Tóm tắt & Review tản văn Hong tay khói lạnh – Nguyễn Ngọc Tư

0
516

Tóm tắt & Review tản văn Hong tay khói lạnhNguyễn Ngọc Tư

1. Giới thiệu tác giả

Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Với niềm đam mê viết lách, chị miệt mài viết như một cách giải tỏa và thể nghiệm, chị biết rằng chị muốn viết về những điều gần gũi nhất xung quanh cuộc sống của mình. Giọng văn chị đậm chất Nam bộ, là giọng kể mềm mại mà sâu cay về những cuộc đời éo le, những số phận chìm nổi. Cái chất miền quê sông nước ngấm vào các tác phẩm, thấm đẫm cái tình của làng, của đất, của những con người chân chất hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh.

Âm thầm đến với văn chương và bừng sáng khi được nhận giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ, Nguyễn Ngọc Tư đã trở thành tâm điểm của sự hy vọng vào một nền văn trẻ đương đại. Chị đã tiếp tục có những cú nhảy ngoạn mục trên chặng đường văn cùng những tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn sách “giống như mấy bộ phim hậu tận thế (cũng là giả tưởng buồn hiu): bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm. Và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hủy diệt.”

Một thế giới mới đồng dạng cả tin, đầy những thứ giả tạo đẹp đẽ, nơi người ta đánh mất dần cá tính, sự hoài nghi, rung cảm, mất luôn cả bóng mình. Những con người không bóng, thì cô độc nào hơn?

3. Tóm tắt nội dung tản văn Hong tay khói lạnh

Cuốn sách gồm có 2 phần lớn. Phần thứ nhất là giả tưởng sau tận thế – những giả tưởng buồn hiu khi mà bề mặt trái đất không còn sự sống, không màu xanh, chỉ bụi xám chì phủ lớp đất bạc như muối hầm và nắng, thứ nắng lửa tận diệt mọi sinh vật nào đối đầu trực diện với nó, bằng sức nóng hủy diệt. Phần thứ hai là hong tay khói lạnh, phần này có những đề tài nhỏ gồm những câu chuyện riêng biệt được soi chiếu dưới con mắt tinh tế ở góc nhìn mới lạ của tác giả. Mỗi đề tài của sách đều khiến mình phải suy ngẫm rất nhiều, sau đây hãy cùng mình trải nghiệm một số chủ đề có trong sách nhé!

“Không bay”

Vở kịch của BF viết vào mùa hè thứ ba sau Đại Di Cư, “Không bay” dài bốn mươi lăm phút (mà nhiều khán giả mô tả họ có cảm giác như trải qua bốn mươi lăm giờ, trong trường hợp nán xem bằng hết), trình diễn lần đầu ở một sân khấu thể nghiệm, và nhận được nhiều phản ứng bực bội. Kịch chỉ có một hồi với màn duy nhất, trên sân khấu có trần thấp, vừa với người đàn ông dáng nhỏ thó, hói đầu, mọi hành động của ông xoay quanh một cây me èo uột. Phục trang cho thấy ông ta không mấy khá giả, áo gài lệch khuy. Xen giữa các hành động bệ rạc như tưới cây, treo cái xích đu bện bằng dây thừng và tháo nó ra, rồi treo lại, hoặc ngồi sững ra với cái nhìn trống rỗng, là loạt độc thoại chừng như bâng quơ, những khoảng lặng dài (đây là lý do phần lớn khán giả bỏ về trong buổi công diễn đầu tiên, họ nói rằng các khoảng lặng khiến họ ngộp thở, khi mà nhân vật không nói gì không làm gì, bất động đến phông màn không lay, nhưng sự thật như đạo diễn vở kịch sau này tiết lộ, rằng đội hậu đài đã dùng một thủ thuật nhỏ để phong kín khán phòng, không có không khí lưu thông, gây cảm giác bức bối, “khiến người xem gần như ngay lập tức chia sẻ được tâm trạng của nhân vật”).

Toàn bộ vở kịch có chín câu thoại gồm: “bay nói ngồi xích đu như bay lên, ba nhớ chớ”, “cây cao đụng nóc rồi còn đâu”, “trời thấp, mưa thẳng đứng”, “tàu về mà cũng như không”, “ai biết cây nhà giàu đâm ngọn tới đâu”, “bày đặt rụng lá làm màu”, “tới treo cổ cũng không xong”, “cứ nghĩ tháng Bảy”. Trong buổi công diễn duy nhất, thỉnh thoảng diễn viên đóng vai người đàn ông đã thoại nhịu lẫn giữa các câu, kiểu như “tàu về treo cổ còn đâu”, hay “mưa thẳng đứng bán thận”. Hồi đầu khán giả tưởng nghệ sĩ không thuộc thoại, nhưng nếu tinh ý nhận ra nghệ sĩ cố tình trưng ra một nhân vật mỏi mòn.

Không gian của vở kịch được hé lộ nhờ sự xuất hiện vài người gù lưng cúi đầu và câm lặng đi lại bên tấm phông xanh im sững. Trần thấp nên họ không thể đứng thẳng. Đây có thể là tầng cuối của Ngầm nào đó, nơi dung thân của lớp dân nghèo, không có khả năng mua lấy một nơi chốn rộng rãi hơn, sau cuộc tháo chạy khỏi Bề Mặt nóng chảy. Lòng đất đâu thể đủ chỗ cho tất cả. Một vài khán giả kiên nhẫn phần nào nắm bắt được câu chuyện, qua hành động người đàn ông treo cái xích đu lên cây me, nhưng để đung đưa nó là bất khả. Treo cao thì không thể ngồi vì đầu vướng cành me, nhưng treo thấp là chạm đất. Trong hành động nghèo nàn buộc rồi tháo, thấy rõ người đàn ông hy vọng đứa con (thích bay) sẽ trở về nếu xích đu có thể đong đưa. Một khán giả nói rằng kịch chịu ảnh hưởng của “Trong khi chờ Godot” của Samuel Beckett, nhưng non tay hơn vậy nên kịch cũng dễ chịu hơn vì chúng ta còn biết được người đàn ông đơn độc nọ chờ kẻ nào.

Vở kịch không được công diễn sau đó. Cả kể hoạch diễn miễn phí ở những nhà ga, đều bị hoãn vô thời hạn. Một nguồn tin cho hay có sự tác động của Hội đồng Ngầm để vở “Không bay” lưu kho. Họ nghĩ tinh thần của kịch chẳng giúp gì cho cuộc sống người dân chỉ vừa được ổn định phần nào sau cuộc di tản. Cướp bóc vẫn còn diễn ra khắp nơi, những lời thề thốt hóa ra hão huyền. Liệu ai được an ủi khi xem cảnh cuối cùng của vở kịch đen, người đàn ông dùng dây thừng của xích đu để làm thòng lọng mắc lên cây, và sau khi ướm vào nó ước lượng, ông thở dài “tới treo cổ cũng không xong”.”

“Bóng”

Giờ thì nó gần như độc lập với bạn. Nó có thể cười tươi, nói những lời thớ lợ chẳng làm phật lòng ai, đi lại bằng những bước chân vồn vã. Cái bắt tay của nó cũng nồng nhiệt hơn, lòng bàn tay tỏa ra thứ hơi ấm đầy tin cậy. Không còn dựa dẫm như cái thuở sơ khai bạn đi bóng đi bạn ngồi bóng ngồi, và khi mặt trời ở đỉnh đầu bạn với bóng là một, nhiều lần tự nó đi tới mấy cuộc hội hè đông người và lúc về ngất nga say. Ngó gương mặt nó bừng lên dưới ánh đèn, bạn có thể cảm nhận được những mạch máu căng phồng, nhịp tim đập dồn dưới tác động của rượu. Cái bóng bạn sống động tới nỗi bạn nghĩ nó sẽ còn đi lại rất lâu sau khi bạn từ giã cõi đời, thân xác ra tro bụi.

Phải nó từ mình mà ra không, bạn vẫn thường tự hỏi khi ngắm cái bóng chải chuốt chuẩn bị cho cuộc tụ bạ đông người. Vẻ hân hoan không giả tạo kia bạn chưa từng thấy trên gương mặt mình trước đây, tương lai càng khó hình dung sẽ có. Nó phải học những biểu hiện cảm xúc đâu đó ở đám đông, trong mấy cuốn sách về ngôn ngữ cơ thể, và luyện tập chúng khi bạn đã ngủ rồi, nếu không thì sao lại thành thục đến vậy. Bóng càng xa lạ, bạn càng an toàn. Không ai chạm tới bạn, họ chỉ nhằm vào bóng, kẻ chường ra chỗ sáng, kết bầy, nhận yêu thương và cả thù nghịch.

Có lần gặp vài người quen cũ trong một tiệm cà phê, sau màn chào hỏi bạn trở về chỗ của mình, thoáng nghe họ nói với nhau, “cái thằng dạo này trông như cái bóng, mặt mày chẳng hồn vía chi.”

4. Đánh giá tản văn Hong tay khói lạnh

Đây là cuốn sách đầu tiên của cô Tư mà mình đọc, đọc xong mình phải thốt nên “chà hay nhưng đau đầu ghê”, không phải vì những câu chuyện với tình tiết ly kì mà thứ kiến mình “đau đầu” là vì văn phong của cô trau chuốt quá, từ ngữ hoa mỹ, nhiều đoạn mình thấy hơi khó hiểu, có thể vì vốn từ của mình chưa được phong phú và cũng là lần đầu tiên được tiếp cận với tác phẩm của cô nên mình đọc rất chậm, mặc dù nội dung hay nhưng lại có phần nản. Phần cuối cuốn sách thì văn phong của tác giả bớt gai góc hơn và độ mượt mà của nó thể hiện một tư duy đáng ngưỡng mộ. Điều mình thích nhất ở cuốn sách là chất liệu giấy siêu đẹp, cả bìa phụ và chính của cuốn sách cũng ổn nhé.

Tóm lại, cuốn sách này rất đáng trải nghiệm và chắc chắn mình sẽ đọc lại lần 2, lần 3. Thay cho lời kết, gửi bạn một câu nói hay trong cuốn sách: “Con tàu xa hoa khiến người ta chếnh choáng. Nhiều kẻ đã quên ngoái lại nhìn đất quê.”

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Hong tay khói lạnh

Tóm tắt & Review tản văn Hong tay khói lạnh – Nguyễn Ngọc Tư

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 0 Average: 0]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây