Tóm tắt & Review truyện Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng

0
843
Chiếc lược ngà

Tóm tắt & Review truyện Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng

1. Giới thiệu tác giả

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người con của xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông mất năm 82 tuổi. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là một cây bút tài ba. Ông bắt đầu sáng tác khi còn khá trẻ. Giọng văn của Nguyễn Quang Sáng giản dị, mộc mạc nhưng phản ánh chân thật giá trị cuộc sống. Từng lời văn, câu truyện của ông đưa tâm hồn độc giả đến những giá trị nhân văn sâu sắc. Và đâu đó, độc giả chẳng bao giờ quên được bé Thu trong Chiếc lược ngà, hay những hình ảnh được cảm xúc trong Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang… những tác phẩm đã đi cùng với lịch sử một giai đoạn của dân tộc hào hùng. Qua những câu chuyện của ông, cả thế giới phải biết đến dân tộc Việt Nam tuy nhỏ bé anh dũng, luôn kiên cường và bất khuất trong mọi hiểm nguy, gian khổ.

Suốt cuộc đời sáng tác của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong ngành như Giải Mai vàng cho Nhà thơ xuất sắc năm 1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt II năm 2001 và nhiều thành tựu từ các tác phẩm khác.

2. Giới thiệu tác phẩm

Người xưa vẫn hay nói “tình phụ tử không thể đẹp đẽ và ấm áp như tình mẫu tử” và có lẽ cũng chính vì nhận định đó nên hiếm có nhà văn nào viết về tình cha con. Trong số ít đó có thể kể đến Nguyễn Quang Sáng với truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được sáng tác năm 1966. Đây có thể được coi là một câu chuyện cảm động về tình cha con sâu nặng trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Truyện ngắn chắc hẳn đã lấy đi khá nhiều nước mắt của bạn đọc và cũng đã khắc sâu vào trong lòng những ai đã đọc truyện tình phụ tử sâu nặng.

3. Tóm tắt nội dung truyện Chiếc lược ngà

“Chiếc lược ngà” được kể qua lời ông Ba – người đồng chí già, cũng người đồng hành  đã quan sát và chứng kiến, giọng văn bởi vậy mà khách quan và chân thành.

Ông Sáu xa nhà đi kháng chiến. Mãi đến khi con gái lên tám tuổi ông mới có dịp về thăm nhà, thăm con. Trong giây phút gặp con, ông Sáu hồi hộp, xúc động. Xuồng chưa cập bến, ông đã “nhảy thót lên”, bước vội vàng những bước dài và kêu to tên con. Bé Thu – con ông không nhận ra cha vì vết thẹo trên mặt làm ông không giống với người cha trong bức ảnh mà em biết. Đáp lại những hành động yêu thương của ông Sáu, bé Thu giật mình, ngơ ngác, vụt chạy, kêu thét gọi má khiến ông Sáu hụt hẫng và đau đớn. Trong ba ngày ở nhà, ông Sáu không đi đâu xa, lúc nào cũng vỗ về con, ông mong được nghe tiếng “ba” nhưng bé Thu cứ xa lánh, lạnh lùng và kiên quyết không gọi ba trong mọi tình huống. Sau khi bị ba đánh, bé Thu chạy sang nhà bà ngoại và được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ông Sáu. Những vết sẹo hằn dài trên khuôn mặt khắc khổ ấy là hậu quả của những trận đánh. Chiến tranh ngăn cách mọi niềm vui cũng như hạnh phúc, giết chết mọi tình thương và ươm mầm cho tội ác phát triển. Đau đớn thay khi người với người phải lao vào đánh nhau, để giành lại thứ mà vốn dĩ là quyền con người bất khả xâm phạm – độc lập tự do.

Ba ngày nghỉ phép đã hết. Trước lúc lên đường, anh Sáu đang bịn rịn chia tay thì bất chợt bé Thu cất tiếng gọi ba và tiếng kêu như xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa… Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run.

Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi “ba” đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con. Thương con quá mà không thể ở nhà thêm được khi Tổ quốc đang gọi và đồng đội đang chờ. Tình yêu con đã biến người chiến sĩ thành nghệ nhân, người nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời, một cây lược ngà kết tinh tình phụ tử, khắc lên dòng chữ nắn nót “Yêu nhớ tặng Thu, con của ba”. Nhưng rồi vẫn không thể đưa chiếc lược tận tay cho con, người cha ấy đã hy sinh sau một trận càn của Mỹ, chỉ kịp để lại sự ủy thác không lời.

Chiếc lược ngà – tác phẩm viết về những con người anh hùng

Trên tất cả, con người vẫn lấp lánh vẻ đẹp sáng ngời khi ở trong bùn đất. Tác phẩm viết về anh Sáu, người lính gan dạ, dũng cảm đã sẵn sàng từ bỏ gia đình của mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Viết về bé Thu, người con ngang bướng sau này đã tiếp tục theo chân ba phục vụ cách mạng. Ôm nỗi đau mất cha với lòng căm thù giặc sâu sắc, Thu xin má đi làm giao liên. Mới chỉ 2 năm làm nhiệm vụ, Thu đã đi vào câu chuyện của đồng đội như truyền kỳ, rằng cô giao liên ấy có cái mũi rất thính, cô dùng mũi để nghe mùi địch và có thể phân biệt được thằng nào là Mỹ, thằng nào là ngụy nữa.

Từ ông Sáu cho đến bé Thu, chính là sự nối tiếp thế hệ và truyền thừa ý chí đấu tranh, chẳng cần một bài học sáo rỗng nào, Thu gia nhập quân giải phóng vì ảnh hưởng từ ba. Đó là huyết thống, là tình phụ tử nâng lên thành tình yêu nước. Cái tình thiêng liêng ấy không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được. Càng đớn đau, lại càng quật cường, sáng đẹp và bền bỉ hơn.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Chiếc lược ngà

Câu chuyện đã tái hiện thành công tình cha con sâu nặng của bé Thu và ông Sáu. Từ đó, tác giả cho thấy sự tàn bạo của chiến tranh; những bi kịch cùng tình cảm gia đình đẹp đẽ trong thời chiến. Đồng thời tác phẩm cũng ca ngợi tình cảm phụ tử thiêng liêng trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt. Như một lời khẳng định cho vẻ đẹp của con người, chiến tranh càng tàn khốc, vẻ đẹp ấy lại càng ngời sáng, vẻ đẹp của những con người nơi đầu sóng ngọn gió đã ngã xuống vì tự do của một dân tộc. Đâu phải ngẫu nhiên Nguyễn Đình Thi đã có những câu thơ:

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Chiếc lược ngà

Tóm tắt & Review truyện Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng
Bài tiếp theoTóm tắt & Review tản văn Tan – Lê Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây