Tóm tắt & Review sách Tâm sáng dung mạo sáng – Thích Giác Hiếu

0
214

Tóm tắt & Review sách Tâm sáng dung mạo sáng – Thích Giác Hiếu

1. Giới thiệu tác giả

Sa Môn Thích Giác Hiếu (Trăng tròn, Trung thu, năm Nhâm Tý) xuất gia năm 19 tuổi, sáng lập, trụ trì Viên Giác Thiền Tự (Giang Điền, Trảng Bom, Đồng Nai). Ông thuộc Tông phái Thiền Tông, làm Phật sự, lấy hạnh nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát ứng dụng hóa độ chúng sinh.

2. Giới thiệu tác phẩm

Cuốn sách có 4 phần bao gồm: Sống – Yêu – Tiền – Đạo, là những tản văn, những cảm thức ngắn, được tác giả góp nhặt từ những chuyện có thật, từng chứng kiến, từng trải qua trong đời sống cũng như lúc tu tập. Bìa sách cũng dùng ảnh chụp chân thật, hiện hữu trong đời sống, mộc mạc không tô vẽ như chính tinh thần của thầy Thích Giác Hiếu khi phát tâm thực hiện ấn phẩm nhỏ này.

3. Tóm tắt nội dung sách Tâm sáng dung mạo sáng

Sống lâu hay sống sâu?

Đời người, nói dài không dài, nói ngắn không ngắn. Dài hay ngắn, sống lâu hay mau, thọ hay không thọ là do cách suy nghĩ của mỗi người. Ý nghĩa nhất của một kiếp người không kể sống được bao nhiêu năm, mà bạn đã sống như thế nào để cuộc đời này nhớ đến tên bạn, đó mới là giá trị mà cuộc sống của bạn tạo ra được trong hành trình tại thế.

Nhiều người vốn không thể nấn ná lâu trên trần thế, nhưng họ đã biết cách dùng vài mươi năm hiện diện ngắn ngủi của họ để làm đẹp cuộc đời này. Đó gọi là sống sâu. Kiếp sống đó tính ra vẫn giá trị hơn rất nhiều lần so với những người sống thật lâu mà như cây chùm gửi đeo bám. Chẳng những không làm gì để mang lại lợi ích giá trị cho nhân sinh, mà còn trở thành gánh nặng, là nỗi lo lắng cho toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta, những bản thể nhỏ nhoi của đời sống này phải chọn được cho mình một cách sống khác.

Sống như thế nào, để không phải đến tận khi bạn mất đi, người ta mới khóc thương, nuối tiếc về sự vắng bóng của bạn mà người ta yêu thương, trân quý bạn trong từng ngày bạn hiện diện. Từng hành trạng của bạn đều hiện hữu cùng với bạn trong từng ngày. Thế nên Sống như thế nào, để khi bạn ra đi nhưng thực ra là đang ở, ở trong đôi mắt, trong trái tim, trong hơi thở… những người thân thương. Khi đó, dù thân xác bạn đã thật sự không còn nhưng hình ảnh bạn luôn hiện hữu.

Đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe, có để lại một câu danh ngôn: “Trước một trí tuệ vĩ đại tôi xin cúi đầu, trước một trái tim vĩ đại tôi xin quỳ gối”. Nói vĩ đại nghe có vẻ lớn lao, nhưng trí tuệ ấy chỉ cần được bạn thắp sáng mỗi ngày, trái tim ấy chỉ cần bạn tưới tắm yêu thương mỗi ngày là sẽ có biết bao người cúi đầu tưởng niệm khi bạn chào biệt thế gian này.

Thiện và ác là hai nhân tố song hành theo suốt cuộc đời mỗi người. Ta nói, ta làm, ta nghĩ đều phản chiếu từ hai lăng kính đó. Còn đang sống, là mỗi ngày chúng ta đang vật lộn, đấu tranh giữa tốt và xấu, giữa phải và quấy. Hành trình đó chỉ dừng lại khi và chỉ khi hơi thở của chúng ta thực sự không còn, bờ môi mím chặt và ánh mắt khép lại mãi mãi. Ngay lúc đó thiện ác mới phân định được thắng thua, ai tốt xấu đều có câu trả lời rất rõ.

Và kết quả được quy chiếu rất rõ trong tang lễ của bạn. Nhìn vào cách mà người ở lại cung tiễn một người vừa giã biệt cuộc đời, sẽ thấy được cả một hành trình nhân sinh mà người ấy đã trải qua và thái độ của người ấy đối với tha nhân, với cuộc đời. Khi nhắm mắt xuôi tay, thứ bạn mang theo được bên mình chỉ vỏn vẹn những giá trị tinh thần bạn đã tạo ra, đã đối đãi trong kiếp sống thực tại. Đạo Phật gọi đó là nghiệp.

Đồ giả, người giả, ta tìm cái thật ở đâu?

Chúng ta đang sống ở thời đại gì mà học sinh có thể mua xăng đốt trường khi được bạn bè cổ vũ? Thời đại gì mà con cái bày mưu tính kế đuổi bố mẹ ra ngoài đường, đem nhà đi bán để chia nhau? Thời đại gì mà những người đã từng yêu đương mặn nồng với nhau có thể đưa nhau vào tù, lôi nhau lên tòa, vạch trần nhau trước bàn dân thiên hạ chỉ bởi kim tiền? Thời đại gì mà những con vật ảo lại có thể dắt cổ người thật đi đến hết nơi này đến nơi khác? Thời đại gì mà hàng “fake” bày bán tràn lan cùng hàng thật, mua cái gì cũng sợ lầm. Đến cả những thực phẩm thiết yếu cũng phải cẩn thận khi tiêu dùng?…

Chúng ta đang ở giữa rất nhiều thứ giả. Nhưng, những thứ giả do người khác làm ra, chúng ta vô tình mua phải không đáng sợ bằng những thứ chúng ta biết giả mà vẫn chạy theo. Bằng cấp giả, học vị giả, chức vụ giả… cái gì cũng có thể giả. Độn cằm để có một chiếc cằm đẹp, ấy là đồ giả. Cắt mắt để có một đôi mắt to, ấy cũng là đồ giả. Những năm gần đây, còn rộ lên chuyện đám cưới giả. Người ta làm giả cái lễ thiêng liêng, kết nối hai người yêu nhau thành một cho một mục đích khác, xuất ngoại chẳng hạn. Thậm chí, một người ra ngoài chợ, mua một vài thước vải màu vàng, khoác lên người là đã có thể trở thành thầy tu. Tất nhiên, đó là thầy tu giả. Xã hội trọng hình thức, cá nhân trọng vật chất trong khi nội lực thì chưa phát triển tương xứng, cái giả ấy thật là nguy hại.

Một đứa con hư là do gia đình chưa tốt. Một học sinh hư là do nhà trường chưa tốt. Một ngôi trường chưa tốt là do nền giáo dục. Nền giáo dục mà không tốt thì xã hội chưa thể chưa tốt, phát triển toàn diện.

Và, một xã hội chưa phát triển toàn diện thì cũng chưa thể hy vọng ở tương lai đất nước.

Đối thoại với cái xấu

Xấu, tốt là hai lưỡng cực của đời sống này. Đối với người không tốt, điều không tốt, nếu bài xích, hằn học, đó chưa phải là tốt. Với cái xấu, tất nhiên, ta không học theo nhưng cũng phải tham khảo, chiêm nghiệm. Bởi kẻ xuất sắc thì hiếm khi tìm thấy, mà e rằng bạn cũng nhìn không thấu chỗ xuất sắc của người ta là ở đâu.

Mâu thuẫn của cái gọi là xấu – tốt, chúng ta thường thấy nhất là trong quan hệ gia đình. Tôi từng có một người bạn thân. Từ nhỏ, người bạn ấy đã luôn đau khổ với câu hỏi vì sao mình lại sinh ra trong một gia đình mà cha lại là kẻ cờ bạc, trác táng, đánh đập vợ con… Thậm chí khi không đủ nhẫn nhịn, bạn từng phản ứng mạnh để chống lại cha mình. Lớn lên, thành đạt, vợ đẹp, con xinh nhưng nỗi ai oán về cái xấu của cha trong người ấy cũng chẳng nguôi. Điều này, thật đáng tiếc! Lý ra, người ấy phải biết ơn cái xấu mà cha đã mang, để mình phản tỉnh mà không đi vào đường xấu. Nhờ vậy mà hình thành nên những tính tốt đẹp mà mình đang có, đang theo đuổi và thực hành.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thấy được phản tỉnh. Sự phản tỉnh chỉ đến với những người mở rộng tâm tu chỉnh. Cũng trong gia đình đó, ngoài bạn thân của tôi, bốn người anh khác cũng từng phản đối kịch liệt thói xấu của cha nhưng khi trưởng thành, lấy vợ, sinh con, họ đều có hành xử tương tự, chè chén, bạo lực với vợ con. Hỏi, họ có thấy điều mình làm là sai? Thưa là có nhưng họ vẫn đi theo cách hành xử như vậy. Đó là vì cái không tốt không được phản tỉnh mà ngược lại, đã trở thành gương xấu, thâm nhập vào trí não và tạo nên những thói quen.

Chuyện phản tỉnh không chỉ là một, hai hay vài lần. Tránh cái xấu, chúng ta phải soi chiếu, nhắc nhở bản thân thường xuyên, không ngừng nghỉ thì cái tâm của ta mới có thể khắc sâu, từ đó không nói cái xấu, không làm chuyện xấu và không nghĩ những điều xấu. Sống đạo, là nếp sống luôn có phản tỉnh, không buông trôi, không phóng túng. Cái xấu được dọn dẹp từng ngày, ắt có chỗ cho cái tốt đâm chồi nảy lộc.

Do đó, đi thăm viếng học hỏi kẻ xấu là điều đúng. Biết ơn kẻ xấu, cũng là điều đúng. Khi thấy được điểm xấu, thấy điều lỗi lầm của những người xung quanh, bạn hãy dùng nó để tự cảnh giác, thức tỉnh chính mình, tự hỏi mình có lỗi lầm tương tự hay chăng? Và, quan trọng hơn cả là tránh phạm những lỗi ấy.

Cái xấu hoàn toàn có thể được hóa giải, trở thành những giá trị tốt đẹp nếu ta biết nhìn nó mà phản tỉnh chính mình.

Đời! không nghịch cảnh, lấy chi làm chất liệu? Không khổ đau, sao thấu chuyện nhân sinh. Không hỷ xả, lấy chỉ lòng an lạc?

4. Đánh giá sách Tâm sáng dung mạo sáng

Đây là quyển sách dành cho tất cả mọi người. Dù bạn xấu hay đẹp, trẻ hay già, khỏe hay ốm, theo Đạo Phật hoặc Đạo Thiên Chúa, ngập tràn trong yêu thương hay đang chìm đắm trong đau khổ, đã từng hoặc đang có ý định rời xa cuộc sống này.

“Bao năm tìm kiếm loay hoay

Ngờ đâu hạnh phúc ở ngay trong mình

Tâm bình muôn sự sẽ bình

Lặng yên nghe lại tâm mình, ta ơi!”

Ngày hôm nay, bạn đã mệt rồi phải không? Trong lòng bạn ngổn ngang bao nhiêu vướng mắc không biết tỏ cùng ai, không biết ai đủ khả năng dẫn đường cho bạn. Đừng suy nghĩ gì cả. Ngồi xuống và “thở đi, đừng lo lắng nữa”. Hãy để quyển sách này dẫn lối cho bạn đến với câu trả lời từ chính “tâm” của bạn nhé.

“Tâm sáng dung mạo sáng” dành cho những ai muốn nhắc nhở chính mình sống đẹp hơn mỗi ngày, và là một món quà vô cùng ý nghĩa dành tặng cho những người mình yêu thương, để cùng nhau khởi tâm đem thơm thảo đến thế gian này, gieo những nhân duyên an lành, sáng trong đến những người mình từng gặp trong đời.

Nếu bạn thấy nội dung phù hợp, hãy mua sách ủng hộ tác giả nha

Tâm sáng dung mạo sáng

Tóm tắt & Review sách Tâm sáng dung mạo sáng – Thích Giác Hiếu

Cungdocsach.vn

Click to rate this post!
[Total: 1 Average: 5]
Cảm nghĩ của bạn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây