Tóm tắt & Review truyện Bong bóng lên trời – Nguyễn Nhật Ánh
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên viết truyện về thiếu nhi. Ông sở hữu một ngòi bút tài năng cùng một trái tim rất đỗi “trẻ con”. Mỗi tác phẩm được ông sáng tác nên đều phảng phất sự thơ mộng, hồn nhiên mà ta khó lòng tìm được ở những trang sách ngày nay. Với nhà văn này, sách là để khơi gợi lại “ đứa trẻ” bên trong mỗi con người- điều mà ta dễ dàng đánh mất trong thời hiện đại này.
“Hạnh phúc lớn nhất của nhà văn viết cho trẻ thơ là được tắm hai lần trên một dòng sông tuổi thơ – điều mà những người khác không làm được”
2. Giới thiệu tác phẩm
“Bong bóng lên trời” là cuốn sách được tác giả gửi gắm nhiều tâm tư qua nhiều nhân vật khác nhau. Với tài năng cùng tình cảm của mình, nhà văn sẽ giúp bạn đọc có những phút giây thư giãn, yên tĩnh trong tiềm thức, thấy yêu đời lạc quan và quý trọng mọi thứ ở hiện tại nhiều hơn.
3. Tóm tắt nội dung truyện Bong bóng lên trời
“Bong bóng lên trời” là một câu chuyện siêu dễ thương nói về tình bạn của hai nhân vật chính: Thường và Tài Khôn (Là). Hai bạn trẻ ấy đều có một hoàn cảnh cơ cực, khó khăn. Ba Thường mất trong một lần tranh chấp với bọn cướp, cả nhà anh rơi vào cảnh nghèo túng tình thương và vật chất. Từ một chàng trai sống trong tình thương yêu, bảo bọc của cha mẹ, giờ đây anh phải sống trong căn nhà thiếu cha. Những cơn ho hung hắng của mẹ mỗi đêm đã thúc giục Thường phải làm gì đó để giúp mẹ.
Anh đã lén lút chấm bài giúp mẹ hằng đêm để bà có một chút thời gian rảnh vào buổi sáng. Bị phát hiện sau một lần thú nhận, anh lang thang ngoài đường để tìm việc làm và gặp được chú Kiến – bạn của ba. Nhờ chú, anh trở thành một người bán kẹo kéo ở một ngôi trường tiểu học. Về Tài Khôn, cô mồ côi ba mẹ từ bé, sống với hai anh trai. Cả ba người đều bán bong bóng, dùng số tiền ít ỏi ấy để trang trải cuộc sống. Có lẽ bởi sự giống nhau ấy mà hai người lạ gặp nhau trước cổng trường Phương Nam lại dễ dàng làm quen với nhau như vậy.
Sau vài lần cùng bán hàng rong trước cảnh cổng cấp một này, họ dần dần hiểu nhau và càng thân thiết hơn. Họ cùng nhau vui đùa, lo lắng cho nhau, hiểu đối phương và trở thành những người bạn thân thiết. Thường và Tài Khôn luôn giúp đỡ nhau theo những cách riêng của mình. Dù chênh lệch về độ tuổi, thế nhưng họ lại rất hợp nhau. Đôi bạn ấy đã cùng nhau thả bong bong lên trời, thả những điều ước của mình bay cao, cao mãi…
Không chỉ về tình bạn, câu chuyện ấy còn lồng ghép thật nhiều ý nghĩa khác. Đó là tình cảm gia đình, là tình mẹ bao la thể hiện qua nhân vật bà Tuệ. Người chồng mất, đôi vai gầy ấy bỗng phải chồng thêm gánh nặng. Từ dạy một buổi, nay bà phải dạy ba buổi để có tiền lo cho các con của mình. Những cơn ho ngày càng nặng thêm, nhưng bà vẫn cảm thấy có lỗi với các con vì đã không dành thời gian bên chúng. Mỗi đêm bà đều tự nhủ với lòng sẽ dành thời gian cho con nhiều hơn khi cuộc sống dư dả hơn. Đọc “Bong bóng lên trời”, bạn sẽ được hiểu hơn về người mẹ của mình, từ đó biết yêu thương mẹ nhiều hơn, trưởng thành hơn và giúp đỡ gia đình nhiều hơn.
Đó là sự hiếu thảo của Thường – người con trai lớn trong gia đình. Bố mất, anh luôn cố gắng giúp đỡ mẹ bằng nhiều cách. Bỏ qua sự tự ti, tự trọng, anh đồng ý đi bán kẹo kéo để giúp mẹ một phần nào. Là sự hiếu thảo của Nhi – cô em gái của Thường. Dù còn nhỏ tuổi nhưng Nhi đã hiểu được nỗi vất vả của mẹ, không dám đua đòi, vòi vĩnh như đám bạn cùng trang lứa, không dám ăn vặt để dành dụm tiền đóng phí học – một điều đáng học hỏi ở cô bé nhỏ tuổi này.
Bên cạnh đó, bác Nguyễn Nhật Ánh cũng khéo léo thể hiện sự lạc quan đáng quý của Tài Khôn. Mất cha mẹ lúc còn nhỏ xíu, có một hoàn cảnh sống bất hạnh nhưng cô vẫn luôn cười đùa vui vẻ. Sự đáng yêu ấy thể hiện qua cách cô bán bong bóng. Thay vì chở theo một bình ga nặng ì cùng với những chiếc bóng nhăn nhúm, xép lép, cô bé lại thổi trước ở nhà để khi đem theo, cô được đạp xe dưới một chùm bóng sặc sỡ như đạp dưới đám mây ngũ sắc tuyệt đẹp, độc đáo. Nhờ sự lạc quan ấy, cô bé đã giúp Thường vượt qua sự mặc cảm, lòng tự tôn của mình để cảm thấy tự tin về bản thân.
Không những thế, những con người nghèo ấy cũng luôn coi trọng nhân phẩm. Bà Tuệ khi nhận thấy uy tín của mình mất đã có ý định dừng việc dạy học để không tiếp tục đánh mất lòng tin của học trò. Hay như Thường, anh luôn coi trọng lòng tự tôn của mình, không muốn bị người khác cười đùa, trêu chọc mình chỉ vì làm nghề bán kẹo kéo. Tài Khôn – một cô gái lạc quan, ngây thơ, hồn nhiên như thế cũng luôn giữ lòng tự trọng của mình. Khi đượcThường “biếu” tiền để có thể vào bệnh viện chữa trị, dù anh khăng khăng không cần trả, cô vẫn cố gắng đi làm thêm để sớm trả nợ cho Thường. Thế mới thấy, nhân phẩm là thứ đáng giá nhường nào. Dù trong hoàn cảnh gì đi chăng nữa, ta cũng cần phải tôn trọng nhân phẩm của chính mình.
Lòng dũng cảm cũng được bác Ánh lồng ghép vào câu chuyện một cách khéo léo. Dù phải trả giá bằng tính mạng, họ vẫn không màng nguy hiểm. Bố Thường phải đánh đổi cuộc đời của mình để lấy lại chiếc xe từ bọn cướp và bị phát súng của bọn hắn kết thúc một đời. Thế nhưng, có lẽ nếu được làm lại, ông cũng chẳng sẽ hối hận chọn lại. Nối tiếp lòng dũng cảm của ba, Thường đã không suy nghĩ đến sự nguy hiểm, ra tay giúp đỡ người khác và nhận lại sự quý trọng, biết ơn từ mọi người.
Ngoài ra, cuốn sách nhỏ này còn thể hiện nhiều mặt trái của xã hội. Đâu đó vẫn còn sự dè bỉu, khinh khỉnh, đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài của giới nhà giàu. Như cách Đạt khinh bỉ Thường chỉ vì anh làm nghề bán kẹo kéo. Chính trong cuộc trò chuyện với em gái mình – Thủy Tiên, anh đã vô tình xúc phạm đến Thường, xúc phạm đến nghề của người khác. Điều này thật đáng giận biết bao.
Ở thế giới của con người, đồng tiền vẫn đóng vai trò quyết định nhiều thứ. Bởi thế, những con người nghèo đã bất hạnh nay còn bất hạnh hơn. Đến quyền được chăm sóc về sức khỏe, họ cũng không được chu cấp khi bệnh viện chối từ bệnh nhân không tiền. Vì nguyên nhân này, Tài Khôn- đại diện cho tầng lớp nghèo phải chịu cơn đau, cơn sốt rét một mình ở nhà, rã rời mong cho sự mệt mỏi sớm khỏi vì không đủ điều kiện tới bệnh viện.
“Nhà nghèo như em cần gì bệnh viện, mà họ cũng không cần bệnh nhân rỗng túi như mình.”
Câu nói ấy của Tài Khôn đã khiến tôi cứ day dứt, âm ỉ lòng mãi dù đã gấp sách lại từ rất lâu…
4. Đánh giá truyện Bong bóng lên trời
Gấp lại cuốn sách xanh này, những giọt nước mắt vẫn còn đọng trên mắt tôi. Tôi đã khóc. Khóc vì cảm động trước tình bạn đáng quý, khóc vì trân trọng tình thương giữa người với người. Tôi cũng khóc vì thương những con người nghèo khổ, bất lực trước đồng tiền (ở một khía cạnh nào đó) dù cho họ đã cố gắng vươn lên, vượt qua nó. Nhưng có vậy, ta mới thấy trân quý cuộc sống của mình và hiểu những người xung quanh hơn.
Đọc đến trang cuối cùng của “Bong bóng lên trời”, tôi bỗng nhận mình đã trưởng thành hơn một chút. Tôi học được cách nhìn nhận cuộc sống sâu sắc hơn, biết thương yêu gia đình, yêu thương cuộc sống hiện tại và yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Tôi không còn phán xét người khác qua vẻ bề ngoài nữa. Thay vào đó, tôi trân trọng vì những người ấy phải kiên cường, cố gắng hơn người khác nhiều lần để gìn giữ được cuộc sống của mình.
Dù biết rằng bác Nguyễn Nhật Ánh là một tác giả viết về sách thiếu nhi với đôi tay cùng ngòi bút tài hoa quá đỗi với những trang văn hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc, thế mà mỗi lần đọc một trang sách mới của bác, tôi vẫn ngạc nhiên về tình cảm mà nhà văn này thể hiện trong những “đứa con tinh thần“ của mình. Một tình cảm rất thật, rất tự nhiên không hề lố lăng hay phải “gồng” lên. Tôi thầm cảm ơn bác đã viết lên những dòng chữ này để lan tỏa sự lạc quan, tích cực, ca ngợi tình người đáng giá.
Dù xét theo phương diện nào đi nữa, đây vẫn là một cuốn sách rất đáng để đọc. Đọc để thư giãn, đọc để lạc quan, đọc để học, và đọc để thấu hiểu nhiều hơn.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review truyện Bong bóng lên trời – Nguyễn Nhật Ánh