Tóm tắt & Review truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận – Nguyễn Ngọc Tư
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau. Là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.
Âm thầm đến với văn chương và bừng sáng khi được nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành tâm điểm của sự hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại. Chị đã tiếp tục có những cú nhảy ngoạn mục trên chặng đường văn cùng những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận của chị gây được tiếng vang lớn, nhận được nhiều giải thưởng cũng như chuyển thể thành kịch, phim điện ảnh.
2. Giới thiệu tác phẩm
Nếu nói đến những câu chuyện người đi kẻ ở buồn đến nao lòng như thế, thật là thiếu sót nếu chúng ta bỏ qua tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư. Tập truyện ngắn của nhà văn trẻ đã mang tới “những câu chuyện hoàn toàn mới mẻ, với sự trầm tư mang nặng chiều sâu hiện thực xã hội, làm chấn động trái tim người đọc… Những áng văn lôi cuốn, dạt dào cảm xúc.”
“Cánh Đồng Bất Tận” đã giành được giải thưởng danh giá của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2007, giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008, và từng là chủ đề bàn luận sôi nổi, xôn xao, nhận được nhiều luồng dư luận khen chê trên các phương tiện truyền thông, các diễn đàn văn học trong nước và quốc tế.
3. Tóm tắt nội dung sách Cánh Đồng Bất Tận
Cánh Đồng Bất Tận là tuyển tập các truyện ngắn kể về cuộc đời của những người dân Nam Bộ, thường là những con người ngày đêm lênh đênh với sông nước. Ẩn sau những câu truyện về cuộc sống đời thường của họ, tác giả đan vào đó những khúc quanh, những ngã rẽ cuộc đời khi có một người lặng lẽ rời đi.
Mở đầu tập truyện là Cải ơi với người cha già cố tình đi ăn trộm trâu của người ta để được lên TV tìm đứa con gái thất lạc. Là Thương quá rau răm với cô thiếu nữ mòn mỏi trông mong chàng trai đã bỏ cù lao về tuột miền thành phố xa xôi. Là anh Hết nghèo khó, phải nhìn người yêu đi lấy chồng mà lòng câm nín nhưng cũng đặng vì gia cảnh quá nghèo.
“Tranh thủ chưa làm lễ, chị Hoài rủ chị Hảo mang cả áo xống chạy ra, nhìn anh như nhìn lần chót, như lấy chồng là chết vậy. Anh Hết dứt khoát không ngước lên. Thôi, không nắm níu gì được nữa rồi, nghe người ta kiếm cô dâu, hai chị quay vào. Đi một đoạn, nghe đám con nít rộ lên, anh Hết, sao mà khóc vậy. Đâu có. Có mà, đó thấy chưa. Hết cười lớn, nói lớn, “Ừ, tại tao thương con chốt. Qua sông là không mong về”…
Chị Hoài vừa đi vừa khóc. Lời của anh Hết làm chị Hảo thương điếng trong lòng. Con người nầy, nghĩa biết trọng mà tình cũng thâm. Rồi cứ như ai mắc nợ ai từ kiếp trước, người ta đi rồi mà lòng đau nhói, đau đến lặng người nhưng cứ trông mãi không thôi.
Nhắc đến Cánh Đồng Bất Tận thì không thể bỏ qua truyện ngắn cùng tên, một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Ngọc Tư đã được dựng thành phim và để lại bao ám ảnh trong lòng người theo dõi.
Út Vũ vốn là một chàng thợ mộc hiền lành. Một ngày nọ anh gặp một cô gái có “nụ cười lấp lánh cả khúc sông” rồi phải lòng cô. Cả hai nên duyên vợ chồng, sống trong căn nhà mái lá cạnh con sông Dài và có với nhau hai mặt con là Nương, Điền.
Dường như, cuộc sống bấp bênh trong mái lều tranh, khi người ta phải vật vã với cái đói, cái nghèo không khiến cho cô vợ xinh đẹp của Út Vũ hạnh phúc. Bị chính những đứa con của mình bắt gặp khi đang ái ân với người đàn ông khác, cô lặng lẽ bỏ đi để lại sự căm hận và uất ức trong lòng ông Vũ. Ông đốt nhà, dắt hai đứa con đi chăn vịt trên chiếc thuyền nhỏ từ cánh đồng này tới cánh đồng khác. Nương lớn lên càng lớn càng giống mẹ, thế là bao nhiêu oán hận ông đều đổ hết lên đầu hai đứa con và những người phụ nữ yêu ông.
Một lần tình cờ, hai chị em Nương và Điền giải cứu cho cô gái điếm tên Sương khỏi bị đánh ghen, tra tấn từ những người trong xóm. Sự xuất hiện của cô như hơi ấm len vào giữa cuộc đời lạnh lẽo, thiếu tình thương của hai chị em. Sương hi sinh nhiều thứ vì cái gia đình nhỏ bé ấy để chứng tỏ tình yêu của mình với Út Vũ, nhưng ông thì khinh rẻ cái thân phận làm đĩ của cô gái trẻ. Tuyệt vọng, Sương bỏ đi. Điền chạy theo tìm Sương để rồi mãi mãi không quay về nữa.
Hai cha con Sương lại tiếp tục lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ. Lúc này, dường như ông Út Vũ đã nguôi ngoai, tình thương của ông đã quay về với đứa con gái nhỏ. Tưởng như hạnh phúc đã đong đầy thì một biến cố bất ngờ xảy ra: Nương bị hãm hiếp trước sự chứng kiến đầy bất lực của ông Út Vũ. Hai tiếng “Điền ơi” như trong tiềm thức gọi đứa em khiến ông đau đến sững sờ. Hành động đắp chiếc áo của mình lên đứa con gái giữa cánh đồng hoang vắng, sâu thẳm như thay một lời yêu thương, xót xa, đau khổ… của người cha đối với chính con ruột của mình mà bấy lâu nay ông đã không bận tâm đến.
“Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ thứ gì có thể che cơ thể nó dưới ánh mặt trời. Dường như đứa con gái đang chết, chỉ đôi mắt là rung rức chớp mở không thôi.
Mắt Nương nhìn lên bầu trời xanh thẩm, dù cố nghĩ về hình ảnh thỏa mãn nhục dục của bà mẹ, cô vẫn cảm thấy những cơn đau xé người, đau tới tận chân tóc trong lúc bị hãm hiếp. Ngay trong lúc đó cô vẫn cố nghĩ về sai lầm của mình, sao không giả đò tươi cười với má, xem như không có chuyện gì xẩy ra giữa má và người bán vải dạo. Nếu cô biết nghĩ như vậy thì có thể bây giờ, mỗi buổi chiều có thể cùng má ra sông, hỏi nhau rằng không biết chừng nào thì cha về. Mặc dù bị hãm hiếp, cô gái sợ mình có thai, nhưng trong lòng lúc nào cũng nghĩ đến ngày mai, nghĩ đến đứa con nếu có cho dù không có bố, sẽ không bao giờ mang tên là thằng Thù, thằng Hận, mà tên của đứa bé sẽ là Thương, Nhớ, Dịu, Xuyến, Hường…
Trong Cánh đồng bất tận, “Nguyễn Ngọc Tư đã đặt ra vấn đề về cách cứu vớt, về hậu quả của việc lấy cái ác để trả ác. Tác phẩm đưa ra thông điệp, trước lỗi lầm, người ta chỉ có thể cứu vớt được bằng sự khoan dung, tha thứ, lấy ân trả oán… Như vậy, từ câu chuyện về gia đình và cách ứng xử của con người, Nguyễn Ngọc Tư miêu tả thật chân thực sự đau đớn, vật vã của kiếp người bằng tất cả tình yêu thương con người. Dòng chảy của chủ nghĩa nhân văn này đã đem lại một sức cuốn hút sâu sắc đến bạn đọc mọi tầng lớp.” (Hữu Thỉnh). Có lẽ vì lí do đó mà cuốn sách mới có sức hút dù đã phát hành suốt cả một thời gian như vậy.
4. Đánh giá truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận
Cánh Đồng Bất Tận không chỉ là câu chuyện về những mảnh đời trôi dạt trên những dòng sông ở miền nam tổ quốc, ở đó còn có những câu chuyện trần trụi về những kiếp người. Bằng giọng văn chân thật, đặc sệt phong vị miền Tây Nam Bộ, thủ pháp tái điệp thời gian, thời gian nghệ thuật, miêu tả nội tâm nhân vật… qua cái nhìn phân tâm học đã phản ánh sự khao khát, mong mỏi lẫn sự bẽ bàng, tha hóa của các nhân vật mà dường như họ đang đại diện cho chính mỗi người chúng ta. Từ đó thể hiện nỗi niềm của tác giả về cuộc hành trình bất tận của mỗi cá nhân, rằng dù mỗi người chúng ta có đi đến đâu thì hãy gìn giữ, chắt chiu và bảo vệ những giá trị phần Người.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận – Nguyễn Ngọc Tư