Tóm tắt & Review tiểu thuyết Trạm thu phí quái lạ – Norton Juster

0
273
Trạm thu phí quái lạ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Trạm thu phí quái lạNorton Juster

1. Giới thiệu tác giả

Norton Juster sinh năm 1929, là con trai trong một gia đình người Do Thái nhập cư đến Mỹ. Sau khi tốt nghiệp ngành kiến trúc, ông gia nhập Hải quân Mỹ. Chính trong khoảng thời gian buồn chán này, Juster đã bắt đầu viết câu chuyện thiếu nhi đầu tiên của mình, nhưng sau đó bị cấp trên khiển trách.

Sau ba năm phục vụ tại hải quân, Norton Juster bắt đầu sống cùng họa sĩ minh họa Jules Feiffer. Hai người đã cùng nhau tạo nên tác phẩm kinh điển Trạm thu phí quái lạ do Juster viết và Feiffer vẽ minh họa.

2. Giới thiệu tác phẩm

Trạm thu phí quái lạ là một tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi, có thể sánh ngang với “Alice ở xứ sở thần tiên”. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1961.

Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ đưa Trạm thu phí quái lạ vào danh sách 100 cuốn sách giáo dục trẻ em. Tác phẩm cũng được sân khấu hóa với nhiều hình thức như nhạc kịch, kịch nói, dựng thành phim hoạt hình công chiếu năm 1970.

3. Tóm tắt nội dung tác phẩm Trạm thu phí quái lạ

Trạm thu phí quái lạ kể câu chuyện về cậu bé Milo luôn luôn muộn phiền, “cậu chẳng biết mình phải làm gì- không chỉ đôi khi mà lúc nào cũng thế”, “không có gì thực sự làm cậu quan tâm – nhất là những thứ mà lẽ ra cậu phải quan tâm”.

Một ngày nọ có “một cái thùng hàng khổng lồ và kỳ lạ đến không thể kỳ lạ hơn” được gửi đến cho cậu. Trong đó có tất cả những phụ kiện để lắp rắp một cái trạm thu phí đường cao tốc, ba biển báo, tiền xu, một bản đồ, một cuốn luật lệ và luật giao thông. Gắn trên thùng là chiếc phong bì: “Gửi Milo, cậu bé dư dả thời gian”.

Milo bắt đầu lái chiếc xe đồ chơi của mình đến địa điểm đầu tiên có trên tấm bản đồ được gửi kèm theo. Và cuộc hành trình kỳ quái, nhưng cũng vô cùng thú vị của Milo bắt đầu.

Một ý tưởng thú vị

Tất cả những vùng đất Milo đặt chân tới, những thành phố cậu đi qua đều được tạo nên từ những  kiến thức rất quen thuộc mỗi người đều từng được học ở trường lớp. Những kiến thức tưởng như rất khô khan ấy, dưới ngòi bút thông minh và dí dỏm của Norton Juster lại trở nên tràn đầy sức sống như: Thành phố từ điển, thành phố số học, nghịch âm, ầm ĩ, im lặng, vần điệu, lý trí ….

Ai sẽ đủ thông minh để tưởng tượng ra rằng, có một thành phố mang tên Từ Điển, ở đó có một phiên chợ mang tên “phiên chợ từ ngữ” được tổ chức và “mọi người đến từ khắp mọi nơi để mua những từ họ cần hoặc đổi những từ họ chưa dùng đến”, các chữ cái thậm chí có thể ăn được và lại còn có mùi vị rất khác nhau, phong phú như các loại rau củ quả chúng ta vẫn thường ăn vậy. Và “ầm ĩ” thì có hình dạng thế nào nhỉ? Đó là một âm thanh, mà một âm thanh thì chỉ nghe được mà không thể nhìn thấy, tức là nó vô hình. Nhưng trong thế giới của Trạm thu phí quái lạ thì “ầm ĩ” có hình dáng đấy và thật ra Ầm Ĩ chỉ là cái tên của một gã “trông như cuộn sương khói dày đặc màu xanh”, gã rất nhạy cảm, hay khóc và hoàn cảnh thì cũng hết sức đáng thương …. Còn rất rất nhiều nữa những điều thú vị từ trí tưởng tượng tưởng chừng vô hạn của Norton Juster.

Trẻ con thì thường chẳng thể hiểu được ý nghĩa của việc học tập là gì. Bởi vì học là một công việc phải tích lũy lâu dài mới có thể ứng dụng.  Ở độ tuổi của mình, những đứa trẻ chẳng hiểu chúng phải học để làm gì, những bảng chữ cái, các phép toán … sẽ giúp ích gì cho chúng? Những buổi học khô khan hút cạn sự nhiệt thành, hào hứng của lũ trẻ. Nhưng hãy thử nghĩ xem, nếu chúng được bước vào một thế giới quái lạ, ở đó phải vận dụng mọi thứ chúng đã được dạy ở trường để có thể tiếp tục hành trình khám phá và giải cứu những Vương quốc, những vùng đất … chúng có cảm thấy hối hận vì đã không chăm chỉ ở trường không?

Lối chơi chữ thông minh và những ẩn dụ lắt léo

Điểm lôi cuốn nổi bật nhất của Trạm thu phí quái lạ chính là lối chơi chữ dày đặc rải khắp các trang truyện. Độc giả không chỉ đọc sách, thẩm thấu ý nghĩa ẩn sau hình ảnh, câu chữ và vui thích lối kể chuyện hài hước của Norton Juster mà còn thật sự phải vận dụng trí óc và kiến thức về các con chữ hay ngữ pháp của mình giống hệt như trong một trò chơi đố chữ vậy. Điều đó khiến Trạm thu phí quái lạ làm được nhiều hơn một cuốn sách thông thường là kể chuyện, là tường thuật. Tại đây, độc giả thực sự có cảm giác đang cùng Milo bước vào những vùng đất thú vị đó, gặp những con người quái lạ và giải câu đố từ những cái tên, từ lối nói chuyện lắt léo của họ.

Norton Juster thường xuyên sử dụng lối chơi chữ như thế này, khi Milo gặp một người đàn ông để hỏi đường, ông ta giới thiệu rằng, mình là “Whether Man” (Người biến báo). Nhưng Milo lại hiểu đó là “Weather Man” (Người dự báo thời tiết). Hay khi giới thiệu về một chú chó có tính cách rất khó chịu, “nó luôn canh chừng để không ai lãng phí thời gian cả” thì con chó có một cái tên rất thú vị “watchdog” (chó canh). Bởi Watch vừa có nghĩa là canh gác, vừa có nghĩa là đồng hồ … Quả là những lối chơi chữ rất dí dỏm và thông minh.

Và đôi khi Norton Juster thực sự đang đánh đố trí tưởng tượng của độc giả. Như khi ông miêu tả những sinh vật tự xưng mình là “dân Lờ phờ”: “Chúng toàn ngồi trên hoặc ngồi gần những vật có màu giống hệt như mình. Con nào nhìn cũng như con nào (tất nhiên là màu khác nhau), và nhiều con nhìn còn giống con khác hơn là giống chính mình.”. Hay như: “ở bên trái, ngay sát là ba con quỷ Thỏa hiệp- một con cao gầy, một con béo lùn, còn con thứ ba nhìn giống hệt hai con kia” … Có lẽ Norton Juster hài hước muốn nói với độc giả của mình: “Đố bạn tưởng tượng được đấy!”

Những bài học ý nghĩa dành cho những người lớn đủ kiên nhẫn và khôn ngoan

Norton Juster dành tặng một thế giới thần tiên đầy sinh động, thú vị và nhiều màu sắc từ những kiến thức thức khô khan mà mỗi đứa trẻ phải cố gắng tiếp thu mỗi khi đến trường. Tạo cho chúng niềm yêu thích một cách tự nhiên với việc học tập và tiếp thu kiến thức, thậm chí Norton Juster còn tạo ra một “sân chơi” nhỏ với những con chữ. Nhưng như vậy là chưa đủ để nói về Trạm thu phí quái lạ. Cuốn sách nhỏ này còn là một món quà dành cho những người lớn – những con người thường lầm tưởng mình biết tuốt. Norton Juster đôi khi mỉa mai một cách hài hước về người lớn và đôi khi lại dành tặng họ những điều thật giàu ý nghĩa.

Những người lớn dường như họ luôn vội vã. Ban đầu họ có mục đích và những ý tưởng xinh đẹp nhưng sau đó vì quá vội vã chạy đua tới đích họ quên mọi thứ và chỉ cúi đầu chay. Như những cư dân ở thành phố Thực Tại mà Milo cùng các bạn của mình đã đi qua vậy. Trước kia, đây là một thành phố hết sức lộng lẫy và xin đẹp. Nhưng rồi hiện tại, nó chẳng còn gì, chỉ còn những con người lầm lũi đi lại. Bởi vì “một ngày kia, có một ai đó nhận ra là nếu đi thật nhanh và đừng nhìn vào cái gì khác ngoài giày của mình thì ta sẽ đến đích nhanh hơn nhiều”. Và cuối cùng thì mọi thứ xung quanh trở nên xấu xí, dơ dáy rồi nó biến mất.

Con người chúng ra thường mắc những lỗi như vậy, đôi khi chúng ta than vẫn cuộc sống thật mệt mỏi, căng thẳng và chẳng có điều gì thú vị đi qua mỗi ngày. Nhưng sự thật là chúng ta chẳng thế thấy được cái mà chúng ta không có thời gian tìm kiếm. Hay đôi khi con người chẳng đủ dũng cảm để nhìn vào sự thật, đó có thể là một quá khứ không đẹp, một lỗi lầm hay một nỗi buồn chẳng thể quên đi…Thay vì đối mặt, con người thường trốn tránh, bởi “đôi khi nhìn những thứ không có thực tại đơn giản hơn nhìn những thứ có thực”.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Trạm thu phí quái lạ

Norton Juster không thật sự quá cầu kỳ trong lối viết, bởi đây là một cuốn sách cho thiếu nhi. Nhưng lại cũng dành đủ tâm huyết và sự thông minh cho từng câu chuyện nhỏ. Cuốn sách không chỉ là một tác phẩm hay dành cho thiếu nhi, đó còn là một cuốn sách mà người lớn rất nên tìm đọc để hiểu hơn về những điều mình đi qua mỗi ngày nhưng lại thường bỏ lỡ.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Trạm thu phí quái lạ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Trạm thu phí quái lạ – Norton Juster

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây