Tóm tắt & Review sách Trong cô đơn bất ngờ gặp phiên bản tốt hơn của chính mình – Tả Tiểu Kỳ

0
442
Trong Cô Đơn Bất Ngờ Gặp Phiên Bản Tốt Hơn Của Chính Mình

Tóm tắt & Review sách Trong cô đơn bất ngờ gặp phiên bản tốt hơn của chính mình – Tả Tiểu Kỳ

1. Giới thiệu tác giả

Tả Tiểu Kỳ là nhà thơ, nhà văn thế hệ 9x người Trung Quốc với cả ngoại hình và tâm hồn của một chàng trai tuổi thiếu niên. Qua một thế giới quan độc đáo, những câu chuyện được viết ra dưới ngòi bút của Tả Tiểu Kỳ vừa chân thực vừa thuần khiết. Tác phẩm nổi bật trước đây của anh là Trả tôi một tuổi trẻ ngông cuồng.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cô đơn là điều khó tránh khỏi trong quá trình trưởng thành của người trẻ, đặc biệt là ở những bạn trẻ xa nhà, xa quê hương tới chốn phồn hoa đô hội. Tràn đầy sức sống, tri thức và khát vọng thể hiện bản thân, nhưng đôi lúc bạn chợt thấy bản thân lạc lõng giữa vạn người khác biệt, lúng túng trước những ánh mắt trông đợi chực chờ phán xét.

Nếu không thể học cách ở một mình, bạn sẽ mãi là một đứa trẻ cô đơn, mất phương hướng, tuyệt vọng bám níu vào người khác để tìm thấy thành công và bình yên.

Cuốn sách này sẽ chia sẻ với bạn đọc cách để đối mặt với sự hoang mang, cách thoát ra khỏi cô đơn và khó khăn, cách chuyển hóa cô đơn thành dưỡng chất cho sự trưởng thành, từ đó gặp được phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân mình.

3. Tóm tắt sách Trong cô đơn bất ngờ gặp phiên bản tốt hơn của chính mình

Những người nhớ nhà là cô đơn nhất

Sau khi lên cấp Hai, tôi phải ở nội trú trong trường, một tuần chỉ được về nhà một lần, điều này có nghĩa là tôi sẽ phải đối mặt với tình trạng sống chung với rất nhiều người.

Quả thực, tôi không dám tâng bốc điều kiện ký túc xá của trường mình. Tám người chen chúc trong một căn phòng nhỏ, phòng rộng hơn chút thì có hơn 20 thậm chí là 30 người ở; giường được chia thành tầng trên và tầng dưới, giường này kê sát giường kia, chẳng có không gian riêng tư gì cả.

Đêm đầu tiên ở lại trường, vì mới khai giảng nên học sinh các xã vẫn chưa quen nhau, hầu như không có ai nói chuyện, thế nhưng tôi biết, phần lớn các bạn học khác cũng giống như mình, chẳng thể nào chìm vào giấc ngủ ngay được. Đây là lần đầu tiên mọi người ở nội trú, lần đầu tiên ngủ ở một nơi không phải là nhà. Song song với trải nghiệm cảm giác mới lạ, tôi còn cảm thấy nhớ nhà, mặc dù có nhiều bạn học nằm bên cạnh, thế nhưng tôi vẫn thấy cô đơn vì đang ở một nơi xa lạ. Càng cô đơn, tôi càng nhớ căn phòng nhỏ của mình, càng nhớ thì càng trằn trọc, càng trằn trọc thì càng cô đơn, vòng tuần hoàn cứ lặp đi lặp lại, chẳng thể kìm nén nổi cảm xúc của bản thân.

Đêm càng tối càng cô đơn. Khi ấy, hễ nhắm mắt lại là nước mắt tôi lại bất giác trào ra, tuy xung quanh tối om, song tôi vẫ sợ bị người khác nhìn thấy, bèn lặng lẽ lấy chăn lau nước mắt.

Trường cấp Hai của tôi là một trường tư thục, khối 7 có 3 lớp, tức là chỉ những học sinh nằm trong top 200 của thị trấn mới có thể nộp đơn vào ngôi trường này, song học phí mỗi kỳ sẽ cao hơn 500 tệ so với các trường cấp Hai thông thường. Do ở vùng nông thôn, điều kiện kinh tế hạn chế, nên gia đình của nhiều học sinh giỏi đã không đăng ký cho con em theo học bởi nỗi lo về chi phí học tập. Tuy gia đình tôi không khá giả, thế nhưng mẹ tôi lại cực kỳ coi trọng việc học của con trai, vì vậy bà đã đăng ký cho tôi mà chẳng cần suy nghĩ, và cuối cùng tôi đã đỗ vào ngôi trường ấy như nguyện với kết quả đứng thứ 43 toàn thị trấn.

Tuy nhiên, thực tế lại trái với mong đợi. Khi theo học tại ngôi trường này, thành tích học tập của tôi không hề tốt lên nguyên nhân dẫn tới sự việc này thì nhiều vô kể, song nguyên nhân quan trọng nhất chính là nỗi nhớ nhà.

Buổi tối không nghỉ ngơi tử tế đã khiến tôi không thể tập trung khi lên lớp, do đó lơ đễnh là điều thường xuyên xảy ra, trạng thái này khiến tôi không phân biệt được những điểm mấu chốt trong lời giảng của giáo viên. Thỉnh thoảng, giáo viên sẽ gọi tôi trả lời câu hỏi, thường là sau khi đứng dậy, tôi sẽ không biết mình nên nói gì, cứ cúi đầu im lặng và chờ đợi lời mắng mỏ của giáo viên với khuôn mặt đỏ bừng.

Về sau tôi mới phát hiện ra, tình huống này có thể nói là phổ biến trong lớp chúng tôi, thường xuyên có bạn học mất tập trung trong giờ học và bị giáo viên trách phạt. Ban đầu, tôi còn đỏ mặt vì thấy xấu hổ, thế nhưng sau khi nhận ra mọi người đều giống như mình, tôi bèn cảm thấy chẳng sao cả, da mặt càng ngày càng dày; đến nỗi nếu có tiết học nào tôi không bị giáo viên gọi tên, các bạn học sẽ cho đó là điều bất thường, cảm thấy hình như tiết học này thiếu thứ gì đó.

Tất nhiên, có rất nhiều người giống như tôi, bởi dù sao chúng tôi cũng sống trong cùng một thời đại.

Hiện giờ nhớ lại, quãng thời gian đó tôi luôn mỉm cười ngọt ngào. Sau khi trải qua nỗi đau của cô đơn, tôi mới càng thêm trân trọng khoảnh khắc đó. Hình như thói quen ôm mẹ của tôi chính là bắt đầu từ cấp Hai: Mỗi lần gặp lại đấng sinh thành lâu ngày xa cách sẽ tiến tới và ôm mẹ thật chặt, hơn nữa chúng tôi còn hôi má nhau, cảm giác đó thực sự hạnh phúc khôn tả.

Đã bao lâu rồi bạn chưa ôm mẹ mình? Hãy tới trao mẹ một cái ôm đi, tôi tin bạn sẽ cảm nhận được mùi vị sự hạnh phúc.

Thế giới vốn dĩ bất công, vậy chúng ta nỗ lực vì điều gì đây?

Có người sinh ra đã ngậm thìa vàng, có người khi sinh ra đã không có bố mẹ, thế giới là như vậy, cuộc đời là như thế. Ai mà không muốn trở thành Vương Tư Thông, vừa sinh ra đã ở vạch đích?

Còn những đứa trẻ xuất thân bình thường như chúng ta, có khi phấn đấu cả đời cũng không bằng một phần mười, một phần trăm, một phần nghìn, thậm chí một phần mười nghìn so với những gì Vương Tư Thông sở hữu ngay từ lúc lọt lòng.

Xét từ một góc độ nào đó, đòi hỏi sự công bằng từ xã hội chính là một trò đùa hoang đường.

Nếu đã như vậy, chúng ta nỗ lực vì điều gì đây?

Xuất phát điểm của mỗi người đều khác nhau, chẳng phải chúng ta luôn cố gắng đuổi kịp những người có xuất phát điểm cao hơn mình sao?

Giống như kim tự tháp vậy, mặc dù những người đứng trên đỉnh tháp luôn chiếm thiểu số, thế nhưng sau khi nỗ lực phấn đấu, chúng ta sẽ ngày càng tiệm cận đỉnh tháp; mặc dù biết rõ bản thân không thể leo lên đỉnh kim tự tháp, thế nhưng chẳng ai muốn đứng dưới chân tháp cả, đúng không?

Tuy xuất phát điểm của mỗi người đều khác nhau, song vẫn luôn có những người ở cùng vạch xuất phát với chúng ta, vậy nên công bằng hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta có so sánh nhầm đối tượng hay không.

Ý nghĩa của sự nỗ lực là mặc dù kết quả sau khi nỗ lực có thể không công bằng, thế nhưng nhất định sẽ tương đối công bằng.

Trưởng thành chính là cơn đau nhói lòng

Sau khi tôi lên cấp Ba, các bạn học xung quanh đều vùi đầu học tập, không ai bận tâm tới những cảm xúc của tôi. Đệ vượt qua khoảng thời gian nhàm chán, tôi dần dần yêu thích việc đọc sách và viết lách.

Có lẽ thời thanh xuân đang quấy phá, khiến con người ta khó lòng kìm nén sự rung động mơ hồ với tình yêu, vì vậy quả thực không sai chút nào khi nói những người đang yêu đều là thi sĩ.

Thuở ấy, tôi đang ở cái tuổi biết yêu, trong lòng giấu kín một cô gái, đôi lúc không biết nên bày tỏ thế nào, cho nên thường thích viết những bài thơ tình ra giấy. Nhiều khi chẳng thể đặt bút viết nổi, tôi đành phải đọc mấy cuốn sách ngoại khóa. Về sau, tôi nhận thấy rằng những cuốn sách ngoại khóa còn thú vị hơn nhiều so với sách giáo khoa, càng đọc càng say mê.

Thỉnh thoảng, tôi còn đọc thơ, sưu tầm những câu thơ cảm động rồi chép vào sổ, trong đầu luôn thường trực ý nghĩ: Một ngày nào đó sẽ tặng chúng cho người con gái mình thầm thương trộm nhớ.

Có lần, tôi hí hoáy viết một bức thư tình dài hàng trăm chữ, lén bỏ vào túi, định tặng cho bạn nữ buộc tóc đuôi ngựa trong lớp. Thế nhưng mỗi lần chạm mặt cô ấy, tôi đều không dám lấy thư ra, đôi lúc còn chẳng có dũng khí bắt chuyện. Chẳng rõ qua bao lâu, cuối cùng tôi cũng gom hết can đảm, song lại không tìm được thời cơ thích hợp, bởi bên cạnh cô ấy lúc nào cũng kè kè vài cô bạn.

Càng nhiều lần bỏ lỡ, tôi càng chắc chắn rằng mình đã thích cô ấy. Thỉnh thoảng, trong đầu tôi sẽ hiện lên khuôn mặt đáng yêu của cô ấy, nhất là những khi tôi ở một mình.

Cuối cùng, trong một lần đứng trên hành lang ở trường, tôi nhìn thấy bóng dáng cô ấy đang đi từ xa lại, bên cạnh chẳng có ai, thầm nghĩ rốt cuộc cũng đợi được cơ hội ngàn năm có một này. Tôi làm ra vẻ điềm nhiên, nhưng khóe mắt lại lén liếc nhìn cô ấy, bàn tay cất trong túi nắm chặt bức thư tình, chờ cô ấy đến gần, trái tim dường như đập nhanh hơn theo mỗi bước tiến của cô ấy, sắp đến rồi, sắp đến rồi…

Khi cô ấy tới trước mặt, tôi cố tình ngoảnh đầu về phía cô ấy, nghe thấy cô ấy nói với mình: “Chào buổi sáng”

Tôi vô thức trả lời: “Chào buổi sáng”

Khi cô ấy đi rồi, tôi mới nhận ra bức thư tình vẫn còn nằm trong túi, ướt sũng mồ hôi. Bao cảm xúc phức tạp như tiếc nuối, lo lắng, bất lực, đau đớn, tự trách đan xen vào nhau, dồn ứ trong lồng ngực, khiến nỗi buồn của tôi không có chỗ giải tỏa.

Buồn hơn cả đau lòng chính là đau lòng hơn.

Chẳng bao lâu sau, khi ai nấy còn chưa hiểu rõ tình hình, cô ấy đã chính thức hẹn hò với một chàng trai khác. Sau khi biết tin, tôi liền chạy tới một nơi vắng người, xé nát bức thư tình đã nằm trong túi suốt bấy lâu này.

Thời thanh xuân, chúng ta đều có những mối tình giống nhau, luôn có một lời yêu khó nói, luôn có một người không thể bày tỏ, và luôn có một bức thư tình không thể gửi đi. Có những người xuất hiện trong cuộc đời ta nhưng lại rất khó giải thích cho sự tồn tại của họ. Rõ ràng người ấy không làm thậm chí còn không biết gì, song đã vô cớ được ta dành trọn tình yêu.

Tôi chưa bao giờ hối hận vì bản thân đã thích cô ấy sâu đậm tới vậy, chỉ tiếc là không thể đích thân nói cho cô ấy biết tình cảm của mình. Thế nhưng không sao cả, trưởng thành chính là một cơn đau nhói lòng, quãng thời gian bất chấp đó mới gọi là tuổi trẻ.

4. Đánh giá sách Trong cô đơn bất ngờ gặp phiên bản tốt hơn của chính mình

Ở lại thành phố hay về quê?

Đây là câu hỏi hiện ra trong đầu mình ngay sau khi nhìn thấy bìa của cuốn sách này.

Một bên là thành phố tấp nập, tiện nghi. Một bên là quê nhà thân thuộc, yên bình. Người trẻ với tri thức, sức sống, khát vọng với nhiều sự lựa chọn đi chính giữa.

Trong cuốn sách, có rất nhiều trích dẫn, câu chuyện khiến mình phải suy ngẫm đến vấn đề đó. Thật sự rất hay!

Cuốn sách chia sẻ những câu chuyện gần gũi về gia đình, tình yêu, những vấn đề mà người trẻ thường gặp phải như: mất phương hướng, cô đơn, kết hôn, …

Cuốn sách sẽ chia sẻ với bạn cách để đối mặt với sự hoang mang, cách thoát ra khỏi cô đơn và khó khăn, cách chuyển hóa cô đơn thành dưỡng chất cho sự trưởng thành, từ đó gặp được phiên bản tốt đẹp nhất của bản thân mình.

Cuốn sách chắc chắn sẽ là một khoản đầu tư xứng đáng cho chúng ta – những người trẻ đầy nhiệt huyết, ước mơ, nhưng đôi khi lại cô đơn trên chính con đường mình lựa chọn.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Trong Cô Đơn Bất Ngờ Gặp Phiên Bản Tốt Hơn Của Chính Mình

Tóm tắt & Review sách Trong cô đơn bất ngờ gặp phiên bản tốt hơn của chính mình – Tả Tiểu Kỳ

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review sách Lạc giữa tần số không người nghe – Macmart
Bài tiếp theoTóm tắt & Review sách Đến cuối cùng ai cũng cần một người thương – Én & Thích A Tèo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây