Tóm tắt & Review sách Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời – Oopsy

0
217
Một phút cho tâm lí một tí hiểu cuộc đời

Tóm tắt & Review sách Một phút cho tâm lí một tí hiểu cuộc đời – Oopsy

1. Giới thiệu tác giả

Oopsy không phải là bút danh của một tác giả, mà đây là một cộng đồng tập hợp những người có cùng một đam mê tìm hiểu về tâm lý học và tâm lý trị liệu. Những cuốn sách của Oopsy đều là những tác phẩm kinh điển về 2 lãnh vực trên dành riêng cho độc giả Việt Nam.

2. Giới thiệu tác phẩm

“Một Phút Cho Tâm Lí, Một Tí Hiểu Cuộc Đời” là một cuốn sách thuộc thể loại tâm lý học. Tác phẩm sẽ giúp chúng ta hiểu ra rằng: “Trong cuộc đời này, người khôn ngoan là người thấu hiểu tâm lí, làm chủ cuộc đời trong từng chuyện nhỏ. Người dại dột chẳng cần hiểu ai, chỉ liều lĩnh làm theo ý mình. Chẳng ai muốn là người dại dột, nhưng có vẻ thật khó để thấu hiểu tâm lí, thật khó để thông minh. Tâm lí tưởng như là một điều gì xa vời, khó thấu lắm. Cuốn sách này sẽ cho bạn thấy, tâm lí người ta thật ra rất dễ nắm bắt, không khó để làm chủ. Chỉ cần một phút, một tí, đọc và thực hành mỗi ngày, bạn sẽ có được cái nhìn thông minh soi rõ từng thứ chi li trong cuộc đời. Và bạn sẽ mỉm cười khi thấy những điều quan trọng hơn ngay sau đó.”

3. Tóm tắt nội dung sách Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời

Cuốn sách này gồm 21 trick để mở cửa trái tim người lạ, 14 trick để biến thù thành bạn – biến đối đầu thành đồng thuận, 17 trick để hiểu thêm chính mình – làm chủ bản thân, 19 trick để kiểm soát mọi tình huống, và 7 trick để giúp nội tâm bạn vững mạnh hơn. Mình xin phép sẽ chỉ tóm tắt 21 trick để mở cửa trái tim người lạ.

1. Phép thần chú gọi tên

Hai người chỉ mới quen nhau, làm cách gì để kết nối, làm sao để gửi trao.. chút gì?

Gỉ gì gi, quan hệ cũng cần gia vị thiện cảm. Khơi gợi thiện cảm nào có khó chi. Hãy tặng đối phương một món quà, đấy là nhắc tên người ta trong những lần giao tiếp. Quà ấy tinh tế lịch thiệp, làm sao khéo léo trao cho họ. Đừng vội vã quá mà khiến người ta đề phòng lại đánh mất đi cái thực tâm vốn có. Đôi ba lần gọi tên trong cuộc trò chuyện, chắc chắn đối phương sẽ thích thú vì được bạn lưu tâm và âm thầm cảm thấy được tôn trọng. Bởi vì thử nghĩ mà xem, có từ gì dễ nghe hơn cái tên đi với ta từ khi cha sinh mẹ đẻ. Và chỉ có những người thân quen mới thường gọi đúng tên ta. Cho nên, cái tên như một câu thần chú, lập tức mở cánh cửa cho bạn tiến gần tới người ta.

2. Cảm xúc chân thành

Cảm xúc luôn khắc ghi trong tâm trí, dù cho khối người nghĩ: “Tôi chỉ quan tâm tới nội dung”. Một người có thể chẳng nhớ nổi nội dung câu chuyện bạn kể, nhưng khó mà quên được cảm giác ở gần bạn. Đấy là ấn tượng. Những cảm giác tích cực như vui vẻ, lạc quan, vô tư, tử tế, tạo nên ấn tượng tốt. Cảm giác tiêu cực như: bi quan, phán xét, bực bội, tạo nên ấn tượng xấu. Vậy thì dễ thôi, hãy tận dụng những cảm xúc tích cực để gây ấn tượng tốt. Cảm xúc ấy phải có trong chính bạn, chứ thứ mình không có, lấy gì để trao đi. Điều đó có nghĩa là gì? Một tâm hồn tích cực tự nhiên có thể lan truyền ra xung quanh, có thể chạm được tới trái tim người khác.

Hãy nhớ rằng nội dung chẳng quan trọng bằng cảm xúc. Chỉ cần bạn thật tâm, chân thành chính là sức mạnh, làm rung động mọi trái tim. Điều thật sẽ đến được chỗ thật, thứ gì là giả sẽ sớm tan đi. Kết nối thật ra đâu khó nhỉ.

3. Bắt chước – được yêu

Hãy tưởng tượng bạn là chú tắc kè hoa, hòa nhập với xung quanh qua trò bắt chước. Cứ thử bắt chước từng cử chỉ, điệu bộ – sao chép từ cách lật một cuốn sổ cho đến vẻ xấu hổ của người ta. Ấy ấy… hãy nhận ra hành vi tích cực để mà phản chiếu. Bởi vì ai cũng sẽ yêu mến người – tốt – đẹp – giống – mình. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng người bắt chước có khả năng làm việc thuận lợi hơn với người họ bắt chước. Thú vị hơn: người được bắt chước còn có xu hướng hành xử tử tế hơn với người xung quanh. Có bí mật tâm trí gì ở đây nhỉ? Bạn cứ làm thử đi, sẽ thấy.

Hoặc hãy xem đôi bạn Ngất và Ngây. Ngất bắt chước Ngây, khiến bạn ấy thấy mình thật sự được công nhận. Sự công nhận này là liên kết tích cực nhất giữ hai người từ trước đến nay. Rồi tới lượt mình, Ngây bắt đầu vui vẻ, tự tin, và thiện lành hơn với bao người khác. À, chuyện có gì xa lạ đâu. Nhớ lại xem, khi bạn đang một mình cầm một cây kem, có gì vui hơn khi thấy một người kia cũng cầm cây kem đến đứng bên nhoẻn cười? Lúc đang vui, có phải rất muốn người khác cùng mình chia sẻ nụ cười.

Hãy bắt đầu quan sát, hãy cùng hát với người đang vui, cùng làm với người đang vất vả, hít hà cùng một bầu không khí thanh lành với người bên cạnh. Bạn sẽ có được tình cảm của họ, và hơn cả có được sức mạnh của sự chia sẻ, vị tha.

4. Sức mạnh của sự đồng hành

Mỗi thời gian được tiêu đi là một khoảng đầu tư sự sống. Có gì đáng quý hơn một người sẵn sàng dành thời gian và chia sẻ sự sống với ta. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, chúng ta dễ yêu quý những người dành nhiều thời gian cho mình. Thậm chí nếu hai người không sống gần nhau nhưng cố gắng làm cùng một việc gì đó mỗi ngày, ví dụ như đi uống cafe mỗi tuần hoặc cùng nhau đến lớp thì cũng có hiệu quả tương tự.

5. Gieo nhân gặt quả

Chớ nói xấu xa về người khác. Đừng tham gia trò dèm pha ác ý. Bởi năng lượng xấu sẽ dần xâm chiếm ta, chẳng mấy chốc ta chật hẹp – ác – xấu hệt những thứ đó. Hãy nhớ, người thật thiện lành không quen kể về việc ác. Không những thế, gieo nhân ắt nhận quả, một ngày nào đấy kẻ gieo lời gièm pha ắt nhận lại những lời ác ý. Cho nên, hãy cứ nói lời tốt đẹp, cứ hướng đến điều tích cực thôi. Rồi năng lượng tích cực giúp ta vui khỏe, vững mạnh và lớn lao. Tuyệt vời làm sao, người khác cũng sẽ dùng những lời tốt đẹp đó để nói về chính bạn.

6. Mượn miệng người nói chuyện lòng ta

Không phải khi nào ta cũng có thể tán dương một người trước mặt họ. Nhiều lúc mượn tiếng nói của người khác lại là cách khôn ngoan. Nếu Ngất muốn khen Ngơ, nhưng đồng thời cũng muốn đưa ra lời góp ý thì phải làm sao cho tế nhị? Hãy tìm đến một người quen chung, rồi khi trò chuyện nhớ khen ngợi Ngơ trước, sau đó mới bày tỏ nỗi lo lắng quan tâm của mình. Điều quan trọng là nỗi niềm bày tỏ đó phải dựa trên chân thành và thấu hiểu. Người quen kia sau đó sẽ nói lại với Ngơ. Bằng cách nói gián tiếp, Ngơ sẽ tiếp nhận đầy đủ ý kiến của Ngất, cả lời khen lẫn góp ý. Vì vậy, hãy thật khéo léo khi muốn giúp ai đó tốt lên, thật tinh tế để làm họ mở lòng.

7. Sức hút của người luôn vui vẻ

Thỉnh thoảng Ngơ chán ngán, chẳng buồn mở miệng nói cười với ai. Lúc ấy Ngơ như mang theo đám mây trên đầu, đi đến đâu làm bầu trời xầm xì tới đó. Cái vẻ ấy thậm chí còn làm mọi người âu sầu theo. Ai muốn gần một người như vậy chứ? Nên hẳn nhiên rồi, người xung quanh sẽ tìm cách tránh, xa lánh không khí âm u. Ngất chẳng như Ngơ, Ngất lạc quan biết mấy. “Có chuyện gì đâu phải buồn rầu? Chi bằng cứ mỉm cười bước mau qua gian khó. Bởi vì chuyện gì rồi cũng qua thôi,” Ngất nói vậy đấy. Người mạnh mẽ, tích cực như thế, có ai lại không muốn đến gần?

Bạn đã thấy sức mạnh lây lan của cảm xúc chưa. Theo nghiên cứu từ đại học Ohio và Đại học Hawaii, chúng ta có thể vô thức cảm nhận và lây nhiễm tâm trạng của những người xung quanh mình. Người khôn ngoan biết thế sẽ làm gì? Nếu bạn muốn khiến ai đó vui vẻ khi ở cạnh mình, hãy giữ những suy nghĩ, cảm xúc tích cực. Khi âu sầu hãy tìm đến những người vui tươi bầu bạn.

8. Tận dụng việc có người quen chung

Theo thuyết kết nối ba đỉnh, hai người sẽ chơi thân với nhau hơn khi họ có thêm một người bạn chung.

9. Nói xấu mình

Bạn có dễ ngộ nhận vạn vật, có cho rằng những “sự thật” dưới đây không thể bị thách thức?

  • Chăn chỉ dùng để đắp.
  • Khăn phải dùng để lau.
  • Lọ chỉ cho hoa cắm.
  • Đêm làm gì có nắng.
  • Ngày lấy đâu ra sao.

Nhưng đâu chỉ có thế, đúng không nào? Bạn có thể làm biết bao nhiêu việc khác với chăn với khăn với lọ. Cũng như thế đấy, một người còn bao nhiêu tính cách, khía cạnh khác chứ đâu chỉ những điều ta nghĩ về người đó. Mãi bám vào những định kiến sai lầm chỉ càng làm xa cách đôi bên. Thay vì âm thầm soi xét tích nhặt điểm xấu của người khác, hãy tiết lộ chuyện nực cười vô hại của mình xem sao. Và sai lầm ngớ ngẩn hóa ra lại có tác dụng đưa bạn đến gần người kia hơn.

10. Điều trùng hợp kì diệu

Để kết nối với một người dễ lắm, cứ nhìn ngắm họ một hồi, hỏi vài câu cơ bản, xem từ hình dáng đến tên họ, có điều gì giống với bạn không. Tìm ra rồi nhớ nhấn mạnh nó, như thể một điều trùng hợp kì diệu, đảm bảo có hiệu quả ngay.

11. Một cái chạm khẽ rẽ lối vào con tim

Điều gì sẽ xảy ra khi ta khẽ chạm vào người khác? Cuốn Subliminal: How Your Unconscious Mind Rules Your Behavior (Tiềm thức: Làm Thế Nào Để Ý Niệm Vô Thức Điều Khiển Hành Động Của Bạn) của Leonard Mlodinow đã nhắc đến một nghiên cứu thú vị về cái chạm tay. Nghiên cứu được tiến hành thế này: Một số nam thanh niên đứng ở các góc phố, và bắt chuyện với vô số phụ nữ đi ngang qua. Kết quả là: Tỉ lệ cuộc trò chuyện tốt đẹp đã tăng gấp đôi khi họ nhẹ nhàng chạm vào cánh tay của đối phương lúc giao tiếp. Điều đó có nghĩa là gì? Để gắn kết không hề khó. Hãy tinh tế chạm nhẹ vào tay người lạ, hay vỗ nhẹ một cái lên lưng họ. Chắc chắn người đó sẽ cởi mở hơn trông thấy.

12. Trở thành người vui tươi

Hãy chăm cười lên, đừng tiết kiệm. Và nếu bình thường bạn là người ít cười, thì đã đến lúc trở thành người vui tươi hơn rồi đấy.

13. “Tớ cũng thấy giống cậu vậy”

Muốn gần ai, cứ trở thành “đồng minh” của người ta trước đã. Tức là trước tiên nên lui lại – hưởng ứng cách nhìn của họ. Để khôn ngoan tử tế, phải biết từ bỏ cái tôi lúc cần. Đó là khởi đầu tốt đẹp để chạm đến nhau bằng hòa ái. Chỉ lưu ý, chớ nhầm lòng đồng cảm với thói nịnh bợ. Lời góp ý hãy để ở sau, chứ đừng vì ngần ngại gì mà bỏ qua không nói.

14. Gợi chuyện riêng tư, nối tình cảm chung

Đừng ngại đến với nhau bằng những chuyện riêng tư lưu giữ tận sâu trong.

15. Vì có người này mới có người kia

Bạn đã từng xem My Fair Lady hay nghe đến hiệu ứng Pygmalion chưa? Bộ phim tuyệt vời và hiệu ứng tâm lý nó muốn nói đến là một bí mật lớn về nhân cách. Hiệu ứng đó là thế này: nếu một người (hoặc chính ta) nghĩ ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, họ sẽ đối xử với ta theo cách mà họ nghĩ. Nếu ta được đối xử như thể ta thông minh hay ngu dốt hay sao đó, ta sẽ hành xử, và thậm chí trở thành như thế. Cách đối xử của người khác với ta tạo nên chính con người ta. Thế có nghĩa là gì? Chúng ta là sản phẩm của nhau. Chẳng biết đó là phép lạ hay lời nguyền. Nhưng đừng thắc mắc điều đó. Chúng ta có việc cần làm với hiệu ứng này, đấy là tận dụng nó để gây tình cảm. Bằng cách nào à? Nếu bạn muốn một người thân thiện với mình, hãy coi họ là một người thân thiện và ứng xử theo đó.

16. Yêu thương nhân đôi

Chẳng ai ghét nổi một người yêu thương mình, và tình yêu thương luôn được nhân đôi. Thế nên, hãy luôn tin rằng người bạn muốn tiếp cận rất yêu quý bạn.

17. Hãy để người ta bộc bạch

Các nhà tâm lý học tại đại học Harvard khám phá ra rằng việc nói về bản thân tạo hứng khởi hệt như khi thưởng thức đồ ăn thức uống.

18. Giúp nhau điều gì đó

Hai người trao nhận lòng tốt chắc chắn đến được gần nhau. Chẳng thế mà ta cảm kích biết bao khi vác nặng có người giúp đỡ chẳng màng thân sơ, hay khi đi đường ngã xe có người dừng xe lại giúp đỡ. Cứ để tâm quan sát xem người bạn muốn gần có đang cần gì không. Chỉ một hành động nhỏ cũng đủ khiến người ta rung động. Điều đó cũng làm nảy sinh trong họ ý muốn giúp đỡ lại bạn, ý muốn đền đáp. Họ sẽ cảm ơn bạn, cứ nhận lấy lời ấy và nói thêm rằng: “không có gì đâu, ai cũng sẽ làm vậy ấy mà.”

19. Trở thành tấm gương soi

Hãy để ý xem người kia dùng những từ gì khi nói về chính họ. Chẳng hạn, bạn nghe được một câu thế này: “tớ chỉ say nắng người nào giỏi hơn tớ thôi. Vì tớ tự thấy tớ cũng thông minh lắm đấy” Hãy bắt ngay lấy từ “thông minh” và dùng nó để đáp lời họ. Bạn có thể nói với họ: “Ừ, nếu có người nào thông minh hơn cậu thì đúng là đáng để dành cả cuộc đời này cho họ”. Nói câu đó cũng có nghĩa là bạn vừa công nhận rằng họ thông minh. Chúng ta luôn yêu quý người thừa nhận mình, phải không? Cứ chú ý lắng nghe, bạn sẽ bắt được từ khóa mở ra thế giới của mọi người. Và nhớ kết hợp với  ngôn ngữ cơ thể tích cực nhé, mỉm cười và gật đầu chẳng hạn.

20. Phép thử lặp từ

Có một cách đơn giản để thử xem đối phương có mê bạn không. Đó là chọn ra một từ mà người ta hay dùng, hoặc một từ tương tự, nói từ đó ra, rồi gật gù và mỉm cười. Nếu thích bạn, đảm bảo người ta sẽ lảm nhảm từ đó suốt.

21. Nhìn vào mắt bắt được tim

Con người đều có linh cảm về kết nối bằng mắt. Những người muốn gần nhau thì khi gặp gỡ họ muốn nhìn vào mắt nhau, tìm kiếm một niềm tin, một chia sẻ vô định. “Những kẻ không nhìn vào mắt nhau không thể tin nhau. Những bạn bè không biết đến đôi mắt nhau sẽ gắn bó chỉ vì một nỗi cô đơn dằn vặt của chính tâm hồn mình”. Vì thế, nhìn vào mắt nhau – đấy là cách để đi thẳng tới tâm hồn nhau. Hãy nhìn sâu vào mắt người kia và nắm bắt trạng thái của họ, để có thể nhanh chóng đồng điệu để cười khi họ cười, cau mày khi họ nhăn nhó, hoặc gật đầu theo khi thấy họ làm vậy.  Mọi thứ phải rất tự nhiên.

TRÍCH DẪN HAY TRONG SÁCH

  1. Với một người xa lạ để người ta mở lòng, hãy nhắc đến một người bạn chung. Thậm chí, khi không có bạn chung, hãy nhắc đến một nhân vật mà cả hai cùng quan tâm, hoặc có thể chỉ cần bạn biết là người kia quan tâm. Một thứ gì đó chung luôn lập tức đưa bạn vào thế giới của người đối diện.
  2. Để kết nối với một người dễ lắm, cứ nhìn ngắm họ một hồi, hỏi vài câu cơ bản, xem từ hình dáng đến tên họ, có điều gì giống với bạn không. Tìm ra rồi nhớ nhấn mạnh nó, như thể một điều trùng hợp kì diệu, đảm bảo có hiệu quả.
  3. Vậy thì có khó gì khi muốn gắn kết? Hãy tinh tế chạm nhẹ vào tay đối phương, hay vỗ nhẹ một cái lên lưng họ. Chắc chắn người đó sẽ cởi mở hơn trông thấy!
  4. Nếu bạn muốn một người thân thiện với mình, hãy coi họ là người thân thiện và ứng xử theo đó.
  5. Chẳng ai ghét nổi một người yêu thương mình, và tình yêu thương luôn được nhân đôi. Thế nên, hãy luôn tin rằng người bạn muốn tiếp cận rất yêu quý bạn.
  6. Nhìn vào mắt – đấy là cách để đi thẳng tới tâm hồn nhau. Hãy nhìn sâu vào mắt người kia và nắm bắt trạng thái của họ, để có thể nhanh chóng đồng điệu, để cười khi họ cười, cau mày khi họ nhăn nhó, hoặc gật đầu theo khi thấy họ làm vậy.
  7. Chẳng ai từ chối nổi một người thừa nhận họ. Ai cũng yêu hình ảnh mà họ xây dựng cho bản thân. Cho nên, tìm ra cách người kia thích nghĩ về chính họ và thừa nhận hoặc củng cố nó, họ sẽ chấp nhận bạn.

5. Cảm nhận và đánh giá sách Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời

“Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời” là cuốn sách tâm lý học hay và bổ ích. Từ hình thức đến nội dung đều không làm độc giả thất vọng. Cuốn sách có thể giúp bạn vững mạnh từ bên trong để có thể hiểu rõ cuộc đời này. Tất tần tật những gì bạn cần để thấu hiểu tâm lí, được trình bày rất ngắn gọn súc tích trong cuốn sách nhỏ này. Các trick tâm lí thì ngắn, nhưng cái dài hơn là những bài học bạn nhận ra được sau khi thực hành trick đó. Càng thực hành càng nhận ra được nhiều bài học. “Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời” là một sự lựa chọn phù hợp cho những bạn muốn có thêm những kiến thức trong việc nắm bắt tâm lý và kiểm soát bản thân.

Đọc xong cuốn sách bạn sẽ tìm ra những kĩ năng hay những hành động thực sự đơn giản và đời thường nhất nhưng lại mang đến những hiệu quả giao tiếp bất ngờ giúp kết nối tình cảm giữa mọi người với nhau, giúp thấu hiểu nhau nhiều hơn.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Một phút cho tâm lí một tí hiểu cuộc đời

Tóm tắt & Review sách Một phút cho tâm lí, một tí hiểu cuộc đời – Oopsy

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 5 Average: 4.8]
Cảm nghĩ của bạn
Bài trướcTóm tắt & Review tiểu thuyết Từ Dụ thái hậu – Trần Thùy Mai
Bài tiếp theoĐọc ngược – Truyện cười dân gian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây