Tóm tắt & Review truyện ngắn Hai Đứa Trẻ – Thạch Lam

0
669

Tóm tắt & Review truyện ngắn Hai Đứa TrẻThạch Lam

1. Giới thiệu tác giả

Thạch Lam (1910-1942) tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh sau đổi thành Nguyễn Tường Lân; quê ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn chương. Từ khi còn bé, ông theo mẹ và chị đến sống tại phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương. Có lẽ chính vì sớm tiếp xúc và gần gũi với những người dân phố huyện, tầng lớp bình dân mà ông đã thấu hiểu và thấm thía sâu sắc nỗi lòng của họ. Những hình ảnh người dân vất vả tần tảo, cuộc sống nghèo nàn đã được Thạch Lam khắc họa một cách sống động. Tuy mất sớm, số lượng tác phẩm ông đã để lại cho kho tàng văn học dân tộc không nhiều nhưng nó đã ghi dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng người đọc.

2. Giới thiệu tác phẩm

Truyện ngắn “Hai Đứa Trẻ” là một trong những truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu nhất của nhà văn Thạch Lam. Ông sáng tác truyện ngắn này nhằm thể hiện khát vọng về một cuộc sống tươi sáng và người dân không phải chịu cuộc sống khổ cực, lầm than, vất vả.

Tác phẩm truyện ngắn “Hai Đứa Trẻ” được rút trong tập “Nắng trong vườn” (1938), tác phẩm nói lên lòng thương xót đối với những kỉ niệm, những ước mơ bình dị và cảm động của những em bé nơi phố huyện nghèo ngày xưa. Đây là một truyện ngắn hay, hấp dẫn người đọc bằng chính vẻ đẹp của cuộc sống bình thường nơi phố huyện nghèo, được khám phá ra bằng chính ngòi bút và giọng văn nhỏ nhẹ của tác giả.

3. Tóm tắt nội dung truyện ngắn Hai Đứa Trẻ

Hai Đứa Trẻ là câu chuyện về hai chị em Liên và An.

Liên là cô bé mới tám tuổi, cái tuổi mà theo như người xưa nói “biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Nói đúng hơn là tuổi vô lo. Nhưng mọi điều đều ngược lại. Dưới ngòi bút của Thạch Lam, Liên hiện lên với hình ảnh một cô bé như già đi trước tuổi. Tuổi thơ chìm trong nỗi buồn của sự tàn tạ, héo úa của một cuộc sống đầy bóng tối, bế tắc không lối thoát. Đối với tâm hồn thơ bé ấy, đoàn tàu đêm từ Hà Nội chạy qua phố huyện chính là niềm an ủi cuối cùng cho một niềm đau.

Thầy Liên mất việc đặt dấu chấm hết cho những ngày tháng ở Hà Nội. Con phố nhỏ Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương nơi đón chị em Liên về là một nơi đói nghèo trong rơm rạ với những kiếp người bé nhỏ, lay lắt.

Câu chuyện mở đầu bằng những câu văn êm dịu, với những âm thanh và hình ảnh báo hiệu một ngày tàn: “Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ; từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.

Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ra ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào”. Đây là một trong nhiều bằng chứng ở tác phẩm này cho thấy: “Văn của Thạch Lam thường hiếm khi thừa lời, thừa chữ, không uốn éo làm duyên một cách cầu kì kiểu cách, nhưng vừa giàu hình ảnh và nhạc điệu, lại vừa uyển chuyển, tinh tế” (Vũ Ngọc Phan). Nó không những cho người đọc nhìn thấy cảnh vật mà điều quan trọng hơn là khơi gợi ở họ tình cảm, xúc cảm đối với cảnh vật. Hơn nữa, cảnh vật lại phần nhiều đều rất gần gũi, bình dị và mang cốt cách Việt Nam.

Bên cạnh cảnh ngày tàn, chợ tàn là những kiếp người tàn tạ. Chị Tí ban ngày mò cua, bắt tép, tối đến dọn hàng nước chè tươi, thắp một ngọn đèn dầu leo lét. Hàng vắng khách, tuy chiều nào chị cũng dọn từ chập tối cho đến đêm, nhưng “chả kiếm được bao nhiêu”. Bác Xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau để trước mặt, “góp chuyện bằng mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng”.

Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong các bên đường”. Bà cụ Thi hơi điên lại nghiện rượu, có tiếng cười khanh khách, ghê sợ, sau khi uống một hơi cạn cút rượu ti, “cụ đi lần vào bóng tối”. Chị em Liên phải thức để trông “một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc”. Hàng “bán chẳng ăn thua gì”, Liên thương mấy đứa trẻ nghèo, nhưng “không có tiền để mà cho chúng nó”.

Khi trời tối hẳn, cả phố huyện dường như chỉ thu vào ngọn đèn của chị Tí. Ngoài ngọn đèn này ra, “thứ bóng tối nhẫn nại uất ức đời thôn quê” (Thế Lữ) làm chủ tất cả. Không phải ngẫu nhiên trong tác phẩm, nhà văn nhắc đi, nhắc lại chi tiết ngọn đèn chị Tí tới 7 lần. Kết thúc truyện, hình ảnh gây ấn tượng, day dứt cuối cùng, đi vào giấc ngủ của Liên cũng vẫn là “chiếc đèn con của chị Tí chiếu sáng một vùng đất nhỏ”.

Trong cảm nhận của Liên, bóng tối thật ghê gớm “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối là hiện thân của sự tù túng ngột ngạt, bế tắc không lối thoát. Đó là bóng tối của sự đói nghèo, lam lũ, là hình ảnh của đất nước ta năm 1945 đầy nước mắt.

Điều gì khiến chị em Liên quên đi được thực tại này? May ra chỉ có vũ trụ là cơ hội cuối cùng để ru hai chị em vào những miền cổ tích. Cảnh hai chị em ngẩng mạt lên trời tìm con vịt theo sao ông thần nông cho thấy: tâm hồn hai đứa trẻ thật hồn nhiên, vô tư trong sáng và rất đỗi trẻ con. Nhưng buồn thay, bầu trời đầy sao kia cũng không thể nào cứu vớt được hai sinh linh bé nhỏ, tội nghiệp ấy. Để rồi cuối cùng chính chúng lại quay về với quang cảnh phố huyện mà đặc biệt là ngọn đèn của chị Tí. Và cứ thế trong đêm tối những con người tội nghiệp ấy ngồi chờ đợi một điều gì đó cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.

Và đoàn tàu từ Hà Nội về đã thực sự là ước mơ và khát vọng của người dân nơi phố huyện. Tất cả thao thức, đợi chờ như thể chờ đợi một phép màu sẽ đến. Tất cả mọi người vẫn thức đến tận đêm khuya để chờ tàu đi qua cuộc đời họ trong thoáng chốc. Phải chăng là để mong bán được ít hàng, còn chị em Liên thì không hi vọng gì nữa bởi đêm khuya rồi có mua cũng chỉ là bao diêm hay gói thuốc. Nhưng theo như Thạch Lam nhận xét: “Chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ.

Chuyến tàu về đêm là giấc mộng đẹp huy hoàng của người dân huyện nghèo. Mọi người chờ tàu trong tâm trạng háo hức, mong mỏi. An đã nằm xuống ngủ nhưng vẫn cố nhắc chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”, Liên buồn ngủ ríu cả mắt vẫn cố thức chờ cho bằng được để ngắm nhìn chuyến tàu qua. Tàu đến mang theo thứ âm thanh nhộn nhịp của tiếng còi rít, tiếng tàu rầm rộ đi tới, tiếng nói chuyện của những hành khách phá tan không gian tĩnh mịch, buồn thảm nơi đây. Tàu đến mang theo thứ ánh sáng của thế giới thần tiên xa lạ khác hẳn với ánh đèn leo lét của những kiếp người tàn, đó là “Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”, “Các toa đèn sáng trưng chiếu ánh cả xuống đường”, ánh sáng của đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng đã xóa tan đi đêm tối mịt mù, lóe lên cho họ niềm tin, hy vọng về tương lai ngày mai tươi sáng hơn. Dù cho chỉ thoáng chốc vụt qua nhưng chuyến tàu đêm vô cùng có ý nghĩa với chị em Liên. Dường như đối với chúng đó là niềm say mê vì không những nó đi qua sự phẳng lặng, tẻ nhạt của cuộc sống phố huyện mà còn đưa Liên trở về quá khứ xa xưa khi cha cô chưa bị mất việc cả nhà vẫn còn sống ở Hà Nội huyên náo, nhộn nhịp khi ấy hai đứa trẻ đang được sống và vui chơi trong những tháng ngày tươi đẹp.

4. Cảm nhận và đánh giá truyện ngắn Hai Đứa Trẻ

Trong Hai Đứa Trẻ, Thạch Lam không dùng ánh mắt của nhân vật để soi chiếu vào những góc khuất của hiện thực xã hội hay những góc tối của tâm hồn con người như một số cây bút hiện thực cùng thời. Ông mượn ánh mắt của Liên để nhìn cuộc sống bên ngoài một cách bình dị, chân thực nhất, để thấy cái tinh tế, vi diệu của tâm trạng, cảm xúc con người. Đọc Hai Đứa Trẻ, người đọc nhận ra có hai ánh mắt song hành với nhau, luôn cùng nhìn cuộc sống và con người với tất cả chân cảm, sự quý mến và trang trọng. Và có lẽ, căn nguyên sâu xa khiến độc giả thấy bận bịu vô hạn khi đọc tác phẩm Thạch Lam không gì khác chính là cái ánh mắt đã soi chiếu một tâm hồn như thế.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Hai đứa trẻ

Tóm tắt & Review truyện ngắn Hai Đứa Trẻ – Thạch Lam

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây