Tóm tắt & Review sách Trăm năm cô đơn – Gabriel Garcia Marquez
Mục lục
1. Giới thiệu tác giả
Người viết lên tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn có tên đầy đủ là Gabriel José García Márquez, ông sinh ngày 6/3/1938 và mất vào 17/4/2014. Ông là một nhà văn nổi tiếng của đất nước Colombia, ngoài ra ông còn là một nhà báo cũng như một nhà hoạt động chính trị.
Không chỉ tác phẩm “Trăm Năm Cô Đơn” mà Gabriel José García Márquez còn nổi tiếng với các tác phẩm khác: Mùa thu của vị trưởng lão, Tình yêu thời thổ tả hay Tướng quân giữa mê hồn trận…. Tác giả García Márquez là người đại diện tiêu biểu cho nền văn học Mỹ Latinh, gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Đặc biệt García Márquez đã được trao Giải Nobel Văn học danh giá vào năm 1982.
2. Giới thiệu tác phẩm
Vào 1967 tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn chính thức được xuất bản lần đầu bằng tiếng Tây Ban Nha bởi Nhà xuất bản Sudamericana tại Buenos Aires (Argentina). Tới năm 1970 thì cuốn tiểu thuyết được in dưới bản tiếng Tây Ban Nha này đã bán được hơn nửa triệu bản, chưa gồm trăm nghìn bản – hai lần in tại Cuba. Đặc biệt lúc bấy giờ còn có khoảng 17 hợp đồng xin phép nhà văn với mong muốn dịch sang nhiều thứ tiếng.
Cho tới nay, cuốn tiểu thuyết “Trăm Năm Cô Đơn” này đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ trên khắp thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Tác phẩm này đã được trao giải Chianciano của Ý cũng như được công nhận là cuốn sách hay nhất trong năm trên đất nước Pháp. Tác phẩm nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới phê bình văn học Mỹ và đặc biệt là nằm trong list 12 cuốn sách hay nhất của thập niên 1960. Năm 1982 tác phẩm Trăm năm cô đơn này đã đem tới cho tác giả Gabriel Garcia Marquez giải Nobel Văn học.
3. Tóm tắt nội dung Trăm năm cô đơn
Khởi đầu từ điểm dừng cho những kẻ trốn chạy số phận
Câu chuyện bắt đầu và kết thúc xoay quanh lịch sử kể về thảm cảnh của một dòng họ và ngôi làng Macondo trải qua sóng gió biến chuyển trong hơn một trăm năm, đó chính là gia tộc Buendia bao gồm 7 thế hệ với: “Người đầu tiên trong dòng bị trói vào gốc cây và người cuối cùng của dòng họ bị kiến ăn khi vừa được sinh ra.” Một vòng tròn, một hố đen của những kết nối và những mộng mị, những số phận được dệt nên bởi bàn tay tạo hóa và đi đến cuối đường vẫn không thể bứt ra khỏi những gì mà định mệnh đã an bài.
Khởi nguồn là Jose Arcadio Buendia, người đầu tiên trong cây dòng họ, một người đàn ông khỏe mạnh, quan tâm tới các giả thuyết về triết học. Cha mẹ Jose đã ngăn cản cuộc hôn nhân giữa ông và Ursula Iguaran do hai bên dòng họ đã có mối quan hệ huyết thống thâm giao lâu đời, cháu chắt họ đã từng có người lấy nhau và sinh ra một người con có chiếc đuôi lợn. Song, với tình yêu sâu nặng, hai người vẫn nhất quyết nên duyên vợ chồng và về chung một nhà, nhưng do e sợ câu chuyện “đứa con có đuôi lợn” nên khi đi ngủ bao giờ Ursula cũng mặc chiếc quần trinh tiết do mẹ may cho và một mực chống cự mọi “đòi hỏi” của chồng. Sự việc cứ kéo dài như vậy hơn một năm sau và dân trong làng đồn đại rằng Jose là người chồng bất lực. Bất ngờ trong một cuộc chọi gà, một người bạn thân do cay cú khi bị thua nên đã đem lời đồn trên ra trêu ghẹo, chọc tức Jose, trong cơn bực tức quẫn trí, Jose đã lỡ tay giết người bạn này. Rồi hôm đó về nhà, Jose bắt vợ bỏ chiếc quần trinh tiết đi và tuyên bố “dù có đẻ ra kỳ đà thì sẽ nuôi kỳ đà”.
Dằn vặt vì đã giết oan người bạn trong một phút nông nổi, Jose bị ám ảnh và lúc nào cũng có cảm giác oan hồn của người bạn xấu số luôn bám theo mình trong ngôi nhà. Không thể chịu nổi áp lực, anh đã cùng vợ bỏ làng để đi đến một vùng đất khác hòng tìm kiếm sự thanh thản. Còn người vợ Ursula, mãi cho đến về sau, mỗi lần có mang và hạ sinh những đứa con, lần nào cô cũng phải xem xét thân hình của con thật kỹ lưỡng, cặn kẽ để đảm bảo rằng chúng không có bộ phận nào của loài vật và Ursula luôn nhắc nhở con cháu phải tỉnh táo để nhận diện họ hàng người thân, nghiêm cấm những mối quan hệ loạn luân. Ngôi làng mới được Jose Acardio Buendia sáng lập chính là làng Macodon, do chính ông làm tộc trưởng.
Trải qua năm đời khác nhau, Úrsula nhận ra rằng, ở những đứa con, đứa cháu dòng họ Buendia đều có một điểm chung: đó là nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn của những con người ấy mang hình thái khác nhau. Nhân vật trong “Trăm năm cô đơn” được phân ra làm hai tuyến: José Arcadio và Aureliano. Trong đó những Aureliano luôn có trí thông minh tuyệt vời nhưng lại trầm tư, ủ dột và lánh đời thì những José Arcadio bao giờ cũng khỏe mạnh, táo bạo và sống chan hòa nhưng cuối cùng đều thất bại và cô đơn. Chính sự giống nhau này đã gây cho Úrsula Iguarán luôn có cảm giác thời gian quay tròn, vì bà lão cứ nhận thấy các thế hệ sau giống hệt thế hệ trước. Khi về già, bà luôn nhầm lẫn José Arcadio Segundo và Aureliano Babilonia với ngài đại tá Aureliano Buendía con trai mình. Pila Ternera cũng nhận ra những nét tương đồng giữa các thế hệ trong dòng họ. Cái vòng tròn lớn nhất là dòng họ Buendía chạy trốn tội loạn luân, để rồi trải qua bảy thế hệ lại phạm vào tội loạn luân và bị tuyệt diệt.
Trong cái vòng tròn lớn là các vòng tròn nhỏ, là cuộc đời của mỗi nhân vật. Tiêu biểu là ngài đại tá Aureliano Buendía, khi còn trẻ sản xuất những con cá vàng, tham gia chiến trận, về già lại sản xuất những con cá vàng; đó là cặp anh em sinh đôi Aureliano Segundo và José Arcadio Segundo, khi còn bé giống nhau từ ngoại hình cho đến hành động, lớn lên một trở thành kẻ ăn chơi trác táng, một trầm tư lánh đời khi đến chết lại giống nhau như đúc. Những vòng tròn nhỏ này, những mảnh vụn thời gian, đánh dấu những cố gắng của các thế hệ trong dòng họ Buendía muốn thoát khỏi nỗi cô đơn. Nhưng hết thảy đều vô ích và thất bại, tựa như bản án mà tạo hóa đã sắp đặt lên con người: chúng ta vĩnh viễn sẽ bất lực trước cô đơn.
Sức sống mãnh liệt và bền bỉ
Trong Trăm năm cô đơn, các cuộc chiến tranh liên miên được phản ánh trong sự nghiệp chinh chiến của đại tá Aureliano. Mặc dù, G.G.Márquez đã tiểu thuyết hóa tất cả sự kiện này trong tác phẩm nhưng ở góc độ lịch sử nhà văn vẫn giữ nguyên những biến cố đau thương và đẫm máu của dân tộc. Đặc biệt, nhân vật đại tá Aureliano có nhiều điểm giống nhân vật lịch sử Rafael Uribe (lãnh đạo đảng Tự do mà ông ngoại của nhà văn – đại tá Nicolas Ricardo Márquez Mejia đã từng chiến đấu dưới quyền trong cuộc chiến tranh 1.000 ngày).
Dưới góc nhìn không chỉ của một nhà văn mà còn của một nhà hoạt động chính trị tích cực, G.G.Márquez đã chỉ rõ bản chất thực sự của các đảng phái, tình trạng bạo loạn của đất nước qua nhiều chi tiết trong tác phẩm. Dù Trăm năm cô đơn đan xen nhiều yếu tố huyền diệu, siêu nhiên nhưng cốt lõi của nó vẫn gắn liền với lịch sử Colombia và Mỹ Latin.
Trăm năm cô đơn còn giễu nhại sự lố bịch của nhà thờ Thiên chúa giáo với những trò lừa bịp mị dân nhằm thay đổi tư tưởng lối sống của người dân Macondo. Sự hiện diện của tôn giáo do Tây Ban Nha truyền bá vào Colombia được tượng trưng bởi nhân vật cha Nicanor. Ngay khi quan thanh tra Mocoste đặt chính quyền ở Macondo thì lập tức cha Nicanor cũng đến và cắm cây thập tự xuống mảnh đất này. Ở ngôi làng vốn yên bình từ đây đã bắt đầu những biến cố lớn để rồi bị hủy diệt một trăm năm sau.
4. Đánh giá sách Trăm năm cô đơn
Với tình yêu, với sự phóng khoáng trong những ham muốn thể xác nhưng tâm hồn tràn ngập sự cô đơn, Gabriel García Márquez đã cho độc giả thấy tất cả những triết lý và những vô lý của cuộc đời. Những khát vọng tưởng chừng như chính nghĩa trong cuộc chiến tranh, của người lãnh đạo được tôn sùng, tất thảy cũng chỉ là những chết chóc, những máu me, những ảo tưởng về thời cuộc, về quyền lực sinh sát của một kẻ với trái tim trống rỗng. Hay chính kẻ đó vào trăm năm sau, lại bị sự tàn khốc của thời gian đánh gục, khi người đời chất vấn nhau về sự tồn tại của con người ấy, về giai thoại ấy như những lời ma mị của chính phủ đương thời.
Trăm năm, hay hơn cả trăm năm, là một sự hồi vọng, cho những huy hoàng, những tan vỡ, những hạnh phúc cùng đớn đau đi qua 43 kiếp người. Cảm ơn ba dịch giả Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi và Nguyễn Quốc Dũng đã truyền tải lại ngòi bút phóng khoáng, trữ tình nhưng đầy sâu cay và châm biếm trong áng văn chương này của Gabriel García Márque đến với độc giả Việt Nam.
Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha |
Tóm tắt & Review sách Trăm năm cô đơn – Gabriel Garcia Marquez