Trang chủ Văn học Tóm tắt & Review truyện dài Bồ Câu Không Đưa Thư –...

Tóm tắt & Review truyện dài Bồ Câu Không Đưa Thư – Nguyễn Nhật Ánh

0

Tóm tắt & Review truyện dài Bồ Câu Không Đưa Thư – Nguyễn Nhật Ánh

1. Giới thiệu tác giả

Trước khi trở thành một nhà văn nổi tiếng, Nguyễn Nhật Ánh từng có thời gian đi dạy học, viết báo, có lẽ vì thế mà tình cảm của ông ngày một trở nên sâu sắc hơn với lứa tuổi học trò ngây thơ và hồn nhiên này. Từ năm 1984, tác phẩm truyện dài đầu tiên Trước vòng chung kết đã ghi dấu tên tuổi của ông trong lòng độc giả và ông quyết định tập trung viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên.

Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: Truyện dài Chú bé rắc rối được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990, nhà văn yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc của Thành đoàn TP HCM và BáoTuổi trẻ.

Có thể nói, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từ đó luôn được coi là một hiện tượng văn học độc đáo và đặc biệt chưa từng có trước đây trong nền văn chương Việt Nam với số lượng sách in lần đầu tiên đến cả trăm ngàn cuốn.

2. Giới thiệu tác phẩm

Bồ Câu Không Đưa Thư là một trong những câu chuyện viết xoay quanh ba nhân vật nữ sinh Xuyến, Thục và Cúc Hương. Những câu chuyện về tuổi học trò của Nguyễn Nhật Ánh lúc nào cũng mang đến cho người đọc những cảm xúc vui tươi, hồn nhiên, trong sáng. Trong truyện này, ta lại bắt gặp những tình cảm nam nữ ở tuổi mới lớn, ngây ngô, vụng dại, sến mà lại rất đáng yêu. Kết thúc đượm buồn, đóng cuốn sách lại mà thấy lòng nhiều trăn trở, mỗi nhân vật một số phận nhưng tóm lại vẫn là một tác phẩm hay của Nguyễn Nhật Ánh.

3. Tóm tắt nội dung truyện Bồ Câu Không Đưa Thư

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư làm quen để trong học bàn của Thục, bức thư ấy chỉ vỏn vẹn có mấy dòng, nhưng lại khiến cho Thục phân vân lật tới lật lui, khiến cho cô nghĩ ngợi hoài. Thế nhưng cuối cùng, bức thư và sự thẫn thờ suy nghĩ của Thục cũng không thể thoát được ánh mắt của Cúc Hương. Vì bị Cúc Hương phát hiện, nên bức thư làm quen đã được cả Thục, Xuyến, Cúc Hương cùng nghĩ mưu tính kế để “giải quyết”. Bức thư đó là của bạn có tên Phong Khê gửi cho Thục, và nghĩ rằng Phong Khê là một em lớp dưới dám bày trò viết thư làm quen nên ba cô nàng đã trả lời thư khá “ghê gớm”.

Gửi bé Phong Khê,

Chị ngạc nhiên vô cùng khi nhận được thư bé. Có lẽ bé quáng gà hay sao, chứ lớp chị đâu có tổ chức “Câu lạc bộ làm quen” hay “Tìm bạn bốn phương” mà bé biên thư đòi “kết bạn tâm tình”! Hơn nữa, bé trẻ người non dạ, tuổi còn nhỏ nên chú tâm học hành, chớ đua đòi vớ vẩn kẻo trèo cao té nặng…

Sáng hôm sau, đúng như sự dự đoán của Xuyến thì mọi chuyện chẳng có gì xảy ra, tức là anh chàng Phong Khê đó không trả lời thư để vào ngăn bàn của Thục. Thế nhưng đến chiều Thục nhận được thư kèm theo một trái ổi. Và mọi thứ về anh chàng Phong Khê dần được hé lộ:

Bạn thân mến,

Mình thật lòng muốn làm quen với bạn chứ không có ý trêu bạn như bạn nghĩ đâu! Mình cũng không phải là “bé”. So về tuổi tác, có lẽ mình lớn hơn bạn một hai tuổi..

Và cứ thế sau đó, trong những câu chuyện của Thục, Xuyến, Cúc Hương đều có cái tên Phong Khê. Đến nỗi trái ổi mà Phong Khê gửi kèm bức thư cả ba chẳng biết “phân chia” như nào lại nhờ đến lớp trưởng Hoàng Hòa – người mà thầm thích Thục để giải quyết. Cuối cùng Hoàng Hòa cũng chẳng thể giải quyết ổn thỏa theo ý của ba cô nàng, và ba cô nàng tiếp tục lựa chọn cách trả lời thư của Phong Khê và bắt anh chàng cống nạp thêm ổi để chia cho công bằng.

Phong Khê có đáp ứng nhu cầu của Thục, Xuyến, Cúc Hương, nhưng những bức thư tiếp theo này lại được viết bằng thơ:

Cái từ “bạn” rất dễ thương

Cảm ơn Xuyến, Thục, Cúc Hương rất nhiều

Ba trái ổi có bao nhiêu

Chỉ mong các bạn buổi chiều… no nê!

Phong Khê là một anh chàng thi sĩ lãng mạn, một người nhẹ nhàng và rất đỗi dịu dàng. Mặc cho lời lẽ của bọn Xuyến, Cúc Hương có phần đanh thép, gây tổn thương nhưng anh vẫn kiên nhẫn hồi âm, hơn nữa lại còn tặng kèm những món quà rất hấp dẫn. Những lá thư tay của Phong Khê dù đơn giản, không mùi mẫn như bức thư tình của Marilyn Monroe gửi cho Joe Dimaggio nhưng mang đến những làn gió nhẹ mang tên sự dịu dàng, một thứ tình cảm ấm áp, chân thành và thiêng liêng nhất của một cậu con trai mới lớn. Những câu hỏi han, quan tâm từ những việc nhỏ nhất, hay sự chỉn chu trong từng vần thơ đã tố cáo tình cảm âm thầm mà đậm sâu của người học trò nhút nhát và giàu tình cảm này.

Câu chuyện nào thì cũng phải có hồi kết, chuyện tình của Phong Khê và Thục cũng vậy. Cả việc Phong Khê cuối cùng cũng phải lộ diện cũng vậy. Sau bao lần tìm kiếm manh mối, rình mò, thậm chí là truy đuổi với những suy đoán tự cho là vô cùng thông minh và sắc sảo của Xuyến và Cúc Hương, bức tranh chân dung anh chàng Phong Khê dần dần được hoàn thiện dựa vào những mảnh ghép của ba vị nữ thám tử nghiệp dư này. Nhưng đáng tiếc những mảnh ghép họ miệt mài kiếm tìm được lại thuộc về bức tranh một nhân vật hoàn toàn khác. Trong những chương cuối, Nguyễn Nhật Ánh thật biết trêu đùa với tình huống khi để ba cô gái hiểu lầm Hoàng Hòa – chàng lớp trưởng hào hoa, đẹp trai, nho nhã lại đang để ý Thục, chính là Phong Khê. Và rồi kéo theo đó là những tình huống khốn khổ cho anh chàng khốn khổ này.

Sau khi nói lời tạm biện với nhân vật Phong Khê, Cúc Hương lại gán ghép Thục và… Phán củi. Thế nhưng Phán củi chẳng còn đi học cùng các bạn nữa, anh chàng phải về quê, để lo cho mẹ vì ba đã mất. Và vì vậy, Phán củi chẳng được thi tốt nghiệp, cũng chẳng được thi đại học, anh về quê kiếm một cái nghề nào đó…

Lòng se lại, Thục ngước nhìn anh, ngậm ngùi hỏi:

– Bạn không ở lại thêm vài ngày được sao? Ngày mốt lớp mình liên hoan rồi!

Phán ngạc nhiên khi thấy mắt Thục đỏ hoe. Một nỗi xúc động dạt dào dâng lên trong lòng khiến Phán mừng mừng tủi tủi. Anh rất muốn nói với Thục là anh thèm ở lại xiết bao. Anh thèm được chúi đầu vào bài vở ôn thi như các bạn. Anh thèm được đặt chân lên giảng đường đại học, dẫu chỉ một lần thôi. Anh cũng rất muốn nói với Thục là anh luôn ao ước được ở bên cạnh Thục để ngày nào cũng được nhìn thấy Thục. Chỉ được nhìn thấy Thục thôi, đối với anh đã là một niềm vui sướng lớn lao rồi. Và nếu Thục muốn, nếu Xuyến và Cúc Hương không trêu chọc, anh sẽ làm thơ tặng Thục, ngàn vạn bài, ức triệu bài,bao nhiêu cũng được…

Ở chương cuối, anh chàng Phong Khê thật dù vẫn chưa chịu trực tiếp giải thích tất cả mọi chuyện, nhưng cũng đã  nhờ một lá thư (lại là một lá thư! ) gửi đến những người bạn của mình giải thích mọi chuyện. Hóa ra anh chàng Phong Khê lãng mạn kia chính là nhà thơ Phán củi, bạn đồng hành của ba cô gái, người đã giúp đỡ họ làm những bài thơ hồi âm lại Phong Khê, hay thực chất là hồi âm lại chính mình. Phán cũng đã bên bộ ba trong ngày họ hẹn gặp trực tiếp người giấu mặt kia. Quả thật là một tình huống oái oăm không tả nổi, ba cô gái đâu ngờ được rằng người mình vẫn coi là “ đồng minh” bên mình lại chính là “kẻ địch” duy nhất của họ, người mà họ đau đầu nghĩ tới nghĩ lui.

“Ngày mai, khi bước ra khỏi màu hè rực rỡ và hiu quạnh đang đợi chờ, Thục sẽ vĩnh viễn bỏ lại sau lưng quãng đời học trò áo trắng. Và trên chặng đường thênh thang sắp tới, mãi sẽ trống vắn một bóng người lặng thầm đi bên cạnh Thục. Phong Khê phải về bên mẹ già khuya sớm trông nom, thay mộng ước sinh viên bằng những ngày lam lũ. Chỉ còn Xuyến, Thục, Cúc Hương và những người bạn may mắn hơn đi tiếp quãng đường dài.”

4. Đánh giá truyện dài Bồ Câu Không Đưa Thư

Có lẽ, chỉ những ai vừa đọc vừa ngẫm mới thấu được những tâm tư mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh gửi gắm trong từng trang chữ. Đó không chỉ là hoài niệm mà còn là những lời nhắn nhủ giản dị, chân thật nhất dành tặng đến bạn đọc. Cảm giác bồi hồi, xao xuyến vẫn còn đọng lại trên từng mặt chữ, phảng phất đâu đây kí ức tuổi học trò thơ ngây.

Đừng bao giờ hối hận về những gì mà chúng ta đã làm, hãy hãnh diện vì ta đã bản lĩnh để thực hiện nó. Cũng giống như người giấu mặt trong câu chuyện, dám ẩn mình và cũng dám tự bước ra ánh sáng!

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bồ câu không đưa thư

Tóm tắt & Review truyện dài Bồ Câu Không Đưa Thư – Nguyễn Nhật Ánh

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 3.7]
Cảm nghĩ của bạn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

error: Content is protected !!!
Exit mobile version