Tóm tắt & Review truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920 tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại.
Sự nghiệp văn chương của ông không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn. Đề tài quen thuộc trong sáng tác của ông là làng quê vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, nhà văn này đã để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên về phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa và khó trộn lẫn, ít phôi pha theo thời gian. Không chỉ là một nhà văn dành cả đời tâm huyết với sự nghiệp văn chương, nhà văn Kim Lân còn được công chúng biết đến là một diễn viên xuất sắc trong vai Lão Hạc của phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bộ phim được xây dựng dựa theo tác phẩm của nhà văn Nam Cao.
2. Giới thiệu tác phẩm
Trong khung cảnh đen trắng ảm đạm của nạn đói năm Ất Dậu 1944 – 1945, “Vợ nhặt” hiện lên như vài nét chấm phá nhợt nhạt mà ấm áp, là hơi ấm của tình người, là khát khao được sống, là hy vọng về một tương lai tốt đẹp nơi lá cờ đỏ của Việt Minh bay phất phới… Tác phẩm là áng văn chương hiện thực mà hết sức nhân đạo của cây bút truyện ngắn vững vàng Kim Lân.
“Vợ nhặt” được thai nghén ngay sau Cách mạng tháng Tám bùng nổ nhưng dang dở và thất lạc bản thảo. Khi hòa bình lập lại năm 1954, Kim Lân dựa trên cốt truyện cũ để viết lại tác phẩm này, về sau in trong tập truyện ngắn “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962.
3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Vợ nhặt
“Vợ nhặt” của Kim Lân lấy bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945. Hiện thực bi thảm đó đã hắt bóng đen lên từng trang viết, ám ảnh từ đầu cho đến cuối tác phẩm. Mở đầu thiên truyện là bức tranh ảm đạm về xóm ngụ cư khi cái đói tràn vào “Những gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên, xanh xám như những bóng ma và nằm ngổn ngang khắp lều chợ, người chết như ngả rạ”. Không buổi sáng nào “người trong làng đi chợ đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.
Chỉ bằng vài ba chi tiết nhỏ, Kim Lân đã vẽ nên một không gian tràn đầy tử khí. Cái chết hiện hình thành màu sắc “xanh xám”, thành đường nét “còng queo”, thành “mùi ẩm thối”, “mùi gây của xác người” thật cụ thể. Dường như đó là cuộc sống của những con người đang mấp mé bên bờ vực của cái chết, “một cõi dương lởn vởn hơi hướng của cõi âm” (Đỗ Kim Hồi).
Trong cái đói khủng khiếp xảy ra tràn lan khắp nơi, người chết như ngả rạ, người sống vật vờ như những bóng ma, trước cửa nhà kho thóc liên đoàn (một tổ chức chuyên thu mua thóc cho Nhật hồi trước Cách mạng Tháng Tám 1945), hắn và thị gặp nhau.
Hắn – anh cu Tràng ế vợ, nghèo khổ, xấu xí, thô kệch lại có chút dở hơi, làm nghề kéo xe bò thuê và sống với mẹ già gọi là bà cụ Tứ.
Thị – cô gái không tên, không tuổi, không gia đình, không quê quán – một trong những người ngồi vêu trước cửa kho thóc, có lẽ là nhặt hạt rơi vãi, có lẽ là trông chờ một cơ hội việc làm mong manh nào đó.
Lần thứ nhất gặp nhau, Tràng hò một câu chơi cho đỡ nhọc, thị lon ton chạy lại đẩy xe cho hắn, với cái điệu bộ cong cớn, liếc mắt, cười tít, thị nom có vẻ vẫn còn sức sống lắm.
Lần thứ hai gặp nhau, thị sầm sập chạy tới, đứng trước mặt hắn mà sưng sỉa bảo hắn điêu. Lần này thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, gầy sọp hẳn đi. Than ôi! Cái đói, rách, nát hiện hữu trên khuôn mặt lưỡi cày của thị – xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Tràng mời thị ăn, thị ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc, rồi theo hắn về nhà.
Thế là kết duyên kết nợ với nhau.
Vợ nhặt hạt rơi vãi. Tràng nhặt vợ.
Một cuộc hôn nhân kỳ lạ, hiếm có, ngỡ như đùa mà có thể khiến người đọc đau lòng đến rấm rứt.
Cảnh mẹ chồng gặp nàng dâu mới thật vô cùng cảm động. Vượt qua phong tục tập quán ăn hỏi cưới xin, chẳng có dăm ba mâm, bà cụ Tứ thương người đàn bà xa lạ, thương con và thương mình, bà nhận nàng dâu mới: “Ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Tình thương của bà mênh mông, bà nghĩ “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được…”. Bà dịu dàng yêu thương gọi nàng dâu mới là “con”. Lòng đầy thương xót, bà nói với hai con: “Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá…”.
Qua đó, ta càng hiểu sâu hơn cái lẽ đời. Nhân dân lao động nghèo khổ đứng trước tai họa, họ đã dựa vào nhau, san sẻ tình thương, san sẻ vật chất cho nhau để vượt qua mọi thử thách, hướng tới ngày mai với niềm tin và hi vọng: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời…”.
Bữa cháo cám đón nàng dâu mới là một chi tiết mang giá trị nhân đạo tiêu biểu nhất trong truyện “Vợ nhặt”. Bà cụ Tứ gọi là “chè khoán… ngon đáo để”. Bà tự hào nói với hai con là “xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”. Trong bữa cháo cám, bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Cảnh gia đình mẹ con vô cùng “đầm ấm hòa hợp” hạnh phúc. Sau này, vợ chồng con cái Tràng có thể có những bữa cơm nhiều thịt cá ngon lành hơn, nhưng họ không bao giờ có thể quên được bữa cháo cám buổi sáng hôm ấy. Vị cháo cám “đắng chát” mà lại ngọt ngào chứa đựng bao tình thương của mẹ.
Kim Lân sống gần gũi người nhà quê, ông hiểu sâu sắc tâm lí, tình cảm của họ. Ông đã làm cho những thế hệ mai hậu biết cái đắng chát trong cuộc đời của ông cha, cảm nhận được cái hương đời, cái tình thương của lòng mẹ,… mà không một thứ cao lương mĩ vị nào có thể sánh bằng?
Hơi ấm tình người ở bà cụ Tứ dường như được nâng lên một tầm cao mới. Đó là sự đấu tranh nội tâm của một người mẹ nghèo thương con, vừa ai oán, vừa xót thương. Ai oán cho kiếp bần hàn cơ cực này. Xót thương cho con trai và cả con dâu. Người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc trong nhà ăn nên làm nổi. Còn mình thì, không biết chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?
Thương ôi!
Cũng chính bà lão sống cả một cuộc đời cực khổ dài dằng dặc ấy đã trao yêu thương và gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống, trong bữa cơm cháo nghèo vẫn mong mỏi sự tốt đẹp hơn ở tương lai.
4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Vợ nhặt
Tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải đã đúc kết một triết lý: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Và thật mừng khi ngòi bút của Kim Lân đã để cho các nhân vật của mình có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới cuộc đời. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn thấm thía ở sự thấu hiểu và đồng cảm với những số phận bất hạnh, thăng hoa ở sự ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn những con người có thể ngoại hình còn xấu xí, thô kệch, khổ đau.
Lật giở từng trang văn thấm đượm tinh thần nhân đạo ấy, người đọc đã có dịp được cùng khóc, cùng cười, cùng khổ đau, cùng vỡ òa trong hạnh phúc với các nhân vật. Một hồn văn đôn hậu, giản dị như Kim Lân, với tư tưởng và cách mở nút cho số phận nhân vật đã có sự sáng tạo và tiến bộ khi đem đến một cái kết đầy hứa hẹn, đầy tươi sáng cho các nhân vật, gửi gắm trong hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Những phận đời lay lắt như Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ cuối cùng cũng tìm được ánh sáng của tình người, của hy vọng. Giá trị nhân đạo của tác phẩm văn chương vẫn luôn chinh phục người đọc theo cách cảm động và thấm thía như thế.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân