Danh sách tổng hợp những tác phẩm văn học hay nhất cho tuổi học trò (truyện thiếu nhi hay nhất).
Mục lục
- 1. “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán
- 2. “Dế mèn phiêu lưu ký” của tác giả Tô Hoài
- 3. “Kính vạn hoa” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh
- 4. “Đất rừng phương Nam” của tác giả Đoàn Giỏi
- 5. “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần
- 6. “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng
- 7. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng
- 8. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
1. “Tuổi thơ dữ dội” của tác giả Phùng Quán
Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán
“Tuổi thơ dữ dội” là một tác phẩm truyện dài tám phần của nhà văn Phùng Quán. Truyện được khởi thảo bên bờ Hồ Tây năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986. Cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và sự hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Cuốn truyện miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh ở tuổi đời rất trẻ của hơn ba mươi thiếu niên, tập trung quanh các nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca và một loạt các nhân vật khác như: Tư dát, Bồng da rắn, Vịnh sưa,…
Cuốn truyện có hệ thống nhân vật khá giống “Những ngày khói lửa” và một vài truyện ngắn khác, khiến người đọc cảm giác là có nhiều tác phẩm khác nhau trong thời kỳ này cùng viết về một nhóm nhân vật có thật.
Năm 1988, cuốn tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được xuất bản và nhận Giải thưởng Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam hai năm sau đó và đã được dựng thành phim.
2. “Dế mèn phiêu lưu ký” của tác giả Tô Hoài
Dế mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài
Dế Mèn phiêu lưu ký là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu truyện có tên là “Con dế mèn” (chính là ba chương đầu của truyện) do nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Tô Hoài viết thêm truyện “Dế Mèn phiêu lưu ký” (là bảy chương cuối của truyện). Năm 1955, ông mới gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” như ngày nay.
Truyện đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kỳ 2 môn Ngữ Văn của Việt Nam. “Dế Mèn phiêu lưu ký” có thể tạm dịch là “ghi chép về cuộc đời trôi dạt của Dế Mèn”
3. “Kính vạn hoa” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh
Kính vạn hoa – Nguyễn Nhật Ánh
Kính vạn hoa là một bộ truyện dài nhiều tập của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Bộ truyện gồm 54 tập truyện mang tính hài hước kể về những chuyện vui buồn trong giới học trò, những trò nghịch ngợm, những trò chơi thú vị, những bài học cuộc sống sâu sắc và đầy ý nghĩa. Những nhân vật chính là Quý ròm, nhỏ Hạnh, Tiểu Long cùng các nhân vật khác. Mỗi tập là một câu chuyện khác nhau xung quanh ba cô cậu bé này. Những tập Kính vạn hoa có thể coi là những cuốn sách tâm lý của tuổi học trò.
4. “Đất rừng phương Nam” của tác giả Đoàn Giỏi
Đất rừng phương Nam – Đoàn Giỏi
Đất rừng phương nam là tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ.
Nơi đó, một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
“Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Bởi ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau.
Bối cảnh trong “Đất rừng phương Nam” là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài… Có thể nói truyện đã mang đến cho người đọc nhiều thú vị.
5. “Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ” của tác giả Nguyễn Ngọc Thuần
Vừa nhắm mắt, vừa mở cửa sổ – Nguyễn Ngọc Thuần
Truyện gồm những thiên truyện nhỏ kể theo ngôi thứ nhất của cậu bé 10 tuổi tên là Dũng về cuộc sống quanh cậu, từ những thứ nhỏ nhặt từ cái răng khểnh, ngón tay cho đến chuyện một người quen có con vì sinh non nên đã qua đời. Cuốn truyện gồm các chuyện giản dị về làng quê dưới con mắt trẻ con.
Cuốn sách đã giành được giải Vàng trong Giải A cuộc thi Vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi năm 2002 do Nhà xuất bản Trẻ và Hội Nhà văn TP. HCM tổ chức và được phát hành lần đầu năm 2004. Sách đã được tái bản nhiều lần. Tiếp đó, năm 2007, truyện được dịch qua tiếng Thuỵ Điển với tên Blunda och öppna ditt fönster và đến năm 2008 đã giành được giải Peter Pan của Thuỵ Điển cho mảng văn học thiếu nhi. Ngoài ra, sách cũng được chuyển ngữ sang tiếng Anh dưới tên Open the windows, eyes closed.
6. “Búp sen xanh” của tác giả Sơn Tùng
Búp sen xanh – Sơn Tùng
Búp sen xanh viết về thời thơ ấu và niên thiếu của Hồ Chí Minh trong độ dài khoảng 300 trang khổ sách thông thường, được nhà văn chia làm 3 chương: “Thời thơ ấu”, “Thời niên thiếu” và “Tuổi hai mươi”. Những biến thiên của lịch sử, của gia đình nội ngoại hai bên và quá trình định hình nhân cách, ra đi tìm đường giải phóng dân tộc của vĩ nhân Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành trong khoảng 20 năm, cuộc chia tay trên Bến Nhà Rồng ngày 5 tháng 6 năm 1911 giữa Út Huệ và Nguyễn Tất Thành, được tác giả kể lại bằng những trang văn xúc động.
Trong Búp sen xanh, tác giả cũng đưa người đọc về với làng quê xứ Nghệ những năm đầu thế kỷ 20, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Hồ Chí Minh, với những câu dân ca, bài vè, câu ví dặm. Theo bước chân của Hồ Chí Minh khi còn thơ ấu với tên gọi Nguyễn Sinh Cung , đến khi trở thành một người thanh niên với tên Nguyễn Tất Thành, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp-Việt Đông Ba, trường Quốc Học hay Bến Nhà Rồng, với tất cả những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói mỗi một vùng được thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
7. “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của tác giả Nguyễn Huy Tưởng
Lá cờ thêu sáu chữ vàng – Nguyễn Huy Tưởng
Mở đầu truyện là giấc mơ của Toản bắt sống được tên sứ ngông nghênh, ngạo mạn Sài Thung và kết thúc truyện là cảnh Toản cùng đại quân đánh bại Toa Đô trên sông. Viết về Trần Quốc Toản, cũng như viết về các nhân vật lịch sử khác, tư liệu lịc sử để lại rất ít ỏi. Ách đô hộ hà khắc mang tính hủy diệt nền văn hóa kéo dài suốt hai mươi năm của nhà Minh đã tạo nên những mất mát lớn, những khoảng trống lớn cho lịch sử nước ta.
Ngoài chuyện Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tức khí vì bị coi là trẻ con mà bóp nát quả cam, chuyện chàng ra trận với lá cờ thêu sáu chữ vàng thì chân dung Trần Quốc Toản được nhà văn dựng lên bằng trí tưởng tượng trong một cốt truyện phong phú và bằng hư cấu nghệ thuật đã không gợi cảm giác giả mà hướng đến tính chân thực, một sự thực có thể diễn ra như vậy. Lá cờ thêu sáu chữ vàng đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi trong kho tàng văn học Việt Nam hiện đại.
Nội dung cuốn sách không chỉ chú trọng đến nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, tác giả còn viết kĩ từng câu, chọn từng từ, nương nhẹ như những cánh hoa. Đồng thời rất từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn các em thiếu nhi đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử – đất nước – dân tộc và con người Việt Nam.
8. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – Nguyễn Nhật Ánh
Tác phẩm như một tập nhật ký xoay quanh cuộc sống của những đứa trẻ ở một vùng quê Việt Nam nghèo khó, nổi bật lên là thông điệp về tình anh em, tình làng nghĩa xóm và những tâm tư của tuổi mới lớn. Theo Nguyễn Nhật Ánh, đây là lần đầu tiên ông đưa vào truyện của mình những nhân vật phản diện, đặt ra vấn đề đạo đức như sự vô tâm hay cái ác.
Là một trong những quyển sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2010, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã được tái bản ngay trong ngày phát hành đầu tiên, với tổng số bản in lên đến hơn 20.000 bản. Đây cũng là cuốn sách mở đầu cho phương thức in nhiều dạng ấn bản trên một tác phẩm ở Việt Nam, với ấn bản bìa mềm và bìa cứng được bán ra song song.
Tổng hợp những truyện hay nhất dành cho thiếu nhi