Tóm tắt & Review tiểu thuyết Heidi Cô bé trên núi cao – Johanna Spyri
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Johanna Spyri là một nữ văn sĩ người Thụy Sĩ. Bà sinh năm 1827 và mất năm 1901. Johanna Spyri nổi tiếng với mảng văn học thiếu nhi. Các tác phẩm của bà đa số viết cho thiếu nhi hoặc lấy đề tài thiếu nhi.
Johanna Spyri sinh ra ở một vùng quê hẻo lánh tại Thụy Sĩ. Nơi bà sinh sống và lớn lên là thị trấn Chur và cũng là nơi khơi nguồn cảm hứng cho những tác phẩm sau này của Johanna.
Johanna Spyri được đánh giá là một văn sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm kinh điển, thu hút độc giả cho đến tận bây giờ. Sau khi bà mất, cùng với những cống hiến văn học của mình, hình ảnh của bà được in trên tem bưu điện Thụy Sĩ và in trên đống xu 20 Franc Thụy Sĩ.
2. Giới thiệu tác phẩm
Heidi (tên được dịch ra khi đến với độc giả Việt Nam là: Heidi – Cô bé trên núi cao), là một tiểu thuyết thiếu nhi được Johanna ra mắt độc giả vào năm 1874. Sau khi ra mắt, cuốn tiểu thuyết được đông đảo độc giả Thụy Sĩ đón nhận vì chất thơ rất đỗi thanh bình của vùng núi Alps và cốt truyện dễ gần, lay động độc giả.
Heidi trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất trong dòng văn học thiếu nhi và vẫn có giá trị văn học cao cho đến tận bây giờ.
Heidi – Cô bé trên núi cao, ra mắt độc giả Việt Nam trong series Tủ sách danh tác thế giới rút gọn của nhà xuất bản Kim Đồng và trở nên quen thuộc với các em nhỏ.
3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Heidi – Cô bé trên núi cao
Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh hai người, một lớn một bé dắt díu nhau qua một ngôi làng nhỏ để lên dãy núi Alps. Hai người đó là cô bé Heidi và dì của em. Heidi không may mắn mất đi cha mẹ của mình. Bé phải sống cùng người dì. Song những áp lực công việc, cuộc sống đè nặng khiến cho Heidi trở thành gánh nặng đầy khó chịu của dì bé. Người dì quyết định trả bé lại cho ông nội của bé – người ông đã sống cô độc, tách biệt với dân làng suốt nhiều năm trên núi cao.
Ban đầu, khi đến gặp ông, Heidi vô cùng phấn khích. Cô bé chạy ào đến và hôn lên má ông nội ngay khi ông còn chưa kịp nhận ra bé là ai. Sau khi người dì giới thiệu một cách thô lỗ về Heidi và buộc ông phải nuôi bé, ông lão tỏ ra vô cùng tức giận đối với người dì. Ông đuổi người dì đi dữ dằn đến nỗi dì của bé không kịp ôm hôn cháu hay dặn dò chút ít về cách chăm sóc Heidi. Nhưng Heidi thì vẫn không hề sợ hãi ông. Cô bé quẩn quanh chơi gần ông, dù ông không hề nói gì, nhưng Heidi vẫn thấy được sự dịu dàng, âu yếm trong ánh mắt ông nhìn mình.
Sau đó là chuỗi ngày rất đỗi hạnh phúc của hai ông cháu. Ông lão cho Heidi chọn chỗ ngủ và sửa sang lại nó. Đó là một vựa cỏ ở phía trên gần mái nhà, cạnh đó còn có một khung cửa sổ tròn có thể nhìn bao quát cả một khung cảnh đẹp phía ngoài. Ông lão dùng vải trải giường làm cho cô bé một chiếc giường rơm xinh xắn. Hai ông cháu cùng nhau dùng bữa. Và chỉ với bánh mì, pho mát, cùng với sữa dê tươi ngon, họ đã có cho mình bữa ăn thật hạnh phúc.
Những ngày tiếp đó. Heidi nhanh chóng thích nghi với cuộc sống trên núi như thể cô bé sinh ra để thuộc về nơi này vậy. Cô bé cũng kết bạn với cậu bé chăn dê Pierre và được ông cho phép cùng Pierre đi chăn dê mỗi ngày.
Trong lúc chăn dê, Heidi mỗi ngày một hiểu thêm về thế giới rộng lớn. Cô bé chia sẻ bữa ăn trưa ngon lành trên đỉnh núi cùng với cậu bé Pierre. Dần dần, Heidi thuộc tên mỗi chú dê trong đàn và đối xử với chúng như những người bạn nhỏ.
Thế nhưng, cuộc sống hạnh phúc đáng mơ ước đó của Heidi và ông của mình không kéo dài được lâu. Chỉ hai năm sau đó, người dì của Heidi lại đến với mong muốn đưa Heidi rời khỏi nhà của ông lão. Heidi lẫn ông của mình đều hết mực phản đối. Song trước lời hứa hẹn thành phố Franfoct nơi Heidi sắp đến vô cùng đẹp đẽ và bé có thể mang những món quà tuyệt vời về cho ông, Heidi đã đồng ý theo dì. Sau khi cô bé rời khỏi, ông lão dần trở nên giận dữ và xa lánh tất cả mọi người.
Cuộc sống của Heidi sau khi đến Franfoct thay đổi nhanh chóng. Cô bé làm quen với Clara và có nhiệm vụ chơi cùng, nói chuyện cùng Clara bởi Clara vốn thể chất yếu ớt nên gần như cô bé không thể ra ngoài vui chơi. Heidi từ một cô bé tự do làm những điều mình thích giờ đây phải học đủ thứ phép tắc, lễ giáo và phải tham gia những giờ học đầy nghiêm khắc cùng với Clara. Heidi luôn nhớ về dãy Alps và những ngày tháng sống cùng ông nội. Việc không thể trở về ngay như lời dì hứa khiến mỗi ngày của Heidi trôi qua vô cùng buồn bã và nhớ nhung. Tuy vậy, bé vẫn yêu thương người chị nhỏ Clara và sống trong ngôi nhà giàu có đó một cách đầy lễ phép.
Những ngày tháng sống cùng với nỗi nhớ thương ông và niềm khao khát được sống, hít thở không khí trong veo của vùng núi Alps khiến Heidi trở nên gầy gò, đau bệnh. Cho đến ngày cô bé được bác sĩ của gia đình Clara thăm khám, họ cho rằng cô bé cần phải được trả lại nơi cô bé thuộc về. Heidi được đưa về lại vùng núi Alps mà cô bé vẫn nằm mơ về mỗi ngày. Không gì có thể diễn tả được niềm vui sướng của Heidi và của ông mình khi gặp lại nhau. Tưởng như hai ông cháu chính là mặt trời của nhau vậy.
Câu chuyện kết thúc trong khung cảnh Heidi nắm chặt tay ông mình, men theo con đường mòn lên núi với mặt trời lặn nhuộm hồng dãy nũi và dòng sông băng. Một khung cảnh vô cùng bình yên chỉ dành riêng cho hai ông cháu.
4. Cảm nhận và đánh giá tiểu thuyết Heidi – Cô bé trên núi cao
“Heidi cô bé trên núi cao” tuy là một cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng lại ẩn chứa ý nghĩa vô cùng sâu sắc và thấm thía về tình yêu thương, thấu hiểu và sự đồng cảm. Ở câu chuyện, có những con người ích kỷ, nông cạn như người dì Dete, có những dân làng tọc mạch, phiến diện, có những người khuôn mẫu, áp đặt như bà quản gia già nhà Clara. Nhưng cũng có những con người đầy tình yêu thương như cô bé Clara, những người giàu có nhưng đầy thấu hiểu và đồng cảm như bà và bố Clara. Và hơn hết, có Heidi, một cô bé với tâm hồn yêu thương một cách trong sách, thuần khiết và rất đỗi dịu dàng; có ông lão với trái tim nồng ấm, nhân hậu ẩn sâu trong vẻ ngoài cục cằn, lầm lì.
Cuốn sách cũng sẽ làm bạn rung động và cười thầm với những tình tiết hài hước vô tình của bé Heidi và lòng nhân hậu của bé. Khi nhận được tiền của Herr Sesemann, cô bé không hề mảy may nghĩ đến cá nhân mà sẵn lòng dùng nó để mua bánh mì trắng cho bà. Trong cuốn sách cũng nói lên sự chữa lành diệu kỳ mà thiên nhiên trong lành có thể đem lại, diệu kỳ và nhanh chóng hơn bất kỳ thứ dầu gan cá Moruy nào khác. Mỗi nhân vật trong cuốn sách đều có tính cách riêng và đều có tấm lòng nhân hậu và đồng cảm, đều đi tìm niềm vui và khát vọng sống bị chôn vùi trong tim.
Cuốn sách này thật vô cùng ý nghĩa với kết thúc đẹp đẽ, ngôn từ sinh động và tính cách nhân vật được bộc lộ một cách rất riêng. Một cuốn sách bao hàm vô vàn ý nghĩa và thấm đượm tinh yêu thương gia đinh. Sau khi đọc xong, bạn chỉ muốn đắm mình vào hương thơm núi non, về nhà và quây quần bên gia đình, cảm nhận sự ấm áp và tình yêu lan tỏa trong không gian.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review tiểu thuyết Heidi cô bé trên núi cao – Johanna Spyri