Trang chủ Văn học Tóm tắt & Review tiểu thuyết Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng

0

Nguyên Hồngp; Review tiểu thuyết Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng

1. Giới thiệu tác giả

Nguyên Hồng (1918-1982) sinh ra trong một gia đình công giáo ở Phố Hàng Cau, TP Nam Định, mồ côi cha từ năm lên 12 tuổi, gia đình sớm sa sút. Mẹ buộc phải đi làm ăn xa, nhà văn lớn lên trong sự hắt hủi và thiếu thốn tình thương của mẹ. 16 tuổi, Nguyên Hồng cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống ở các xóm chợ nghèo… gắn bó với những con người nghèo khổ nhất của thành phố này.

Trong sự nghiệp theo đuổi viết lách, Nguyên Hồng là một trong số ít những nhà văn ngay từ khi cầm bút đã xác định được con đường của mình là suốt đời đi theo những con người cùng khổ.

Chủ nghĩa nhân đạo thống thiết được thể hiện rõ nét trong cả thơ và văn của ông, với một cảm hứng nhiệt tình, sôi nổi và lao động không biết mệt mỏi khiến Nguyễn Tuân phải nói rằng:

“Nguyên Hồng là kẻ đam mê viết – Một kẻ bị ám ảnh bởi công việc ngoài viết ra không biết gì đến ăn mặc, ăn mặc xuềnh xoàng tới mức người ta tưởng là lập dị.”

2. Giới thiệu tác phẩm

Tiểu thuyết Bỉ vỏ được Nguyên Hồng viết đi viết lại ít nhất năm lần, hoàn thành vào ngày 26 tháng 4 năm 1937 và giành được giải thưởng văn chương của Tự Lực Văn Đoàn. Lúc đó, nhà văn mới mười chín tuổi. Ở cái tuổi còn non nớt nhưng đã chịu nhiều ghẻ lạnh và sớm sống đời bươn chải, Nguyên Hồng khi ấy vào tù ra tội và tiếp xúc với mọi hạng người cùng khổ trong xã hội. Chính trải nghiệm đã cung cấp những chất liệu đầu tiên cho sáng tác của ông. Tác phẩm không chỉ đề cập đến số phận của những người cùng khổ, thuộc tầng lớp dưới đáy của xã hội, mà còn phơi bày nhiều góc khuất, mặt trái của đời sống xã hội Việt Nam thời bấy giờ. Tác phẩm cũng đánh dấu việc định hình khuynh hướng sáng tác của Nguyên Hồng – nhà văn luôn đứng về những người lao động và luôn bênh vực những kẻ yếu thế…

3. Tóm tắt nội dung tiểu thuyết Bỉ Vỏ

Bỉ vỏ viết về số phận của một người đàn bà lưu manh mang tên Tám Bính. Khác với những tác phẩm cùng đề tài, Nguyên Hồng đặc biệt chú ý đến sự phát triển của tình huống và tính cách nhân vật. Đặc biệt ông không miêu tả đời sống các nhân vật lưu manh ở thế tĩnh tại mà nêu bật lên quá trình lưu manh hóa, bần cùng hóa của mảnh đời bất hạnh.

Mở đầu Bỉ vỏ xây dựng Bính là một thiếu nữ rất hồn nhiên, chân chất, thực thà. Cô sinh ra tại một gia đình theo đạo nhưng tấn bi kịch của Bính bắt đầu đổ ập xuống khi cô bị một tên tham đạc điền lừa bịp và phụ bạc. Tên tham Chung là người đầu tiên gieo tai họa cho Bính, kẻ đã phủi áo ra đi khi nàng còn đang bụng mang dạ chửa.

Tiếp đó các phong tục lạc hậu, ấu trĩ và vô đạo bấy giờ đã đẩy lòng bạc ác của bố mẹ Bính lên cao. Ông bà bán cháu để đổi lấy thanh danh gia tộc, mặc cho Bính đang ngơ ngác, thẫn thờ không hiểu chuyện gì xảy ra.

Sau khi dứt ruột bán đi đứa con của mình, Bính bỏ xuống Hải Phòng tìm người tình với mong muốn thuyết phục anh ta suy nghĩ lại. Khi lang thang trên các con đường, Bính bị lừa lọc, hãm hiếp rồi bị bán vào tay mụ Tài xế cấu và từ đây, cuộc đời Bính lâm vào cảnh bán trôn nuôi miệng, một cô gái trong sạch từ giờ đã lao thẳng xuống bùn nhơ.

Trước hoàn cảnh khó khăn, nhục nhã ấy, Bính gặp Năm Sài Gòn. Một gã du thử du thực sống bằng nghề trộm cắp, đâm thuê chém mướn, mà theo nhà văn Nguyên Hồng miêu tả với một cái tên tiếng lóng của giới lưu manh xã hội là “chạy vỏ”. Từ một cô gái nông thôn trong sáng Bính đã trở thành một “bỉ vỏ” thực thụ.

Nàng theo chồng tham gia những phi vụ trộm cắp. Nàng chứng kiến cảnh đâm chém mà không mảy may kinh sợ. Từ đó cuộc đời người con gái long đong chìm nổi không thoát được con đường tối tăm.

Sau một lần cãi vả, Bính bị Năm Sài Gòn đuổi ra khỏi nhà. Trong cảnh cơ cực, lại nghe tin cha mẹ ở quê gặp khó, Bính nhắm mắt bán mình cho một tên mật thám để lấy tiền cứu cha mẹ.

Ít lâu sau, Bính phát hiện Năm Sài Gòn – chồng cũ của mình, đang bị bắt bởi chính người chồng hiện tại. Bính giải cứu cho Năm và hai người cùng bỏ đi trốn. Dù trong hoàn cảnh nào thì khát khao được sống một cuộc đời lương thiện vẫn day dứt trong lòng Bính.

Trên một chuyền tàu nọ, Bính cướp được một đứa trẻ trên mình đeo đầy vòng vàng. Biết được đây là một món hời, Năm ôm theo đứa trẻ nhảy xuống sông để giữ được đứa bé. Năm dùng hết sức lực để bơi vào bờ, đứa nhỏ trong tay Năm vùng vẫy, ngụp lặn rồi chết đi vì không chịu được nước.

Về đến nhà, Năm mang theo đứa trẻ đã chết, nơi có Bính đang chờ. Đau đớn đến xé lòng khi Bính phát hiện bé trai đó có một vết chàm hình con thạch sùng trên mặt, nó chính là đứa con thất lạc mà Bính đau đáu kiếm tìm bao nhiêu năm nay.

Chưa kịp cắt cơn đau thì tên mật thám – chồng cũ của Bính ập tới và xích tay hai người đưa đi. Truyện kết thúc khi Bính đau đớn quay sang Năm nói ba từ “Thế là hết”.

Trong Bỉ vỏ ta thấy một Nguyên Hồng rất tự nhiên, có phần ngây ngô, đơn giản. Ông dùng nhân xưng “chàng – nàng” để phủ sự ưu ái của mình lên các nhân vật. Đọc Bỉ vỏ độc giả không khỏi cảm thương cho số phận con người hiền lành, lương thiện bị xã hội đày đọa, vùi dập, một cách tàn nhẫn. Một giai đoạn mà người với người nhìn nhau, cay đắng không khác loài lang sói.

Quá trình lưu manh hóa của Tám Bính được miêu tả rõ từ những nguyên nhân xã hội. Nàng không lười biếng, cũng chẳng lẳng lơ, không sống buông tuồng hay trễ nải. Trái lại nàng còn rất chăm chỉ, lao động chân chính, lên án những đồng tiền dơ bẩn vấy máu mà Năm Sài Gòn đem về.

Dưới ngòi bút của Nguyên Hồng, Tám Bính là một cô gái xinh đẹp với nhiều đức tính đáng quý, thể hiện thái độ trân trọng xót thương của nhà văn với các nạn nhân trong xã hội đương thời.

Năm Sài Gòn là một sản phẩm lầm lỗi của xã hội Việt Nam trước cách mạng. Một kẻ tứ cố vô thân, lang thang khắp nơi, vào tù ra khảm như đi chợ. Tinh thần hung ác như súc vật. Hắn yêu Tám Bính là thế nhưng cũng nhẫn tâm, phũ phàng đuổi nàng ra khỏi nhà với những ngôn từ cay nghiệt nhất, nào thì “có cút xéo hay không”, nào thì “chó đểu nào”.

Năm Sài Gòn là một điểm yếu chí tử của Nguyên Hồng. Nếu ông miêu tả Tám Bính đậm nét chân thực bao nhiêu thì Năm Sài Gòn hời hợt, dễ dãi bấy nhiêu. Thậm chí nhà văn còn thể hiện hắn dưới thái độ ngạo nghễ, dũng cảm, cầm dao tả xung hữu đột đề cứu anh em dẫn dắt người đọc vào tư tưởng hâm mộ cảm phục nhiều hơn sự phê phán.

Nguyên Hồng viết Bỉ vỏ trong khi tuổi đời chưa tròn hai mươi. Tâm hồn non trẻ, trắng trong của nhà văn lúc này là một tâm hồn dạt dào tình hương và lòng nhân đạo, đã đem lại cho căn chương đương thời nhiều đời mới về cuộc sống và con người.

Nhưng cũng vì vốn sống và kinh nghiệm tích lũy còn hạn chế nên Bỉ vỏ vẫn ít nhiều tồn tại một cái nhìn lý tưởng, đề cao đời sống nay đây mai đó của đám lưu manh. Ông gán cho họ những phẩm chất cao quý nhưng chưa bóc tách được rõ ràng các tầng lớp, lẫn lộn giữa dân nghèo với đám lưu manh, khiến các nhân vật đều sở hữu chung một tông màu.

4. Cảm nhận và đánh giá tác phẩm Bỉ Vỏ

Mạch truyện đi từ bế tắc cho đến tuyệt vọng, rõ ràng Bính cũng đã từng muốn làm lại cuộc đời, nhưng chính những con người trong xã hội kia lại không ngừng chèn ép, dày xéo lên để rồi cuối cùng không còn tìm thấy một lối thoát nào cho tất cả. Thử hỏi xã hội bấy giờ đã từng mở ra một cánh cổng, một lối ra bao giờ chưa? Hay chỉ biết dồn người ta đến tận chân tường, trói buộc người khác trong những thói điều và hủ tục lạc hậu, cũ kĩ?

Bỉ Vỏ là quyển sách đầu tay của Nguyên Hồng. Nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nó ngay từ những ngày đầu được xuất bản. Với cốt chuyện thân thuộc, gần gũi, Bỉ Vỏ đã góp phần bóc trần và châm biếm được những hiện tượng xấu xa tồn đọng trong xã hội bấy giờ…  đã hủy hoại quyền tự do, quyền sống, cái quyền được hướng tới cái chân, cái thiện của con người.

Bỉ Vỏ thật sự xứng đáng là một tác phẩm kinh điển, đáng đọc của Nguyên Hồng. Đã phán ánh được mặt tối của một xã hội bất lương, tàn ác, chèn ép con người, qua đó cũng bày tỏ nỗi xót thương, đồng cảm của tác giả dành cho những con người nhỏ bé, đáng thương nằm dưới đáy xã hội cũ.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Bỉ Vỏ

Tóm tắt & Review tiểu thuyết Bỉ Vỏ – Nguyên Hồng

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 3 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

0 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

error: Content is protected !!!
Exit mobile version