Tóm tắt & Review tiểu thuyết Sống Mãi Với Thủ Đô – Nguyễn Huy Tưởng

0
2036

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Sống Mãi Với Thủ ĐôNguyễn Huy Tưởng

1. Giới thiệu tác giả

Nguyễn Huy Tưởng (sinh năm 1912, mất 1960), trong từng ấy tháng năm hiện diện ngắn ngủi trên cõi đời, đã kịp để lại một gia tài đáng nể những truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch lịch sử thấm đẫm tâm hồn Việt.

GS Trần Đăng Suyền đã khẳng định: “Nguyễn Huy Tưởng là một cây bút có tầm vóc lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông là nhà văn giàu tâm huyết với nhân dân, đất nước, với nền văn hóa của dân tộc. Cảm hứng chủ đạo trong sáng tác của ông là cảm hứng lịch sử, vừa đậm chất bi kịch, vừa giàu chất lãng mạn. Tuy sáng tác khá nhiều thể loại, nhưng thể loại nổi bật của ông là kịch và tiểu thuyết. Những băn khoăn day dứt đầy trăn trở của Nguyễn Huy Tưởng giữa một bên là tư tưởng ái quốc, trách nhiệm công dân, và một bên là khát vọng nghệ thuật, ý thức sáng tạo của một nhà văn chân chính.”

2. Giới thiệu tác phẩm

Sống Mãi Với Thủ Đô là cuốn sách được chắp bút bởi tác giả Nguyễn Huy Tưởng và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1961. Tác phẩm như một thước phim ghi lại con người cũng như khung cảnh Hà Nội trong giai đoạn kháng chiến mùa đông năm 1946, để qua đó tác giả vừa ca ngợi vừa tỏ lòng thương tiếc cho thành phố những ngày đổ máu.

3. Tóm tắt nội dung tác phẩm Sống mãi với thủ đô

Tâm tư của những con người bám trụ với Hà Nội trong Sống Mãi Với Thủ Đô

Trong Sống Mãi Với Thủ Đô, tác giả không tập trung vào một nhân vật mà nó như một bức tranh được ghép lại bởi vô vàn câu chuyện của nhiều mảnh đời khác nhau. Trần Văn, Nhật Tân, Phú, Hương cùng rất nhiều thanh niên khác, họ là những người còn lại bám trụ ở Hà Nội và quyết tâm bảo vệ thủ đô.

Những năm đầu thế kỷ XX, tiểu tư sản là tầng lớp không được coi trọng và bị xem là hèn nhát bởi họ không theo kẻ thù nhưng cũng chưa sẵn sàng dâng hiến cho cách mạng. Khác với tầng lớp nông dân, những người thầy giáo, nhà văn, tiểu thương như Loan, Trần Văn mang rất nhiều nỗi lo và đắn đo cái được mất khi đi chiến đấu.

Nguyễn Huy Tưởng qua tác phẩm của mình, đã khắc họa một bộ mặt mới cho tầng lớp này, ông cố gắng xóa đi những định kiến về tiểu tư sản cũng như củng cố thêm sự quyết tâm để giúp họ hòa mình vào cuộc chiến của toàn dân tộc.

Tân là đại diện cho người trung lập, anh căm thù thực dân Pháp, sẵn sàng cung cấp vũ khí, tiền bạc cho cuộc chiến, thế nhưng anh chưa can đảm từ bỏ cuộc sống giàu có, thoải mái đề dấn thân vào gian khổ.

Nhà văn cũng phê phán một bộ phận người thờ ơ với thời cuộc như Trinh, vợ của Bao, họ vẫn ngang nhiên tồn tại giữa đất Kinh Kỳ này, khi một dân tộc đang gồng mình lên chiến đấu thì vẫn có kẻ bàng quan và chỉ lo cho lợi ích của bản thân.

“Tao ghét Pháp cũng nặng như tao sợ Việt Minh. Cho nên tao không có chỗ đứng. Có lẽ chỗ đứng tao là ở nghĩa địa. Còn sống ngày nào thì chơi, hoàn toàn tự do, hoàn toàn tận hưởng những cái gì mà cuộc đời có thể cho tao.” – Sống Mãi Với Thủ Đô

Tuy nhiên, xuyên suốt tác phẩm cảm hứng chủ đạo vẫn là ca ngợi tinh thần chiến đấu của thanh niên Hà Nội. Những con người mang một tình yêu sâu sắc với thủ đô, họ quyết không tản cư đi nơi khác mà bám trụ lại với nơi đây.

Câu khẩu hiệu “Sống chết với thủ đô” trở thành sợi chỉ đỏ từ đầu đến cuối tác phẩm, nó là động lực chiến đấu cho những người còn ở lại. Phúc là một cậu ấm trong gia đình giàu có, cũng sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấy để đi theo cách mạng, tinh thần quyết không đầu hàng sục sôi, lan tỏa từng ngõ ngách thủ đô.

“Dưới là một hàng chữ đen: “Chúng tôi, những thanh niên Hà Nội nguyện hi sinh đến giọt máu cuối cùng. Thề sống chết với thủ đô!” – Sống Mãi Với Thủ Đô

Bên cạnh những người sẵn sàng xả thân cho cuộc chiến thì Sống mãi với thủ đô còn vạch trần bộ mặt của vô số kẻ ăn bám thực dân Pháp để trục lợi cho bản thân. Ông bà Cự Lâm là đại diện cho những người như thế, họ không chỉ kiếm tiền từ việc không chân chính mà còn luôn nhỏ nhen với cách mạng.

Mặc dù có rất nhiều tài sản nhưng họ không muốn chia sẻ chút cuốc xẻng nào cho cuộc chiến toàn dân tộc, ông bà Cự Lâm ôm khư khư khối tài sản bẩn thỉu ấy để rồi phải chịu cảnh chính những đứa con phá kho của gia đình đem cho kháng chiến.

Sống Mãi Với Thủ Đô là sự kết hợp hài hòa giữa nhiều mảnh đời, những người sẵn sàng hy sinh cho an nguy của Hà Nội, vô vàn thanh niên chơi vơi, đứng ngoài cuộc chiến và cả những kẻ bám chân Pháp vì lợi ích cá nhân.

Cuốn tiểu thuyết làm sống dậy những thời khắc lịch sử đầy đạn bom khói lửa, đầy máu và nước mắt, nhưng vẫn mang âm hưởng lạc quan trong tiếng cười nói, tiếng trẻ rao bán báo, tiếng rao hàng, tiếng đàn ấm áp, tiếng sinh hoạt… gợi nên một bản hòa tấu rất riêng, rất Hà Nội. Nguyễn Huy Tưởng dựng nên nhiều lớp người, thuộc mọi địa vị trong xã hội Hà Nội với nét ứng xử rất đặc trưng, miêu tả từ cái bộn bề của cuộc sống bên ngoài đi sau vào sự phức tạp của tâm lý bên trong. Một ngòi bút văn chương đậm chất điện ảnh.

Đáng tiếc là tác phẩm khép lại khi tất thảy vẫn còn bỏ ngỏ, như Nguyễn Tuân đã viết trong phần lời bạt: “Tôi gấp lại tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô” chưa đáng phải gấp lại. Thấy tủi tủi cho lũ nhân vật tiểu thuyết kia đang ngơ ngác giữa cái ngã tư nghệ thuật như là đang ngóng chờ sự chỉ đường nào của một bạn công an cảnh giới trật tự.”

Hà Nội trong đôi mắt của kẻ si tình.

Nguyễn Huy Tưởng là người chăm chỉ thâm nhập thực tế, từ những vấn đề mang tính thời sự đến các mặt khác nhau của đời sống cách mạng. Bên cạnh đó, nhà văn vẫn ôm hoài bão về đề tài thủ đô. Cái tình với thủ đô của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thắm đượm nồng nàn và dễ dàng thấu tỏ.

“Sống mãi với thủ đô” đi thẳng vào cuộc kháng chiến của Hà Nội, nhưng với sức quan sát tỉ mẩn, đầy tinh tế từ một kẻ si tình với thủ đô, Hà Nội lại được hiện ra trong vẻ toàn vẹn và phức tạp của nó, chứ không chỉ là niềm đau thương. Mà kể cả đau thương, thì Hà Nội vẫn đẹp trong con chữ của Nguyễn Huy Tưởng.

“Cái thành phố già nua của anh, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội, đã hơn một lần có những buổi sáng như hôm nay, lúc mà những sinh hoạt đầy màu sắc của hè đường đột nhiên im ắng, thì cũng là lúc người dân mới chú ý tới và yêu thương thêm những mái nhà nho nhỏ, ép vào nhau, im lìm trên nền trời, kề bên những hàng cây um tùm, ủ rũ, thì thầm trong những suy nghĩ và đàm luận muôn đời, để chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên. Trần Văn nghĩ như vậy, và trong cái buổi sáng khô lạnh này, anh thấy các phố xá cũ kĩ, chen chúc, chẳng có gì đồ sộ, phủ một màu xám nham nhở, lại có cái đẹp riêng, sắt lại trong một vẻ buồn nghiêm nghị.”

Hà Nội chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên. Tựa như cách Hà Nội bảo bọc toán quân tự vệ đủ mọi thành phần, vững vàng thực hiện nhiệm vụ đánh trả, cầm cự, kìm chân quân địch trong vị trí chiến lược của mình, góp phần vào sự nghiệp kháng chiến chung của đất nước, vì một Việt Nam độc lập, thống nhất, sạch bóng quân thù.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm

Là một cây bút có kiến văn sâu rộng, am hiểu sâu sắc truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, Nguyễn Huy Tưởng đã tìm thấy chất liệu thẩm mỹ cho sáng tác của chính mình. Bằng những liên tưởng, đối chiếu giữa kiến thức sách vở với những trải nghiệm trong cuộc đời, Hà Nội đã vào văn ông, làm nên “toàn bộ hồn cốt và đường nét trong văn ông”, khiến độc giả không chỉ thiện cảm với tác giả tiểu thuyết mà còn yêu quý hơn “Hà Nội – trung tâm tim óc của cả nước. Qua bao triều đại, chế độ, cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy đã đập đều trên chín thế kỷ rưỡi” như cảm nhận của Nguyễn Tuân và đến bây giờ, “cái tim óc bền dẻo vĩ đại ấy” đã đập đều đến nghìn năm Thăng Long, đến chẵn 10 thế kỷ.

Không phải ngẫu nhiên mà Văn Cao đã dành cho Nguyễn Huy Tưởng những câu thơ: “Cái chết của anh, cái chết một nhà văn – không bao giờ là cái chết” bởi tác phẩm của ông đã lưu giữ hình bóng con người và không khí đặc biệt của một thời điểm lịch sử, sẽ còn Sống mãi với Thủ đô, với Thăng Long, Hà Nội.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Sống mãi với thủ đô

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Sống Mãi Với Thủ Đô – Nguyễn Huy Tưởng

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây