Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả – Ernest Hemingway

0
1429

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ông Già Và Biển CảErnest Hemingway

1. Giới thiệu tác giả

Ernest Hemingway (1899 – 1961) là nhà văn, nhà báo người Mỹ. Ông từng tham gia chiến đấu trong Thế chiến thứ I. Là con người phóng khoáng, ưa mạo hiểm, chính vì thế mà các tác phẩm của Hemingway được đánh giá là “áng văn chân thực và giản dị về đời sống con người”. Ông già và biển cả (1952) là một tiểu thuyết ngắn và là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp cầm bút của Hemingway. Chính nhờ tác phẩm này, ông được trao giải thưởng Pulitzer năm 1953 và giải Nobel Văn học năm 1954.

2. Giới thiệu tác phẩm

Tác phẩm “Ông già và biển cả” với tên tiếng Anh là “The Old Man and the Sea” được viết bởi nhà văn người Mỹ – Ernest Hemingway. Đây là một tiểu thuyết ngắn được ông viết vào năm 1951 tại Cuba và được xuất bản vào một năm sau đó. “Ông già và biển cả” được coi là tác phẩm thành công nhất của Ernest Hemingway. Tại Việt Nam, “Ông già và biển cả” được phát hành năm 1999 bởi Nhà xuất bản Văn học, do Lê Huy Bắc và các cộng sự của ông biên dịch.

Một quyển tiểu thuyết ngắn, chỉ vỏn vẹn một trăm hai mươi ba trang; nhưng đã để lại trong độc giả biết bao cảm xúc, biết bao nghĩ suy. Nhan đề tác phẩm, trước hết, đã gây được ấn tượng đối với độc giả. Đó là sự đối lập giữa cái nhỏ bé, đơn độc của con người với cái mênh mông, hung tàn của biển khơi. Song, từ “và“ nối “ông già“ với “biển cả“ đã đem lại một phép so sánh vô cùng thú vị. Con người đặt ngang hàng với thiên nhiên, khẳng định tầm vóc không hề bé nhỏ trong ý chí: Con người như muốn chinh phục và làm chủ cả tạo vật.

3. Tóm tắt tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả

Mở đầu câu chuyện: “Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng nhiệt lưu, đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào”, cả dân làng chài đều cho rằng ông quá đen đủi. Kể cả cậu bé Manolin thường xuyên câu cá cùng ông cũng bị cha mẹ không cho đi cùng ông nữa. Mở đầu khiến chúng ta ít nhiều cảm thấy chán nản, bi quan. Tuy vậy, Santiago không như thế, lão mạnh mẽ đến lạ thường, đôi mắt lão cho biết điều đó. Lão Santigo hiện lên với vẻ già nua, làn da cháy nắng và những vết sẹo đã cũ kĩ. Duy chỉ có đôi mắt là vẫn tinh anh. Đôi mắt lão có màu cùng với màu nước biển và dường như nó luôn ánh lên niềm hi vọng, lạc quan của ông lão salao – cách diễn đạt tệ nhất của vận rủi. Niềm tin và sự hy vọng của ông lão chưa bao giờ trở nên nguội lạnh sau tám mươi tư ngày không câu được con cá nào. Còn bây giờ, thì nó đang cuồn cuộn lên. Đối với lão, “biển như một người phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ân huệ.” Và cho dù biển cả có đối xử với lão tệ như thế nào, lão vẫn yêu nó tha thiết.

Không giống như các tay câu cá khác, lão giữ sợi dây câu cho thật thẳng, để ở mỗi độ sâu trong vùng nước đen sẽ có một con mồi đợi đúng ngay ở đấy. “Mỗi ngày là một ngày mới. Gặp may thì tốt hơn. Nhưng mình ưa sự chính xác. Để khi vận may đến thì mình đã sẵn sàng.” Nếu may mắn thì có con cá nào đó lạc đường mắc vào dây câu; còn bằng không, suốt cả cuộc đời này, chúng ta chỉ mãi thu nhặt được vài ba con tôm, con tép. Thành công và những hoài bão trong cuộc sống không bao giờ đạt được từ sự may mắn nhất thời mà là cả quá trình chúng ta kiên trì, nhẫn nại, chịu khó “giữ dây câu thẳng đứng ở độ sâu một trăm mét” như lão Santigo. Sự cẩu thả và lười biếng trong công việc, đó là một nỗi hổ thẹn lớn!

Đến ngày thứ 85, ông lão quyết định sẽ một mình ra khơi khi trời còn chưa sáng. Lão quyết định sẽ đi thật xa đến tận vùng Giếng Lớn. Đến khoảng trưa, có một con cá lớn cắn câu và kéo thuyền xuôi về hướng Tây Bắc.

Phải sang ngày thứ hai (ngày 86) con cá ấy mới nhảy lên, đây là một con cá kiếm cực lớn tới nỗi cả một đời đánh cá ông cũng chưa từng nhìn thấy. Con cá cắn câu đó lại lặn xuống kéo chiếc thuyền nhỏ của lão chạy về hướng Đông.

Mặc dù đói khát, mệt lả, tay trái chuột rút, chân tê dại nhưng ông lão đánh cá vẫn không chịu buông tay, ông lẩm bẩm: “Mình sẽ cho nó biết sức con người có thể làm được gì và chịu đựng được đến đâu!”. Phải sang đến ngày thứ 3 cả người và cá đều đã đuối dần thì lúc này ông lão đã dùng lao để đâm chết cá. Sau đó ông buộc con cá vào mạn thuyền, lòng hân hoan vui sướng trở về bến. Con cá lần này là cá kiếm có kích thước rất lớn, dài hơn thuyền câu của lão 7 tấc, ước chừng phải nặng từ 6 – 7 tấn vậy mà lão cũng có thể giết được nó.

Trong màn đêm trên biển, đàn cá mập đuổi theo chiếc thuyền câu của lão để ăn thịt con cá kiếm kia. Lão dùng tất cả vật dụng trên thuyền để đuổi chúng đi, kể cả chiếc mái chèo cũng mang ra để đạp vào đàn cá dữ trong đêm tối. Cuối cùng lão đuổi được đàn cá mập nhưng con cá kiếm cũng chẳng còn gì ngoài bộ xương trắng và cái đầu.

Không mang được con cá về nguyên vẹn, nhưng ông Santiago thanh thản vì mình đã nỗ lực hết sức, bộ xương chính là minh chứng. Trong tác phẩm, hình ảnh giấc mơ về những con sư tử châu Phi trở đi trở lại trong tâm trí lão, trước khi ra khơi, khi lão kiệt sức trên biển vì vật lộn với lũ cá mập và ở kết thúc truyện, Santiago nằm vật trên chiếc giường cũ mèm lót báo, hai bàn tay ngửa ra, lão mơ về những con sư tử. Sư tử – chúa sơn lâm: là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền. Từ khi chưa có gì trong tay ngoài hi vọng cháy bỏng, khi bắt được cá kiếm khổng lồ, đánh trả lũ cá mập tấn công và cả khi chỉ còn bộ xương cá quay trở về, lão luôn mơ tới sư tử. Có lẽ, chính Santiago cũng như chúa sơn lâm kia, ông là chúa tể biển khơi.

4. Cảm nhận và đánh giá tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả

Trong Ông già và biển cả, Hemingway đã vận dụng nguyên lý tảng băng trôi thật khéo léo. Quả thực, khi đọc xong quyển tiểu thuyết này một lần, có thể bạn chẳng cảm nhận được gì cả và nghĩ rằng nó chỉ đơn thuần là một chuyến hải trình của ông lão Santigo mà thôi. Nhưng khi đọc đến lần thứ hai, thứ ba, bạn mới thật sự thấm được ý nghĩa ẩn sâu trong từng lời văn mà Hemingway viết. Những bài học, những triết lý sống rất thân thuộc và gần gũi mà đôi khi chúng ta lại lãng quên mất đã được ông góp nhặt lại mà viết nên tiểu thuyết này.

Truyện được kể với lời văn lôi cuốn, miêu tả chân thật, sinh động, hấp dẫn, khiến người đọc không rời trang sách được, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ một điều gì đó cho riêng mình. Độc giả như bị cuốn theo cuộc hải trình cùng với ông lão, tưởng chừng như đang ngồi chung trên chiếc thuyền nhỏ giữa đại dương bao la vậy. Hemingway đã thành công trong việc khắc hoạ nhân vật Santigo, để lão tự độc thoại và độc thoại nội tâm giúp độc giả tự trải nghiệm và khám phá nhân vật này.

Trên cuộc hành trình đi tìm và chinh phục ước mơ, mỗi chúng ta hãy như ông lão Santigo, luôn kiên trì, nhẫn nại, lạc quan trong những lúc khó khăn nhất. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho thật đáng để sau này về già, chúng ta sẽ không hối tiếc về những dự định dở dang của tuổi trẻ. Hãy cùng tôi giương buồm ra biển lớn và thực hiện những hoài bão. Trước mắt sẽ còn những giông tố, nhưng hơn hết, chúng ta biết đứng dậy mà tiếp tục bước đi. Có như thế, chúng ta mới đang sống một cuộc đời thực sự, sống hết mình vì những đam mê như lão Santigo quyết tâm câu được mẻ cá lớn vậy.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Ông già và biển cả

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Ông Già Và Biển Cả – Ernest Hemingway

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 2 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây