Tóm tắt & Review tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris – Victor Hugo
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Victor Hugo sinh năm 1802 – ông là một nhà văn, nhà thơ và đồng thời là nhà viết kịch theo chủ nghĩa lãng mạn. Victor Hugo là nhà văn người Pháp có tầm ảnh hưởng lớn đến nền văn học Pháp lúc bấy giờ. Đồng thời, ông cũng là một nhà chính trị, một nhà tri thức tiêu biểu trong thế kỷ XIX.
Các tác phẩm của Victor Hugo đa dạng các thể loại và trên nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau. Các tác phẩm nổi tiếng của ông: tập Odes et Ballades (1826), Les feuilles d’automne (1931) hay Les Contemplations (1856),…
2. Giới thiệu tác phẩm
Nhà thờ Đức Bà Paris là tác phẩm ra đời xuất phát từ ý tưởng của Victor Hugo muốn viết một cuốn tiểu thuyết về ngôi nhà thờ nổi tiếng ở thủ đô Paris. Cuốn truyện lấy lịch sử làm bối cảnh đã được hoàn thành vào năm 1828 và trở thành một thiên anh hùng ca bằng văn xuôi.
Bằng cốt truyện khá bi thảm, nặng nề, kết thúc là những vụ chết không kém rùng rợn, bằng ngòi bút miêu tả, thật rực rỡ, kỳ thú, các tình tiết xếp đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh tô đậm, phóng đại, lẫn lộn thực hư, Nhà thờ Đức Bà Paris đã phục hồi lại không khí xa xưa một thời trung cổ đen tối. Đây được xem là kiệt tác của loại tiểu thuyết lịch sử thời kỳ lãng mạn chủ nghĩa.
3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris
Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy bất hạnh, nghiệt ngã giữa Quasimodo và Esméralda. Lấy bối cảnh nước Pháp thời Trung cổ, ông đưa chúng ta đến với một hình ảnh nước Pháp đầy tăm tối với những kẻ lang thang, ăn mày, trộm cắp.
Esméralda là một cô nàng xinh đẹp hành nghề múa rong trước quảng trường của nhà thờ Đức Bà. Cô xuất hiện kéo theo tình yêu của ba người đàn ông, cả ba đều là những mối tình đầy sai trái.
Người đầu tiên đại úy Phoebus, là người mà nàng Esméralda dâng trọn trái tim. Trớ trêu thay anh chàng lại là kẻ trăng hoa, lừa dối, sớm đã có vị hôn thê và chỉ xem nàng như một phương tiện thỏa mãn nhục dục.
Tiếp theo la tình yêu đầy cấm kị của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda. Từ lâu, ông được xem là biểu tượng của sự khổ hạnh gần như tuyệt đối, là người nhận được nhiều sự tín nhiệm trong nhà thờ.
Tình yêu của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda là tình yêu của bóng tối với ánh sáng. Của cái ác nghiến ngấu sự thánh thiện. Phó giám mục gần như là một con quỷ trong nhà thờ với những quyền lực hắc ám và sự sùng kính ghê người. Là một người khổ hạnh gần như tuyệt đối nhưng ông ta không thoát khỏi sự cám dỗ của Esméralda. Càng tu luyện, giam cầm thì thứ tình yêu bóng tối này càng khủng khiếp và đáng sợ. Ông ta đã phái thằng gù Quasimodo con trai nuôi đến cướp ngục, đưa nàng Esméralda về nhà thờ cho mình.
Người cuối cùng là Quasimodo, một kẻ dị dạng không ai dám đến gần, một chàng trai tật nguyền, bị tổn thương và bị cả xã hội khinh thường. Một hình nhân dị dạng, quái gở nhưng có một đức tin và sức khoẻ phi thường. Quasimodo được phó giám mục nhận làm con nuôi và gã hết lòng phò tá người cha của mình.
Nhưng ngay cả gã quái vật này cũng không thoát khỏi sự yêu cuồng si với nàng Esméralda. Quasimodo cướp nàng không thành và bị bắt, Esméralda đã cứu vớt hắn, chăm sóc hắn và chính sự thương yêu của nàng đã khiến hắn nảy sinh một tình yêu tột bậc. Chính Esméralda đã làm thức tỉnh trái tim hoen rỉ của Quasimodo và gieo vào lòng anh một tình yêu mãnh liệt, cao thượng và chẳng cần hồi đáp.
Tên sĩ quan trẻ Phoebus thì yêu nàng bởi nhục dục, phó giám mục yêu nàng vì muốn chiếm đoạt một viên ngọc tinh khiết, còn thằng gù Quasimodo, hắn yêu Esméralda bởi nàng đúng là một con người thực sự, tình yêu của hắn vĩ đại và ở nấc thang cao nhất.
Khi nút thắt cao trào được đẩy lên đến đỉnh điểm, các nhân vật trong Nhà Thờ Đức Bà Paris đã xô tụ lại với nhau, trong cái hỗn loạn của những âm mưu ghen tuông, mù quáng đến tuyệt vọng.
Bi kịch diễn ra khi tình cảm của phó giám ngục Claude Frollo trở nên mất kiểm soát, khi không có được trái tim của Esméralda ông sẵn sàng hủy hoại cô để cũng không một ai có được. Tình yêu bóng tối của hắn đã khiến nàng phải chết, khi biết tin nàng đã lên giá treo cổ, hắn nở một nụ cười ác độc trong căn phòng tối om của mình.
Nhưng còn một người nữa tham dự cuộc chơi này. Thằng gù, hắn sinh ra đã là một kẻ dị dạng khủng khiếp, được người cha nuôi khắc nghiệt nuôi dạy, hắn sống trong nhà thờ như một bóng ma nhưng từ ngày gặp Esméralda hắn đã không còn là bóng ma nữa. Hắn đã trở thành con người và cuồng si với tình yêu của mình. Trong ba người đàn ông yêu Esméralda, tình yêu của hắn vĩ đại, vô tư và hiến dâng nhất.
Thế thì làm sao hắn chịu đựng nổi khi biết kẻ đã giết chết người yêu của mình. Phó giám mục là người nhặt hắn về nuôi như một con chó, tình yêu và sự kính trọng của hắn với cha nuôi giống như một con chó với người chủ của mình. Trung thành và tuyệt đối tôn kính. Nhưng bởi hắn đã không còn là con quỷ nữa từ khi gặp Esméralda, tất cả trái tim, nhiệt huyết và sức lực của hắn đã hiến dâng cho nàng. Bi kịch lớn nhất của cuốn tiểu thuyết xuất hiện.
Cảnh thằng gù vật lộn và đẩy người cha nuôi xuống từ mái nhà thờ là một cảnh vô cùng đặc sắc. Có rất nhiều ý nghĩa chứa trong đó. Đó là sự vùng lên vì tình yêu, đó là sự phản kháng, sự chối bỏ hoàn toàn cái lốt quỷ, một đêm rùng rợn và bí ẩn bao quanh nhà thờ, là đỉnh điểm của tấn bi kịch làm người và đòi được quyền làm người.
Phó giám mục chết và thằng gù được giải phóng khỏi thân phận của mình. Giờ đây không ai có thể trói buộc được thân thể và tinh thần của hắn nữa. Hắn tìm đến tình yêu vĩnh cửu của mình với nàng Esméralda. Hắn chui vào hầm mộ và chết cùng nàng. Khi người ta khai quật mộ, thậm chí bộ xương của hắn còn bám chặt vào người mình yêu không chịu rời!
Nhà Thờ Đức Bà Paris kết thúc cũng là khi mọi mâu thuẫn, bi kịch được giải thoát bằng những cái chết đau đớn, để lại những nỗi oán hờn, những nỗi buồn xác xơ lòng người.
4. Cảm nhận và đánh giá tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris
Nhà Thờ Đức Bà Paris ra đời không đơn thuần là đánh dấu cho một tình yêu cao thượng vượt lên mọi sự ganh đua, ghen ghét, không đơn thuần là sự đấu tranh vì lý tưởng cao đẹp chống lại cái ác, mà dường như ẩn đằng sau những ngôn từ hoa mỹ ấy là những trăn trở rất đời. Có lẽ, hiếm khi người ta lại nhìn nhận văn chương như một liều thuốc đắng, vì hơn hết, tận cùng của những tuyệt vọng luôn ánh lên những tia sáng cứu rỗi tâm hồn, dù le lói nhỏ nhoi. Nhưng nay, đứng trước một kiệt tác, phải chăng ta nên thử suy xét một lần, rằng không phải cuộc đời lúc nào cũng thật hồng, và dường như, ngay cả khi ta dành tặng cho cuộc đời một ánh nhìn trìu mến, song lại trớ trêu chịu cảnh bị dày vò, xa lánh. Mượn hình ảnh một kẻ si tình chân thành, một con người với trái tim ấm áp, một thằng gù lần đầu có được và biết được thế nào là được yêu thương.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review tiểu thuyết Nhà Thờ Đức Bà Paris – Victor Hugo