khi tốt nghiệp Đại học, Green dành năm tháng thực tập ở Bệnh viện Quốc gia Nhi đồng tại Columbus, Ohio. Tác giả dự định sẽ trở thành linh mục của trường Episcopal, nhưng trải nghiệm làm việc trong bệnh viện cùng những trẻ em hứng chịu các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng đã thôi thúc ông trở thành một tác giả và sau đó viết cuốn “Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao”.
Ngoài việc viết lách, Green cùng người em trai Han Green quản lý một trang Youtube rất nổi tiếng có tên là VlogBrothers, hiện có trên 2.8 triệu người theo dõi. Một kênh Youtube rất thú vị để người hâm mộ nhà văn này được nghe ông nói về đủ thứ chuyện trên đời.
2. Giới thiệu tác phẩm
Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao (The Fault in Our Stars) là cuốn tiểu thuyết thứ sáu của nhà văn John Green và là cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tờ New York Times và Wall Street Journal với 23 triệu bản. Tên sách được lấy ý tưởng từ phân cảnh 2, màn 1 vở Julius Caesar của nhà soạn kịch Shakespeare. Trong phân cảnh này, Cassius đã nói với Brutus rằng: “The fault, dear Brutus, is not in our stars, / But in ourselves, that we are underlings.” ( Lỗi không phải ở những vì sao, lỗi thuộc về chúng ta).
3. Tóm tắt nội dung Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
Nhân vật chính trong truyện Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao là cô gái 16 tuổi tên Hazel. Không giống như những người bạn cùng trang lứa khác, cô sống thu mình vì căn bệnh ung thư. Hazel luôn hình dung tới cái chết, tâm trí cô lúc nào cũng cho rằng căn bệnh này rồi sẽ sớm đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình mà thôi. Nói một cách phũ phàng, cô ấy sống, chỉ để chờ chết.
“Tôi hiếm khi ra khỏi nhà, cứ nằm bẹp dí trên giường, nhai đi nhai lại một cuốn sách, ăn uống thất thường, và dành khá nhiều thời gian rảnh rỗi của mình để nghĩ về cái chết. Ngồi trên ghế sa-lông xem tập ba của cuộc tranh tài dài mười hai tiếng trong chương trình Siêu mẫu Mỹ mùa giải trước, mà phải thú thật rằng tuy đã xem rồi nhưng tôi vẫn rất thích xem lại.”
“Bất cứ khi nào bạn đọc một cuốn sổ tay, trang web hoặc bất cứ điều gì về ung thư, người ta luôn liệt kê trầm cảm là một trong những tác dụng phụ của căn bệnh này. Nhưng trên thực tế, trầm cảm không phải là tác dụng phụ của ung thư. Trầm cảm là tác dụng phụ của việc chờ chết.”
Cuộc đời Hazel bỗng xuất hiện những gam màu mới lạ khi một chàng trai tên Augustus xuất hiện trước mặt. Chàng trai trẻ này mắc bệnh ung thư xương, anh đã có một cái chân giả và một nỗi sợ thường trực rằng mình sẽ bị chìm vào quên lãng. Hazel cho rằng Gus thật ngớ ngẩn, vì cuối cùng ai cũng phải chết và sẽ bị lãng quên mà thôi.
Patrick động viên: “Augustus, có lẽ cậu muốn chia sẻ với nhóm về nỗi sợ hãi của cậu.”
“Nỗi sợ hãi của tôi?”
“Ừ.”
“Tôi sợ bị chìm vào quên lãng.” Hắn đáp không đắn đo. “Tôi sợ điều đó giống như một người mù sợ bóng tối vậy.”
Và từ đây, hai bạn trẻ của chúng ta đã bắt đầu mối tình đẹp nhưng đầy đau thương của họ. Buổi hẹn đầu tiên là xem phim ở nhà Augustus. Anh lái xe tới đón Hazel, trình lái xe thật kinh dị. “Anh thi lấy bằng rớt ba lần rồi đó”, và cả hai trò chuyện với nhau được một lúc trên đường đi đến nhà Augustus. Hazel kể về tình trạng bệnh của cô bé cho anh nghe, mười ba tuổi bị chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp giai đoạn bốn, trải qua cuộc phẫu thuật “nạo hạch cổ tận gốc”, rồi đến xạ trị, sau đó là một số trị liệu hoá học cho các khối u phổi.
“Lúc đó, tôi mười bốn tuổi. Phổi của tôi bắt đầu bị tràn dịch. Nhìn tôi lúc đó giống sắp chết – tay chân sưng phù; da dẻ nứt nẻ; đôi môi lúc nào cũng tím xanh.”
Cuộc trò chuyện kết thúc khi Augustus đánh một cú cua gấp đến rít lốp xe vào một khu nhà có những bức tường cao khoảng hai thước rưỡi. Nhà của anh nằm ở đầu dãy bên trái. Và cả hai bắt đầu những câu chuyện về lẫn nhau, những câu chuyện về chính bản thân họ chứ không phải chuyện ung thư. Những câu chuyện về huân chương bóng rổ, về chị họ và sở thích đọc sách dần được bày tỏ giữa hai bạn trẻ. Hazel đã giới thiệu cho Augustus về cuốn sách yêu thích của cô ấy, cuốn Nỗi Đau Tột Cùng – cuốn sách sẽ mở ra cao trào và cũng khép lại tình cảm tuyệt đẹp của hai nhân vật chính.
Nỗi Đau Tột Cùng – cuốn sách với kết thúc còn giang dở, đã thôi thúc khao khát đi tìm câu trả lời của đôi bạn trẻ. Peter Van Houten, một nhà văn với lối sống ẩn dật mà ngay cả một fan ruột như Hazel cũng không thể tìm ra. Nhưng rồi nhờ có Augustus, cả hai người họ đã tìm ra cách liên lạc với nhà văn, gửi mail, cùng trò chuyện về cuốn sách đến khuya và cùng nhau đến Amsterdam.
Trước khi gặp Peter Van Houten, cả hai đã có những giây phút hẹn hò vui vẻ ở Amsterdam. Đó là một bữa tối lãng mạn cùng rượu sâm-banh ở nhà hàng sang trọng. Cả hai lại có những giây phút trò chuyện sâu sắc hơn nữa. Với ngôn từ tuyệt đẹp của tác giả, bạn dường như đang được tận mắt chứng kiến buổi hẹn hò này vậy, từ không khí, biểu cảm đến những suy nghĩ của các nhân vật đều được thể hiện một cách rất tinh tế.
Nhưng sự thật phũ phàng, ngay cả Peter Van Houten cũng không biết về cái kết cho chính cuốn sách của ông.
“Cuốn tiểu thuyết được sáng tác từ các phác thảo nguệch ngoạc trên một trang giấy, bé con ạ. Các nhân vật sống trong truyện không tồn tại bên ngoài mấy cái ý tưởng phác thảo đó. Điều gì đã xảy ra với họ ư? Tất cả bọn họ đều không còn tồn tại vào thời điểm cuốn tiểu thuyết kết thúc.”
Rồi điều đáng sợ nhất cũng đến, Gus qua đời. Anh để lại cho Hazel một bức điều văn và nhờ Van Houten – nhà văn yêu thích nhất của Hazel giao bức thư ấy đến cho cô.
“Anh yêu em, và anh biết rằng tình yêu chỉ là một tiếng hét vào khoảng không, và sự lãng quên là không thể tránh khỏi, và rằng tất cả chúng ta phải chịu số phận, đến một ngày, khi tất cả những việc ta đã làm trở thành cát bụi, anh biết Mặt trời sẽ nuốt chửng Trái đất, dù có thế nào thì anh vẫn cứ yêu em.”
Cái kết của Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao chân thực nên chẳng đẹp như chuyện cổ tích. Gus ra đi mãi mãi. Nhưng chắc chắn rằng anh đã sống thật viên mãn với tình yêu đẹp như thơ của mình.
“Nhưng anh tin vào tình yêu đích thực, em biết không? Anh luôn tin rằng con người phải có tình yêu đích thực của cuộc đời mình, và tình yêu đó sẽ tồn tại mãi mãi miễn là ta còn tồn tại trên cõi đời này.”
4. Cảm nhận và đánh giá Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao
Chuyện tình của hai nhân vật chính vừa làm động lòng, vừa làm đau lòng người đọc. Tình yêu của hai con người ấy lúc êm dịu, lúc lãng mạn, lúc thì có nhiều tiếng cười, lúc lại thấm đẫm nước mắt bi thương tột cùng. Câu chuyện bất hạnh này đã được xoa dịu bởi những lời nói đùa của Gus, đôi lúc lại dễ thương, đáng yêu bởi sự ngại ngùng, đa sầu đa cảm của cô gái trẻ Hazel khi yêu. Những câu chuyện trong tác phẩm đã lấy đi nước mắt của hàng triệu độc giả bởi những lần tái phát bệnh của các nhân vật.
Không chỉ là những nhân vật trong sách, Hazel và Gus đã trở thành một hiện tượng trong giới trẻ với phương châm sống của những người đấu tranh với số phận. Thế Giới này không có phép màu, quyền năng hay sức mạnh từ một thế lực thần thánh nào hết. Các nhân vật trong tác phẩm chỉ muốn sống và chiến đấu từng ngày với thần chết để thực hiện được những ước mơ của mình.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Khi Lỗi Thuộc Về Những Vì Sao – John Green